I. Xông hơi giải cảm là gì?
Theo quan niệm Đông y, bệnh cảm là do sự xâm nhập của tà khí (như phong hàn, phong nhiệt) vào cơ thể gây ra. Và xông hơi giải cảm là biện pháp sử dụng hơi nước nóng kết hợp với dược tính của những loại thảo dược khác nhau hoặc hương tinh dầu tác dụng tăng tiết mồ hôi, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, thư giãn mao mạch từ đó cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Không chỉ giúp hỗ trợ giải độc, hạ sốt, xông hơi giải cảm còn có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của cảm như thông mũi, giảm nghẹt mũi, khó thở, chống viêm, làm dịu cơn đau nhức, giảm choáng váng, đau đầu…
Nguyên liệu sử dụng để xông hơi giải cảm thường là các loại lá cây thảo dược hoặc tinh dầu chiết xuất từ thảo dược. Có thể thấy, đây là một giải pháp an toàn, hiệu quả lại rất dễ thực hiện. Vì thảo dược, lá cây được dùng để xông thường là những loại vô cùng quen thuộc, dễ kiếm, an toàn lành tính như lá bạc hà, lá kinh giới, lá bưởi, lá tre, cây sả, lá ngải cứu, lá hương nhu, lá tía tô… bạn có thể dùng mỗi loại một nắm để đun lấy nước xông. Tinh dầu xông giải cảm thì có các loại như tinh dầu sả, tràm, bạc hà, bạch đàn...
Các bước thực hiện xông hơi giải cảm cũng khá dễ dàng như sau:
- Bước 1: Với loại thảo dược bạn đã chuẩn bị, đem đi rửa sạch.
- Bước 2: Đem đun sôi với khoảng từ 4 đến 5 lít nước cho đến khi nước sôi thì tắt bếp rồi bắt đầu xông hơi.
- Bước 3: Xông hơi ở trong phòng kín, không có gió. Người bệnh cởi trần hoặc mặc áo lót, ngồi ở ghế thấp. Khi đó, nồi nước xông sẽ được đặt ở ngay trước mặt, người bệnh dùng một chiếc chăn phủ kín người và nồi xông.
- Bước 4: Mở vung nồi xông một cách từ từ, ban đầu xông ở bụng và chân rồi mở dần dần vung nồi xông lớn hơn để hơi nước bốc lên. Người bệnh nên cẩn thận để không bị cảm giác quá nóng hay bị bỏng. Lưu ý đến hơi thở trong lúc xông, người bệnh cần thở sâu, thở chậm rãi.
- Bước 5: Người bệnh ngừng xông khi thấy cơ thể đã bớt khó chịu, hết bị gai người cũng như thấy mồ hôi đã tiết ra đủ.
- Bước 6: Dùng khăn lau khô mồ hôi trên cơ thể, thay sang bộ quần áo mới và nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian hồi phục sức khỏe.
Dù dễ thực hiện và đem lại hiệu quả khá tốt, người bệnh cũng chỉ nên thực hiện xông hơi giải cảm khoảng từ 1 đến 2 lần mỗi khi mắc cảm, tuyệt đối không nên lạm dụng. Đặc biệt, khi chứng cảm kéo dài tới hơn 3 ngày và triệu chứng chuyển nặng hơn, tốt nhất người bệnh nên tới bệnh viện thay vì việc thực hiện xông hơi tại nhà.
Xông hơi giải cảm là biện pháp sử dụng hơi nước nóng kết hợp với dược tính của những loại thảo dược giảm nhanh được các triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm
XEM THÊM: Hướng dẫn chi tiết cách cạo gió bằng bạc tại nhà
II. Xông hơi giải cảm xong có được tắm không?
Sau khi xông hơi, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi, lỗ chân lông mở to hơn đồng thời giúp đào thải bớt một phần độc tố ra khỏi cơ thể. Lúc này, xông hơi giải cảm xong có được tắm không? Câu trả lời là KHÔNG NÊN.
Vì người bệnh nếu tắm ngay khi xông hơi, kể cả tắm nước nóng hay nước mát, đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến tình trạng sức khỏe hiện tại, khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Nguyên nhân là do tắm ngay khi xông hơi giải cảm xong sẽ khiến lỗ chân lông giãn nở thêm ra, làm giảm dương khí toàn thân, đặc biệt nếu tắm bằng nước lạnh rất dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh thêm do hàn tà xâm nhập gây cảm phong hàn.
Chính vì vậy, theo lời khuyên từ chuyên gia, người bệnh chỉ nên tắm sau khi xông hơi giải cảm ít nhất là 6 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, sau khi xông hơi giải cảm người bệnh cũng không nên gội đầu, ngồi điều hòa hay quạt gió lớn.
III. Những lưu ý khi thực hiện xông hơi giải cảm
Mặc dù xông hơi giải cảm mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng phương pháp này cũng đòi hỏi phải thực hiện đúng cách mới có hiệu quả.
Sau khi xông hơi, người bệnh nên thực hiện:
- Dùng khăn tắm để lau thật khô toàn cơ thể rồi mặc quần áo sạch.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn ở trong phòng kín gió, tránh vận động mạnh.
- Uống thêm 1 cốc trà gừng ấm hoặc ăn nhẹ một bát cháo, lưu ý không nên uống nước lạnh hay lựa chọn những loại nước có ga, chứa chất kích thích.
- Mát xa nhẹ nhàng cho cơ thể.
Một số lưu ý khác trong quá trình xông hơi
- Người bệnh chỉ nên xông hơi trong khoảng từ 10 đến 20 phút, không nên xông hơi trong thời gian dài. Vì nếu xông lâu có thể khiến cơ thể bị mất nước.
- Lưu ý uống đủ nước trước khi bắt đầu xông. Uống đủ nước giúp đảm bảo cơ thể tránh bị mất nước vượt quá mức cho phép.
Có một số đối tượng không nên xông hơi giải cảm, nếu thực hiện sẽ có thể càng làm tình trạng bệnh hiện tại trở nên trầm trọng hơn như:
- Người bệnh cảm đang gặp phải tình trạng sốt cao, bị tiêu chảy, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi.
- Người bệnh tim mạch: Vì xông có thể làm tăng áp lực cho tim, làm tăng nhịp tim.
- Người bệnh cao huyết áp: Xông hơi có thể sẽ càng làm huyết áp cao hơn.
- Người bệnh hô hấp như bị viêm phế quản, hen suyễn… Những bệnh lý này khi xông hơi sẽ có thể gây ra tình trạng bị khó thở hơn.
- Người bệnh da liễu: Da đang bị viêm nhiễm, có vết thương hở, da nhạy cảm… cũng không nên xông hơi vì có thể gây kích ứng, nhiễm trùng da.
Tóm lại, bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc của bạn: "Xông hơi giải cảm xong có được tắm không?". Việc tắm sau khi xông hơi giải cảm là việc người bệnh tuyệt đối không nên làm, thay vào đó là nên nghỉ ngơi và nếu có tắm thì chỉ tắm sau ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần nắm rõ những lưu ý khi thực hiện xông hơi để giải pháp này có thể giúp đem lại hiệu quả cao nhất.