Hướng dẫn cách đánh cảm bằng lá trầu không

2024-07-19 11:37:58

Trong y học dân gian lá trầu không từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng chữa bệnh, trong đó có đánh cảm, cải thiện nhanh các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức cơ thể và cảm lạnh. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp tự nhiên để cải thiện tình trạng cảm mạo cảm lạnh, hãy cùng khám phá hướng dẫn sau đây về cách đánh cảm bằng lá trầu không.

I. Công dụng của lá trầu không trong chữa trị bệnh

Trầu không có tên khoa học là Piper betle L, họ Hồ tiêu Piperaceae. Trầu không là dạng cây dây leo, cây mọc khá xum xuê mà không cần nhiều công chăm bón. Dân gian thường lấy lá trầu không để dùng làm thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh cảm lạnh hoặc cảm mạo. 

Trong Y học cổ truyền, lá trầu không được sử dụng để chữa trị cảm mạo, cảm lạnh. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy lá trầu không có khả năng hỗ trợ làm giảm triệu chứng của bệnh cảm như giảm ho, long đờm. Ngoài ra, lá trầu không còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp tăng cường sức đề kháng từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục cho người mắc bệnh cảm.

Trong lá trầu không có các thành phần như protein, sắt, canxi, photpho, chất béo, nước, carotene, riboflavin… và các khoáng chất như vitamic C, vitamin E, kẽm, magie có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và tăng khả năng ức chế mầm bệnh (nhất là vi rút) gây cảm mạo, cảm lạnh.

Bên cạnh đó, loại dược liệu này cũng có tính chất kháng khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn gây bội nhiễm từ đó giúp người bệnh hạn chế biến chứng bội nhiễm do bệnh cảm lạnh, cảm mạo gây ra.

đánh cảm bằng lá trầu không

Lá trầu không có tác dụng giảm ho, long đờm và thúc đẩy hồi phục ở người mắc bệnh cảm

>>> XEM THÊM: Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm: Khác biệt và phòng ngừa

II. Cách đánh cảm bằng lá trầu không

Để thực hiện đánh cảm bằng lá trầu không bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Vài lá trầu không (khoảng 4-5 lá).
  • 1 chén rượu trắng.
  • Vải mòng.
  • 1 đồ dùng nhẵn và không sắc (đồng xu hoặc thìa bằng bạc).

Dưới đây là các bước thực hiện đánh cảm :

  • Lá trầu không đem rửa sạch và giã nát rồi bọc vào trong vải mỏng. Bạn có thể tẩm rượu vào lá trầu không để tăng hiệu quả của biện pháp này. Nên làm nóng lá trầu không trước khi đánh cảm. 
  • Thoa vải bọc lá trầu không nhúng rượu lên các vị trí cần cạo gió, có thể miết trực tiếp bọc lá này hoặc dùng thìa hoặc đồng xu đã chuẩn bị để đánh cảm.
  • Lần lượt đánh cảm theo các vị trí: cổ gáy, vùng vai, toàn bộ vùng lưng (chú ý không tác động vào cột sống lưng, chỉ miết vào hai bên cột sống). 
  • Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng khó chịu ở vùng họng như bị ho, ngứa họng, chân tay lạnh hoặc lạnh bụng thì bạn cũng có thể đánh cảm ở các vị trí này nhưng nhớ cần theo nguyên lý chiều từ trên xuống dưới, từ giữa cơ thể sang hai bên và từ trái qua phải (theo hướng lưu thông khí huyết trong cơ thể, giải phóng tắc nghẽn và cải thiện lưu thông máu).

Lưu ý: Nếu trong quá trình đánh cảm mà lá trầu không đủ nhiệt ấm thì bạn nên làm nóng lại lá trầu không và tiếp tục đánh cảm. 

III. Lưu ý khi sử dụng lá trầu không đánh cảm 

Đanh cảm bằng lá trầu không là phương pháp dân gian áp dụng tại nhà cho kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên cũng có một số lưu ý bạn cần quan tâm để đánh cảm cho hiệu quả tốt nhất:

  • Sử dụng lá trầu không đánh cảm chỉ mang lại hiệu quả khi bạn thực hiện đúng cách, tác động vào đúng huyệt trên cơ thể. Còn nếu áp dụng sai cách, không đúng huyệt đạo có thể gây tổn thương ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu như bạn chưa thể xác định chính xác vị trí huyệt thì không nên tiến hành biện pháp này. 
  • Chỉ nên thực hiện phương pháp này cho những người mắc triệu chứng cảm lạnh, cảm mạo thông thường, không áp dụng được cho các trường hợp cảm nặng, cảm do nấm, vi khuẩn hay dị ứng. Bên cạnh đó, có một số đối tượng cũng không nên áp dụng đánh cảm bằng lá trầu không bao gồm: người đang sốt cao, tăng huyết áp, có vấn đề da liễu, phụ nữ đang mang thai.
  • Khi đánh cảm bằng lá trầu không, nên tiến hành trong không gian kín đáo, hạn chế để người bệnh tiếp xúc với gió. Tư thế người bệnh tốt nhất là nằm thẳng, thả lỏng cơ thể.

