I. Mối quan hệ giữa cảm lạnh và tiêu chảy
1. Cảm lạnh có gây tiêu chảy không?
Cảm lạnh CÓ THỂ gây ra tiêu chảy hoặc các vấn đề rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên hiện tượng này thường ít gặp. Vi rút gây bệnh cảm lạnh có thể làm cho người bệnh “đi lỏng” nhiều lần thường gặp là adenovirus. Và đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này là trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi - những đối tượng có sức đề kháng kém. Nguyên nhân là do khi nhiễm bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, dễ dẫn đến mầm bệnh từ bên ngoài và hệ hô hấp tấn công luôn sang cả đường tiêu hóa. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt đồng thời với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và tiêu chảy.
Ngoài ra thì tác dụng phụ của một số thuốc điều trị cảm lạnh cũng có thể gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt là những người bệnh cảm cúm bị nhiễm khuẩn (do hệ miễn dịch yếu đi) và có dùng thêm kháng sinh để chữa trị nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ dễ bị tiêu chảy hơn.
2. Tiêu chảy có gây cảm lạnh không?
Tiêu chảy không phải là “thủ phạm” gây ra bệnh cảm lạnh, nhưng vấn đề rối loạn tiêu hóa này có thể “gián tiếp” gây ra cảm lạnh. Tiêu chảy có thể khiến cho cơ thể dễ bị mất nước, suy giảm sức đề kháng và từ đó gây ra các bệnh lý nhiễm trùng khác, trong đó có cảm lạnh.
3. Một số nguyên nhân gây tiêu chảy, cảm lạnh xảy ra cùng lúc
Nhiều trường hợp có thể nhiễm cảm lạnh và tiêu chảy trong cùng một thời điểm. Nguyên nhân là do:
- Đồng nhiễm virus: Khi người bệnh nhiễm cả vi rút gây cảm lạnh và mầm bệnh gây tiêu chảy (ví dụ như norovirus) cùng vào một thời điểm thì có thể gây ra cảm lạnh và tiêu chảy cùng lúc. Hiện tượng này thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch hoặc đang mắc bệnh lý mạn tính.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Với một người có sức đề kháng yếu, họ có thể dễ mắc phải nhiều bệnh lý nhiễm trùng cùng vào một thời điểm. Và khi đó, cơ thể bị “tấn công” bởi nhiều loại mầm bệnh khác nhau, khiến cho hệ miễn dịch không kịp “chống đỡ”. Và kết quả chính là người có hệ miễn dịch kém có thể mắc cùng lúc cảm lạnh và cả tiêu chảy.
- Những nguyên nhân không liên quan đến nhiễm trùng: Người bệnh cảm lạnh có thể rơi vào trạng thái stress, hoặc căng thẳng thần kinh. Và yếu tố này có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trị cảm lạnh không kê đơn có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy, đặc biệt là thuốc có chứa thành phần vitamin C và kẽm.
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm: Các triệu chứng của cảm lạnh và tiêu chảy có thể xảy ra đồng thời ở những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một vài loại thực phẩm. Người bệnh có thể xuất hiện biểu hiện sổ mũi, đau họng do dị ứng với các hợp chất có trong đồ ăn. Bên cạnh đó, khi cơ thể bị dị ứng thì sẽ khó dung nạp loại thực phẩm đó. Và từ đó gây ra triệu chứng tiêu chảy, như là cách đào thải thực phẩm bị dị ứng ra bên ngoài.
ĐỌC THÊM: Trẻ bị cảm lạnh có nên tắm không?
II. Cách chữa trị cảm lạnh tiêu chảy
Để chữa trị hiệu quả tình trạng cảm lạnh tiêu chảy thì cần được xác định chính xác nguyên nhân. Và nhờ vậy sẽ giúp lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp. Một số phương pháp chữa trị cảm lạnh tiêu chảy như sau:
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ và đúng cách là biện pháp quan trọng giúp tăng cường phục hồi sức khỏe, hỗ trợ cơ thể ức chế lại vi rút. Và nhờ vậy, có thể cải thiện triệu chứng bệnh.
