Đau đầu nên bôi dầu gió ở đâu để hết nhức đầu nhanh chóng?

2023-10-16 16:11:18

Có phải bạn đã từng nghe nhiều người nói rằng có thể dùng dầu gió để giảm đau đầu? Nhưng bạn lại không biết liệu chúng có thật sự hiệu quả không? Và nếu như sử dụng được thì phải lưu ý vấn đề gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc trên.

I - Khi bị đau đầu có nên bôi dầu gió không?

Dầu gió là sản phẩm có chứa thành phần chủ yếu là tinh dầu (bạc hà, hương nhu, quế, thông, long não…), được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: sát khuẩn, thông mũi xoang, giảm ho.

Ngoài ra, dầu gió còn có tác dụng giảm đau đầu nhờ vào cơ chế tác động như:

  • Kích thích máu lưu thông ở não bộ: Dầu gió có chứa nhiều thành phần có tính hoạt huyết, chẳng hạn như Methyl salicylate có tác dụng làm mạch máu giãn rộng, từ đó kích thích máu thông tại não bộ và giảm đau đầu hiệu quả. 
  • Giảm sự căng thẳng, căng cơ: Việc thoa tinh dầu đúng cách còn có tác dụng đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn cơ và thần kinh. Vậy nên việc sử dụng dầu gió cũng là biện giúp giảm đau đầu do căng thẳng hiệu quả.

Với khả năng kích thích lưu thông máu và làm giảm căng thẳng, căng cơ, người bệnh hoàn toàn có thể bôi dầu gió để làm giảm các triệu chứng đau đầu, đặc biệt là trong những trường đau đầu do cảm cúm, căng thẳng, đau cơ, đau đầu khi trời lạnh... 

II - Đau đầu nên bôi dầu gió ở vị trí nào?

Để giúp làm giảm đau nhức đầu hiệu quả, an toàn thì bạn nên bôi dầu gió tại trán hoặc hai bên thái dương tùy theo triệu chứng và vị trí đau đầu gặp phải.

- Hai bên thái dương: Khi thoa dầu gió tại vị trí này sẽ làm giảm hiện tượng căng thẳng dây thần kinh, hỗ trợ tuần hoàn máu ở động mạch cảnh lên não bộ. Điều này sẽ giúp giảm ngay đau đầu, giúp giảm hoa mắt chóng mặt. 

Cách bôi dầu gió vào hai bên thái dương được thực hiện như sau: Cho một lượng nhỏ dầu gió vào đầu ngón tay trỏ, sau đó thoa lên hai bên thái dương, kết hợp với động tác mát xa theo chiều kim đồng hồ trong 3 phút.

- Trán: Với những trường hợp đau đầu do căng thẳng, hoặc đau đầu do viêm xoang thì có thể thoa dầu gió ở vùng trán. Đây cũng là bộ phận “quy tụ” nhiều huyệt đạo, có thể tác động vào đây để giảm đau thần kinh, giúp lấy lại sự cân bằng cho trí não và đem đến cảm giác thư thái cho người bệnh. 

Cách bôi thoa dầu gió vào trán như sau (tương tự như cách bên trên): Cho một lượng nhỏ dầu gió vào đầu ngón tay trỏ, sau đó thoa lên khắp trán, kết hợp với động tác mát xa theo chiều kim đồng hồ trong 3 phút.

Đau đầu bôi dầu gió ở trán hoặc thái dương

Hai vị trí an toàn, mang lại hiệu quả giảm nhức đầu là thái dương và trán

Ngoài những cách nêu trên, người bệnh đau đầu nên dùng dầu gió để cải thiện trạng thái đau nhức đầu bằng những cách như sau:

  • Hít dầu gió: Bạn có thể nhỏ một vài giọt dầu gió ra khăn giấy, và đưa khăn giấy lại gần mũi và hít thở sâu.
  • Thấm vào khăn rồi chườm lên đầu: Ngâm một chiếc khăn mềm vào nước lạnh, sau đó thêm một vài giọt dầu gió hòa lẫn vào nước lạnh. Và tiếp theo đó, bạn vắt kiệt chiếc khăn mềm và chườm lên đầu.
  • Pha dầu gió với nước ấm để tắm: Chuẩn bị chậu nước ấm để tắm, thêm một chút dầu gió vào chậu nước ấm và tiến hành tắm.

III - Thoa dầu gió khi bị đau đầu cần lưu ý điều gì?