đánh cảm bằng lá trầu không

>>> XEM THÊM: Hướng dẫn cách đánh cảm bằng gừng đơn giản, hiệu quả

IV. Một số bài thuốc chữa bệnh khác từ lá trầu không

Ngoài đánh cảm bằng lá trầu không để chữa trị bệnh cảm mạo, loại lá này còn có nhiều tác dụng chữa bệnh khác như sau:

1. Sát khuẩn vết thương

Theo các nghiên cứu, lá trầu không có thể giúp giảm tình trạng viêm nhiễm và làm sạch vết thương nhờ hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn của hoạt chất flavonoid. Bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây sử dụng lá trầu không để chữa lành và làm sạch vết thương: 

Chữa lành vết thương với lá trầu không

  • Chuẩn bị nguyên liệu: lá cỏ răng cưa, lá trầu không, lá thanh táo với tỷ lệ tương đương nhau.
  • Rửa sạch các thảo dược này, giã nát và đặt chúng lên khu vực da cần chữa trị.

Làm sạch vết thương trên da

  • Rửa sạch một nắm lá trầu không, cho lá trầu không vào nồi nước và đun sôi. 
  • Đợi một chút cho nước giảm nhiệt độ, chắt lấy phần nước.
  • Hòa một chút phèn phi vào phần nước lá trầu không, khuấy đều và dùng chúng để rửa vết thương.

2. Chữa mụn nhọt

Lá trầu không có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, giúp phục hồi tổn thương trên da và giảm tình trạng kích ứng trên da. Do vậy, có thể sử dụng lá trầu không để chữa trị mụn nhọt và một số vấn đề da liễu. Lá trầu không cũng có thể dùng để cải thiện tình trạng mụn nhọt. Cách sử dụng như sau: 

  • Chuẩn bị nguyên liệu: hoa dâm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm với tỷ lệ ngang bằng nhau.
  • Rửa sạch các loại thảo dược, giã nát và đặt lên vùng da đang cần chữa mụn nhọt.

3. Chữa hôi miệng, sâu răng

Một số thành phần có trong lá trầu không, điển hình là các flavonoid có tác dụng kìm hãm vi khuẩn trong khoang miệng, giảm thiểu tình trạng sâu răng và giúp hơi thở đỡ mùi hơn. Cách chữa sâu răng, hôi miệng bằng lá trầu không như sau:

  • Ngâm vài lá trầu không vào trong nước muối loãng, sau đó rửa sạch lại với nước.
  • Nhai nhuyễn lá trầu không.
  • Ngậm bã trầu không trong khoang miệng trong khoảng vài phút. Tiếp theo đó, nhổ loại bỏ bã trầu không ra ngoài. 
  • Tiếp tục bạn cần súc miệng lại bằng nước muối.

Nếu cảm thấy việc nhai lá trầu không quá cay nồng thì bạn có thể đổi sang áp dụng biện pháp khác (dùng chanh, mật ong, hoặc gừng).

4. Chữa viêm họng

Một số thành phần hoạt chất có trong lá trầu không có tác dụng ức chế phản ứng viêm, làm giảm tình trạng viêm họng, ví dụ như: chavicol, candinel, cineol… Để chữa viêm họng bằng lá trầu không, bạn có thể kết hợp lá trầu không với các dược liệu khác theo các bước hướng dẫn như sau:

  • Chuẩn bị các thảo dược: lá trầu không, lá húng quế, gừng, lá bạc hà, mật ong.
  • Rửa sạch các nguyên liệu này, dùng chày cối để giã nát các loại lá đã chuẩn bị hoặc nghiền bằng máy, sau đó gạn lấy phần nước.
  • Hòa trộn phần nước cốt cùng với gừng và mật ong.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn về phương pháp đánh cảm bằng trầu không. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu hỗ trợ điều trị cảm mạo, cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện đúng cách và kết hợp với các phương pháp điều trị khác để có được hiệu quả tốt nhất.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