Nhận diện tình trạng đau đầu cấp tính & Cách điều trị hiệu quả

2023-11-08 13:35:14

Những cơn đau đầu cấp tính có thể kéo dài hàng giờ cho tới vài ngày, bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, bệnh lý cũng như dưới sự tác động của nhiều yếu tố nguy cơ. Đặc biệt người bệnh nên chú tâm tới tình trạng sức khỏe nếu nguồn gốc của cơn đau đầu cấp tính xuất phát từ các bệnh lý thần kinh. Việc điều trị và phòng ngừa đúng cách sẽ giảm thiểu khả năng gặp phải tình trạng này.

I - Đau đầu cấp tính là gì?

Đau đầu là tình trạng vô cùng phổ biến khi có tới 80% người từng gặp phải trong đời, được phân thành hai loại là đau đầu mạn tính và đau đầu cấp tính. Trong đó, đau đầu cấp tính là tình trạng cơn đau đầu xảy ra một cách đột ngột và mới xuất hiện, với cường độ vừa phải hoặc một cơn đau dữ dội mà người bệnh chưa từng gặp trước đây.

II - Những nguyên nhân gây đau đầu cấp tính

Các vấn đề về hệ thần kinh được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu gây ra đau đầu cấp tính.

1. Chảy máu não hoặc chảy máu màng não

Chảy máu não và chảy máu màng não là tình trạng xảy ra đột ngột với các dấu hiệu gồm:

  • Đau đầu dữ dội.
  • Rối loạn tiểu tiện.
  • Suy giảm nhận thức.
  • Gáy cứng, Kernig (Dấu hiệu màng não).
  • Liệt nửa người.

Đau đầu cấp tính do chảy máu não, chảy máu màng não

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các bệnh lý như:

  • Huyết áp động mạch tăng.
  • Rối loạn đông máu.
  • Bệnh mạch dạng bột.
  • U não.
  • Vỡ dị dạng mạch não.

2. Áp xe não

Bệnh với những triệu chứng phổ biến gồm:

  • Đau nhức đầu.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Có thể bị rối loạn nhận thức hoặc co giật.
  • Sốt cao, người rét run.
  • Tê liệt nửa người.
  • Bị cứng gáy.
  • Môi khô, lưỡi bẩn.

3. Mắc chứng viêm màng não

Tình trạng đau đầu dữ dội kèm theo bị cứng gáy và sốt là những dấu hiệu phổ biến của bệnh lý này.

4. Viêm tắc tĩnh mạch não

Chứng viêm tắc tĩnh mạch não thường xuất hiện ở phụ nữ sau khi sinh hoặc do bị nhiễm trùng xoang, vùng hàm mặt. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm như:

  • Đau nhức đầu dữ dội.
  • Mờ mắt.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Nói ngọng.
  • Rối loạn nhận thức.
  • Yếu người, liệt nửa người.
  • Co giật, ngất xỉu.

Viêm tắc tĩnh mạch não

5. Tăng huyết áp kịch phát

Đây là tình trạng chỉ số huyết áp bị tăng cao một cách đột ngột, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cơ thể, trong đó phải kể đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như đột quỵ, đau thắt ngực, suy tim, phù phổi cấp…

Khi huyết áp tăng cao đột ngột, bệnh có những triệu chứng:

  • Chóng mặt, đau đầu, hoa mắt.
  • Khó thở, nôn mửa.
  • Đau tức ngực.
  • Có hiện tượng “ruồi bay”.

6. Bệnh Horton

Đây là bệnh lý thường xảy ra ở những người hơn 50 tuổi và ở những nước Châu Âu với những biểu hiện:

  • Đau đầu cấp tính thường xuất hiện ở vùng thái dương, nửa đầu hoặc cả hai bên đầu, càng về đêm cơn đau càng có dấu hiệu nặng dần.
  • Nhìn mờ ở một hoặc cả hai bên mắt.
  • Chạm vào vùng thái dương thấy động mạch cứng, đau, không đập.
  • Có thể gây hoại tử ở vùng đầu lưỡi hoặc da đầu.
  • Bị sốt và sụt cân.

Bệnh horton gây nhức đầu cấp tính

7. Chứng đau nửa đầu

Với những triệu chứng điển hình như:

  • Đau từng cơn ở một bên đầu. Cơn đau thay đổi từ nhẹ đến dữ dội, kéo dài từ nhiều giờ cho tới vài ngày.
  • Nôn mửa.
  • Đau đầu xảy ra đột ngột hoặc có những dấu hiệu báo trước như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, rối loạn thị lực, khó nói, da đầu tê buốt…
  • Cơn đau đầu sẽ còn tăng lên mỗi khi người bệnh di chuyển, chuyển động đầu, hắt xì, ho.

