Mắc bệnh tiểu đường có bị đau đầu không? Có nguy hiểm không?

2023-09-13 09:57:20

Ở một số bệnh nhân mắc tiểu đường thường diễn ra hiện tượng đau nhức đầu, làm suy giảm hoạt động của não bộ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Liệu rằng bệnh tiểu đường có gây đau đầu không? Phải làm sao để khắc phục tình trạng này? Mời bạn hãy cùng chúng tôi hiểu rõ hơn về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

I - Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và đau đầu

Tiểu đường và đau đầu là hai tình trạng ngày càng nhiều người mắc phải trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù hai tình trạng này hoàn toàn khác nhau về bản chất, căn nguyên gây bệnh nhưng chúng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bệnh tiểu đường không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra đau đầu, mà chính các triệu chứng, diễn biến bệnh khi mắc tiểu đường mới là yếu tố tác động và kích hoạt các cơn đau đầu ở người bệnh.

Khi mắc tiểu đường, nhiều người có thể gặp phải triệu chứng đau đầu do ảnh hưởng từ sự mất cân bằng đường huyết, tác động từ thuốc điều trị. Từ đó dẫn đến sự thay đổi hormone epinephrine và norepinephrine, gây giãn mạch, tăng áp lực lên mạch máu và hình thành nên cơn đau đầu.

II - Lý do bị đau đầu khi mắc bệnh tiểu đường

Nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh cảm thấy đau nhức đầu trong khi đang bị tiểu đường là do tăng hoặc hạ đường huyết, tác dụng phụ của thuốc điều trị hoặc biến chứng tiểu đường như tăng nhãn áp, viêm dây thần kinh…

1. Tăng đường huyết

Tăng đường huyết xảy ra khi mức glucose trong máu tăng trên 7.0 mmol/l hoặc 126 mg/dl sau 2 giờ khi ăn. Và khi tăng đường huyết thì người bệnh thường có biểu hiện là đau nhức đầu.

Tăng đường huyết gây ra đau đầu do cơ thể thiếu hụt insulin, làm suy giảm lượng đường glucose đưa vào tế bào. Khi không có đủ lượng glucose, thì các tế bào trong cơ thể rơi vào trạng thái “đói năng lượng”, trong đó có cả tế bào não. Tình trạng này dẫn đến người bệnh bị đau đầu.

Ngoài ra, người bệnh bị đau đầu còn do mất nước. Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ tăng cường quá trình đào thải đường thông qua bài tiết nước tiểu. Nếu đi tiểu quá nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước, và trong đó tế bào não cũng mất nước. Tế bào não không đủ lượng nước để duy trì hoạt động, sẽ gây nên cơn đau đầu.

Ngoài đau đầu, triệu chứng của người tăng đường huyết có thể là: hay bị khát nước, người mệt mỏi có thể kiệt sức, miệng khô, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đau bụng thất thường).

Tăng đường huyết khi bị tiểu đường có thể gây đau đầu

Lượng đường huyết tăng nhanh có thể biểu hiện bằng các cơn đau đầu

2. Hạ đường huyết

Trái ngược với tăng đường huyết, hạ đường huyết là tình trạng lượng đường máu giảm xuống mức thấp dưới 4.0 mmol/l hoặc 70 mg/dl. Hạ đường huyết có thể gặp ở những bệnh nhân tiểu đường đang sử dụng thuốc chữa bệnh tiểu đường. Hoặc có thể là do nguyên nhân ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, hay bỏ bữa hoặc cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng.

Hạ đường huyết gây ra đau đầu là bởi cơ thể thiếu đường glucose, tức là thiếu năng lượng toàn bộ cơ thể, trong đó có não bộ. Não bộ không có đủ mức năng lượng để hoạt động sẽ kích hoạt các thụ thể đau do não bộ truyền tín hiệu. Và từ đó gây ra các cơn đau đầu.

3. Tác dụng phụ của thuốc tiểu đường

Đau đầu có thể là do tác dụng của thuốc chữa trị tiểu đường, chẳng hạn như: insulin hoặc thuốc nhóm sulfonylureas. Các cơn đau đầu do sử dụng thuốc có thể kéo dài trong thời gian dài âm ỉ hoặc đau đột ngột.

