Đau đầu, khó thở là dấu hiệu của bệnh gì? Cách trị ra sao?

2024-01-05 16:03:24

Khó thở, thở nông kèm theo triệu chứng đau đầu có thể là tín hiệu cho thấy sức khỏe của bạn có thể gặp vấn đề bất thường, và là dấu hiệu của bệnh lý về tim mạch, thần kinh, hô hấp. Nếu tình trạng này kéo dài, cần sớm được chẩn đoán, điều trị cũng như phòng ngừa một cách kịp thời.

I - Triệu chứng đau đầu và khó thở có mối liên hệ gì?

Tưởng chừng là hai triệu chứng ít có sự liên quan, nhưng thực tế giữa đau đầukhó thở vẫn có những mối liên hệ mật thiết với nhau. Các chuyên gia nhận định rằng khó thở không phải triệu chứng thường gặp ở những người bị đau đầu. Tuy nhiên, tình trạng khó thở có thể là nguyên nhân kích thích triệu chứng đau đầu.

Trong quá trình hô hấp, cơ thể sẽ đưa khí oxy vào máu, đồng thời đào thải khí carbon dioxide (CO2) ra bên ngoài theo đường thở. Do đó khi quá trình hô hấp gặp phải vấn đề, lượng oxy có trong máu cũng sẽ bị giảm xuống dưới mức thông thường. Và một trong những biểu hiện khi oxy trong máu giảm đó chính là đau nhức đầu dữ dội.

II - Nguyên nhân gây đau đầu khó thở

Đau đầu kèm khó thở có thể xuất phát từ các nguyên nhân thông thường như tác dụng phụ của thuốc, mất nước, hoảng loạn… nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như cao huyết áp, thiếu máu, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh mạch vành… Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp đau đầu và khó thở xảy ra đồng thời là do ngẫu nhiên.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây khó thở nhức đầu bao gồm:

1. Bệnh lý về thần kinh

Các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh đa phần đều gây ra tình trạng đau đầu. Một số ít trường hợp còn có thể kéo theo những triệu chứng về đường hô hấp gây khó thở, bao gồm: 

  • Thiểu năng tuần hoàn não: Thiếu máu lên não đồng nghĩa thiếu sự vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy lên não bộ, gây suy giảm hoạt động ở các cơ quan này. Vì vậy mà người bệnh thiểu năng tuần hoàn não thường có triệu chứng đau đầu, kèm theo khó thở.
  • Suy nhược thần kinh: Bệnh lý này có thể gây ra sự kích thích thần kinh quá mức, gây ra cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Nặng hơn có thể gây khó thở, thở không sâu, đánh trống ngực, suy giảm sức đề kháng, mệt mỏi kéo dài…
  • Trầm cảm: Sở dĩ người bị trầm cảm thường xuyên gặp tình trạng đau đầu là vì họ thường gặp căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực, rối loạn giấc ngủ. Về lâu dài còn có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ như chán ăn, mệt mỏi, thở nông, khó thở…
  • Tăng hoặc giảm áp lực nội sọ: Xảy ra khi áp lực nội sọ tăng hoặc giảm quá mức 20mmHg. Đây là tình trạng tương đối nguy hiểm, thường có biểu hiện là đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi… Thường thì bệnh không có biểu hiện liên quan đến hô hấp, nhưng nếu kèm theo triệu chứng như khó thở, thở không đều, tăng huyết áp nhưng giảm nhịp tim thì rất có thể bạn đang gặp phải tam chứng Cushing do vấn đề áp lực nội sọ.

Nhiều bệnh lý về thần kinh gây nhức đầu, khó thở

2. Các bệnh lý về tim mạch

Đột ngột khó thở, đau đầu là triệu chứng có thể gặp ở những người mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch, chẳng hạn như:

  • Cao huyết áp: Người mắc phải căn bệnh này thường có tình trạng gia tăng áp lực của máu lên thành mạch, trong đó có mạch máu não. Khi huyết áp tăng, cơn đau đầu có thể diễn ra dữ dội, đau có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là vào khoảng nửa đêm và rạng sáng. Ngoài khó thở, nhức đầu còn kèm theo tình trạng chóng mặt, tim đập nhanh.
  • Thiếu máu: Thiếu máu toàn bộ cơ thể cũng là nguyên nhân gây ra đau đầu, khó thở. Bởi nhiệm vụ của máu là vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy đi nuôi từng tế bào, cơ quan trong cơ thể. Khi thiếu máu thì hầu hết hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị đình trệ, trong đó có cả não bộ và hệ hô hấp. Và do đó, người bệnh thiếu máu sẽ có biểu hiện đau đầu khó thở mệt mỏi.
  • Bệnh mạch vành: Một trong những triệu chứng của người mắc bệnh mạch vành đó chính là đau đầu, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, tim đập nhanh, đổ nhiều mồ hôi. Nguyên nhân chính gây ra bệnh mạch vành là do lưu lượng máu đến tim giảm do lòng mạch bị thu hẹp kích thước bởi mảng bám chất béo hoặc khối cholesterol bám trên thành mạch.

