I. Xông hơi giải cảm là gì?
Cảm lạnh là tình trạng vô cùng phổ biến gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như sốt cao, đau đầu, đau rát họng, toàn thân đau nhức, khô da. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi hoặc ở người có sức đề kháng kém. Còn cảm cúm là một bệnh lý về đường hô hấp với những triệu chứng điển hình là sốt cao, nhức đầu, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi.
Khi mắc phải một trong hai bệnh lý này, nhiều người bệnh đã áp dụng phương pháp xông hơi giải cảm nhằm khắc phục các triệu chứng khó chịu của bệnh. Đây là một giải pháp sử dụng các loại lá thảo dược để xông hơi, hơi nước từ những loại lá thảo dược này giúp:
- Người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, giảm căng thẳng, giảm các triệu chứng sốt, chóng mặt, đau đầu…
- “Thông” đường thở, làm sạch đường hô hấp, giảm tình trạng ngạt mũi, khó thở.
- Cải thiện tuần hoàn máu máu, giúp co giãn giãn mạch máu.
- Giải độc cho cơ thể.
- Tăng cường hệ miễn dịch.
Nhờ những tác dụng mà nó đem lại, nhìn chung xông hơi giải cảm được đánh giá là một giải pháp tương đối an toàn và hiệu quả đối với người bệnh cảm lạnh, cảm cúm. Tuy nhiên, phương pháp này không thể thay thế cho các phương pháp điều trị y tế thông thường và hiệu quả còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Ngoài ra, việc lạm dụng xông hơi có thể gây ra các tác dụng phụ. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng, nhất là trong các trường hợp cảm nặng kéo dài.
>>> XEM THÊM: Bật mí 10 loại trà giải cảm trong mùa mưa dễ thực hiện
II. Mách bạn xông hơi giải cảm với các loại lá thảo dược dân gian dễ kiếm
1. Các loại lá thảo dược xông hơi giải cảm
- Lá bạc hà: Có mùi thơm dịu rất dễ chịu, lá bạc hà khi xông hơi giải cảm sẽ có tác dụng giúp kháng khuẩn, làm loãng chất nhầy, làm giảm ngạt mũi, sổ mũi, đau đầu…
- Khuynh diệp: Lá khuynh diệp cũng có tác dụng giúp làm loãng chất nhầy, thông đường thở, làm giảm khó thở, ngạt mũi, sổ mũi…
- Húng quế: Loại lá này vừa có tính kháng khuẩn, sát trùng tự nhiên, vừa giúp thông mũi hiệu quả.
- Cây hương thảo (hương nhu): Cây hương thảo được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là có tác dụng giúp chống viêm, chống lại vi khuẩn, vi rút.
- Lá ngải cứu: Xông hơi giải cảm với lá ngải cứu giúp giảm tình trạng sưng màng nhầy (dị ứng ở miệng và cổ).
- Lá bưởi: Nhờ đặc tính giúp kháng khuẩn, chống viêm, chống nhiễm trùng, lá bưởi giúp giảm các triệu chứng của cảm như đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, viêm họng, ngạt mũi, ho, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu.
- Lá tre kết hợp sả: Lá tre khi kết hợp với sả sẽ đem lại kết quả toàn diện hơn, giúp giải độc cho cơ thể, kháng khuẩn, giảm sốt, ngạt mũi, đau bụng, tiêu chảy…
- Lá tía tô: Đây cùng là một loại lá giúp giải cảm rất hiệu quả nhờ đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, cải thiện các tình trạng ho, ngạt mũi, chảy nước mũi và thư giãn toàn cơ thể.
2. Các bước thực hiện xông hơi giải cảm bằng lá thảo dược
- Bước 1: Lựa chọn các loại lá thảo dược tùy theo mục đích tác dụng, đem đi rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ sâm sấp nước, đun sôi trong khoảng 5 đến 10 phút. Lưu ý nếu dùng thảo dược bạc hà, người bệnh nên cho vào sau để tránh tình trạng bị mất chất tinh dầu.
- Bước 2: Sau khi tắt bếp, đem nồi nước đặt trước người bệnh để chuẩn bị xông.
- Bước 3: Người bệnh cởi bỏ bớt quần áo, lấy khăn hoặc chăn mỏng phủ kín người và bắt đầu xông. Lưu ý thực hiện trong phòng kín.
- Bước 4: Mở nồi xông một cách từ từ để hơi nước bốc lên dần dần và để người bệnh thích nghi được với hơi nóng. Đặc biệt lưu ý về hơi thở, người bệnh cần thở đều, sâu, chậm dãi.
- Bước 5: Trong lúc xông, sau khoảng từ 5 đến 10 phút nếu người bệnh cảm thấy mặt bị nóng quá do hơi lá xông phả vào, bạn có thể bỏ khăn trùm ra.
- Bước 6: Dừng lại việc xông hơi khi người bệnh đã cảm thấy dễ chịu, mồ hôi toát ra, không còn thấy gai người.
- Bước 7: Lau khô người lại, mặc quần áo.
- Bước 8: Nghỉ ngơi, uống nước ấm.
Về tần suất xông hơi, người bệnh không nên lạm dụng mà chỉ nên thực hiện khoảng từ 1 đến 2 lần mỗi khi bị cảm.
Xông hơi giải cảm với lá thảo dược được đánh giá iải pháp tương đối an toàn và hiệu quả đối với người bệnh cảm lạnh, cảm cúm
>>> XEM THÊM: 9 món canh giải cảm, hạ sốt cực tốt khi chuyển mùa
III. Một số lưu ý khi xông hơi giải cảm
Để phương pháp xông hơi giải cảm đem lại hiệu quả cao, người bệnh nên lưu ý:
- Trước khi xông hơi: Cần lưu ý tắm rửa, làm sạch cơ thể.
- Dừng ngay quá trình xông nếu thấy bị bủn rủn, đầu óc choáng váng, khó thở.
- Sau khi xông hơi: Cần lau khô người, không tắm ngay, không uống nước lạnh sau khi xông, thay vào đó người bệnh nên uống nước ấm.
- Về nhiệt độ xông hơi: Chỉ nên cao hơn khoảng từ 7 đến 8 độ so với nhiệt độ cơ thể.
- Về thời gian xông hơi: Tối đa là 30 phút.
- Về tần suất xông hơi: Tuyệt đối không nên lạm dụng.
Những người không nên áp dụng biện pháp này, bao gồm:
- Người bị sốt cao, ra nhiều mồ hôi, bị mất nước, mất máu, tiêu chảy.
- Người cao tuổi già yếu.
- Người bị suy nhược.
- Người bệnh tim mạch, bệnh tâm thần.
- Người huyết áp cao.
- Phụ nữ đang mang bầu.
- Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Người có bệnh dạ liễu nặng.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
- Người đang bị say nắng, người mệt lả, buồn nôn.
- Người mới ốm dậy.
Có thể thấy, xông hơi giải cảm là một giải pháp từ lâu đã được rất nhiều người bệnh cảm lạnh, cảm cúm thực hiện và đem lại hiệu quả. Quan trọng hơn cả, người bệnh cần nắm rõ tác dụng của các loại lá xông, cách xông hơi đúng cũng như những lưu ý quan trọng để tránh những rủi ro không đáng có.