I - Những lợi ích của việc vận động với người bị khô khớp
Khô khớp là do sụn khớp gối không được bôi trơn, hoặc chỉ có ít dịch nhờn được tiết ra dẫn đến tình trạng đau khớp, khớp kêu lạo xạo, gây khó khăn cho việc vận động.
Việc vận động sẽ giúp cho máu lưu thông dễ dàng hơn, hỗ trợ vận chuyển nhiều chất dinh dưỡng hơn đến các mô cơ xương sụn khớp. Thêm vào đó, vận động cũng khiến chất nhờn ở sụn khớp được kích thích tiết ra nhiều hơn, từ đó tăng sự dẻo dai và linh hoạt cho xương khớp, giảm tiến trình lão hóa xương khớp giúp hệ cơ xương khỏe mạnh và hoạt động trơn tru hơn.
Ngoài ra, việc vận động sẽ giúp người bệnh kiểm soát được cân nặng và trọng lượng cơ thể, từ đó giảm thiểu áp lực sức nặng cơ thể lên hệ thống cơ xương khớp, hạn chế sự tổn thương cho sụn khớp.
II - Bị khô khớp có nên tập gym không?
Các nghiên cứu cho thấy, việc vận động, bao gồm cả tập gym giúp khí huyết lưu thông, chất dinh dưỡng ở màng hoạt dịch cũng được luân chuyển xung quanh nhịp nhàng hơn. Ngoài ra, những người tập gym hay tập thể dục thường xuyên có sức khỏe xương khớp tốt hơn người không vận động gì.
Tập gym thường xuyên cũng giúp phần sụn khớp, đệm khớp được bôi trơn liên tục, từ đó cũng giảm thiểu tình trạng khô khớp, giúp khớp có thể chuyển động trơn tru, linh hoạt và không gây đau đớn cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu chưa từng tập gym hay trong quá trình tập gym cảm thấy khó chịu, đau nhức, không thoải mái, hay liên hệ với các huấn luyện viên cũng như các chuyên gia y tế để có kế hoạch chăm sóc xương khớp phù hợp với thể trạng bản thân.
III - Có nên đi bộ, chạy bộ khi bị khô khớp không?
Theo lời khuyên của chuyên gia, nếu tình trạng khô khớp gối không quá nặng, chỉ ở mức nhẹ đến trung bình, người bệnh nên đi bộ hằng ngày, việc đó giúp kích thích, hỗ trợ cơ thể tái tạo dịch khớp, bôi trơn khớp và hạn chế tình trạng khô khớp.
Việc đi bộ hay chạy bộ chậm rãi, nhẹ nhàng cũng giúp tăng cường cơ bắp chân, tăng độ dẻo dai cơ tứ đầu, gân kheo, cơ mông… giúp hỗ trợ khớp gối khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, đi bộ cũng giúp tăng độ đàn hồi ở mô khớp, từ đó giảm đau nhờ giảm lực tác động lên gối.
Để tăng hiệu quả ngăn ngừa thoái hóa khớp gối khi đi bộ, chạy bộ, người bệnh nên đi bộ vào sáng sớm hoặc tối, khởi động trước khi vận động, chọn quần áo thoải mái, phù hợp và duy trì tốc độ ổn định, không quá nhanh, khoảng 5000 - 6000 bước trong thời gian 30 phút.
IV - Những lưu ý khi vận động cho người bị khô khớp
Tuy vận động, tập thể dục hay tập gym có lợi cho người bị khô khớp, nhưng vẫn cần lưu ý tập luyện đúng cách, đúng lộ trình để tránh bị tổn thương xương khớp do hoạt động quá sức. Dưới đây là những lưu ý khi vận động cho người bị khô khớp:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia về cường độ tập luyện, các bài tập phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh của bản thân.
- Chú ý đến động tác, kỹ thuật chính xác, ban đầu nên tập cùng với huấn luyện viên để tránh những chấn thương, tổn thương không mong muốn.
- Luôn luôn khởi động trước khi tập thể dục hay tập gym, đồng thời lựa chọn tập ở những nơi bằng phẳng, sạch sẽ, thoáng mát để tránh ảnh hưởng đến xương khớp do té ngã.
- Uống đủ nước trong quá trình tập luyện để bổ sung nước kịp thời cho cơ thể và sụn khớp nhằm hạn chế tình trạng khô khớp do thiếu nước.
- Chú ý đến cơ thể, không nên tiếp tục nếu cảm thấy đau nhức, không thoải mái hay bất cứ vấn đề bất thường nào khác.
- Bên cạnh chế độ tập luyện, nên có chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để giúp sụn khớp ổn định, tránh tổn thương, đau nhức.
Tập thể dục hay tập gym là những hoạt động thể chất có lợi cho người bị khô khớp, giúp cơ xương khớp linh hoạt, đồng thời thúc đẩy tái tạo chất nhờn cho đầu sụn khớp để giảm thiểu tình trạng khô khớp. Tuy nhiên, cần có một chế độ tập luyện cùng lối sống phù hợp để có được hiệu quả tốt nhất mà không gây tổn thương cho hệ xương khớp.