I - Nguyên nhân gây đau họng sau khi uống rượu bia
Bị đau họng sau uống rượu là một triệu chứng khó chịu nhưng không phải ai cũng bị mắc phải. Những nguyên nhân gây đau họng sau khi uống rượu có thể kể đến:
- Mất nước: Uống rượu khiến cho cơ thể mất nước dẫn đến khô họng. Họng bị khô rất dễ bị tổn thương hoặc viêm dẫn đến đau họng.
- Viêm: Rượu bia đối với cơ quan nội tạng cơ thể vốn dĩ là chất độc hại và nó có thể gây viêm cho rất nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả cổ họng. Rượu bia khi đi qua cổ họng có thể khiến cho niêm mạc họng bị kích ứng, gây nên cảm giác đau họng sau khi uống rượu.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: Rượu bia khi đi vào cơ thể thường làm ức chế và gây suy yếu hệ thống miễn dịch. Do đó người uống rượu bia nếu không cẩn thận sẽ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm trùng... và đau họng thường là triệu chứng rõ nét của những vấn đề này
- Trào ngược dạ dày: Lượng axit dạ dày thường sẽ tăng lên khi uống rượu bia nên ở một số người mắc bệnh lý dạ dày sẽ dễ bị trào ngược, axit dạ dày tiếp xúc với cổ họng sẽ gây đau rát khó chịu.
- Phản ứng dị ứng: Trong rượu bia có thể chứa nhiều loại phụ gia khác nhau, ở một số người bị dị ứng với các thành phần có trong rượu bia cũng sẽ dễ gặp tình trạng đau họng khi uống rượu bia.
II - Cách chữa đau họng sau khi uống rượu
Để cải thiện tình trạng đau họng sau khi uống rượu, có thể áp dụng những cách sau.
1. Dùng nước muối súc họng
Nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng có thể loại bỏ lượng cồn còn sót lại tại niêm mạc họng để tránh khiến họng bị tổn thương dẫn đến đau họng. Lưu ý không súc nước muối quá mặn vì độ mặn có thể làm xót niêm mạc họng đã bị tổn thương.
2. Uống thêm nước
Uống thêm nước giúp bù lại lượng nước đã bị mất do rượu khiến họng không còn bị khô. Ngoài ra uống nước cũng giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ các chất kích thích gây ảnh hưởng đến niêm mạc họng làm đau họng.
3. Ngậm gừng và mật ong
Gừng và mật ong là 2 nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm, dễ chế biến. Chỉ cần rửa sạch gừng, cạo vỏ và thái lát rồi ngâm với mật ong trong 15 phút. Ngậm gừng sau khi ngâm nhiều lần để cảm nhận hiệu quả giảm đau họng mà phương pháp này mang lại.
4. Uống nước vo gạo và diếp cá
Nước vo gạo là nguyên liệu đơn giản dễ làm, thêm chút rau diếp cá đã được rửa sạch và giã nát rồi đun sôi hỗn hợp trong 20 phút là có thể lọc lấy nước uống. Để giảm đau hiệu quả, uống khoảng 2 lần mỗi ngày.
5. Ngậm viên trị đau họng
Bạn có thể mua một số loại viên ngậm, siro hoặc thuốc chuyên dùng giảm cơn đau họng. Những sản phẩm này thường không cần kê đơn nhưng bạn cần chú ý về liều lượng sử dụng được in trên bao bì của sản phẩm.
III - Những lưu ý để hạn chế đau họng sau khi uống rượu
Để hạn chế đau họng sau khi uống rượu, cần lưu ý những điều sau:
- Chọn rượu nhẹ: Sử dụng rượu nhẹ sẽ hạn chế được tình trạng đau họng sau khi uống rượu vì độ cồn thấp, mức độ ảnh hưởng sẽ phần nào thấp hơn.
- Uống nước trong quá trình uống rượu: Để đảm đủ nước cho cơ thể, duy trì độ ẩm cho niêm mạc họng nhằm hạn chế tình trạng đau họng.
- Hạn chế uống rượu kèm các chất kích thích khác: Sử dụng nhiều loại chất kích thích cùng một lúc có thể làm tăng khả năng bị kích ứng niêm mạc, gây tổn thương và đau họng.
- Dừng uống và nghỉ ngơi: Một số người lầm tưởng rằng uống thêm rượu sẽ giúp khử trùng và giảm đau họng, nhưng thực tế càng uống thêm rượu bia thì càng làm cổ họng bị kích ứng nhiều hơn. Do đó giải pháp tốt nhất là không uống thêm rượu bia nữa và nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi giúp giảm áp lực cũng như những kích thích ở niêm mạc họng.
Việc uống rượu có thể gây kích thích họng gây đau họng nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra tình trạng đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên hạn chế tiêu thụ bia rượu để hạn chế những tác động tiêu cực đến cơ thể và bảo vệ sức khỏe bản thân.