Đau đầu khó thở do một số bệnh lý tim mạch gây ra

3. Bệnh lý đường hô hấp

  • Cảm cúm: Đây cũng một trong những nguyên nhân thường gặp khiến cho người bệnh đau đầu có thể kèm theo khó thở. Cơn đau vùng xoang có thể lan tỏa đến hai bên thái dương hoặc đỉnh đầu. Còn triệu chứng khó thở ở người bệnh cảm cúm thường là do nghẹt mũi.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Đây là bệnh lý hô hấp phổ biến. Theo CDC Hoa Kỳ, COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ sáu tại nước này. Bệnh không chỉ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hô hấp, mà còn gây ra tình trạng đau đầu do lượng oxy cung cấp lên não bị giảm đi đáng kể.
  • Hen suyễn: Bệnh khiến cho người mắc cảm thấy khó thở, thở khò khè do đường thở bị phù nề, quá nhiều dịch nhầy cũng như do cơ trơn co thắt. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu thì người mắc bệnh hen suyễn có tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu rất cao. Do đó, người mắc hen suyễn có thể gặp phải đồng thời cả hai triệu chứng khó thở và đau đầu.
  • Viêm phế quản: Bệnh lý đường hô hấp này gây ra rất nhiều triệu chứng. Ở dạng cấp tính, các biểu hiện có thể bao gồm ho, đau tức ngực, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, khó thở… Trường hợp viêm phế quản mạn tính còn có nguy cơ tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tĩnh như đã nêu trên.

4. Nguyên nhân khác

  • Tác dụng phụ của thuốc: Đôi khi, đau đầu khó thở, choáng váng buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Điển hình đó là thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường…
  • Mệt mỏi quá độ: Người mệt mỏi kéo dài trên 3 tháng (mệt mỏi mạn tính) có thể làm cho toàn bộ cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược, kéo theo biến chứng đau đầu và rối loạn hô hấp gây khó thở.
  • Các vấn đề rối loạn giấc ngủ: Ngủ ít, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, ngưng thở khi ngủ… là những vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ có thể khiến cho người bệnh rất dễ bị đau đầu. Điều này là do rối loạn giấc ngủ có thể làm giảm tuần hoàn máu não, đồng thời gây ra căng thẳng và khiến cho người bệnh cảm thấy nhức đầu. Không chỉ có vậy, người bị rối loạn giấc ngủ còn có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim), gây ra nhiều tác động xấu tới hô hấp và khiến cơ thể khó thở.
  • Mất nước nghiêm trọng: Khi bị mất nước cấp tính hoặc mạn tính, chất nhầy trong xoang và phổi của người bệnh trở nên đặc và dính hơn, khiến cho việc thở trở nên khó khăn hơn. Vậy nên ngoài triệu chứng đau đầu, chóng mặt thì đôi khi bạn còn cảm thấy khó thở hoặc thở nặng nhọc.
  • Hoảng loạn hoặc lo âu quá mức: Khiến nhịp tim tăng nhanh hơn, đồng thời hơi thở sẽ trở nên ngắn và nông hơn. Điều này sẽ tạo ra cảm giác ngộp, khó thở ở người bị căng thẳng lo âu hoặc đang hoảng loạn. Tình trạng này cũng có thể gây đau nhức đầu.

