Đau đầu Cervicogenic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

2024-03-21 11:21:39

Đau đầu Cervicogenic là một loại đau đầu thứ phát, phát sinh từ nhiều nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn như chấn thương cổ, viêm nhiễm... Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi vào chi tiết về các triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp điều trị cho chứng đau đầu này.

I - Đau đầu Cervicogenic là gì?

Đau đầu cervicogenic là một loại đau đầu thứ phát, xuất phát từ các vấn đề liên quan đến cột sống cổ, các thành phần xương, đĩa đệm và mô mềm xung quanh cột sống cổ. Đặc điểm của chứng đau này là cảm giác đau từ cổ và lan ra đầu. 

Không chỉ khiến việc chuyển động cổ trở nên khó khăn hơn, cơn đau đầu cervicogenic sẽ trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh cử động hay chạm vào một số điểm ở cổ. Cơn đau thường xuất hiện ở một bên của đầu, nó có thể lan từ phía sau cổ lên phía trước đầu hoặc phía sau mắt.

Thế nào là đau đầu cerviogenic

II - Triệu chứng đau đầu Cervicogenic

Thông thường, các triệu chứng của đau đầu Cervicogenic sẽ xuất hiện khi người bệnh có những chuyển động đột ngột ở cổ, hoặc khi giữ nguyên tư thế cổ trong một thời gian dài.

Những triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau ở một bên mặt hoặc một bên đầu.
  • Cơn đau âm ỉ, dai dẳng nhưng không nhói.
  • Đau đầu khi ho, hắt hơi hoặc hít thở sâu.
  • Cơn đau kéo dài hàng giờ, thậm chí hàng ngày.
  • Bị cứng cổ.
  • Cơn đau tập trung ở một điểm cụ thể, như phía sau, phía trước hoặc một bên đầu hoặc mắt.

Bên cạnh đó, đau đầu cervicogenic còn có những triệu chứng tương đối giống với chứng đau nửa đầu, nên đôi khi nhiều người bệnh vẫn bị nhầm lẫn giữa hai dạng đau đầu này. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng, buồn nôn.
  • Bị đau ở cánh tay hoặc vai.
  • Cảm thấy không thoải mái khi gặp ánh sáng chói hoặc tiếng ồn lớn.
  • Mắt nhìn mờ.

Triệu chứng đau đầu cerviogenic

III - Nguyên nhân gây đau đầu Cervicogenic

1. Chấn thương ở cổ vai gáy

Việc gặp các chấn thương ở cổ có thể gây tổn thương cho xương, dây thần kinh và cơ ở khu vực này, gây ra cơn đau đầu Cervicogenic. Cơn đau thường xuất phát từ các vấn đề ở đốt sống cổ, đặc biệt là đốt sống C2 - C3, tập trung ở khu vực gần đầu tủy sống. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến cơ, khớp và dây thần kinh xung quanh cổ cũng có thể gây ra đau.

Chấn thương đốt sống cổ

2. Căng cơ

Căng cơ cổ là tình trạng thường xảy ra ở người làm công việc phải ngồi nhiều giờ (việc văn phòng, lái xe), người ngủ sai tư thế, người có thói quen hướng cổ về phía trước… Khi này, áp lực từ sự căng cơ có thể làm cho các dây thần kinh vùng cổ bị chèn ép, từ đó gây ra đau đầu Cervicogenic.

Mặc dù vậy, tình trạng đau đầu cervicogenic do căng cơ sẽ thường tự thuyên giảm sau khi người bệnh nghỉ ngơi và điều chỉnh lại tư thế cổ. Tuy nhiên nếu để căng cơ cổ kéo dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ và dây thần kinh trên cột sống cổ.

Tìm hiểu thêm: Đau đầu căng cơ

3. Khối u chèn ép

Sự xuất hiện của khối u có thể gây áp lực lên xương và cơ ở cổ, làm thay đổi hình dạng xương và các bó cơ, nguy cơ gây lệch đĩa đệm và dẫn đến đau đầu.

4. Thoái hóa đốt sống cổ

Khi cột sống cổ bị viêm hoặc thoái hóa, dây thần kinh và xương gần khu vực cổ có thể bị chèn ép, gây ra cảm giác đau và cứng cổ.

IV - Chẩn đoán bệnh đau đầu cervicogenic như thế nào?

