9 bài tập yoga cho người thiếu máu não | Kèm ảnh hướng dẫn

2023-09-21 10:32:00

Tình trạng thiếu máu não hiện nay ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng tăng ở người trẻ. Ngoài việc dùng thuốc thì cũng có một số bài tập yoga giúp cho máu lưu thông lên não rất tốt. Đây cũng là một lựa chọn điều trị vô cùng hợp lý bởi yoga vốn là bộ môn khá nhẹ nhàng giúp thư giãn tinh thần và mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ cơ thể. Chúng tôi sẽ chia sẻ tới bạn một số động tác yoga tốt và phù hợp nhất cho người bị thiếu máu não.

I - Các bài tập yoga cho người thiếu máu não

1. Gập người tư thế đứng

Tư thế đứng gập người (Standing Forward Bend) hay còn có thuật ngữ khác trong Yoga là Uttanasana, đây là bài tập yêu cầu đứng thẳng và cúi đầu sâu xuống đất, do đó sẽ giúp cải thiện máu lưu thông tới não rất hiệu quả và làm giảm căng thẳng cho hệ thần kinh.

Cách tập:

  • Đứng thẳng, hai chân rộng ngang hông, hai tay thả lỏng.
  • Hít một hơi thật sâu, sau đó đưa hai tay lên trên cao hơn đầu.
  • Cúi gập người về trước sao cho đầu sát mặt đất nhất có thể, trong quá trình gập thì thở đều và hai chân vẫn phải thẳng, không cong khuỵu.
  • Hai tay bám vào gót chân hoặc chạm tay vào sàn nhà.
  • Giữ tư thế trong khoảng 40 - 60 giây và hít thở đều.

động tác yoga đứng gập người trị thiếu máu não

2. Tư thế chó úp mặt

Tư thế chó úp mặt (Downward-Facing Dog Pose) với tên gọi trong bộ môn Yoga là Adho Mukha Svanasana, bài tập này không chỉ giúp máu chảy tới não tốt hơn mà còn giúp tăng cường sức mạnh của toàn cơ thể, đặc biệt là vùng cánh tay, vai, bụng và chân. Ngoài ra tư thế này cũng giúp cột sống được thư giãn hiệu quả.

Cách tập:

  • Quỳ gối với 2 tay chống lên sàn, bạn nên chuẩn bị thảm yoga để luyện tập hiệu quả hơn.
  • Dùng 2 tay nâng hông lên trên cao, kết hợp với việc nhấc chân bước về phía sau. Bạn căn chỉnh sao cho dáng người lúc này tạo thành chữ V ngược. Hai tay và hai chân thẳng, tạo thành các góc khoảng 45 độ so với mặt đất. Bàn tay xòe ra áp sát mặt thảm, chân hơi nhón gót lên.
  • Hít thở đều và giữ nguyên tư thế này từ 1 - 2 phút.

ĐỌC NGAY: Một số cách chữa thiếu máu não tại nhà nên tham khảo

tư thế chó úp mặt cho người thiếu máu não

3. Tư thế con cá

Động tác yoga tạo hình tư thế con cá (Matsyasana) sẽ giúp kéo dãn và kích thích các nhóm cơ ở vùng cổ, bụng, hông và đặc biệt nhất là giúp máu não tuần hoàn tốt hơn. Tuy nhiên đây là tư thế tương đối khó tập với người mới.

Cách tập:

  • Nằm thẳng trên thảm tập, để 2 tay khép phía dưới mông, cánh tay duỗi thẳng nhất có thể, tránh cong vẹo.
  • Dùng lực toàn thân đưa ngực nhô lên cao, bàn chân duỗi thẳng, đầu ngửa ra sau (khá giống động tác vươn người). Lúc này cẳng tay sẽ đóng vai trò như bệ đỡ thân thể. Cẳng tay và cánh tay tạo thành góc khoảng 50 độ.
  • Hít thở sâu, nhẹ nhàng và giữ tư thế này khoảng 3 - 5 phút.

bài yoga tạo tư thế con cá cho người thiếu máu não

4. Tư thế con lạc đà

Tư thế con lạc đà Camel Pose (Ustrasana) vừa có lợi cho người bị tuần hoàn máu não kém, vừa có lợi cho những người bị vấn đề về lưng. Bài tập này rất phù hợp cho dân văn phòng hay phải ngồi lâu, giúp giảm nguy cơ bị gù lưng hay đau lưng.

Cách tập:

  • Bắt đầu với tư thế quỳ, mông ngồi lên chân.
  • Dùng lực đưa người lên thẳng & vẫn giữ chân ở tư thế quỳ.
  • Hai tay chống ra sau lưng.
  • Từ từ chuyển sang chống tay vào gót chân và ngửa người về phía sau, tạo hình sao cho 2 tay bám vào gót chân theo phương thẳng đứng với mặt đất.
  • Ưỡn người và ngửa đầu về phía sau nhiều nhất có thể.
  • Hít thở đều và giữ tư thế này khoảng 40 - 60 giây.

tư thế con lạc dà trị thiếu máu não

5. Động tác gác chân lên tường

Ở tư thế nằm gác chân lên tương (Legs Up the Wall - Viparita Karani) sẽ kích thích lượng máu ở chân chảy ngược về tim nhiều hơn, từ đó giúp phần trên của cơ thể nhận được nhiều máu hơn, trong đó bao gồm cả não. Ngoài ra tư thế này cũng giúp tinh thần thư giãn, giảm căng thẳng nên sẽ hạn chế việc mạch máu co lại và làm ảnh hưởng tới khả năng lưu thông máu toàn cơ thể.

