I. Công dụng của lá ngải cứu trong chữa trị bệnh
Từ xưa đến nay, lá ngải cứu được biết đến như một loại thảo dược quý có mùi thơm đặc trưng. Không chỉ vậy tất cả các bộ phận của cây ngải cứu đều đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trị bệnh và được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian từ lâu đời.
Theo nghiên cứu từ y học hiện đại, lá ngải cứu chứa nhiều thành phần hoạt chất quý giá như tetradecatrilin, chamazulene, rachel ancol, dehydromatricaria ester, monoterpen… có tác dụng hiệu quả trong điều trị và hỗ trợ phòng ngừa nhiều bệnh lý.
- Giảm đau và chống viêm: Artemisinin - một hợp chất thực vật có trong ngải cứu, có tác dụng giúp chống lại chứng viêm trong cơ thể. Giúp làm giảm các triệu chứng viêm đau, đỏ, nóng, sưng, thường được sử dụng cho người bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp.
- Đặc tính chống oxy hóa: Trong ngải cứu có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ bao gồm thujone, chamazulene, polyphenol, flavonoid và vitamin C. Những hợp chất này giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch và bệnh Alzheimer...
- Chống lại ký sinh trùng: Ngải cứu cũng được coi là phương thuốc hữu hiệu điều trị nhiễm giun đường ruột bao gồm giun sán, giun kim, giun đũa, sán dây (những loại ký sinh trùng gây ra các bệnh về đường tiêu hóa).
- Chống lại vi khuẩn và nấm: Ngải cứu được chứng minh sở hữu hoạt tính chống lại loại vi khuẩn gây nhiễm trùng da và mô mềm và kháng được loại nấm gây ra bệnh tưa miệng cũng như một vài bệnh khác.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Giúp làm giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, bệnh túi mật, bệnh Crohn.
Đặc biệt, lá ngải cứu còn được sử dụng rộng rãi trong việc khắc phục chứng cảm lạnh thông thường, giúp lưu thông khí huyết, làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của bệnh.
>>> XEM THÊM: Hướng dẫn đánh cảm bằng chanh giúp giải cảm hiệu quả
II. Hướng dẫn đánh cảm bằng lá ngải cứu
Ngải cứu là một loại dược liệu tự nhiên trị cảm mạo an toàn nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Lưu ý phương pháp đánh cám chỉ hiệu quả với các trường hợp cảm mạo thông thường như cảm lạnh, cảm nắng, cảm gió và giúp cải thiện giảm nhẹ các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, họ nhẹ...
Khi đánh cám bằng lá ngải cứu, người bệnh sẽ nhanh chóng cảm thấy cảm giác ấm áp dễ chịu, nhiệt độ từ lá ngải cứu giúp kích thích khí huyết lưu thông, đả thông kinh mạch nhất là kinh mạch phong hàn, mùi hương dịu nhẹ từ tinh dầu của loại lá này giúp thư giãn tinh thần. Các hoạt chất trong lá ngải cứu sẽ nhanh chóng tác dụng giúp giảm đau nhức cơ, đau đầu do cảm gây ra.
Các bước đánh cảm bằng lá ngải cứu được thực hiện như sau:
1. Nguyên liệu
- Lá ngải cứu.
- Cám gạo.
- Khăn mỏng.
2. Cách thực hiện
- Cám gạo đem rang lên, sau khi cám đã rang nóng thì cho lá ngải cứu vào rang cùng, rang đến khi lá có mùi thơm và săn lại thì tắt bếp.
- Cho hết chỗ cám và lá trên vào chiếc khăn mỏng, buộc kín lại rồi bắt đầu thực hiện đánh cảm.
- Bắt đầu đánh cảm từ vị trí đỉnh đầu rồi dần dần trở xuống mặt, ngực, bụng, tay, chân và kết thúc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Nếu gói lá ngải cứu và cám gạo bị nguội, bạn nên đổ ra rang lại cho ấm rồi lặp lại các bước trên và tiếp tục đánh gió.
Đánh cảm bằng lá ngải cứu kết hợp cám gạo
>>> XEM THÊM: Người bị cảm có nên uống nước dừa không?
III. Một số lưu ý khi đánh cảm bằng lá ngải cứu
Đánh cảm bằng lá ngải cứu tuy là giải pháp an toàn, dễ thực hiện tại nhà nhưng sẽ chỉ đem lại hiệu quả trong các trường hợp cảm gió thông thường hay cảm do phong hàn, còn đối với những trường hợp cảm xuất phát từ các nguyên nhân khác như do vi khuẩn, vi rút…, tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp khác. Bên cạnh đó đánh cảm bằng lá ngải cứu có một số lưu ý như sau:
- Chỉ nên dùng lá ngải cứu tươi xanh, còn nguyên vẹn và có mùi đặc trưng, không bị nấm mốc, héo úa.
- Đánh cảm trong phòng kín, tránh gió lùa.
- Thực hiện việc đánh cảm một cách chính xác: Chà xát, miết túi vải bọc lá ngải cứu (đã được rang nóng) từ trên xuống dưới một cách nhẹ nhàng, có thể thoa thêm một chút dầu gió, lưu ý đến các vùng như chân, bụng, lưng, ngực, tay, gáy, đỉnh đầu.
- Thực hiện việc đánh cảm với một lực vừa phải, tránh dùng lực quá mạnh, tốt nhất nên xem phản ứng của cơ thể.
- Về thời gian và tần suất, người bệnh chỉ nên thực hiện đánh cảm bằng lá ngải cứu tối đa 2 đến 3 lần/ngày, mỗi lần từ 5 - 10 phút.
- Nghỉ ngơi ở trong phòng kín, tránh bị gió lùa lạnh sau khi đã đánh cảm xong.
- Phụ nữ đang có thai hoặc sau sinh, người mới ốm dậy, người có làn da mẫn cảm, người bệnh huyết áp, tim mạch, trẻ em dưới 3 tháng tuổi không nên thực hiện đánh cảm bằng lá ngải cứu.
- Trong trường hợp các triệu chứng cảm không được cải thiện sau khi đánh cảm, thậm chí còn bị nặng hơn, người bệnh nên tới bệnh viện để thăm khám.
Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp người bệnh hiểu được rõ nhất về tác dụng của lá ngải cũng như các đánh cảm bằng lá ngải cứu một cách hiệu quả nhất - Một giải pháp an toàn giúp cải thiện giảm nhẹ nhanh các triệu chứng cảm thông thường.