I. Bấm huyệt chữa nghẹt mũi có hiệu quả không?
Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp ở một số bệnh như nhiễm trùng xoang, ho cảm lạnh, mũi bị tổn thương, không khí ô nhiễm… Ngoài ra, nghẹt mũi cũng có thể đến từ những nguyên nhân khác như mũi có dị tật, chấn thương. Nghẹt mũi gây cảm giác khó chịu ở cả người lớn và trẻ em như giảm khả năng tập trung, khó thở gây gián đoạn giấc ngủ, mệt mỏi vì phải liên tục thở bằng miệng. Mặc dù gây nhiều phiền toái nhưng triệu chứng này không nghiêm trọng và hoàn toàn có thể giảm nhẹ nếu biết cách kiểm soát kịp thời, hiệu quả.
Nhiều người khi bị nghẹt mũi thường có thói quen dùng các loại thuốc xịt mũi, nhỏ mũi tiện lợi, thông mũi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ không an toàn cho sức khỏe. Chính vì thế mà nhiều người đã tìm đến các phương pháp dân gian như bấm huyệt để trị nghẹt mũi, sổ mũi, đau đầu mà không cần dùng thuốc. Phương pháp đơn giản này mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc trị nghẹt mũi và một số bệnh lý khác như cảm, sốt, ho, đau đầu.
Bấm huyệt trị nghẹt mũi, chảy nước mũi chủ yếu tập trung vào các huyệt đạo trên mặt, có thể áp dụng ngay khi xuất hiện triệu chứng. Việc tác động vào huyệt đạo giúp cơ thể điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc, tăng cường tuần hoàn máu dần dần giảm nhẹ đi cảm giác khó chịu tắc, nghẹt mũi, chảy nước mũi. Thực hiện đều đặn có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, sức đề kháng từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh vặt đặc biệt là mỗi khi thời tiết thay đổi.
Lưu ý rằng tùy vào từng trường hợp và phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người mà phương pháp bấm huyệt chữa trị nghẹt mũi sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Trong trường hợp nghẹt mũi do xuất hiện polyp mũi, vách ngăn mũi bị lệch, viêm amidan to… thì cần can thiệp ngoại khoa để cải thiện tình hình. Khi thấy tình trạng nghẹt mũi trở nặng, kéo dài nhiều ngày không khỏi cần đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Bấm huyệt là phương pháp dân gian trị nghẹt mũi bằng cách tác động lên các huyệt đạo trên mặt
>>> XEM THÊM: Nghẹt mũi ù tai là dấu hiệu của bệnh lý gì?
II. Trị nghẹt mũi bằng bấm huyệt thực hiện như thế nào?
Theo y học cổ truyền, bấm huyệt là phương pháp sử dụng lực của tay tác động vào các huyệt vị nhằm mục đích điều trị và phòng ngừa một số bệnh lý. Bấm huyệt cần thực hiện đúng kỹ thuật bởi người có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Vậy bấm huyệt đạo nào giúp điều trị nghẹt mũi? Phương pháp này mang lại lợi ích gì và cách thực hiện như thế nào?
1. Bấm huyệt ấn đường
Công dụng chính của huyệt đạo này là trừ phong giải biểu nên khi tác động vào sẽ làm loãng dịch nhầy bên trong làm thông thoáng mũi, giảm nhanh triệu chứng tắc nghẹt mũi. Bấm huyệt ấn đường cũng giúp giảm đau đầu, dưỡng tâm an thần, ngủ ngon sâu giấc, hỗ trợ điều trị cảm cúm rất tốt.
Huyệt ấn đường có vị trí nằm ở giao điểm của hai đường thẳng là đường chính trung (đường thẳng đi qua giữa mặt) và đường nối hai đầu cung lông mày.
Người bệnh thoa có thể chút dầu gió vào vị trí của huyệt để tăng tác dụng, sau đó dùng các ngón tay day ấn mạnh vào huyệt ấn đường trong khoảng từ 2 -3 phút. Khi cảm thấy trán nóng lên là cũng mũi được lưu thông, người bệnh sẽ thấy thoải mái hơn. Theo dõi sau khoảng một vài giờ, nếu vẫn còn bị ngạt mũi thì người bệnh tiếp tục thực hiện bấm huyệt để giảm đi cảm giác khó chịu.
2. Huyệt nghinh hương
Huyệt nghinh hương theo quan điểm trong y học cổ truyền là huyệt đạo quan trọng có tác dụng giúp thông tỷ khiếu, giải độc, tán phong ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh và triệu chứng bệnh về mũi như viêm mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi.
Bước quan trọng đầu tiên là xác định chính xác huyệt nghinh hương: Huyệt nằm sát cạnh cánh mũi, cách hai cánh mũi khoảng 0,9 - 1cm.
Dùng ngón tay cái bấm trực tiếp lên huyệt vị để tạo lực mạnh nhất. Day ấn cả hai bên huyệt trong khoảng thời gian từ 2 -3 phút giúp lưu thông đường hô hấp, thông mũi, hít thở dễ dàng hơn. Nghẹt mũi bên nào thì xoa, ấn huyệt nhiều ở bên đó.
Sau khi bấm huyệt xong, có thể thoa thêm một chút dầu hoặc dán miếng salonpas vào cả hai huyệt này để giúp làm ấm, từ đó cải thiện tốt hơn tình trạng chảy nước mũi.
Áp dụng thực hiện bấm huyệt nghinh hương hằng ngày từ 1 - 2 lần, tùy thuộc vào bệnh lý và thể trạng người bệnh để mang lại hiệu quả tốt nhất.
