I - Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe bằng cách ăn vào những khoảng thời gian cụ thể trong ngày và sẽ không ăn vào khoảng thời gian còn lại, điều này giúp bạn có thể giảm được lượng ăn cũng như lượng calo nạp vào cơ thể.
Phương pháp này khiến bạn phải đặt giới hạn thời gian ăn uống theo một lịch cố định. Vì giảm lượng calo tiêu thụ, cơ thể sẽ phải chuyển sang dùng chất béo dự trữ thành năng lượng, từ đó khiến bạn giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn còn phần nào giúp cải thiện hệ tiêu hóa vì khi đó hệ tiêu hóa sẽ có thời gian được nghỉ ngơi, đồng thời giúp hỗ trợ tái tạo, phục hồi tế bào trong cơ thể.
Thông thường, nhịn ăn gián đoạn được chia thành các khoảng thời gian như 16:8, 14:10, 12:12, tức là bạn sẽ chỉ ăn uống trong khoảng thời gian 8, 10 hoặc 12 giờ và rồi nhịn ăn trong khoảng thời gian còn lại.
II - Nhịn ăn gián đoạn ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc nhịn ăn gián đoạn ngoài các tác dụng giúp giảm cân, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, giảm cholesterol, cải thiện tâm trạng và khả năng nhận thức, làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch còn có lợi ích hiệu quả trong việc giúp ngủ ngon hơn.
Cụ thể, phương pháp này giúp bạn cải thiện được chất lượng giấc ngủ bằng cách giúp:
- Củng cố nhịp sinh học tự nhiên trong cơ thể: Nhịp sinh học giúp kiểm soát các hoạt động sinh học của cơ thể như chu kỳ ngủ - thức hay sự thèm ăn, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như ánh sáng, thực phẩm... Khi bạn áp dụng nhịn ăn gián đoạn, chính việc tuân thủ thời gian ăn và nhịn ăn cố định, đều đặn sẽ giúp cải thiện nhịp sinh học này.
- Làm tăng nồng độ hormone tăng trưởng của cơ thể: Đây chính là hormone có tác dụng giúp giảm lượng chất béo, tăng cường cơ và khả năng tự phục hồi tế bào của cơ thể, được tiết ra trong lúc bạn ngủ. Vì thế, người nhịn ăn gián đoạn khi sáng thức dậy sẽ thấy thoải mái, sảng khoái hơn.
- Tăng sản xuất orexin-A: Đây là một chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể giúp làm tăng sự tỉnh táo, khả năng tập trung. Với người đang thực hiện nhịn ăn gián đoạn, orexin-A sẽ ở mức cao hơn vào ban ngày, giúp bạn tỉnh táo làm việc hơn, và thấp hơn vào ban đêm, giúp bạn có được một giấc ngủ ngon hơn.
Theo thống kê, nhiều người khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn thì chỉ sau khoảng 1 tuần, họ cũng đã thấy được những cải thiện về giấc ngủ, giúp ngủ ngon hơn, ít bị thức dậy giữa đêm, có được một giấc ngủ REM chất lượng hơn, từ đó giúp cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung.
Tuy nhiên, cũng có những người khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn lại gây ra khó ngủ hơn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do họ ăn vào những thời điểm không cố định, không đều đặn, đặc biệt là ăn muộn vào ban đêm, từ đó có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
III - Những lưu ý khi nhịn ăn gián đoạn để có giấc ngủ ngon
- Tuân thủ đúng thời gian, chu kỳ nhất quán: Bạn cần tránh ăn uống những thời điểm không phù hợp, không đều đặn, nhất là khi ăn muộn sát giờ ngủ vì sẽ ảnh hưởng tới nhịp sinh học của cơ thể, từ đó có tác động xấu tới giấc ngủ.
- Không đi ngủ khi quá đói: Vì khi đó, dạ dày sẽ cồn cào khiến bạn vô cùng khó chịu, cơ thể sẽ tăng tiết hormone gây căng thẳng là cortisol, từ đó khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.Chính vì vậy, theo lời khuyên từ chuyên gia, bạn nên ăn bữa tối vào khoảng thời gian ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ để không gặp phải tình trạng quá đói khi đi ngủ, giấc ngủ cũng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tiêu hóa.
- Tránh cơ thể bị mất nước: Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp bạn làm giảm sự thèm ăn cũng như cải thiện hiệu quả giấc ngủ của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ vì có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Lựa chọn những loại thực phẩm lành mạnh: Cụ thể, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm nguyên nhất, rau củ, trái cây tươi, thực phẩm giàu protein và chất béo tốt, hạn chế các loại đồ ăn vặt, thực phẩm chứa nhiều đường và calo rỗng…
- Kiên trì, tìm ra phương phù hợp nhất với bản thân: Khi bắt đầu, bạn có thể mất tới vài ngày hoặc vài tuần, thử các phương pháp khác nhau. Chính vì vậy, bạn nên thực sự kiên trì trước khi tìm ra được phương pháp phù hợp và tuân thủ chính xác nhất.
Tóm lại, nhịn ăn gián đoạn nếu áp dụng chính xác có thể giúp bạn ngủ ngon hơn nhờ giúp điều hòa nhịp sinh học trong cơ thể, làm tăng hormone tăng trưởng, cải thiện tâm trạng. Bạn nên kiên trì thực hiện cũng như hỏi thêm ý kiến chuyên gia để có thể sớm tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân.