Mãn kinh là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

2024-05-27 11:46:21

Mãn kinh là thời điểm cơ thể người phụ nữ có nhiều chuyển biến rõ rệt về cả thể chất và tinh thần, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Cùng tìm hiểu về mãn kinh bao gồm nguyên nhân, biểu hiện và cách kiểm soát trong bài viết sau đây.

I. Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là thuật ngữ để chỉ sự suy giảm chức năng buồng trứng và có thể dẫn đến ngừng hoạt động, không còn hành kinh liên tục trong suốt 1 năm. Độ tuổi trung bình xảy ra mãn kinh ở phụ nữ là khoảng từ 50-55 tuổi, mãn kinh có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 4 đến hơn 10 năm.

Một số thay đổi của cơ thể chị em trong thời kỳ mãn kinh có thể kể đến như hormone sinh dục nữ, lượng trứng dự trữ và hoạt động cơ quan sinh dục suy giảm, các bộ phận sinh dục trở nên lão hóa hoặc bị thu nhỏ kích thước.

II. Nguyên nhân dẫn đến mãn kinh

Nữ giới bước vào giai đoạn mãn kinh do những nguyên nhân sau đây:

1. Tuổi tác

Thông thường mãn kinh là kết quả của quá trình lão hóa tự nhiên liên quan đến tuổi tác. Khi bước vào độ tuổi 30 tuổi, chức năng buồng trứng dần suy giảm, dẫn đến lượng hormone estrogen và progesterone sản xuất cũng ít đi. Và từ đó khiến cho chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cũng bị ảnh hưởng. Đến khoảng 40 tuổi, kinh nguyệt có thể không ổn định như: số ngày hành kinh mỗi tháng dài ngắn khác nhau, số lượng máu kinh cũng nhiều hơn hoặc ít hơn... Tình trạng này có thể diễn ra đến khoảng 50 tuổi hoặc lâu hơn, quá trình “rụng dâu” ngừng lại và chị em bước vào giai đoạn mãn kinh.

2. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

Buồng trứng là cơ quan chuyên chịu trách nhiệm sản xuất hormone sinh dục như progesterone, estrogen và nhờ đó giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Khi phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan này thì có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, hoặc thậm chí là mất kinh nguyệt vĩnh viễn dẫn đến nguy cơ cao bị mãn kinh. Tình trạng này có thể diễn ra đột ngột hoặc xuất hiện sau khi phẫu thuật trong thời gian ngắn.

3. Hóa, xạ trị điều trị ung thư

Hóa trị, xạ trị là phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư có thể gây ra tác dụng phụ là khiến phụ nữ bị mãn kinh. Nhiều trường hợp sau khi đã áp dụng các biện pháp hóa trị, xạ trị một thời gian thì thấy xuất hiện các biểu hiện của mãn kinh như bốc hỏa, kinh nguyệt thất thường...

Tuy nhiên, không phải trường hợp hóa trị nào cũng gây ra hiện tượng ngừng kinh nguyệt vĩnh viễn. Xạ trị sẽ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng nếu bức xạ chiếu vào buồng trứng. Còn nếu xạ trị áp dụng lên các bộ phận khác của cơ thể như ngực, cổ... thì sẽ không ảnh hưởng đến buồng trứng hay thời kỳ mãn kinh.  

4. Suy buồng trứng nguyên phát

Suy giảm chức năng buồng trứng nguyên phát (có thể là do di truyền hoặc rối loạn miễn dịch gây ra bệnh tự miễn, không liên quan đến các bệnh lý khác) cũng là nguyên nhân gây ra mãn kinh sớm. Khi đó, buồng trứng sẽ giảm sản xuất nội tiết tố nữ hoặc dừng vĩnh viễn và gây ra mãn kinh. 

Phương pháp cải thiện được các bác sĩ khuyến nghị đó là áp dụng liệu pháp hormone ít nhất cho đến độ tuổi mãn kinh tự nhiên. Điều này giúp phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến não bộ, tim mạch và xương.