- Bổ sung đầy đủ nước: Người bệnh tiêu chảy có thể đối phó với tình trạng mất nước, thiếu nước. Do vậy, việc uống đầy đủ nước là rất quan trọng để giúp duy trì các quá trình trao đổi chất cho cơ thể và thải bớt các vi rút, vi khuẩn ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều chất kích thích, điển hình như caffeine hoặc đồ ngọt để hạn chế cơ thể mất nước. Thay váo đó là một chế độ ăn uống lành mạnh khoa học như:
- Chế độ ăn uống khoa học: Người bệnh cảm lạnh tiêu chảy nên ăn các loại đồ ăn nhạt, đảm bảo vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nên cho bệnh nhân ăn đồ mềm, dễ tiêu hóa và hạn chế các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe (chứa nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn).
- Sử dụng thuốc: Nếu như đã thử các cách như trên mà vẫn không có hiệu quả thì người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng của cảm cúm. Chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi. Nhưng người bệnh vẫn nên trao đổi ý kiến với dược sĩ, bác sĩ.
Ngoài những cách thức như đã nêu trên, người bệnh có thể sử dụng một số mẹo nhỏ để giảm triệu chứng tiêu chảy như sau:
- Sử dụng ngải cứu kết hợp cùng với muối: Ngải cứu là thảo dược tự nhiên giúp cải thiện các biểu hiện ở người bệnh cảm lạnh và tăng cường chức năng tiêu hóa. Người bệnh có thể rang nóng ngải cứu cùng với muối và chườm lên vùng bụng để cải thiện bệnh.
- Uống trà gừng: Gừng có đặc tính ức chế sự phát triển vi khuẩn, vi rút và cầm tiêu chảy. Do vậy người bệnh uống trà gừng sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng cảm lạnh tiêu chảy.
- Dùng sả và tía tô: Tía tô và sả là hai nguyên liệu giúp “chặn đứng” cảm lạnh, phục hồi tổn thương cho hệ tiêu hóa và giúp người bệnh hết tiêu chảy. Cách dùng hai loại thảo dược này như sau: Đun sôi nước, cho sả cùng với tía tô vào nồi nước. Tiếp theo đó lấy phần nước để uống hàng ngày.
III. Chế độ ăn uống cho người bị cảm lạnh tiêu chảy
Khi mắc phải cảm lạnh tiêu chảy, người bệnh nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp nâng cao thể trạng, giúp sớm khỏi bệnh và giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng.
Các món ăn dành cho người bệnh cảm lạnh tiêu chảy cần đảm bảo hợp vệ sinh, có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là các gợi ý dành cho bạn:
- Cháo hoặc súp: Đây là món ăn đặc biệt phù hợp cho người bệnh cảm lạnh tiêu chảy. Do cháo hoặc súp có thể chất mềm nên giúp người bệnh dễ ăn, dễ tiêu hóa và giúp khắc phục tình trạng tiêu chảy và các triệu chứng bệnh cảm.
- Hoa quả mọng nước: Loại thực phẩm này giúp bổ sung vitamin C dồi dào, giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Nhờ vậy mà có thể giúp tăng cường khả năng “chiến đấu” của hệ miễn dịch với tác nhân gây bệnh.
- Canh ngải cứu nấu với thịt lợn: Đây cũng là sự lựa chọn tốt dành cho người bệnh cảm lạnh tiêu chảy. Món ăn này sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, giảm triệu chứng tiêu chảy và cảm lạnh.
- Canh thịt bò nấu với riềng: Món ăn bổ dưỡng này sẽ giúp sức đề kháng của người bệnh được “thăng cấp”, hạn chế triệu chứng mệt mỏi và hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
- Canh gà nấu với đảng sâm, trần bì, thảo quả: Món canh hấp dẫn này sẽ giúp bồi bổ cơ thể, cầm tiêu chảy và làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh không nên ăn quá nhiều món ăn này vì có thể gây dư thừa chất, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
- Canh cật dê cùng với các vị thuốc: Người bệnh cảm cúm có thể ăn món canh cật dê nấu cùng các vị thuốc. Loại canh này sẽ giúp bổ sung protein cùng nhiều dưỡng chất giúp thể trạng người bệnh tốt hơn, tăng cường miễn dịch để chống lại vi rút, vi khuẩn hiệu quả.
