I. Đánh cảm, giải cảm là gì?
Đánh cảm là biện pháp chữa trị bệnh phổ biến trong Y học cổ truyền, được sử dụng nhằm loại bỏ “khí độc” ra ngoài. Phương pháp này cũng đem lại tác dụng cân bằng âm dương, lưu thông khí huyết, giảm mệt mỏi và đả thông kinh mạch. Nhờ vậy mà đánh cảm có thể giúp cho người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Quá trình thực hiện đánh cảm có thể sử dụng một số loại nguyên liệu, phương tiện như: chanh, gừng, mật ong, rượu, trầu không, dầu gió, đồng bạc, chén, ly, thìa… Đánh cảm có thể áp dụng chữa trị cho nhiều loại bệnh, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn mửa, đau bụng), bệnh cảm với các biểu hiện sốt, đau nhức đầu, ho gió, ho khan, người mắc bệnh cảm nắng, trúng gió.
Đối với người đang mắc bệnh cảm (cảm lạnh, cảm cúm, cảm nóng…) thì biện pháp này có thể tăng cường bài tiết mồ hôi, hỗ trợ đưa mầm bệnh ra ngoài, từ đó giúp giảm sự tấn công của mầm bệnh lên cơ thể, rút ngắn thời gian điều trị và mau chóng khỏi bệnh hơn.
Đánh cảm là phương pháp trị bệnh trong Y học cổ truyền, tác dụng giúp loại bỏ “khí độc”, cân bằng âm dương, lưu thông khí huyết
>>> XEM THÊM: Tắm xong bị cảm lạnh: Nguyên nhân & Cách phòng ngừa hiệu quả
II. Hướng dẫn cách đánh cảm bằng chanh
Chanh là một loại trái cây cung cấp nguồn vitamin C dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể chống lại bệnh tật, chống viêm, giảm nhiễm trùng. Công dụng của chanh trong đánh cảm có thể kể đến như khi chà xát chanh lên da, tinh dầu của chanh sẽ tiếp xúc và thẩm thấu qua da tác động lên các huyệt đạo và kinh mạch, kích thích máu huyết lưu thông, giãn cơ, giảm đau, giảm viêm và giải cảm. Bên cạnh đó, khi chanh được làm nóng thì càng tăng cường hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy đánh cảm bằng chanh mang lại hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng trong việc giải cảm và giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm. Các bước thực hiện đánh cảm bằng chanh bao gồm:
1. Nguyên liệu
Trước hết bạn cần có các nguyên liệu như: một quả chanh (đã rửa sạch với nước muối), khăn vải mềm sạch.
2. Cách thực hiện
- Nướng chanh trên bếp, cho lửa vừa phải, vừa đủ nóng quả, tránh nướng cháy quả chanh.
- Cho cả quả chanh đã nướng vào một chiếc khăn mềm, mỏng.
- Để người bệnh nằm thoải mái trên giường và dùng khăn bọc chanh miết theo chiều dọc cơ thể, từ đầu xuống hết vùng lưng, chân. Đánh cảm theo hướng từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Tập trung vào những khu vực như vùng gáy, vai, lưng, cánh tay và lòng bàn chân.
- Sau đó dùng khăn mềm lau sạch vùng da đã được đánh cảm, uống thêm cốc nước ấm để điều hòa nhiệt độ trong cơ thể.
Mỗi lần thực hiện đánh cảm khoảng 5-10 phút, nếu quả chanh không còn nóng nữa thì bạn có thể thay bằng quả chanh đã nướng khác.
Đánh cảm bằng chanh mang lại hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng trong việc giải cảm
XEM THÊM: Cảm lạnh có lây không? Cách phòng ngừa lây nhiễm cảm lạnh
III. Lưu ý khi đánh cảm bằng chanh
Dưới đây là một số lưu ý giúp đánh cảm bằng chanh đem lại hiệu quả tốt và an toàn cho sức khỏe:
1. Vị trí đánh cảm
Bạn có thể đánh cảm bằng chanh ở các vị trí dọc thân người theo thứ tự như: hai bên cổ, sau đó xuống hết hai bả vai, hai bên mạn sườn, và toàn bộ vùng lưng. Tuy nhiên không được đánh cảm ở vùng giữa cột sống lưng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh đánh cảm bằng chanh lên vùng da có vết thương hở vì có thể làm cho vết thương bị nhiễm trùng, khó lành và cản trở quá trình liền sẹo.
2. Lực sử dụng để đánh cảm
Bạn nên thực hiện đánh cảm bằng chanh với lực vừa phải. Nếu lực đánh cảm quá mạnh có thể làm cho làn da bị tổn thương, gây bong rát hoặc chảy máu da. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về da liễu cho người bệnh.
3. Tư thế và không gian đánh cảm
Khi tiến hành đánh cảm bằng chanh, bạn nên lựa chọn không gian kín gió và rộng rãi để giúp cơ thể được thả lỏng và thư giãn. Thời gian cho mỗi lần đánh nên dưới 5 phút, không đánh cảm lâu vì có thể gây hại cho da, hoặc tác động không tốt đến sức khỏe.
Trong quá trình đánh cảm, bạn nên đánh theo chiều dọc của cơ thể, khi đánh cảm ở vị trí lưng thì nên tác động mạnh hơn các vị trí khác một chút, sau đó di chuyển sang các khu vực khác.
4. Thời điểm tránh đánh cảm
Không nên thực hiện biện pháp này khi cơ thể đang đổ nhiều mồ hôi hoặc bị suy nhược vì điều này có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, tác dụng ngược. Nên đánh cảm bằng chanh khi thân nhiệt ổn định, người ấm áp. Bên cạnh đó, sau khi đánh cảm thì cần tránh để người bệnh tiếp xúc với gió lạnh vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
5. Những đối tượng không nên đánh cảm
Theo các chuyên gia, các trường hợp sau đây không nên áp dụng phương pháp đánh cảm, cạo gió:
- Trẻ nhỏ: Làn da của các em bé thường mỏng, dễ bị tổn thương khi thực hiện đánh cảm bằng chanh. Vì vậy phụ huynh không nên thực hiện phương pháp này với các bé.
- Phụ nữ đang mang bầu: Nếu áp dụng phương pháp đánh cảm bằng chanh cho phụ nữ đang mang bầu thì có thể gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ tới em bé trong bụng mẹ, thậm chí là tác động lực vào em bé.
- Người bị cảm nhiệt: Nhiệt độ cơ thể của những người mắc bệnh cảm nhiệt thường rất cao do bị nhiễm độc nội sinh, nên nếu áp dụng biện pháp này có thể khiến cho thân nhiệt tăng quá mức. Từ đó dẫn đến tăng huyết áp, ớn lạnh, làn da bị xung huyết, đau nhức đầu...
- Người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp: Các tác động đánh cảm bằng chanh lên làn da có thể làm tăng áp lực máu lên thành mạch, giãn mạch, gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và khiến những bệnh lý này trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người mắc bệnh máu khó đông: Đánh cảm có thể gây tổn thương hoặc phá hủy mạch máu, gây chảy máu. Và điều này có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mắc bệnh máu khó đông.
Hy vọng rằng với những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp các bạn có thể thực hiện cách đánh cảm bằng chanh an toàn và có hiệu quả cao. Chúc bạn sớm khỏi bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.