I - Cà phê có ảnh hưởng gì tới chứng rối loạn tiền đình không?
Cà phê là một thức uống thông dụng được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Cafein là một hoạt chất chính có trong cà phê, ngoài ra nó còn được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm khác như trà, sô cô la, nước ngọt, thuốc lợi tiểu, các chất kích thích, thuốc giảm đau và một số thuốc chống dị ứng.
Lợi ích và tác hại của cafein từ trước đến nay vẫn luôn là một chủ đề gây ra nhiều tranh luận. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng cafein tác động đến hệ thần kinh trung ương giúp tinh thần tỉnh táo, giảm buồn ngủ và mệt mỏi. tăng cường trí nhớ, sự tập trung. Dùng đúng cách giúp cải thiện hiệu suất công việc cũng như mang lại một số lợi ích sức khỏe khác.
Tuy nhiên khi sử dụng cafein liều cao sẽ gây ra tình trạng tim đập nhanh, tăng tiết dịch vị trong đường ruột, co thắt các mạch máu não, nồng độ axit béo trong huyết tương tăng cao.
Như chúng ta đã biết trong cơ thể con người, tiền đình là cơ quan thuộc hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm các bộ phận của tai trong, dây thần kinh số VIII. Tiền đình có vai trò quan trọng giúp cơ thể thăng bằng trong không gian. Đồng thời duy trì các điệu bộ, tư thế, cử động của các bộ phận đầu, mắt, thân mình.
Đây là một cơ quan khá nhạy cảm trước các chất làm thay đổi môi trường bên trong cơ thể. Vậy nên khi có sự xuất hiện của cafein, cơ quan này sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đối với những người bị rối loạn tiền đình thì không nên uống cà phê bởi những lý do sau:
1. Dễ bị tăng cảm giác chóng mặt, buồn nôn
Người bị chóng mặt, rối loạn tiền đình rất dễ khiến cho các triệu chứng thêm trầm trọng hơn sau khi uống cà phê do ảnh hưởng của những yếu tố như sau:
- Cafein một hoạt chất chính có trong cà phê có thể gây kích thích hệ tiền đình, các triệu chứng xuất hiện và trở nên nặng hơn.
- Cafein cũng có thể gây thu hẹp các mạch máu, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu tới các cơ quan, bộ phận gây ra tổn thương cho tai trong, não bộ. Điều này ảnh hưởng đến hệ tiền đình, mất đi khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng đứng không vững, có cảm giác buồn nôn, nôn ói, ù tai.
- Cafein làm tăng nhịp tim và huyết áp khiến việc bơm máu tới các cơ quan, bộ phận gặp nhiều khó khăn. Nhất là não bộ không được nhận đủ oxy và máu huyết dẫn đến chóng mặt, ù tai, buồn nôn.
- Cà phê là một thức uống lợi tiểu, có nghĩa là nó làm tăng sản xuất nước tiểu và có thể góp phần gây ra mất nước nếu uống quá nhiều. Khi cơ thể bị mất nước có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau nhức đầu.
2. Có thể gây ra mất ngủ
Cafein kích thích hệ thần kinh trung ương, bao gồm cả não. Nó ngăn chặn hoạt động của chất adenosine - một hoạt chất truyền dẫn thần kinh có vai trò thúc đẩy giấc ngủ, ngủ ngon sâu giấc. Vậy nên khi uống nhiều sẽ gây khó ngủ, mất ngủ hoặc có thể làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ.
Đối với những người bị rối loạn tiền đình, mất ngủ khiến não bộ không được nghỉ ngơi tái tạo năng lượng nên thần kinh rất dễ căng thẳng. Không được nghỉ ngơi đủ giấc khiến gười bệnh càng thêm đau đầu, chóng mặt, vô cùng mệt mỏi vào ngày hôm sau.
3. Làm giảm đi hiệu quả của thuốc điều trị rối loạn tiền đình
Trong phần lớn các loại thuốc điều trị rối loạn tiền đình đòi hỏi có sự cân bằng, ổn định về nồng độ oxy trong máu để phát huy công dụng tốt nhất.
Tuy nhiên khi uống nhiều cà phê, việc đi tiểu nhiều hơn gây ra tình trạng mất nước. Từ đó dẫn đến hiện tượng bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể nhanh chóng, giảm nồng độ oxy trong máu làm mất đi hiệu quả.
Chưa kể cafein có trong cà phê còn có thể gây ra sự tương tác thuốc, làm thay đổi sự hấp thụ hay chuyển hóa thuốc trong cơ thể. Sự tương tác này không chỉ làm giảm tác dụng của thuốc mà còn gây ra một số tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe.
II - Lưu ý cho người rối loạn tiền đình nếu uống cà phê
Cà phê là một loại đồ uống cực kỳ phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu biết cách sử dụng đúng. Dưới đây là một vài lưu ý khi uống cà phê cho những người bị rối loạn tiền đình.
