Bệnh đau đầu Arnold là gì? Nguyên nhân & cách điều trị

2023-12-01 10:40:05

Đau đầu Arnold không phải là đau đầu thông thường mà chúng ta thường gặp. Chính vì vậy, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, từ những dấu hiệu đến nguyên nhân, và quan trọng nhất là cách điều trị và khắc phục hiệu quả nhất.

I - Đau đầu arnold là bệnh gì?

Đau đầu arnold là tình trạng đau đầu do dây thần kinh arnold (hay còn được gọi là dây thần kinh chẩm) bị kích thích, tổn thương, viêm nhiễm. Dây thần kinh arnold nằm ở vị trí từ đáy hộp sọ qua da đầu, đi qua hai đốt sống cổ C2 và C3. Do đó biểu hiện chung của dạng đau đầu này đó là cảm giác đau nhiều hơn ở khu vực sau gáy và cổ.

Khác với đau nửa đầu hoặc các cơn đau đầu thông thường, triệu chứng đau đầu arnold thường xuất hiện một cách đột ngột, là những cơn đau kịch phát khi có sự tác động tới khu vực dây thần kinh này đi qua. Ngay cả với các hành động vô tình như chải đầu, chạm vào cổ cũng có thể làm khởi phát cơn đau

Đau đầu arnold không chỉ khiến người bệnh khó chịu mà còn là dấu hiệu của một vài bệnh lý nguy hiểm. Đây cũng là bệnh lý khiến rất nhiều người bệnh lầm tưởng là đau đầu thông thường.

Đau đầu arnold là gì?

II - Triệu chứng của bệnh đau đầu arnold

Triệu chứng cụ thể của bệnh đau đầu arnold bao gồm:

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột, kéo dài rất ngắn, chỉ từ vài giây đến vài phút.
  • Mức độ đau đầu từ nhẹ đến dữ dội, kèm theo cảm giác nóng rát, như dao đâm hay điện giật.
  • Cơn đau thường xuất hiện và chấm dứt đột ngột hoặc theo nhịp đều
  • Tính chất cơn đau thường là đau nhói, đau dữ dội, đau co thắt ở phía sau đầu, ở một hoặc hai bên đầu.
  • Vị trí đau thường gặp là ở phía sau đầu, một hoặc cả hai bên đầu, đau kéo lên phía sau hốc mắt, thường kèm theo đau vùng cổ và vai gáy.
  • Dù cơn đau thường chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút, nhưng có thể người bệnh vẫn cảm thấy đau khi chạm vào vùng dây thần kinh chẩm. Tình trạng có thể kéo dài tới nhiều ngày sau đó.
  • Thông thường sẽ không đi kèm với các triệu chứng khác đi kèm như cơn đau nửa đầu hay những loại đau đầu khác.

Triệu chứng đau đầu arnold

III - Những nguyên nhân gây đau đầu arnold

Đau đầu arnold không phải là một hiện tượng đơn giản mà xuất phát từ sự tổn thương của dây thần kinh chẩm, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Dây thần kinh chẩm bị chèn ép do người bệnh mắc các bệnh lý như thoái hóa cột sống cổ, khối u, thoát vị đĩa đệm, lao…
  • Bị biến dạng cột sống cổ.
  • Viêm khớp cột sống cổ và vai.
  • Tổn thương cột sống cổ.
  • Nhiễm trùng, thậm chí là xuất huyết mạch máu tủy cột sống cổ.

Ngoài ra, có những bệnh lý thần kinh ít gặp như viêm nhiều dây thần kinh do đái tháo đường, hội chứng Guillain Barré, giời leo, giang mai…

IV - Bệnh đau đầu arnold có nguy hiểm không?

Đau đầu arnold là một bệnh lý tuy về bản chất có thể không gây nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh, có thể dẫn đến giảm hiệu suất làm việc và học tập, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây lo âu, căng thẳng, làm suy giảm trí nhớ, thậm chí là trầm cảm.

Đặc biệt, mức độ nguy hiểm của bệnh này thực sự phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Cụ thể, nếu đau đầu arnold xuất phát từ một số bệnh lý nghiêm trọng như: U ác vùng cột sống cổ, tai biến mạch máu tủy, lao cột sống cổ, nhiễm trùng tủy… có thể tạo ra những biến chứng nguy hiểm.

Chính vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng đau đầu arnold trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhức đầu arnold có nguy hiểm không?

V - Đau đầu arnold được chẩn đoán bằng cách nào?

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về bệnh đau dây thần kinh chẩm, việc đầu tiên mà bệnh nhân cần thực hiện là đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất. Tại đây, bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các triệu chứng lâm sàng và yêu cầu người bệnh thực hiện những xét nghiệm phù hợp.

