Tư thế ngồi nào tốt cho người bị trĩ?

2024-07-16 10:00:08

Bệnh trĩ khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và bất tiện khi ngồi. Việc ngồi không đúng cách cũng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bài viết này sẽ mang đến những tư thế ngồi tốt cho người bệnh trĩ và những lưu ý để người bệnh có thể thoải mái nhất, đồng thời không làm cho tình trạng bệnh trở nên tệ đi.

I - Tư thế ngồi ảnh hưởng như thế nào tới người bệnh trĩ?

Bệnh trĩ với các búi trĩ là tác nhân khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đớn, nhất là khi ngồi hay nằm. Trĩ là bệnh lý xảy ra khi hệ thống tĩnh mạch, mạch máu bị giãn khiến bề mặt của niêm mạc trực tràng hoặc những vùng da ở xung quanh hậu môn bị sưng lồi. Những vùng bị giãn tĩnh mạch và sưng lồi đó bị sa ra ngoài gọi là các búi trĩ.

Với những người làm các công việc hay phải ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, lái xe… thì nguy cơ bị trĩ càng tăng cao. Nguyên nhân là do tư thế ngồi nhiều sẽ khiến tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn bị áp lực, dần dần tĩnh mạch bị suy yếu, giãn rộng, hình thành các búi trĩ.

Việc ngồi sai tư thế hay ngồi trong thời gian quá dài có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho bệnh nhân bị trĩ như:

  • Lưu thông máu kém: Khi ngồi, trọng lượng cơ thể sẽ được dồn đến hông và phần thắt lưng. Đồng thời, việc ngồi yên không thay đổi tư thế khiến áp suất tĩnh mạch tại chân cũng như các bộ phận xung quanh không thay đổi. Tất cả những điều này gây cản trở, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu tại tĩnh mạch trực tràng, hậu môn và cả tĩnh mạch tại chân dẫn đến máu bị dồn ứ tại các tĩnh mạch đó và gây suy yếu tĩnh mạch.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Ngồi quá lâu cũng gây những áp lực tới khoang bụng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu động phụ trách co bóp trong dạ dày. Chính những điều này là nguyên nhân người bệnh cảm giác khó tiêu, đầy hơi… dẫn đến trào ngược dạ dày hoặc táo bón.
  • Nguy cơ biến chứng tăng cao: Ngồi nhiều, ngồi sai tư thế khiến các búi trĩ liên tục phải chịu áp lực trong thời gian dài, dẫn đến nhiều biến chứng như búi trĩ bị giãn nở, nhiễm khuẩn, thậm chí hoại tử…

Ngoài ra, việc ngồi lâu và sai tư thế còn khiến người bệnh trĩ cũng mắc phải chứng rối loạn chức năng hậu môn, đi đại tiện không tự chủ, thiếu máu, nhiễm khuẩn…

tư thế ngồi ảnh hưởng tới trĩ

II - Tư thế ngồi tốt cho người bệnh trĩ

Đối với người mắc bệnh trĩ thì ngồi trên một bề mặt mềm với chân được kê cao hơn bình thường sẽ là tư thế tốt và hạn chế cơn đau do búi trĩ gây ra.

1. Ngồi trên bề mặt mềm

Người bị trĩ nên lựa chọn những loại ghế hoặc đệm mềm để ngồi, hạn chế ngồi lên các bề mặt cứng bởi điều đó sẽ tạo áp lực lên mạch máu xung quanh mông, gây ảnh hưởng tới búi trĩ. Ngoài ra cũng cần lưu ý tránh các loại ghế hoặc đệm bị trống ở giữa. Các loại ghế hoặc đệm như vậy sẽ khiến trọng lực tác động lên búi trĩ mạnh hơn và dễ gây ra cảm giác đau hơn.

2. Kê chân cao hơn khi ngồi

Người mắc bệnh trĩ nên kê thêm vật gì đó dưới chân hoặc dưới đùi khi ngồi, mục đích là để nâng cao chân hơn để giảm áp lực cho vùng trực tràng.