Đau đầu do tác dụng phụ của thuốc tiểu đường

Một số người có thể bị nhức đầu do dùng thuốc điều trị tiểu đường

4. Dây thần kinh bị ảnh hưởng

Người bệnh tiểu đường có thể đối mặt với biến chứng tổn thương dây thần kinh, viêm dây thần kinh. Khi đó có thể diễn ra tình trạng đau đầu do lúc này sự tổn thương dây thần kinh dẫn đến kích thích tín hiệu đau truyền đến não bộ. Và điều này làm cho người bệnh cảm thấy đau đầu.

5. Chứng tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp cũng là một trong những hậu quả của đái tháo đường, lúc này dây thần kinh thị giác có thể bị tổn thương do sự thay đổi lượng đường trong máu. Và hiện tượng này làm cho áp lực mắt tăng cao, cơn đau lan rộng lên trán và đầu.

Không những đau đầu, người bệnh tăng nhãn áp còn có một số biểu hiện như: mờ mắt đột ngột, buồn nôn hoặc nôn, ảo giác, đau vùng mắt.

Tăng nhãn áp gây đau đầu

Tăng nhãn áp - biến chứng tiểu đường gây đau đầu

6. Huyết áp cao

Lượng đường máu tăng cao có thể làm tổn thương các động mạch, trong đó có động mạch não. Một trong những sự tổn thương của động mạch não phải kể đến là xơ cứng thành mạch, dẫn đến tuần hoàn máu não giảm sút. Và tình trạng này làm tăng nguy cơ đau đầu.

7. Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng mà có tới 50% người bị tiểu đường tuýp 2 mắc phải. Tình trạng này thường diễn ra khi người bệnh đang trong giấc ngủ, làm cho quá trình hô hấp ở người bệnh bị gián đoạn hoặc gặp khó khăn. Vì có sự bất thường về hô hấp diễn ra trong lúc ngủ, khiến suy giảm lượng khí hít vào và hệ lụy làm giảm lượng oxy cung cấp cho não bộ. Và tình trạng này làm tăng nguy cơ gây đau đầu.

III - Bị đau đầu do tiểu đường có nguy hiểm không?

Tình trạng đau đầu do bệnh tiểu đường có thể nguy hiểm, đặc biệt là khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau đầu nguy hiểm như:

  • Đau đầu đột ngột và nghiêm trọng, dữ dội. Nếu bị ngã hoặc chấn thương vùng đầu thì nhức đầu ngày càng dữ dội hơn trong 1 tuần.
  • Tầm nhìn bị hạn chế, mắt mờ hẳn.
  • Nói khó khăn, suy giảm trí nhớ.
  • Đồng thời xuất hiện cả đau đầu và nôn liên tục.
  • Suy giảm mức độ nhận thức hoặc tính tình trở nên bất ổn.

Khi gặp những biểu hiện này, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà nên đến các phòng khám uy tín, hoặc bệnh viện để thăm khám và có hướng điều trị đúng cách.

Tiểu đường đau đầu có nguy hiểm không?

Người bệnh nên đề phòng các cơn đau đầu nguy hiểm khi bị tiểu đường

IV - Cách trị đau đầu do bệnh tiểu đường nhanh chóng, hiệu quả

Người bệnh tiểu đường không thể chủ quan khi đối mặt với các cơn đau đầu, hãy giải quyết tình trạng này bằng các giải pháp như sau:

1. Xử lý giảm đau đầu nhanh chóng tại nhà

Nếu người bị tiểu đường bị đau đầu ở mức độ nhẹ thì bạn có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục đau đầu ngay tại nhà như sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau kéo dài và làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thì bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như: paracetamol hoặc ibuprofen.
  • Chườm lạnh: Bạn có thể dùng khăn nhúng vào nước lạnh rồi chườm lên chỗ bị đau để giảm đau đầu. Chườm lạnh có tác dụng gây co mạch, giảm áp lực cho não bộ và nhờ đó cải thiện tình trạng đau đầu do đường huyết tăng cao.
  • Tập thể dục thể thao: Vận động thường xuyên có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu não, giảm bớt sự căng thẳng mệt mỏi và nhờ đó góp phần khắc phục tình trạng đau đầu ở người bệnh tiểu đường.
  • Các biện pháp thư giãn mắt: Nếu nguyên nhân gây đau đầu ở bệnh nhân tiểu đường là do tăng nhãn áp thì bạn có thể áp dụng các biện pháp thư giãn mắt như: massage vùng mắt, đắp khăn ấm lên mắt, dùng dưa chuột hoặc khoai tây đắp lên vùng mặt.
  • Nghỉ ngơi: Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi là biện pháp quan trọng giúp giảm đau đầu ở bệnh nhân tiểu đường. Sau những giờ làm việc căng thẳng, bạn nên dành chút thời gian nghỉ ngơi để thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi và giúp não bộ khỏe mạnh hơn.
  • Kiểm tra đường huyết: Nguyên nhân chính gây đau đầu ở người bệnh tiểu đường đó là do sự tăng hoặc giảm đường huyết. Vì vậy, cần phải kiểm tra đường huyết thường xuyên để xác định mức đường máu đang tăng hay giảm để từ đó có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Cách chữa đau đầu khi bị tiểu đường tại nhà

Kiểm tra sự thay đổi của đường huyết khi bị đau đầu

2. Trị đau đầu do tăng đường huyết

  • Tiêm Insulin: Tiêm insulin là giải pháp hiệu quả trong điều trị tăng đường huyết, cơ chế tác động của insulin là tăng quá trình tiêu thụ glucose ở các tế bào, cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tế bào cơ. Nếu đường huyết tăng cao, người bệnh có thể sử dụng insulin với liều tăng hơn so với bình thường (chỉ được tăng liều khi có chỉ định của bác sĩ).
  • Bổ sung thêm nước: Biện pháp này sẽ làm tăng quá trình đào thải glucose dư thừa trong máu qua đường nước tiểu, đồng thời làm giúp pha loãng và giảm nồng độ đường có trong máu. Nhờ đó mà có thể khắc phục được tình trạng tăng đường huyết.
  • Vận động nhẹ nhàng: Tập thể dục sẽ hỗ trợ tăng cường chuyển hóa glucose ở máu tạo thành năng lượng để cơ thể hoạt động. Nhờ đó và giúp kiểm soát đường máu ở mức ổn định.
  • Tránh thức ăn có nhiều carbs: Tình trạng tăng đường huyết sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn nếu bạn tiêu thụ nhiều thức ăn có chứa nhiều carbs không tốt cho sức khỏe, ví dụ như: bánh ngọt, bánh mì, nước ngọt…

Cách trị đau đầu do tiểu đường gây tăng đường huyết

Giữ chế độ ăn ít đường và tinh bột

3. Trị đau đầu do hạ đường huyết

Nếu đau đầu ở người bệnh tiểu đường là do hạ đường huyết thì bạn có thể cải thiện bằng những biện pháp như sau:

  • Ăn các loại thực phẩm có chứa đường để đưa đường huyết về mức bình thường, chẳng hạn như: Uống nước pha đường, mật ong, ăn bánh ngọt, kẹo ngọt, sữa… Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng trong các trường hợp hạ đường huyết ở mức độ thấp vừa phải.
  • Trong trường hợp nặng hơn, sử dụng thuốc hạ đường huyết kê đơn từ bác sĩ: Sử dụng dung dịch đường glucose với nồng độ 20-30% để tiêm tĩnh mạch. Biện pháp này có tác dụng cung cấp đường glucose để nâng mức đường huyết một cách nhanh chóng và giúp duy trì đường huyết ổn định.
  • Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường glucose: Là biện pháp được áp dụng khi người bệnh hạ đường huyết ở mức độ nặng nề, có thể kèm theo triệu chứng co giật (một biểu hiện của tổn thương não bộ), hoặc hôn mê. Có thể tiêm glucose với liều 20-30% để tăng nhanh chóng lượng đường huyết trong máu, trong trường hợp bệnh nhân chưa tỉnh lại thì bác sĩ có thể tiêm nhắc lại.

Điều trị hạ đường huyết đau đầu

Tiêm tĩnh mạch glucose để điều hòa đường huyết trong trường hợp nặng

Hy vọng rằng, bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc bệnh tiểu đường có gây đau đầu không và đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả. Chúc bạn sẽ sớm ổn định đường huyết, cải thiện tình trạng đau đầu và duy trì được sức khỏe tốt nhé.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