Cách tập:

  • Nằm ngửa xuống sàn nhà rồi tìm cách đưa áp sát 2 chân và mông vào tường (bạn có thể ngồi ngang và sát với tường, sau đó nằm xuống và đưa chân lên rồi dùng cơ mông đẩy người vào).
  • Hai tay để thả lỏng và dang sang 2 bên. Hít thở đều và giữ tư thế trong khoảng 3 - 4 phút.

tư thế gác chân lên tường chữa thiếu máu não

6. Tư thế con thỏ

Với tư thế con thỏ (Rabbit Pose - Shashankasana) vừa giúp máu lưu thông lên não hiệu quả hơn, vừa giúp giảm căng thẳng và các triệu chứng trầm cảm, mất ngủ. Ngoài ra còn giúp người tập cải thiện hệ tiêu hóa, giải phóng căng thẳng từ cổ, vai và lưng.

 Cách tập:

  • Quỳ xuống thảm và mông ngồi lên chân.
  • Đặt 2 tay xuống dưới mông và bám vào gót chân.
  • Từ từ nhấc mông lên và đổ người về phía trước, tay vẫn bám vào gót chân. Cúi đầu và gập người sao cho đầu chạm xuống đất.
  • Hít thở đều và giữ tư thế này khoảng 40 - 60 giây.

XEM THÊM: Người thiếu máu não có nên uống thêm sắt không?

tư thế con thỏ cho người thiếu máu não

7. Động tác quỳ cúi người về phía trước

Bài tập này có tên tiếng anh là Forward Bend Sitting on Heels hoặc thuật ngữ chuyên môn là Yoga Mudra. Động tác này giúp giảm căng thẳng, tăng lưu lượng máu cung cấp cho não và kích thích chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên người bị chóng mặt, huyết áp cao nên hạn chế tập động tác này.

Cách tập:

  • Quỳ trên thảm, ngồi thẳng lưng, mông ngồi lên chân và đặt tay thư giãn trên đùi.
  • Bắt chéo 2 tay ra sau lưng, giữ lưng thẳng.
  • Từ từ gập người về phía trước, tạo hình sao cho mông vẫn ngồi trên gót chân và đầu chạm xuống đất.
  • Hít thở đều và giữ tư thế này khoảng 1 - 2 phút.

bài yoga mudra cho người thiếu máu não

8. Tư thế em bé

Balasana là một bài tập với tư thế em bé, động tác trong bài tập này giúp não bộ được nghỉ ngơi, thư giãn, từ đó giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng và cải thiện sự tập trung tốt. Đây là bài tập giúp tăng cường khả năng tuần hoàn máu não hiệu quả.

Cách tập:

  • Ngồi quỳ gối và đặt mông ở gót chân và lưng thẳng.
  • Hạ người từ từ xuống dưới thảm, phần bụng đặt trên đùi, mặt và trán áp sát xuống thảm, mông vẫn áp sát vào gót chân.
  • Hai tay duỗi thẳng về phía trước trên thảm, lòng bàn tay úp xuống.
  • Hít thở đều và giữ tư thế này khoảng 2 - 3 phút.

NÊN ĐỌC: Các loại thuốc điều trị chứng thiếu máu não

tư thế em bé chữa thiếu máu não

9. Tư thế Bhumi Pada Mastakasana

Bài tập Bhumi Pada Mastakasana là động tác tương đối khó và không dành cho người mới tập Yoga, tuy nhiên động tác này sẽ giúp máu được chuyển tới não rất tốt. Ngoài ra động tác này cũng rất tốt cho cơ ở vùng cổ.

Cách tập:

  • Ngồi với tư thế quỳ và đặt mông trên gót chân.
  • Nhấc mông và vươn người lên theo phương thẳng đứng. Người và cẳng chân tạo với nhau 1 góc 90 độ. Sau đó đưa 2 tay ra phía trước, song song với mặt đất.
  • Gập người xuống sao cho đầu chạm đất, hai tay chụm sát đầu (khá giống tư thế vái lạy). Gót chân nhón lên và đỡ lực bằng ngón chân.
  • Dùng lực chân đẩy mông lên cao sao cho người tạo thành chữ V ngược. Đầu cũng hơi cuộn lên sao cho đỉnh đầu tiếp xúc với mặt đất.
  • Giữ thăng bằng bằng ngón chân, từ từ đưa 2 tay bắt chéo ra sau lưng.
  • Hít thở đều và giữ tư thế này khoảng 20 - 30 giây.

tư thế yoga bhumi pada mastakasana trị thiếu máu não

II - Những lưu ý cho người thiếu máu não khi tập yoga

Các bài tập yoga mang lại hiệu quả rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là những ai đang đối mặt với tình trạng thiếu máu não. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng ta cần lưu ý tới một số vấn đề sau:

  • Nếu bạn đang đối mặt với nhiều triệu chứng do thiếu máu não gây ra, thì lúc này khi thực hiện các bài tập yoga để cải thiện nên chú ý tránh không thực hiện những tư thế gây áp lực tới đốt sống cổ. Vì có thể sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
  • Thiếu máu não có thể được coi là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 
  • Việc thực hiện các bài tập cần có lộ trình rõ ràng, tránh không rút ngắn bài tập lại.
  • Trong quá trình tập, người bệnh chú ý tới nhịp thở, điều này sẽ tăng cường máu lưu thông tốt về vùng đầu.

Hi vọng với những bài tập yoga cho người thiếu máu não được chia sẻ trên đây, bạn đã tự chọn cho mình được những động tác phù hợp nhất với bản thân. Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài để được hỗ trợ tốt hơn.

Lên đầu trang
Loading