III - Yếu tố nguy cơ gây đau đầu cấp tính

Một vài yếu tố tác nhân cũng có thể làm kích hoạt cơn đau đầu cấp tính bao gồm:

  • Bị căng thẳng, áp lực kéo dài.
  • Bị mất ngủ, mệt mỏi kéo dài.
  • Đang trong chu kỳ kinh nguyệt, nhất là kinh nguyệt sau khi mang thai.
  • Dùng thuốc tránh thai.
  • Dùng liệu pháp thay thế hormone.
  • Sử dụng nhiều loại thực phẩm có chứa đường hóa học, socola đen, rượu bia, bột ngọt, thịt muối…
  • Đột nhiên bỏ không tiếp tục dùng caffeine.
  • Bị chấn thương ở vùng đầu.
  • Bị nhiễm trùng, viêm xoang, tuyến giáp, khối u…
  • Bị đau răng, đau cổ.

Yếu tố nguy cơ gây đau đầu cấp tính

IV - Đau đầu cấp tính có nguy hiểm không?

Nếu cơn đau đầu cấp tính không liên quan đến tổn thương thần kinh thì đa phần sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do các vấn đề về thần kinh, người bệnh nên tới các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong các trường hợp xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Cơn đau đầu trầm trọng, dữ dội.
  • Bị tê liệt một bên mặt hoặc một bên cơ thể.
  • Đau đầu sau khi gặp phải chấn thương, bị ngã hoặc bị đánh vào đầu.
  • Rối loạn nhận thức.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Nói năng khó khăn.
  • Bị sốt và cứng gáy, cổ.

Đau đầu cấp tính có nguy hiểm không?

V - Cách làm giảm cơn đau đầu cấp tính hiệu quả nhanh chóng

Với những trường hợp đau đầu cấp tính, tốt nhất người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất, từ đó có được phương pháp điều trị kịp thời và đúng nhất, tránh được tối đa các biến chứng thần kinh nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể áp dụng một vài cách giảm đau tạm thời như:

1. Sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc sẽ còn tùy thuộc vào nguyên nhân của tình trạng đau đầu cấp tính. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê đơn (Ví dụ như NSAID, acetaminophen), không nên để cơn đau đầu trở nên dữ dội mới dùng.

Đặc biệt, để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng xấu tới gan, thận, dạ dày, người bệnh cần sử dụng thuốc khi đã có sự hướng dẫn từ bác sĩ, dược sĩ.

Thuốc làm giảm đau đầu cấp tính

2. Chườm nóng hoặc chườm đá

Chườm nóng và chườm lạnh có tác dụng giúp giảm co thắt cơ, cải thiện tình trạng đau đầu.

  • Chườm nóng: Sử dụng túi chườm nóng rồi đặt lên vùng đầu, mỗi lần chườm khoảng 20 - 30 phút và sau khoảng 2 tiếng chườm lại 1 lần cho đến khi cơn đau được dịu bớt.
  • Chườm lạnh: Chườm trong khoảng 15 - 20 phút mỗi giờ.

Người bệnh có thể chườm nóng và chườm lạnh luân phiên nhau.

3. Nghỉ ngơi và thư giãn cơ thể

Khi bị đau đầu, bạn đừng nên tiếp tục cố gắng làm việc mà nơi tìm một nơi để nghỉ ngơi, nằm xuống và nhắm mắt lại, để cơ bắp và toàn bộ cơ thể được thư giãn.

VI - Phải làm sao để hạn chế tình trạng đau đầu cấp tính?

Để phòng ngừa nhức đầu cấp tính, bạn cũng nên chủ động xây dựng một lối sống sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh, cụ thể:

1. Không hút thuốc

Vì thuốc lá, xì gà, thậm chí bao gồm cả thuốc lá không khói và thuốc lá đều chứa nicotin - đây cũng chính là một trong những tác nhân gây ra hoặc khiến cơn đau đầu cấp tính trở nên nặng hơn.

2. Không uống rượu bia

Rượu bia vừa có thể làm kích hoạt cơn đau đầu, vừa làm cơn đau đầu trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia, đặc biệt là trong trường hợp đang bị đau đầu.

3. Tập thể dục điều độ

Theo lời khuyên từ chuyên gia, mỗi chúng ta nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc tập thể dục thể thao, sẽ giúp làm giảm căng thẳng, lo âu, giảm và phòng ngừa đau đầu.

Tập thể dục điều độ phòng tránh đau đầu

4. Ăn thực phẩm lành mạnh

Để phòng ngừa đau đầu, bạn nên có một chế độ ăn uống hợp lý, ăn những loại thực phẩm tốt như sữa ít béo, thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt…

Bên cạnh đó cũng cần hạn chế những loại thực phẩm có thể gây đau đầu như thức ăn mặn, đồ ăn sẵn, bia rượu, bột ngọt, cà phê…

5. Tránh các tác nhân gây đau đầu

Những tác nhân này phải kể đến như bị thiếu ngủ, sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, tiếp xúc với hóa chất độc hại…

Có thể thấy, đa phần các trường hợp đau đầu cấp tính là do tổn thương thần kinh. Chính vì vậy, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà nên tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh cũng nên cố gắng xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý.

Lên đầu trang
Loading