Mãn kinh là gì

Quá trình lão hóa tự nhiên liên quan đến tuổi tác là nguyên nhân chính dẫn đến mãn kinh

III. Các giai đoạn của thời kỳ mãn kinh

Quá trình mãn kinh tự nhiên khi không có bất kỳ sự can thiệp nào và không liên quan đến bệnh lý sẽ được chia thành 3 giai đoạn như sau:

1. Tiền mãn kinh

Giai đoạn này thường diễn ra trước khi mãn kinh khoảng 8 -10 năm, tại thời điểm này hoạt động của buồng trứng cũng giảm dần nên lượng estrogen thấp hơn so với trước đó. Tiền mãn kinh thường bắt đầu khi phụ nữ bước sang độ tuổi 40 - 45. Trong khoảng thời gian cuối của giai đoạn tiền mãn kinh, lượng estrogen giảm hẳn so với những năm đầu tiền mãn kinh. Lúc này, một số trường hợp có thể xuất hiện các triệu chứng gần tương tự so với thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, cơ thể người phụ nữ ở thời kỳ này vẫn có hành kinh và vẫn có khả năng mang thai.

2. Thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh là “bước ngoặt” lớn với sức khỏe người phụ nữ, được đánh dấu bởi cột mốc không có kinh nguyệt trong suốt 1 năm. Thời kỳ này, buồng trứng dường như không hoạt động hoặc hoạt động rất ít dẫn đến kinh nguyệt không đều và ngừng hẳn. Bên cạnh đó, hàm lượng nội tiết tố trong cơ thể cũng giảm đột ngột gây ra rất nhiều ảnh hưởng sức khỏe, biến chứng và tăng nguy cơ mắc bệnh lý cho phụ nữ. Bên cạnh mãn kinh thông thường, cũng có xảy ra các trường hợp mãn kinh sớm và mãn kinh muộn, cụ thể:

  • Mãn kinh sớm: Tình trạng mãn kinh xuất hiện trước độ tuổi 40. Hiện tượng này do rất nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như: di truyền, lối sống không lành mạnh, thói quen hút thuốc, lười vận động, mắc bệnh tự miễn, suy buồng trứng nguyên phát, tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị…
  • Mãn kinh muộn: Thường gặp ở phụ nữ trên 55 tuổi, “thủ phạm” gây ra mãn kinh muộn là do quỹ dự trữ trứng không “tiêu hao” nhiều ở các giai đoạn trước đó. Hoặc mãn kinh muộn có thể là do sự phân hủy trứng ít hơn so với bình thường.

3. Thời kỳ hậu mãn kinh

Có thể hiểu đơn giản hậu mãn kinh là giai đoạn sau mãn kinh hay phần đời còn lại sau khi mãn kinh. Các triệu chứng trong giai đoạn mãn kinh có thể thuyên giảm trong thời kỳ hậu mãn kinh. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp thời kỳ hậu mãn kinh vẫn tiếp tục có các triệu chứng tương tự như mãn kinh, thậm chí có thể kéo dài 10 năm hoặc lâu hơn. Do hàm lượng estrogen giảm cực thấp nên những phụ nữ hậu mãn kinh có nguy cơ cao mắc các bệnh như tim mạch, loãng xương.

