Cách bắt gió trị nhức đầu tại nhà hiệu quả nhanh chóng

2024-01-31 10:34:51

Bắt gió trị nhức đầu là một trong số những phương pháp chữa bệnh dân gian được rất nhiều người áp dụng để chữa đau đầu, cảm, sốt, nhức mỏi cơ thể... Tuy cách thức thực hiện khá đơn giản, không đòi hỏi thao tác phức tạp, nhưng nếu không tìm hiểu rõ về phương pháp thực hiện thì sẽ không mang lại hiệu quả như ý muốn, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cùng tìm hiểu thông tin về cách cạo gió, giựt gió làm giảm đau đầu và một số lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện qua bài viết dưới đây.

I - Bắt gió chữa nhức đầu có hiệu quả không?

Bắt gió (cạo gió) là phương pháp sử dụng các dụng cụ như thìa, dây chuyền bạc, nhẫn bạc, trứng gà luộc, sừng... kết hợp cùng một vài loại dược liệu quen thuộc trong đời sống thường ngày như rượu, gừng, ngải cứu, tỏi, lá trầu không... để tác động trực tiếp lên trán, cổ, vai, gáy, lưng, ngực, bụng, tay, chân.

Theo Đông y, phương pháp này mang đến một số lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe như:

  • Mở rộng lỗ chân lông, thúc đẩy hoạt động bài tiết độc tố ra ngoài cơ thể, tăng sức đề kháng.
  • Tăng cường lưu thông khí huyết, thông kinh lạc.
  • Thư giãn gân cốt, giảm căng cơ, đau nhức cổ, vai, lưng.
  • Giảm cảm giác buồn nôn, lạnh người, đau đầu, chóng mặt, nhức mỏi cơ thể.
  • Trị cảm mạo, cảm cúm, giảm sốt.
  • Giữ cho cơ thể ở trạng thái điều hòa âm dương.
  • Phục hồi và nâng cao chức năng cho một số cơ quan nội tạng.

Thông qua cơ chế đả thông kinh lạc, đẩy các chất độc trong cơ thể ra ngoài, cải thiện lưu thông máu lên não, phương pháp bắt gió có thể giúp giảm tình trạng đau đầu và mang đến cho bạn cảm giác khoan khoái, dễ chịu hơn cho người bệnh.

II - Các bước bắt gió nhức đầu đúng cách đảm bảo hiệu quả

  • Để thực hiện cách bắt gió nhức đầu đúng kỹ thuật, trước tiên bạn cần chuẩn bị một chiếc thìa nhỏ, đồng xu, nhẫn, sừng hoặc đồ vật có bề mặt nhẵn đã được vệ sinh cẩn thận.
  • Sau đó dùng lực cạo theo chiều từ cổ xuống hai bên bả vai, từ hai bên xương sống ra hai mạn sườn.
  • Khi cạo có thể kết hợp thoa dầu gió, dùng gừng tươi giã nát trộn với rượu hoặc lá trầu không giã nhỏ xoa trực tiếp lên vùng da đang cạo gió.
  • Cạo từng vùng với lực vừa phải trong 3 - 5 phút rồi ngưng.

Sau khi đánh gió xong, bạn nên ăn một bát cháo hành nóng hoặc uống một cốc nước gừng ấm và nghỉ ngơi, không nên vận động mạnh hoặc đi ra ngoài để tránh bị cảm.

Cách bắt gió, đánh gió chữa đau đầu hiệu quả

III - Mẹo giựt gió trị đau đầu hiệu quả trong 15 phút

Để trị dứt điểm cơn đau đầu nhanh chóng, bên cạnh cách bắt gió trị nhức đầu kể trên, bạn có thể áp dụng mẹo giựt gió cực đơn giản như sau:

  • Dùng 2 ngón tay giật mạnh lông mày và miết nhẹ theo chiều từ đầu lông mày đến thái dương.
  • Tại huyệt Ấn Đường (nằm giữa 2 đầu lông mày), ấn và day theo chiều hướng lên đỉnh đầu.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể xoa bóp, massage trên trán và xung quanh lông mày. Chỉ sau 15 phút, cảm giác đau nhức sẽ bớt hẳn và bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, thoải mái.