Bao gồm các biện pháp:

  • Tiêm thuốc phong bế dây thần kinh: Xác định xem có phải là cơn đau arnold không.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kiểm tra các vấn đề về đĩa đệm, xem có máu tụ áp lực dây thần kinh không, có bị chèn ép tủy sống không.
  • Chụp CT scan: Xác định kích thước, hình dạng của ống sống, của khối u.

VI - Những cách điều trị đau đầu arnold hiệu quả nhất

1. Các biện pháp giảm đau nhanh chóng

Người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp như sau:

  • Dùng túi chườm lạnh vào cổ.
  • Mát - xa cơ cổ nhẹ nhàng: Sử dụng tay để mát - xa cơ cổ có thể giúp cải thiện lưu thông máu, từ đó giúp giảm đau.
  • Uống thuốc giảm đau chống viêm: Như Naproxen hoặc Ibuprofen khi bị đau trầm trọng.
  • Nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh: Người bệnh cần tìm một không gian yên tĩnh, ít ánh sáng để nghỉ ngơi, tránh tình trạng kích thích cơn đau trở nên trầm trọng hơn.

2. Dùng thuốc Tây y

Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc chuyên điều trị bệnh đau đầu arnold nếu các giải pháp trên không đem lại hiệu quả, bao gồm:

  • Thuốc giãn cơ theo toa: Được chỉ định dựa trên từng trường hợp bệnh lý cụ thể.
  • Thuốc chống trầm cảm và động kinh.
  • Phương pháp phong bế thần kinh, tiêm steroid.
  • Thuốc giảm đau để tạm thời giảm cảm giác đau nhanh chóng.

Tuy nhiên, các loại thuốc Tây y thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ như dễ dị ứng, buồn nôn, mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến gan thận…

Thuốc trị đau đầu arnold

3. Phẫu thuật (điều trị ngoại khoa)

Trong những trường hợp mà cơ thể người bệnh không phản ứng tích cực đối với thuốc, hoặc có dị ứng và mẫn cảm, phương pháp phẫu thuật sẽ trở thành phương pháp để điều trị chứng đau đầu arnold, đặc biệt là đau đầu arnold do áp lực của khối u não.

Có hai biện pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Giải ép mạch máu vi phẫu: Bác sĩ sẽ tìm ra những mạch máu chèn ép lên dây thần kinh rồi tách ra khỏi điểm chèn ép. Việc này giúp giảm độ nhạy cảm của các dây thần kinh, giảm đau đầu dữ dội.
  • Kích thích dây thần kinh chẩm: Bác sĩ sẽ dùng máy kích thích thần kinh và xung điện với mục đích chặn cảm giác đau truyền đến não bộ.

Tuy nhiên tốt nhất người bệnh nên đến kiểm tra và chữa trị ngay khi có dấu hiệu ban đầu để tránh những nguy cơ không mong muốn do phẫu thuật.

VII - Làm thế nào để phòng tránh bệnh đau đầu arnold?

Để giảm nguy cơ mắc đau đầu vùng chẩm và tránh những biến chứng nguy hiểm, bạn nên lưu ý những nguyên tắc:

  • Áp dụng chế độ ăn khoa học.
  • Kiêng rượu bia và thuốc lá.
  • Tập thể dục hàng ngày: Thực hiện bài tập thể thao nhẹ nhàng nhưng đều đặn, nhất là những bài tập giúp cải thiện lưu thông máu.
  • Nghỉ ngơi hợp lý để không bị căng thẳng kéo dài.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya: Đảm bảo ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm.
  • Uống đủ nước: Bảo đảm cơ thể luôn được cung cấp đủ nước 2 lít nước/ngày để có thể duy trì sức khỏe và năng lượng.
  • Chỉ nên sử dụng thuốc theo chỉ định từ chuyên gia: Tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau đầu để ngăn chặn nguy cơ gây tác dụng phụ hay bị nhờn thuốc.
  • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều trong ngày, nhất là trước khi đi ngủ.
  • Đi khám ngay khi có dấu hiệu nghiêm trọng như: Cơn đau đầu trở nên dữ dội và kèm theo các triệu chứng như điện giật, buồn nôn, rối loạn ngôn ngữ, ý thức, co giật…

Hy vọng những thông tin và lời khuyên trên sẽ phần nào giúp người bệnh có cái nhìn và hướng giải quyết an toàn và phù hợp nhất đối với đau đầu arnold. Quan trọng nhất là tìm đến bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào trở nên nghiêm trọng.

Lên đầu trang
Loading