Da tay xuất hiện đốm đen, đốm nâu là dấu hiệu của bệnh gì?

2023-11-18 11:12:40

Đốm nâu, đốm đen xuất hiện trên da tay không phải vấn đề da liễu hiếm gặp và thường là biểu hiện của chứng tăng sắc tố da. Tình trạng này xuất phát từ những vấn đề như lão hóa hoặc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng những vết sạm hoặc đốm đen bất thường trên da tay này là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nguy hiểm hơn như ung thư. Vậy người bệnh nên làm thế nào để nhận biết, phân biệt và khắc phục?

I - Nhận biết tình trạng nổi đốm nâu trên da tay

Tay nổi đốm nâu phần lớn là dấu hiệu của chứng tăng sắc tố, xảy ra khi các hắc sắc tố melanin bị sản sinh quá mức. Hậu quả là da tay xuất hiện những đốm nâu, hoặc đen sạm. Tình trạng này thường là kết quả của quá trình lão hóa hoặc do bạn thường xuyên để da tay tiếp xúc với tia nắng mặt trời.

Tình trạng nổi đốm nâu trên da tay rất phổ biến, đặc biệt là ở nhóm người trên 50 tuổi. Đa phần chúng là dấu hiệu của một số dạng tăng sắc tố da như nám hoặc đồi mồi.

Kích thước của các đốm sắc tố nâu thường không đồng nhất, dao động từ 0,5-2,5cm. Ngoài ra các bác sĩ cũng chỉ ra rằng chúng thường tập trung thành từng mảng hoặc xuất hiện đơn lẻ ở nhiều vị trí, phổ biến nhất là trên cánh tay hoặc mu bàn tay.

Da tay tự nhiên xuất hiện các đốm nâu đen

II - Nguyên nhân khiến da tay bị nổi đốm nâu

Nguyên nhân khiến tay bị nổi các đốm nâu như đồi mồi có thể kể đến như là:

1. Do ảnh hưởng từ ánh nắng mặt trời

Ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sắc tố melanin sẽ phải hoạt động tích cực hơn để hạn chế ảnh hưởng từ tia UV. Điều này khiến sắc tố trên da theo đó mà sản sinh nhiều hơn, dần sẽ tích tụ và hình thành thành các đốm nâu, khiến da sạm đen hơn.

Tình trạng nổi đốm nâu trên da tay do tác động từ tia UV thường gặp nhiều ở nhóm đối tượng:

  • Người thường xuyên phải hoạt động, làm việc ngoài trời.
  • Người di chuyển ngoài trời nhưng không được che chắn kỹ cho da. Hoặc đã sử dụng kem chống nắng nhưng lại "bỏ quên" vùng da tay.
  • Người sinh sống, làm việc tại các vùng ven biển hoặc trên biển.

Da tay bị nổi đốm nâu, sạm đen do tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời

2. Da lão hóa

Một trong những dấu hiệu lão hóa phổ biến và dễ thấy nhất đó chính là nổi đốm nâu trên da, hay còn được gọi là đồi mồi. Không chỉ ở tay, những đốm nâu đồi mồi này còn xuất hiện tại nhiều vị trí khác như chân, mặt, ngực, vai…

Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những người bước vào độ tuổi trung niên hay "độ tuổi lão hóa". Đây là gia đoạn làn da dần mất đi collagen và sức đề kháng, dễ bị ánh nắng mặt trời tác động và làm tăng nguy cơ bị đồi mồi trên tay.

3. Mất cân bằng nội tiết tố

Estrogen và các hormone nội tiết có một mối liên hệ mật thiết tới hiện tượng tăng sắc tố trên da. Bởi khi mức độ hormone nội tiết bị thay đổi có thể khiến các tế bào phản ứng bằng cách tăng cường sản xuất melanin. Vì vậy với những người bị suy giảm estrogen hay có vấn đề về rối loạn nội tiết tố này, rất dễ khiến melanin mất kiểm soát và tăng sinh quá mức.

4. Tác động từ mỹ phẩm

Dùng mỹ phẩm chăm sóc da tay có chứa nhiều thành phần hoá học không phù hợp, hoặc sử dụng với tần suất cao khiến da tay bị bào mòn. Nếu không được chăm sóc sẽ tạo điều kiện cho tia cực tím tác động, khiến da tay bị nổi đốm nâu và đen sạm hơn.