3. Nên ngồi xổm hoặc kê cao chân khi đi cầu

Đối với người bị trĩ khi đi đại tiện thì nên chọn tư thế ngồi xổm, việc này nhằm mục đích giúp nhanh chóng hoàn thành việc đi đại tiện, giảm tỷ lệ búi trĩ bị ảnh hưởng do phân hoặc thời gian ngồi lâu. Nếu nhà vệ sinh không có loại bồn cầu ngồi xổm, bạn có thể kê chân sao cho cao tương tự như đang ngồi xổm.

tư thế ngồi khi đi cầu cho người bị trĩ

III - Những lưu ý mà người mắc bệnh trĩ nên nhớ

Việc ngồi lâu một chỗ hay tư thế ngồi không đúng, đặc biệt là khi ngồi xổm hoặc ngồi trên bồn cầu quá lâu có thể làm tăng áp lực lên hậu môn trực tràng, từ đó làm tăng nguy cơ gây ra bệnh trĩ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố, những nguyên nhân gây trĩ và khiến bệnh trĩ trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ và khiến tình trạng bệnh trĩ trở nên xấu hơn còn có thể do chế độ ăn uống dẫn đến táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy kéo dài. Ngoài ra, các yếu tố khác như mang thai, béo phì, ảnh hưởng của cơ địa, tuổi tác và một số bệnh lý khác cũng ảnh hưởng đến tình trạng trĩ của người bệnh.

Do đó, để phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ hiệu quả, người mắc bệnh nên lưu ý và thực hiện một số phương pháp có thể giảm khó chịu, giúp cơ thể thoải mái hơn như:

  • Tập trung đi vệ sinh: Nhiều người có thói quen mang sách báo hay sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh, điều đó làm tăng thời gian ngồi bồn cầu, khiến máu đọng lại lâu trong tĩnh mạch trực tràng, làm cho bệnh trĩ ngày một trầm trọng. Ngoài ra, ngồi lâu trong nhà vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập qua đường hậu môn hơn. Vì thế, người bệnh cần tập trung đi vệ sinh, không ngồi bồn cầu quá 10 phút, tốt nhất là từ 3-5 phút.
  • Sử dụng gối mềm để kê mông khi làm việc nhiều: Điều này sẽ giúp người bệnh thoải mái hơn, giảm đau rát hậu môn.
  • Vận động nhiều hơn: Vận động nhiều giúp máu được lưu thông trong mạch máu, từ đó giảm bớt việc máu tụ gây ảnh hưởng đến tĩnh mạch hậu môn, đồng thời vận động nhiều có thể giúp cơ thể giảm cân, từ đó áp lực đến hậu môn cũng ít đi.
  • Giữ sạch sẽ và khô ráo vùng hậu môn: Luôn giữ sạch sẽ và khô ráo để giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu vùng hậu môn. Người bệnh cũng hạn chế lau bằng giấy khô để tránh cọ xát làm ảnh hưởng đến vùng hậu môn mà nên sử dụng khăn ẩm không có mùi, đồng thời rửa bằng nước muối thường xuyên và mặc quần áo chất liệu mát như cotton.
  • Ăn uống khoa học: Người bệnh nên chú ý bổ sung nước đầy đủ (từ 2-3 lít nước mỗi ngày) để cơ thể trao đổi chất tốt hơn và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Ngoài ra cũng tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, củ quả, các loại hạt… để phân được mềm hơn, hạn chế táo bón.
  • Sử dụng kem bôi và tham khảo ý kiến bác sĩ: Sử dụng các loại kem bôi trĩ sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh trĩ của người bệnh. Người bệnh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào hoặc bất cứ khi nào xảy ra những triệu chứng bất thường vùng hậu môn, trực tràng.

Trên đây chính là tổng hợp những tư thế ngồi tốt cho người bệnh trĩ cũng như những điều quan trọng mà người bệnh cần chú ý. Mong rằng bài viết này có ích với bạn cũng như việc áp dụng những phương pháp được đề cập trong bài viết có thể giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh của mình hơn.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