Cháo hoặc súp là những món ăn đặc biệt phù hợp cho người bệnh cảm lạnh tiêu chảy
XEM THÊM: Hướng dẫn dùng nước tía tô giải cảm đúng cáchIV. Các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh tiêu chảy
Cảm lạnh tiêu chảy “không chừa một ai”, các bạn nên trang bị cho bản thân và gia đình các giải pháp phòng ngừa như sau:
1. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều hơn:
Ngủ đủ giấc là “chìa khóa” quan trọng giúp nâng cao miễn dịch, và giúp tái tạo năng lượng, phục hồi tổn thương. Do vậy mà, ngủ đủ giấc có thể giúp cho người bệnh nhanh chóng hết bệnh và sớm lấy lại trạng thái bình thường. Ngoài ra, bạn cũng nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức vì có thể khiến cho bệnh diễn biến phức tạp hơn.
2. Giữ ấm toàn thân:
Cơ thể bị nhiễm lạnh có thể làm cho sức đề kháng giảm xuống, vì vậy mà nhiều loại vi rút sẽ tranh thủ “cơ hội” này để tấn công và gây ra bệnh cảm lạnh. Vì vậy, trong thời tiết lạnh thì bạn nên cố gắng giữ ấm cho cơ thể. Bên cạnh đó, cũng cần tránh tiếp xúc với hơi lạnh đột ngột, dễ khiến cho tế bào miễn dịch cơ thể không kịp thích nghi và giảm khả năng bảo vệ cho cơ thể.
Đặc biệt chú trọng đến việc giữ ấm cho chân, cổ, đầu vì đây là các bộ phận dễ bị nhiễm lạnh nhất. Bên cạnh đó, nên sử dụng nước ấm để tắm và vệ sinh thân thể trong không gian kín gió. Sau khi tắm không nên để cơ thể bị nhiễm lạnh.
3. Thường xuyên vận động:
Tập thể dục thể thao có thể giúp điều hòa khí huyết, nâng cao sức đề kháng và giúp hạn chế nguy cơ nhiễm cảm lạnh. Thế nhưng, bạn nên thường xuyên rèn luyện sức khỏe thông qua các bài tập như: đạp xe, bơi lội, chơi cầu lông, đi bộ, bóng chuyền, bóng rổ…
4. Không sử dụng đồ uống lạnh, hoặc thực phẩm lạnh:
Việc dùng các loại đồ ăn hoặc đồ uống lạnh có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng nhiễm khuẩn đường ruột. Từ đó làm cho sức đề kháng bị suy giảm, và dễ mắc phải bệnh cảm lạnh và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Do vậy, người bệnh nên tiêu thụ các loại đồ ăn ấm nóng, đã được chế biến kỹ để bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ nhiễm cảm lạnh tiêu chảy.
5. Tránh tiêu thụ các loại đồ ăn có hại:
Đồ ăn không hợp vệ sinh, chất lượng kém, chứa các hóa chất có hại luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe của người dùng. Nếu sử dụng chúng lâu dài có thể làm cơ thể chúng ta bị yếu đi và dẫn đến nguy cơ bị mắc cảm lạnh tiêu chảy.
6. Với trẻ nhỏ, hãy mặc quần áo che bụng cho bé:
Các thiên thần bé nhỏ rất dễ bị cảm lạnh tiêu chảy, do vậy trong quá trình sinh hoạt và lúc ngủ thì phụ huynh cần cho bé làm ấm phần bụng và nhiều bộ phận khác cho trẻ.
Mặc ấm phòng ngừa cảm lạnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ
Mong rằng với những thông tin về cảm lạnh tiêu chảy như đã trình bày như trên đã có thể giúp người bệnh và gia đình hiểu rõ hơn về vấn đề này. Hy vọng rằng người bệnh sẽ sớm khỏe lại như bình thường và không gặp biến chứng do cảm lạnh gây ra.