IV. Dấu hiệu nhận biết mãn kinh

Dưới đây là các triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, hàm lượng estrogen trong cơ thể suy giảm mạnh và đã dẫn tới kinh nguyệt thay đổi thất thường. Số ngày trong chu kỳ kinh nguyệt có thể biến đổi dài ngắn khác nhau, lượng máu kinh cũng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn so với thời gian trước.
  • Âm đạo khô hạn: Đây là triệu chứng rất phổ biến, do lượng estrongen trong cơ thể thấp nên “cô bé” ít tiết dịch nhờn. Từ đó gây ra đau rát mỗi khi “sinh hoạt” vợ chồng. Ngoài ra, khô âm đạo cũng là tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín và các vấn đề khác liên quan tới sinh sản.
  • Bốc hỏa: Sự thay đổi thất thường về hormone sinh dục nữ cũng gây ra các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh với những biểu hiện như thấy người nóng “phừng phừng”. Một cơn bốc hỏa thường diễn ra trong vòng vài phút, gây ra cảm giác bức bối.
  • Tăng cân: Các quá trình chuyển hóa và tiêu thụ năng lượng ở phụ nữ mãn kinh thường chậm hơn so với trước đó. Điều này dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa, dẫn đến cơ thể bị tăng cân ở nhiều. 
  • Giảm khả năng sinh sản: Kinh nguyệt thất thường, lượng estrogen suy giảm hoặc thậm chí không còn rụng trứng nữa làm giảm khả năng sinh sản của chị em trong giai đoạn này. Phụ nữ thời kỳ mãn kinh đều ít có khả năng mang thai hoặc không thể “dính bầu” được.
  • Khó tập trung: Hay quên hoặc khó tập trung để làm việc là biểu hiện thường thấy ở phụ nữ trong thời kỳ này. Nguyên nhân có thể là do mãn kinh làm tăng lão hóa, hoặc giảm lượng estrogen, gây ra sự “trì trệ” trong hoạt động của não bộ.
  • Hay đổ mồ hôi vào ban đêm: Nếu bốc hỏa diễn ra vào ban đêm, thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi vào thời điểm này. Đổ mồ hôi vào buổi đêm giúp điều hòa thân nhiệt, chống lại các cơn bốc hỏa.
  • Khó ngủ: Bốc hỏa vào ban đêm có thể là nguyên nhân dẫn đến khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu hoặc đêm thức giấc nhiều lần. Tuy nhiên chứng mất ngủ khó ngủ của phụ nữ mãn kinh cũng có thế không xuất phát từ nguyên nhân bốc hỏa. 
  • Tóc và da mỏng: Chính sự suy giảm hàm lượng estrogen trong cơ thể đã làm biến đổi cấu trúc sợi tóc và làn da. Từ đó đã dẫn đến tình trạng chị em mãn kinh bị rụng tóc nhanh hơn, làn da cũng mỏng hơn, sạm và dễ bị tổn thương hơn.
  • Đi tiểu nhiều: Trong giai đoạn mãn kinh, trương lực ở các cơ sàn chậu có sự suy giảm. Do đó, các chị em thường đi tiểu nhiều lần hay còn gọi là són tiểu.
Mãn kinh là gì

Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm là một trong những triệu chứng đặc trưng của giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh

Thời gian diễn ra các triệu chứng mãn kinh ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau. Trung bình các triệu chứng mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng 4-5 năm. Số ít trường hợp mãn kinh diễn ra lâu hơn, có thể lên đến 10 năm. 

V. Sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mãn kinh

Có rất nhiều hormone đóng vai trò quan trọng tham gia vào sự thay đổi thể chất và tâm lý thời kỳ mãn kinh trong đó có 3 hormone chính là estrogen, progesterone và testosterone.

Khi tuổi tác của phụ nữ tăng lên, hoạt động của buồng trứng giảm dần theo thời gian gây ra dao động về hàm lượng estrogen và progesterone trong cơ thể. Trong đó sự suy giảm mạnh hormone estrogen được cho là nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan trong thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, khô hạn âm đạo, các vấn đề về trí nhớ, sức khỏe xương khớp...

Sụt giảm estrogen và progesterone cũng là nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt thất thường. Nồng độ progesterone giảm thấp cũng góp phần gây ra các triệu chứng khác của mãn kinh như khô hạn âm đạo. Sự thay đổi của các hormone nội tiết tố này tác động đến các mặt như thể chất, tinh thần và tâm lý phụ nữ mãn kinh.

Testerone thường được nhắc đến với nam giới nhiều hơn là nữ giới. Tuy nhiên thì testerone cũng có những vai trò quan trọng nhất định trong cơ thể nữ giới. So với estrogen và progesterone thì mức testerone giảm chậm hơn khi phụ nữ già đi. Testerone giảm cũng đóng góp gây ra giảm ham muốn tình dục, thay đổi tâm trang hay tăng nguy cơ bị loãng xương, mọc mụn trứng cá...