Tay nổi đốm nâu, sạm đen do dùng mỹ phẩm

5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học

- Vấn đề ăn uống

Chúng ta đều biết rằng duy trì chế độ ăn lành mạnh là cách đơn giản nhưng có thể cung cấp cho da lượng lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu. Qua đó sẽ giúp da duy trì sự đều màu, cải thiện đàn hồi cũng như giúp da trắng sáng, tươi nhuận hơn.

Do đó khi chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc ăn uống kém khoa học (thường xuyên ăn đêm, uống ít nước, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, cay nóng…) có thể gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe làn da. Khiến da xỉn màu, thiếu sức sống, sức đề kháng giảm đi khiến ánh nắng mặt trời dễ dàng tác động, kích thích sắc tố melanin gây nổi đốm nâu.

- Vấn đề sinh hoạt gây căng thẳng

Chưa kể những người sinh hoạt kém hoa học, khiến căng thẳng kéo dài có thể khiến cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol nhiều hơn. Mặc dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định nhưng lượng costirol cao có thể làm kích thích tế bào sắc tố (tế bào melanocytes), khiến da dễ hình thành các mảng tối màu hoặc thậm chí là các đốm nám.

6. Tác dụng phụ của thuốc điều trị

Thuốc chống viêm chứa steroid, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật… được biết đến là có nguy cơ làm tăng sản xuất hắc tố melanin. Mặc dù tác dụng phụ này rất hiếm khi xảy ra nhưng chúng có thể khiến da trở nên sạm đen nhanh chóng, hình thành đốm nâu, đồi mồi.

7. Tăng sắc tố sau viêm

Tăng sắc tố sau viêm (PIH) là một dạng rối loạn da liễu xảy ra sau khi làn da người bệnh bị tổn thương từ chấn thương hoặc các vấn đề da liễu, chẳng hạn như mụn trứng cá, mụn nhọt, vết chàm, vảy nến, vết bỏng, côn trùng cắn, vết nổi mề đay… Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh áp dụng liệu pháp laser, xạ trị hoặc peel da tại khu vực tay cũng có thể bị tăng sác tố sau viêm.

Bệnh về da gây ra các đốm nâu ở tay

8. Di truyền

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người có người thân đã từng gặp phải các chứng tăng sắc tố như nám, tàn nhang hay đồi mồi có nguy cơ gặp phải những tình trạng tương tự này cao hơn.

9. Ung thư da

Đôi khi, các vệt nâu trên tay lại là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý ung thư nguy hiểm chẳng hạn như:

  • Ung thư tế bào đáy: Khi các đốm nâu xuất hiện nhiều trên tay, đây có thể là dấu hiệu cho thấy u ở tế bào đáy đang phát triển.
  • Ung thư tế bào gai: Loại ung thư này thường phát triển khá nhanh, lây lan cao hơn so với các loại khác. Thường hình thành do các tổn thương từ mô sẹo, cơ thể đã và đang mắc các bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng lâu không xử lý.
  • Ung thư da hắc tố: Có thể coi đây là dạng ung thư nguy hiểm nhất, là nguyên nhân quyết định mức độ tử vong của người bệnh. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh lại không quá rõ ràng, ban đầu chỉ dừng lại ở các đốm nâu trên tay, chân…

Dấu hiệu ung thư da khi bị nổi đốm nâu ở tay

III - Xuất hiện nhiều đốm nâu trên da tay có phải hiện tượng nguy hiểm?

Nếu trường hợp đốm đen, đốm nâu xuất hiện do rối loạn tăng sắc tố, bạn hoàn toàn không cần phải lo lắng. Bởi các đốm nâu sắc tố này hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe mà chỉ gây mất thẩm mỹ trên da.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, đồi mồi là triệu chứng của ung thư hoặc các khối u ác tính. Đặc điểm nhận dạng của các trường hợp ác tính này có thể là:

  • Xuất hiện nhiều đốm nâu, đốm đen (về số lượng).
  • Có sự thay đổi về kích thước (lớn dần).
  • Đường viên các đốm không đều màu.
  • Không phải đốm phẳng, sờ thấy gồ ghề.
  • Không có sự đồng đều màu sắc.
  • Xuất hiện hiện tượng xuất huyết.
Lúc này, tìm đến các cơ sở uy tín để khám chữa là điều người bệnh nên làm để tránh những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

IV - Làm thế nào để loại bỏ các đốm nâu trên da tay hiệu quả?

1. Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên tại nhà

  • Trứng gà: Trộn lòng trắng trứng với nửa thìa nước chanh, thêm 1 quả óc chó (đã giã nhuyễn). Sau đó thoa hỗn hợp này lên vùng da xuất hiện đố, để nghỉ 20 phút rồi rửa sạch lại với nước là được.
  • Đu đủ xanh: Đu đủ xanh nghiền nát với nước, rồi bôi lên các đốm nâu trên da. Đợi 10 phút là có thể rửa sạch.
  • Sữa chua: Acid lactic trong sữa chua có tác dụng mờ các đốm nâu hiệu qủa. Vì vậy bạn có thể dùng sữa chua không đường bôi lên làn da xuất hiện đốm, để tầm 15 phút cho dưỡng chất thấm vào da rồi xả sạch lại là được.
  • Dưa chuột, cà rốt và bơ: Xay nhuyễn 3 loại, mỗi loại 1 nửa rồi đắp lên vùng da bị đốm. Bạn sẽ thấy hiệu quả khác biệt khi duy trì đều đặn.

Cách chữa nổi đốm nâu trên da tay tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên

2. Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc, kem bôi có thành phần huyết thanh mờ thâm đều có tác dụng vượt trội trong việc làm đều màu da, mờ đi các vết thâm từ đốm nâu hiệu quả.

Các bác sĩ da liễu cũng chia sẻ rằng, không thực sự có cách nào điều trị hiệu quả các đốm nâu này, nhưng bạn có thể hạn chế và làm mờ nó bằng các sản phẩm khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số thành phần có lợi trong vấn đề xử lý đốm nâu như: Hydroquinone, acid glycolic, Vitamin C, Niacinamide, chiết xuất rễ cam thảo…

Thuốc trị đốm nâu trên da tay hiệu quả

3. Trị đốm nâu trên da tay bằng công nghệ cao

Những kỹ thuật hiện đại được áp dụng để hỗ trợ làm mờ các đốm đồi mồi hiện nay như:

  • Laser: Đây là phương pháp tương đối quen thuộc đối với các bệnh lý tăng sắc tố. Tuy nhiên liệu pháp này cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng dựa trên tình trạng da và mức độ chuyên môn của người làm.
  • Mài da: Giúp loại bỏ các đốm nâu nhưng không được khuyến khích vì có thể làm tổn thương da cũng như gây sẹo.
  • Peel da: Loại bỏ phần da bị tổn thương, sạm màu để tái tạo làn da mới không đốm nâu.
  • Nitơ lỏng: Có thể loại bỏ một số đốm nâu nhưng không hoàn toàn, thậm chí còn gây tổn thương lại cho người thực hiện.

V - Những lưu ý để phòng ngừa, hạn chế nổi đốm nâu trên da tay

Ngoài khả năng phòng ngừa, bạn cũng nên tham khảo những cách sau để hỗ trợ cho quá trình mờ đốm đen trên da tay đạt được hiệu quả hơn:

  • Sử dụng kem chống nắng: Mục đích là giúp da tay hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Kem dưỡng ẩm cho da tay: Khi da đủ ẩm, quá trình lão hóa sẽ diễn ra chậm hơn, từ đó tổn thương gặp phải trên da cũng được hạn chế hơn.
  • Quần áo chống nắng: Che chắn cho tay cũng như các vùng da khác tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất để tăng đề kháng, giúp da chống lại các yếu tố tiêu cực, hạn chế melanin tăng sinh hình thành đốm nâu.
  • Giờ giấc sinh hoạt lành mạnh: Ngủ đủ, đúng giờ, luôn có thời gian thư giãn và thể chất đều đặn là các yếu tố ngăn cản quá trình lão hoá của cơ thể.

Cách phòng ngừa nổi đốm nâu trên da tay

Tay nổi đốm nâu phần lớn đều không nguy hiểm, tuy nhiên để an toàn một cách tuyệt đối bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ, thăm khám về vùng da nổi đốm bất thường. Liên hệ cho chúng tôi nếu bạn còn bất cứ vấn đề cần thắc mắc.

Lên đầu trang
Loading