So với các loại đau đầu khác thì chứng đau đầu cervicogenic tương đối khó chẩn đoán. Do đó, khi tiến hành chẩn đoán đau đầu cervicogenic, bác sĩ thường sẽ loại trừ các tác nhân (mà có thể gây ra đau đầu nguyên phát hoặc đau nửa đầu). Sau khi xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để có được kết quả chính xác nhất.

Cụ thể, việc chẩn đoán sẽ bao gồm:

  • Đánh giá thể chất: Nếu các tác động vật lý lên vùng cổ và cột sống có thể làm giảm triệu chứng, đó có thể là dấu hiệu của đau đầu cervicogenic.
  • Tiêm gây tê vùng cổ: Nếu việc tiêm này giúp người bệnh giảm đau thì chứng tỏ, cổ chính là tác nhân gây ra cơn đau đầu.
  • Thực hiện các xét nghiệm hình ảnh (như MRI): Được sử dụng để kiểm tra cấu trúc xương, kiểm tra tình trạng của mô cơ và dây thần kinh ở vùng cổ, giúp loại trừ nguyên nhân có dị tật, chẳng hạn như khối u.

V - Phương pháp điều trị đau đầu Cervicogenic hiệu quả

Các phương pháp điều trị đau đầu cervicogenic sẽ loại bỏ các nguyên nhân gây ra cơn đau cũng như làm giảm triệu chứng. Bao gồm:

1. Điều trị bằng thuốc

Người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aspirin, ibuprofen.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc chống động kinh.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc điều trị đau đầu Cervicogenic. Theo đó, các chuyên gia sẽ xác định các cơ gây ra đau đầu, từ đó hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập phù hợp giúp làm giảm căng thẳng cơ. Quá trình vật lý trị liệu phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để tránh trường hợp bị tập sai, khi đó còn có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Vật lý trị liệu điều trị đau đầu cerviogenic

3. Phong bế thần kinh

Phương pháp này sử dụng mũi tiêm có chứa  ancol, phenol hoặc steroid và tiêm vào khu vực cổ gây đau. Đây là cách gây tê tạm thời có thể khiến cơn đau giảm đi rõ rệt. Phương pháp phong bế thần kinh cũng được sử dụng như một cách để chẩn đoán chứng đau đầu Cervicogenic.

4. Xoa bóp, mát xa

Đây là một cách rất đơn giản giúp làm giảm tình trạng căng cơ. Để đem lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

5. Các phương pháp khác

  • Châm cứu: Sử dụng các mũi kim và châm vào các điểm huyệt tương ứng tại cổ vai gáy để kích thích, làm giảm triệu chứng đau và giúp các cơ được thoải mái hơn.
  • Yoga: Giúp giảm đau bằng cách làm giảm sự căng thẳng của các khớp cổ, tăng cường sự linh hoạt của các bó cơ.
  • Chườm lạnh: Bạn có thể sử dụng một gói chườm lạnh hoặc khăn ngâm trong nước lạnh rồi áp vào đầu hoặc cổ. Đây là phương pháp giúp giảm đau đầu tại nhà tạm thời mà người bệnh có thể thử.
  • Phẫu thuật: Người bệnh chỉ nên phẫu thuật khi các phương pháp điều trị đau đầu cervicogenic khác không hiệu quả hoặc nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề nghiêm trọng tại cổ.

VI - Cách phòng ngừa nhức đầu cervicogenic

Để phòng ngừa hiệu quả chứng đau đầu cervicogenic, chúng ta cần:

  • Bảo vệ cột sống cổ, đảm bảo giữ tư thế đúng khi ngồi làm việc. Có thể dụng thêm gối kê hoặc dùng các loại ghế phù hợp.
  • Vận động, tập thể dục đều đặn để linh hoạt cơ bắp, xương khớp.
  • Học cách giảm căng thẳng bằng cách tập thiền, tập yoga hoặc các kỹ thuật thở sâu.
  • Cố gắng ngủ đủ và ngủ sâu giấc.
  • Ngủ với gối kê phù hợp, tránh dùng gối quá cao, quá thấp hoặc dùng nệm quá lún.

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu chi tiết về chứng đau đầu cervicogenic. Đối với những người đang trải qua đau đầu cervicogenic hoặc có nguy cơ mắc phải tình trạng này, việc hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh, vận động đều đặn cũng giúp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

Lên đầu trang
Loading