>>> XEM THÊM: Nghẹt mũi nhưng không có nước mũi- Triệu chứng của bệnh gì?
3. Bấm huyệt hợp cốc
Vị trí: Huyệt nằm ở vị trí thuận tiện, việc xác định không khó. Khi mở rộng hai ngón tay cái và ngón trỏ ra, có một vùng lõm sâu, sát nhất với xương nối giữa hai ngón tay này đó chính là huyệt hợp cốc.
Huyệt đạo có nhiều công dụng giúp thông khiếu, tán phong nhiệt, hỗ trợ điều trị các chứng cảm mạo, đau đầu, cảm sốt, chảy nước mũi.
Các bước thực hiện bấm huyệt hợp cốc trị nghẹt mũi:
- Dùng ngón tay cái để vừa kết hợp cả bấm và day huyệt để đạt được hiệu quả cao nhất. Sử dụng lực hơi mạnh có cảm giác hơi đau một chút là đạt yêu cầu.
- Người bệnh bấm và giữ trong khoảng 3 giây rồi thả ra, tiếp tục duy trì như vậy trong khoảng thời gian từ 1 - 3 phút. Có thể thoa một chút dầu gió vào để làm ấm khu vực này lên.
- Mỗi ngày thực hiện bấm huyệt hợp cốc tối thiểu từ 2 - 3 lần. Duy trì bấm huyệt đạo này đều đặn giúp kích thích hệ miễn dịch hoạt động tốt, phòng tránh được nhiều bệnh tật khi thời tiết thay đổi.
4. Huyệt ế phong
Theo y học cổ truyền, huyệt vị ế phong có tác dụng trị liệu hỗ trợ điều trị các vấn đề về ù tai, thiếu máu não, rối loạn tiền đình, ngủ kém, nghẹt mũi, sổ mũi.
Huyệt có vị trí nằm phía sau hai dái tai, sau mỏm nhọn cao nhất của xương chũm, chỗ hõm giao điểm dưới góc hàm và xương chũm. Người bệnh dùng tay ấn dái tai tới đâu, có cảm giác hơi nhói đau là huyệt vị nằm tại chỗ đó.
Các bước thực hiện bấm huyệt ế phong trị nghẹt mũi:
- Sau khi tìm đúng vị trí huyệt, day ấn mỗi bên từ 4 - 8 phút với lực vừa đủ, có thể kết hợp xoay ngón tay theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày giúp giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó thở. Bấm huyệt thường xuyên còn có tác dụng giúp giảm sưng tấy, phù nề đỏ mũi, mang lại cảm giác dễ chịu.
5. Bấm huyệt toản trúc trị nghẹt mũi
Huyệt toản trúc có vị trí xác định dễ dàng, huyệt nằm ở chỗ hõm đầu tiên, ngay phía dưới hai đầu lông mày. Đây là huyệt vị có thể hỗ trợ điều trị hiệu quả các chứng ngạt mũi, chóng mặt, mờ mắt, đau đầu, bệnh về thần kinh.
Khi bị nghẹt mũi, người bệnh có thể dùng ngón trỏ hoặc ngón cái day ấn hai huyệt toản trúc nhẹ nhàng trong khoảng từ 3 - 6 phút. Lặp lại động tác khoảng từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau vài phút. Lưu ý dùng lực vừa đủ, không quá nhẹ cũng không quá mạnh để tránh gây tổn thương tại khu vực huyệt đạo.
Thực hiện bấm huyệt từ 2 - 3 lần mỗi ngày giúp giảm nhanh tình trạng tắc nghẹt mũi khó chịu. Bên cạnh đó day bấm huyệt vị này trước khi đi ngủ giúp ngủ ngon sâu giấc.
6. Huyệt quyền liêu
Trước tiên cần làm là tìm đúng huyệt, sau đó sẽ tiến hành động tác kích thích vào đó để đem lại hiệu quả trị liệu.
Huyệt quyền liêu có vị trí nằm ở phía dưới xương gò má. Huyệt đạo này khi bị tác động giúp thông kinh, tán phong, giảm đau được dùng để trị một số các bệnh về đầu, mặt, viêm mũi, căng thẳng mất ngủ.
Người bệnh khi bị nghẹt mũi người bệnh chỉ cần ấn kết hợp day nhẹ khu vực này trong vòng 3 - 5 phút. Việc xoa bóp kích thích huyệt vị này có tác dụng giúp thông mũi, giảm nhanh nghẹt mũi, hít thở dễ dàng hơn.
Phương pháp bấm huyệt trị nghẹt mũi mang lại hiệu quả tích cực nhất định, đặc biệt là với những trường hợp mới chớm bị hoặc bị nhẹ. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài vài tuần liền không thuyên giảm, dịch mũi chảy ra nhiều thì việc áp dụng phương pháp này có thể không hiệu quả. Lúc này, người bệnh nên đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
Ngoài phương pháp bấm huyệt, một số biện pháp tự nhiên sau đây giúp có thể giúp kiểm soát nghẹt tắc mũi hiệu quả tại nhà như: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý, chườm khăn ấm, tắm nước ấm, uống nhiều nước... giúp làm loãng dịch mũi, tăng lưu thông máu, thông thoáng đường thở, giảm nghẹt tắc mũi.
Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp trên, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống khoa học và duy trì tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh lý gây nghẹt mũi.
Hy vọng thông qua bài viết trên người bệnh đã có thêm thông tin hữu ích về phương pháp bấm huyệt trị nghẹt mũi cũng như tác dụng mà phương pháp mang lại. Thực hiện đúng cách không chỉ giảm nghẹt tắc mũi mà còn tăng cường sức khỏe, phòng chống nhiều bệnh lý khác.