Tác nhân gây đau đầu khó thở

III - Cách khắc phục tình trạng đau đầu khó thở hiệu quả

  • Thử cách thở sâu: Thở sâu bằng bụng là một cách rất đơn giản nhưng có thể khắc phục cả tình trạng đau đầu cũng như khó thở ở người bệnh. Tuy nhiên người mắc các bệnh lý mạn tính về đường hô hấp không nên thử cách này vì có thể khiến tình trạng khó thở nghiêm trọng hơn. Để thở sâu, người bệnh hãy thực hiện các bước sau:
    • Nằm trên giường với tay để lên bụng.
    • Hít một hơi thật sâu bằng mũi sao cho phổi tràn đầy không khí, cố gắng giữ hơi thở trong vài giây.
    • Thở ra một cách chậm rãi bằng miệng cho tới khi không khí trong phổi được đẩy ra hết.
    • Lặp lại vài lần cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
  • Nghỉ ngơi: Trước tiên người bệnh nên sắp xếp lịch trình làm việc, sau đó tạm thời nghỉ ngơi một thời gian ngắn để các triệu chứng không trở nên nặng thêm. Bạn cũng có thể thử một số tư thế sau để cải thiện khả năng thở của mình, bao gồm:
    • Ngồi tựa lưng vào tường hoặc ngồi trên ghế có đỡ đầu.
    • Đứng và chống tay lên bàn hoặc mặt phẳng để làm giảm áp lực xuống chân.
    • Nằm xuống với gối kê tại đầu và đầu gối.
  • Ăn một lát gừng tươi: Gừng vừa có khả năng làm giảm đau đầu ngay tại nhà, lại vừa giúp giảm cảm giác khó thở một cách hiệu quả. Do đó ăn gừng tươi hoặc uống một tách trà gừng sẽ giúp người bệnh bớt nhức đầu, giảm khó thở do bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn gây ra.
  • Chườm mát: Chườm mát là biện pháp đơn giản giúp bạn sớm thoát khỏi đau đầu. Mỗi khi thấy xuất hiện cơn đau đầu, bạn có thể sử dụng khăn mềm nhúng vào nước lạnh rồi chườm lên vùng đầu cần giảm đau. Hoặc bạn có thể dùng túi nước lạnh để chườm mát da đầu. Nhưng lưu ý rằng, không nên sử dụng nước quá lạnh vì có thể làm mạch máu não co lại đột ngột, có thể gây ra tai biến mạch máu não và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
  • Xông hơi: Đây là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng, vừa giúp giảm kích thích thần kinh gây đau đầu, vừa làm loãng chất nhầy trong khoang xoang, giảm kích ứng tại đường hô hấp, qua đó giúp việc thở trở nên dễ dàng hơn. Khi xông hơi, người bệnh nên trùm khăn lên đầu, xông dưới nước ấm khoảng 40 - 60 độ, đồng thời có thể thêm vài giọt tinh dầu bạc hà để dễ chịu hơn.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu bạn đang phải chịu đựng cơn đau đầu hành hạ thì có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như: paracetamol, naproxen, ibuprofen… Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng những loại thuốc này vì có thể gây hại cho sức khỏe.

IV - Phòng ngừa tình trạng đau đầu khó thở bằng cách nào?

Để ngăn ngừa cơn đau đầu hoặc tình trạng khó thở có thể xuất hiện, làm phiền đến cuộc sống sinh hoạt thì bạn hãy áp dụng một số giải pháp phòng ngừa như sau:

  • Uống đầy đủ nước mỗi ngày: Nước giúp duy trì quá trình lưu thông máu, trao đổi chất của toàn bộ cơ thể. Thiếu nước có thể làm gia tăng mức độ trầm trọng của cơn đau đầu, và khiến cho tình trạng khó thở nặng nề hơn. Vì vậy, bạn nên bổ sung đủ nước hàng ngày, ít nhất khoảng 1.5-2 lít nước để kiểm soát ổn định hoạt động của các cơ quan.
  • Tập luyện và vận động vừa sức: Vận động dục, chơi thể thao sẽ giúp hệ hô hấp làm việc tốt hơn, đồng thời cũng giảm nguy cơ bị đau đầu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lựa chọn các bài tập hoặc hình thức vận động phù hợp với sức khỏe của bản thân mình, tập quá sức có thể gây hại cho sức khỏe, làm cho hiện tượng đau đầu khó thở khó kiểm soát hơn.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không bỏ bữa: Điều này giúp duy trì sức khỏe ổn định, hạn chế mệt mỏi quá độ. Từ đó giúp phòng ngừa đau đầu, rối loạn hô hấp và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Người bệnh cũng nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu magie, ví dụ như: rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, đậu phụ, chuối…
  • Tăng cường chất lượng giấc ngủ, nên lựa chọn không gian phòng ngủ yên tĩnh, có độ sáng hợp lý để giúp ngủ ngon giấc hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ vì có thể làm bạn khó đi vào giấc ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc tâm trạng trước khi đi ngủ.

Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để giảm đau đầu khó thở

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến đau đầu khó thở bao gồm: nguyên nhân, cách điều trị cũng như cách phòng ngừa. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn có thêm góc nhìn khách quan và sâu sắc hơn về vấn đề này.

Lên đầu trang
Loading