Xem thêm: Cách bấm huyệt trị đau đầu nhanh chóng

Cách giựt gió trị đau đầu

IV - Một số trường hợp không nên bắt gió, giựt gió

Cạo gió là cách giải cảm, trị bệnh và giảm đau đầu hữu hiệu, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng được phương pháp này. Nếu tùy tiện bắt gió, giựt gió cho một trong số những đối tượng dưới đây thì sẽ gây tổn hại đến sức khỏe và khiến tình trạng bệnh lý trở nên trầm trọng hơn:

1. Trẻ em

Làn da của trẻ khá mỏng manh và non nớt. Khi thực hiện cạo gió, giựt gió, nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương da của trẻ, thậm chí làm xung huyết, nhiễm trùng da. Bên cạnh đó, khi trẻ bị sốt cao, việc đánh gió sẽ càng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, gây nguy cơ co giật, hôn mê và biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Vì thế, không nên bắt gió, giựt gió cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi.

Tìm hiểu thêm: Trẻ nhỏ bị đau đầu là dấu hiệu bệnh gì?

2. Người bị đau đầu do cảm phong nhiệt

Khi bị cảm phong nhiệt, nhiệt độ cơ thể ở mức cao, nếu dùng phương pháp cạo gió để trị cảm ngược lại còn làm cho huyết áp tăng cao. Người bệnh có nguy cơ đối mặt với những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như đột quỵ, xuất huyết não, thậm chí là tử vong.

Hạn chế cạo gió khi bị cảm phong nhiệt

3. Người cao huyết áp, bệnh tim

Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc bệnh về tim mạch cũng tuyệt đối không được bắt gió, giựt gió để hạn chế cơn đau tim đột ngột xuất hiện. Tương tự với trường hợp cảm phong nhiệt, những người cao huyết áp cần tránh xa phương pháp này để hạn chế tối đa nguy cơ bị xuất huyết não, méo miệng, liệt nửa người.

4. Phụ nữ có thai

Những tác động mạnh mẽ từ việc bắt gió, giựt gió có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ. Thay vào đó, thai phụ có thể xoa bóp, massage nhẹ nhàng kết hợp nghỉ ngơi để cải thiện tình trạng bệnh.

5. Người đau vai gáy

Những cơn đau nhức vai gáy không những không thuyên giảm mà còn có thể trầm trọng hơn khi cạo gió, nguyên nhân là bởi các phản xạ co thắt cơ tự nhiên trong quá trình thực hiện.

Nên đọc: Cách làm giảm đau đầu sau gáy hiệu quả

Người hay đau vai gáy nên hạn chế bắt gió

6. Người bệnh máu không đông

Bắt gió, giựt gió có thể chèn ép và làm vỡ các mạch máu dưới da, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị chứng máu không đông.

V - Thường xuyên cạo gió chữa nhức đầu có ảnh hưởng gì không?

Bắt gió không phải lúc nào cũng là phương pháp trị nhức đầu hữu hiệu. Bởi đau đầu không chỉ là dấu hiệu của bệnh cảm, mà còn có thể là triệu chứng cảnh báo nhiều loại bệnh lý khác nhau. Nếu lạm dụng quá mức việc đánh gió để chữa nhức đầu có thể khiến tình trạng nặng thêm, thậm chí bỏ lỡ cơ hội phát hiện và điều trị sớm một số bệnh.

VI - Những lưu ý nên nhớ khi trị đau đầu bằng phương pháp bắt gió

  • Chỉ nên cạo gió trong 3 - 5 phút cho mỗi vùng trên cơ thể. Tuyệt đối không nên cạo quá lâu hoặc dùng lực quá mạnh để tránh làm da bị thương.
  • Dụng cụ cạo gió cần tác động theo phương thẳng đứng lên vùng da cần cạo, miết theo chiều từ hai bên cổ xuống bả vai, từ hai bên cột sống hướng ra mạn sườn.
  • Không nên chọn vị trí đánh gió ở giữa cột sống, không cạo gió lên vùng da bị trầy xước, lở loét, viêm nhiễm.
  • Khi cạo gió cần tiến hành trong phòng kín, tránh gió lùa. Sau khi cạo gió xong cần ở trong nhà nghỉ ngơi, thư giãn, giữ ấm cho cơ thể, không nên ra ngoài, tắm hoặc rửa tay chân bằng nước lạnh.

Trên đây là những lợi ích của bắt gió và cách bắt gió trị nhức đầu cho hiệu quả tức thời mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà. Đây không phải là phương pháp chữa bệnh có độ an toàn tuyệt đối, chính vì thế, người bệnh nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện.

Lên đầu trang
Loading