VI. Các biến chứng 

Mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hoặc vấn đề liên quan đến sức khỏe như:

1. Bệnh tim mạch 

Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh thường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim mạch do sự suy giảm lượng estrogen. Lý do là lượng estrogen suy giảm dẫn đến xuất hiện huyết khối, gây chít hẹp máu máu nuôi tim, não bộ. Bệnh tim mạch có thể gây ra rất nhiều hệ lụy tới sức khỏe, ví dụ như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc nghiêm trọng nhất là gây tử vong.

2. Loãng xương

Thêm một biến chứng khác thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh đó là loãng xương. Nguyên nhân chính gây ra loãng xương ở giai đoạn này là do suy giảm estrogen trong cơ thể. Estrogen có vai trò quan trọng trong việc kìm hãm quá trình hủy xương, đồng thời loại hormone này còn tham gia vào quá trình hình thành vitamin D (một hợp chất vô cùng cần thiết cho sự hấp thu canxi giúp xương chắc khỏe).

Do vậy, nếu cơ thể phụ nữ thiếu estrogen thì làm gia tăng hủy xương, giảm hấp thu canxi và từ đó dẫn đến loãng xương.

3. Tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ cũng là hệ lụy do mãn kinh gây ra, điều này là do sự mất đàn hồi ở các mô niệu đạo ở thời kỳ này. Lúc này, các chị em liên tục thấy buồn đi “vệ sinh”, hoặc tự nhiên nước tiểu trào ra ngoài. Sẽ có những trường hợp, chị em tự nhiên tiểu ra bên ngoài khi đang cười, hắt hơi, ho, hoặc khi mang vác vật nặng. Tình trạng tiểu không tự chủ kéo dài lâu ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

4. Giảm ham muốn, suy giảm chức năng tình dục

Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh thường có sự suy giảm ham muốn tình dục, giảm hoạt động tình dục. Nguyên nhân là do rối loạn nội tiết tố khiến cho “cô bé” khô hạn, mất đi độ đàn hồi. Từ đó làm cho “cuộc yêu” bị ảnh hưởng, chị em sẽ thấy đau rát và khó chịu. Tình cảnh này có thể kéo dài dai dẳng, làm cho chị em khiếp sợ khi nghĩ đến chuyện “phòng the”, và vì vậy cũng đã làm giảm ham muốn ở phụ nữ.

VII. Biện pháp phòng ngừa và cải thiện triệu chứng mãn kinh

Để cải thiện và phòng ngừa các triệu chứng của mãn kinh, chị em nên áp dụng các biện pháp như sau:

  • Duy trì thói quen sinh hoạt, chế ăn uống tốt, khoa học lành mạnh ngay từ trước khi mãn kinh, hoặc đang trong mãn kinh.
  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D để hạn chế loãng xương. Nên ăn nhiều các loại hoa quả, rau xanh, đặc biệt là thực phẩm giàu omega 3 và omega 6.
  • Duy trì tập thể dục đều đặn để tăng cường xương khớp chắc khỏe, nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Nếu âm đạo bị khô thì trước khi “lâm trận”, chị em nên sử dụng các sản phẩm bôi trơn để giảm đau rát và khó chịu.
  • Thực hiện khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng sinh lý, nội tiết tố. Ngoài ra, phụ nữ độ tuổi mãn kinh cũng nên quan tâm thực hiện tầm soát các loại ung thư (nhất là ung thư cổ tử cung, buồng trứng, tử cung) để sớm phát hiện và chữa trị sớm nhất nếu mắc bệnh.
  • Nếu các triệu chứng mãn kinh kéo dài và cẩm thấy bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, chị em nên trao đổi ý kiến với bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị thích hợp.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những kiến thức hữu ích giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về mãn kinh là gì, nguyên nhân và cách cải thiện hiệu quả. Mong rằng với những hiểu biết này sẽ giúp chị em vượt qua được giai đoạn mãn kinh một các suôn sẻ, giữ gìn sức khỏe thật tốt và có cuộc sống vui vẻ bên gia đình.

Lên đầu trang
Loading
Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