I - Ăn óc heo có tác dụng gì với sức khỏe?
Óc heo không phải món ăn mà bất kỳ ai cũng thích, có người thì rất "nghiện" món ăn này bởi hương vị béo ngậy hấp dẫn, nhưng không ít người cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy món não lợn. Mặc dù các bác sĩ đều khuyến cáo không nên ăn quá nhiều óc heo bởi sẽ không tốt cho sức khỏe, thế nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều lợi ích của não lợn với sức khỏe con người:
Qua các phân tích chuyên sâu, các nhà khoa học đã nhận thấy trong óc heo có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe con người như: protein, axit amin (leucine, threonine, valine, lysine, phenylalanine, isoleucine, histidine và methionine), phospholipid, DHA, và rất nhiều khoáng chất quan trọng như Kali, Magie, Canxi, Sắt, Kẽm và Đồng. Ăn óc lợn sẽ có lợi cho sự lưu thông máu não, chống oxy hóa, hỗ trợ hệ thần kinh, tăng cường chuyển hóa và nâng cao hệ miễn dịch.
Tăng cường chuyển hóa lipid
Trong não lợn chứa rất nhiều Phospholipid, đây là chất rất quan trọng để tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid giúp ngăn ngừa khả năng lipid bị lắng đọng và ứ tụ trong gan. Phospholipid sẽ hỗ trợ ngăn không cho gan hấp thụ lipid và hỗ trợ thực hiện oxy hóa lipid.
Bổ sung dinh dưỡng
Óc heo cung cấp hàm lượng khá lớn các khoáng chất như Phosphor, Kali, Ca, Mg, Fe, Zn, và Cu. Đây đều là những dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể con người. Ví dụ: Kali sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Magie lại rất tốt cho hệ thần kinh, bảo vệ tế bào thần kinh và hạn chế các bệnh liên quan tới thần kinh. Fe hỗ trợ tốt cho sự phát triển của trí não và giúp tối ưu hoạt động của máu, ngăn ngừa chứng thiếu máu, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Hỗ trợ hệ miễn dịch và chuyển hóa
Số lượng và hàm lượng các axit amin thiết yếu như axit aspartic, cysteine, axit glutamic, glycine, leucine, methionine, proline, tryptophan và tyrosine được tìm thấy trong não lợn, những axit amin chức năng này sẽ giúp tăng cường chuyển hóa, hỗ trợ trao đổi chất và giúp ích cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
II - Ăn óc heo có bổ não không? Có giúp thông minh hơn không?
Trong quan niệm của nhiều người Việt Nam và châu Á thì nếu ăn não thì sẽ bổ não nên nhiều người thường coi óc lợn như món ăn quan trọng và có xu hướng sử dụng liên tục, với mong muốn rằng não bộ của mình sẽ tốt hơn. Thậm chí nhiều cha mẹ còn thường xuyên cho trẻ em ăn óc heo với suy nghĩ sẽ giúp chúng trở nên thông minh hơn.
Ở khía cạnh tác dụng của óc heo với não bộ, đúng là não lợn sẽ hỗ trợ rất tốt cho não người. Bởi óc heo chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, axit amin cần thiết cho hoạt động của não người, do đó ăn óc heo sẽ giúp con người cải thiện trí nhớ, hạn chế bị đau đầu, đau nửa đầu, rối loạn tiền đình, thiếu máu não...
Tuy ăn óc heo sẽ tốt cho não bộ, thế nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ giúp người ăn trở nên thông minh hơn. Bởi trí thông minh ở con người còn quyết định bởi rất nhiều yếu tố, và dinh dưỡng chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Kể cả ở trẻ em, bổ sung dưỡng chất cho não bộ sẽ chỉ hỗ trợ phần nào chứ không thể là bí quyết giúp một đứa trẻ từ kém thông minh thành thông minh được. Và thực tế cũng chưa có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào ủng hộ cho vấn đề này.
Nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần xét tới rủi ro tiềm ẩn khi ăn nhiều óc heo, bởi trong mỗi 100g óc heo thì có khoảng hơn 2000mg cholesterol. Mà với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên sử dụng không quá 300mg (trẻ em càng thấp hơn), do đó nếu duy trì ăn óc lợn quá nhiều sẽ dễ dẫn tới chứng xơ vữa động mạch, rất nguy hiểm.
Mà nếu so sánh hàm lượng đạm, vitamin, axit amin với những thực phẩm khác thì óc heo trở nên rất thua kém. Ví dụ nếu cần bổ sung đạm thì lựa chọn thịt heo sẽ tốt hơn rất nhiều so với óc heo, bởi thịt heo cho hàm lượng đạm và axit amin cao nhưng lại chứa rất ít cholesterol.
Vì thế có thể kết luận rằng, ăn óc heo vẫn tốt cho não bộ, nhưng sẽ không giúp trẻ em hay con người trở nên thông minh hơn được. Ngoài ra mỗi người cũng không nên ăn quá nhiều óc heo để tránh các rủi ro không đáng có về sức khỏe.
III - Những lưu ý khi ăn não lợn để tránh gây hại cho sức khỏe
Việc bổ sung óc heo để hỗ trợ chức năng não bộ tương đối tốt, tuy nhiên bạn vẫn cần chú tới một số vấn đề sau:
- Trong quá trình chế biến óc heo thành món ăn thì chúng ta không nên nấu với quá nhiều nước.
- Nấu khi chín tới, không nấu quá lâu vì sẽ khiến óc heo bị nát, bạn có thể áp dụng phương pháp đun cách thủy hoặc là hấp vì như vậy sẽ đảm bảo giữ được hết dinh dưỡng của óc heo. Nếu bạn nấu nhiều nước hoặc quá chín sẽ làm mất đi hàm lượng phospholipid có trong óc heo.
- Đối với những ai đang bị sốt hoặc nhiệt thì không nên ăn óc heo trong giai đoạn bệnh vì dễ phát sinh ra phong và nhiệt.
- Không nên ăn liên tục món óc heo, vừa khiến người bệnh dễ ngán lại vừa không tốt, dễ dẫn tới nguy cơ béo phì và mắc bệnh tim mạch. Chúng ta chỉ nên ăn từ 1 - 2 bữa mỗi tuần, mỗi bữa khoảng 30 - 50g.
Vậy, việc sử dụng óc heo có thể hỗ trợ cải thiện chức năng não bộ, tuy nhiên, bên cạnh việc bổ sung óc heo trong khẩu phần ăn, thì bạn nên xây dựng một chế độ ăn khoa học khác để có thể tăng cường chức năng não bộ một cách toàn diện hơn.