Khi sử dụng dầu gió để chặn đứng cơn đau đầu thì bạn cần lưu ý những vấn đề như sau:

  • Trước khi bôi thoa dầu gió, bạn cần làm sạch da để giúp cho các hợp chất có trong dầu gió dễ dàng thẩm thấu vào sâu trong da.
  • Tuyệt đối không uống dầu gió vì rất độc, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng và chỉ nên dùng dầu gió theo đường ngoài da.
  • Các trường hợp không dùng dầu gió bao gồm: Phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ đang cho con bú, không bôi dầu gió vào mũi của trẻ nhỏ để tránh ảnh hưởng đến hô hấp.
  • Không lạm dụng sử dụng dầu gió quá mức, chỉ nên dùng dưới 3 lần mỗi ngày.
  • Không bôi dầu gió vào vùng da đang bị trầy xước hoặc da bị vết thương hở, không thoa dầu gió vào mắt.
  • Dầu gió có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: kích ứng da và niêm mạc, làm rộp da, khó thở hoặc suy hô hấp, hạ thân nhiệt quá lạnh dẫn đến cảm lạnh. Vì vậy, nếu phát hiện thấy sự bất thường khi dùng dầu gió thì bạn cần lập tức không dùng nữa, đến các cơ sở y tế để khám và can thiệp kịp thời.

Tìm hiểu thêm: Đau đầu có nên gội đầu không?

Những lưu ý khi bôi dầu gió khi đau đầu

Không nên bôi tinh dầu vào các vùng da trầy xước, vùng mắt hoặc miệng

IV - Có nên thường xuyên xức dầu gió mỗi khi bị đau đầu không?

Giảm đau đầu bằng dầu gió chỉ là tình thế tạm thời, chứ không phải là hướng điều trị lâu dài. Hơn nữa, xoa bôi dầu gió không có tác dụng với những trường đau đầu nặng, đau đầu liên quan đến bệnh lý. Nhiều người sử dụng dầu gió nhiều quá mức còn phải đối mặt với nguy cơ như: đau đầu nặng hơn, niêm mạc mũi bị kích ứng, da tổn thương bỏng rát.

Vì vậy, bên cạnh việc bôi dầu gió thì người bệnh nên kết hợp thêm với các biện pháp khác để giảm đau đầu nhằm tăng cường hiệu quả chữa bệnh, giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

Một số biện pháp chữa nhức đầu tại nhà thường được áp dụng như:

  • Nghỉ ngơi: Hãy để đầu óc được thư giãn thoải mái, tránh khỏi những áp lực căng thẳng, bộn bề của cuộc sống để giảm đi hiện tượng đau nhức đầu. 
  • Hạn chế các tác nhân kích thích đau đầu: Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu, chẳng hạn như căng thẳng quá mức, sử dụng các chất kích thích… Vì vậy, bạn cần tránh xa những yếu tố nguy cơ này để tránh cho đau đầu ngày càng nghiêm trọng hơn. 
  • Uống đủ nước: Nước là thành phần chủ yếu cấu thành nên não bộ, để não bộ vận hành tốt và không còn đau đầu thì đừng quên bổ sung đầy đủ nước uống. Mỗi ngày nên uống khoảng 1.5 lít nước để cơ thể luôn khỏe mạnh, và giảm thiểu đau đầu.
  • Thực phẩm: Nên lựa chọn những loại thực phẩm có tác dụng đẩy lùi đau nhức đầu, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm (B1, B2, B6, B12) giúp tăng cường chức năng hệ thần kinh, giảm đau đầu hiệu quả. Ví dụ như: Cá hồi, khoai lang, quả bơ...
  • Hạn chế nhức mỏi mắt do xem quá nhiều ti vi hoặc dùng quá nhiều máy tính, điện thoại di động: Đôi khi cơn đau đầu có thể bắt nguồn từ việc nhức mỏi mắt, căng thẳng mắt do dùng quá lâu các thiết bị điện tử. Do vậy, cần giảm thời gian tiếp xúc với các thiết bị này để hạn chế đau nhức đầu.
  • Sử dụng thuốc giảm đau đầu: Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà không có hiệu quả thì có thể uống thuốc giảm đau, thế nhưng việc dùng loại thuốc này chỉ mang lại hiệu quả nhất thời mà không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Bạn có thể tham khảo một số loại thuốc giảm đau đầu như: Paracetamol, aspirin, naproxen…

Chú ý không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau này vì có thể gây hại tới cho sức khỏe, chỉ nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Những cách chữa đau đầu tại nhà

Chườm nóng, dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi… để giảm nhức đầu

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp thắc mắc: Đau đầu bôi dầu gió ở đâu và những lưu ý khi sử dụng dầu gió. Mong rằng đã giúp bạn có thêm góc nhìn khách quan để giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Lên đầu trang
Loading