I. Người bệnh gan nhiễm mỡ ăn mì tôm được không?
Người bệnh gan nhiễm mỡ vẫn có thể ăn mì tôm, tuy nhiên cần phải chú ý đến tần suất cũng như cách ăn như thế nào sao cho hợp lý. Cụ thể là không nên ăn quá nhiều và nên ăn kết hợp với các thức ăn tốt cho sức khỏe để không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của gan.
Nguyên nhân là do mì tôm tuy rất phổ biến, tiện dụng nhưng lại là một loại thực phẩm không chứa các loại dưỡng chất tốt cho cơ thể như chất xơ, chất chống oxy hóa cũng như thiếu hụt các loại vitamin, khoáng chất, dù có thành phần protein và tinh bột nhưng là protein chất lượng thấp và tinh bột đơn giản hấp thu nhanh.
Đặc biệt, mì tôm là loại thực phẩm chế biến sẵn chứa hàm lượng chất béo xấu (là chất béo không bão hòa) và natri rất cao, hai thành phần này đều rất có hại cho gan cùng như toàn cơ thể vì có thể:
- Gây tăng huyết áp: Vì lượng natri cao khi đi vào cơ thể sẽ có thể gây ra huyết áp bị tăng cao, điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới gan mà còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý về tim mạch.
- Làm tăng lượng đường và mỡ trong máu: Đây là tác nhân gây ra gan nhiễm mỡ cũng như khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Tạo áp lực cho thận: Khi ăn nhiều mì tôm khiến cơ thể phải nạp vào nhiều natri gây ra dư thừa, lúc này thận sẽ phải làm việc nhiều hơn mới có thể đào thải bớt lượng natri đó, khiến chức năng của thận bị suy giảm.
- Giữ nước: Gây ra chứng phù nề ở vị trí bụng và chân, từ đó càng tạo thêm gánh nặng cho gan.
- Khiến các triệu chứng của gan nhiễm mỡ trở nên nặng nề hơn: Như tình trạng toàn thân mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn…
Chính vì vậy, theo lời khuyên từ chuyên gia, người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn mì tôm, thông thường không nên ăn quá 2 lần/tuần, nên lựa chọn loại mì phù hợp và khi ăn nên ăn kết hợp với các loại thực phẩm tốt như rau xanh (như rau cải, súp lơ, rau muống…), thịt (các loại thịt nạc của lợn, bò, gà…), trứng, đậu phụ… để có thể bổ sung thêm protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất - những thành phần thiếu hụt trong mì tôm.
XEM THÊM: Gan nhiễm mỡ có mấy cấp độ? Phân biệt bằng cách nào?
II. Người bệnh gan nhiễm mỡ ăn được những loại mì nào?
Cụ thể, thay vì các loại mì tôm truyền thống, người bệnh nên lựa chọn những loại mì có ít hoặc không có natri, ít chất béo xấu, ít đường, các loại mì có chứa thành phần tự nhiên giàu chất xơ, mì không chiên như:
1. Mì gạo lứt
Theo ước tính, trong 100 gam mì gạo lứt sẽ chứa khoảng 380 calo, 77.24 gam carb, 3.5 gam chất xơ, 4.5 gam protein. Đây là một loại thực phẩm chứa hàm lượng khá lớn chất xơ, vitamin B và nhiều khoáng chất, lại chứa ít tinh bột tinh chế, từ đó hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu, cải thiện tiêu hóa và hoạt động của gan.
2. Mì yến mạch
Đây cũng là một loại mì giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, hỗ trợ giảm cân, tốt cho cả gan và tim mạch nhờ chứa thành phần lớn chất xơ beta-glucan, protein, vitamin cùng khoáng chất.
3. Mì soba
Mì soba là loại mì được làm từ hạt kiều mạch tốt cho gan, hệ tiêu hóa cũng như cải thiện miễn dịch toàn cơ thể vì có chứa các thành phần giàu chất xơ, protein thực vật, vitamin và khoáng chất.
Nên chọn các loại mì tốt cho sức khỏe để thay thế mì tôm
4. Mì ống được làm từ lúa mì nguyên cám
Trong 50 gam mì ống được làm từ lúa mì nguyên cám có chứa khoảng 175 calo, 27 gam carb, 3 gam chất xơ (nhiều hơn so với mì ống thông thường), 6.5 gam protein cùng nhiều loại vitamin, khoáng chất như vitamin nhóm B, magie, sắt… giúp cải thiện sức khỏe hiệu quả.
5. Mì rau củ
Nhờ được sản xuất từ các loại rau củ tự nhiên như đậu xanh, bí ngô, cà rốt…, mì rau củ giúp cải thiện tiêu hóa, kiểm soát cân nặng, tăng cường sức khỏe tổng thể nhờ ít calo, nhiều chất xơ, vitamin A, C, E và các loại khoáng chất.
Bạn nên bổ sung những loại mì này một cách hợp lý vào chế độ ăn cũng như dùng kết hợp với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác để có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
THAM KHẢO THÊM: Gan nhiễm mỡ có uống được mật ong không?
III. Những lưu ý khi ăn mì tôm đối với người bệnh gan nhiễm mỡ
Để không làm ảnh hưởng nhiều đến gan cũng như sức khỏe tổng thể, người bệnh gan nhiễm mỡ khi ăn mì tôm cần lưu ý:
- Nên hạn chế tối đa: Nếu muốn ăn mì tôm người bệnh chỉ nên ăn tối đa khoảng 2 lần/tuần.
- Cách lựa chọn loại mì tôm: Lựa chọn loại mì ít dầu mỡ và gia vị.
- Cách chế biến: Người bệnh nên trụng mì qua nước sôi trước khi nấu. Ngoài ra, với những gói gia vị có sẵn trong gói mì tôm, vì chứa nhiều muối, hương liệu, chất bảo quản có hại cho sức khỏe, khi ăn bạn chỉ nên cho ít loại gia vị này. Bên cạnh đó, việc ăn kèm thêm với những loại rau xanh, thịt nạc, trứng… cũng sẽ giúp bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Uống đủ nước: Để giúp cải thiện quá trình giải độc gan.
- Ăn trái cây tươi sau khi ăn mì: Giúp giải nhiệt, hỗ trợ giải độc cho cơ thể.
- Thời gian ăn: Để tránh tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, ảnh hưởng đến tiêu hóa, làm tăng nguy cơ gây béo phì cũng như làm rối loạn giấc ngủ, người bệnh không nên ăn mì tôm vào buổi tối hay ăn khuya.
Có thể thấy, người bệnh gan nhiễm mỡ có thể ăn được mì tôm, nhưng để không làm ảnh hưởng tới gan, bạn chỉ nên ăn hạn chế với tần suất rất ít mỗi tuần. Khi ăn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dưỡng chất khác. Ngoài ra, nếu có thể, người bệnh nên thay thế mì tôm bằng những loại mì khác có lợi cho sức khỏe hơn.