1. Chọn loại cà phê có chứa hàm lượng cafein thấp
Các bạn có thể lựa chọn những loại cà phê có chứa hàm lượng cafein thấp hoặc một số sản phẩm thay thế khác như trà thảo mộc. Như vậy khi uống mọi người hoàn toàn có thể thoải mái yên tâm, không phải lo lắng những tác dụng kích thích tiềm ẩn của cafein đối với sức khỏe.
2. Đảm bảo uống đủ nước cho cơ thể
Cafein có cơ chế hoạt động rất giống như thuốc lợi tiểu, uống nhiều khiến cơ thể bị mất nước, làm nặng thêm nữa các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Như vậy khi uống cà phê nên kết hợp uống thêm nước lọc để giúp cơ thể cân bằng, hạn chế tình trạng bị mất nước. Đồng thời mọi người cũng có thể uống trước một chút nước để làm giảm đi hàm lượng acid có bên trong dạ dày, không xảy ra tình trạng “bào ruột” dẫn đến các căn bệnh viêm đường tiêu hóa.
3. Tự cảm nhận tình trạng của bản thân
Người bị rối loạn tiền đình lâu năm, có những triệu chứng nặng đang dùng mọi biện pháp để điều trị thì không nên uống cà phê. Còn đối với những trường hợp bị tiền đình ở mức độ nhẹ, các triệu chứng thoáng qua thì có thể dùng cà phê với một lượng vừa phải hằng ngày để giữ gìn cho sức khỏe chính mình.
Độ nhạy cảm với caffein ở mỗi người mỗi khác, có người uống được nhiều nhưng có người chỉ uống một chút ít cà phê thôi đã thấy bồn chồn, run rẩy chân tay, chóng mặt, hoa mắt. Không phải người nào cũng uống được một lượng cà phê như nhau và chịu những tác động giống hệt nhau. Đối với những người bị nhạy cảm với cafein thì nên uống với lượng vừa phải để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra nếu đang sử dụng thuốc thì cũng cần chú ý tới loại thuốc đang dùng, mỗi loại thuốc sẽ có tính chất dược lý riêng, khi dùng liệu có gây ra tương tác với cafein hay không, có làm giảm hay mất đi tác dụng thuốc hay không là điều mà bạn cần phải chú trọng.
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất bình thường cần liên hệ ngay với dược sĩ để thay đổi liều lượng dùng hoặc chuyển sang phương pháp khác.
4. Chú ý đến thời gian
Thời điểm uống cà phê cũng khá quan trọng, uống sớm hơn trong ngày vào những buổi sáng sớm giúp cơ thể tỉnh táo, kích thích tinh thần hưng phấn tập trung làm việc.
Tốt nhất không nên uống vào buổi chiều tối, nói chung ít nhất là từ 4 - 6 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Nếu uống quá sát giấc ngủ, uống vào lúc gần giờ nghỉ trưa khiến mọi người sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn và ngủ không sâu giấc, hay thức giấc giữa chừng. Ngủ không đủ giấc càng làm cho các triệu chứng rối loạn tiền đình nặng thêm.
Ngoài ra các bạn cũng cần duy trì một lối sống khoa học, lành mạnh để kiểm soát rối loạn tiền đình, bao gồm:
- Ăn uống cân bằng: Tăng cường ăn các loại cá, tôm, cua, thịt bò… cung cấp nguồn omega 3 dồi dào, đạm, sắt tái tạo hồng cầu, tăng lưu thông máu huyết lên não bộ. Các loại rau xanh đậm, đỗ, nước ép hoa quả làm dịu hệ thần kinh rất tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người bị rối loạn tiền đình.
- Tập thể dục đều đặn, thường xuyên: Một số bài tập hữu hiệu dành riêng cho người bị tiền đình như romberg, lắc lư hai bên mông trước/ sau, dậm chân tại chỗ, các bài tập yoga phổ biến như tư thế trái núi, cây cầu, con cá…
- Ngủ đủ giấc: Ngủ ngon, sâu giấc trọn vẹn một mạch đến sáng giúp hệ tiền đình, não bộ được nghỉ ngơi, người sảng khoái, tỉnh táo.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, giảm stress: Lo lắng, căng thẳng gây rối loạn chức năng hệ thần kinh, từ đó khiến bệnh thêm trầm trọng. Mọi người nên tích cực đi ra ngoài, tham gia vào các hoạt động giải trí, đi picnic, giao tiếp với nhiều người xung quanh để tinh thần vui vẻ, phấn chấn.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ các thông tin liên quan đến vấn đề người bị rối loạn tiền đình có nên uống cà phê hay không? Mỗi người nên theo dõi cảm giác, triệu chứng của mình thông qua những lần uống cà phê để từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.