I - Rối loạn ăn uống là gì?
Rối loạn ăn uống là một vấn đề về sức khỏe tâm thần gây ra sự bất thường trong hành vi ăn uống của người bệnh, khiến họ có những cảm xúc tiêu cực về đồ ăn, cân nặng và hình thể của bản thân.
Tình trạng này có thể xảy đến ở mọi đối tượng, nhất là đối với phụ nữ, người trẻ tuổi hoặc thanh thiếu niên, với các loại rối loạn khác nhau như rối loạn ăn uống vô độ, cuồng ăn, chán ăn tâm thần… Trong số đó, một trong những loại rối loạn ăn uống có liên quan trực tiếp nhất đến giấc ngủ đó chúng là hội chứng ăn đêm.
II - Rối loạn ăn uống có gây ra mất ngủ không?
Câu trả lời là CÓ. Hai tình trạng này có sự liên quan qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau, rối loạn ăn uống có thể làm chứng mất ngủ thêm trầm trọng hơn và ngược lại. Cụ thể:
Về yếu tố sinh học, rối loạn ăn uống gây;
- Mất cân bằng nội tiết tố: Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể xuất hiện do các rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần, ăn vô độ tâm thần… dẫn đến làm rối loạn và phá vỡ chu kỳ ngủ - thức trong cơ thể, đồng thời tăng sản sinh hormone cortisol gây căng thẳng, từ đó gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ.
- Rối loạn dẫn truyền thần kinh: Rối loạn ăn uống có thể khiến các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine (đây là những chất trong cơ thể giúp điều hòa giấc ngủ và tâm trạng) bị mất cân bằng hoặc phá vỡ, điều này có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng bị trầm cảm, lo âu, mất ngủ, khó duy trì được giấc ngủ.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Rối loạn ăn uống có thể gây ra chứng suy dinh dưỡng, làm thiếu hụt nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, trong đó có những dưỡng chất đóng vai trò giúp điều hòa giấc ngủ mà khi thiếu chúng có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng mất ngủ như magie, vitamin B, vitamin D, canxi…
Về yếu tố tâm lý, rối loạn ăn uống gây mất ngủ vì có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng:
- Căng thẳng, lo lắng: Rối loạn ăn uống khiến người bệnh rơi vào tình trạng bị lo lắng quá độ về các loại đồ ăn, về cả cân nặng và hình thể của bản thân, sinh ra những suy nghĩ vô cùng hỗn loạn, khiến họ bị kích thích và không hề thoải mái trước khi đi ngủ.
- Trầm cảm: Đây cũng là một trong những bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ mà người bệnh rối loạn ăn uống thường gặp phải, khiến giấc ngủ bị rối loạn, khó duy trì được giấc ngủ.
- Có nhiều ám ảnh trong suy nghĩ: Cũng vì có quá nhiều suy nghĩ về đồ ăn, ám ảnh về hình thể, cân nặng khiến họ không còn tâm trí cho việc ngủ, thường xuyên thức khuya và dễ thức giấc giữa đêm.
Về yếu tố hành vi, một vài hành vi trong rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ như:
- Ăn uống không điều độ: Với những thói quen xấu như ăn uống vô độ hoặc nhịn ăn hay thường xuyên ăn đêm có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng ăn không tiêu, trào ngược dạ dày… thậm chí là phá vỡ nhịp sinh học điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức trong cơ thể, tất cả đều có thể gây ra chứng mất ngủ, khó ngủ.
- Sử dụng nhiều caffeine, chất kích thích: Đây cũng là một trong những hành vi của người bệnh bị rối loạn ăn uống, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhất là khi sử dụng vào cuối ngày.
- Tập thể dục cưỡng chế: Đó là khi người bệnh tập thể dục với cường độ mạnh tại thời điểm lúc đêm muộn, khiến họ càng trở nên khó ngủ hơn.
III - Những kiểu mất ngủ phổ biến của chứng rối loạn ăn uống
1. Hội chứng ăn đêm (NES)
Đây là một hội chứng khiến người cảm thấy không thể ngủ nếu không ăn. Vì không thể kiểm soát được cơn thèm ăn của mình, họ thường thức dậy vào ban đêm để ăn, thậm chí là nhiều lần trong một đêm, khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Hội chứng ăn đêm thường xảy ra phổ biến ở những người đang gặp phải tình trạng bị thừa cân, bị trầm cảm, rối loạn lo âu, bị mắc chứng ăn vô độ hoặc sử dụng nhiều rượu bia chất kích thích.
Bệnh thường kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng, với các triệu chứng điển hình như:
- Thức dậy để ăn một hoặc nhiều lần trong đêm, cảm thấy phải ăn no thì mới có thể ngủ được.
- Thèm ăn các loại đồ ăn có chứa nhiều calo, carb hoặc đường, người bệnh có thể ăn những bữa nhỏ, ăn muộn vào ban đêm trước khi đi ngủ, ăn trong đêm hoặc thậm chí ăn vặt trong suốt đêm.
- Thường không có cảm giác đói, thèm ăn trong ngày: Thay vào đó, người bệnh lại thèm ăn tại thời điểm tận chiều muộn, vào cuối buổi tối, trong đêm.
- Bị rối loạn lo âu, trầm cảm, buồn bã khi dường như không thể kiểm soát được việc ăn uống của bản thân.
Hội chứng ăn đêm nếu không được khắc phục kịp thời không chỉ ảnh hưởng tới giấc ngủ mà còn làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì.
Để có thể cải thiện được hội chứng này, người bệnh thường phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau như dùng thuốc, sử dụng các liệu pháp hành vi nhận thức hay các kỹ thuật giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ - ăn trong cơ thể.
2. Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ (SRED)
Khác với hội chứng thèm ăn, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ giả, khi người bệnh ăn trong khi ngủ. Nhưng khi hôm sau thức dậy, họ lại không nhớ gì hoặc nhớ rất ít những gì họ đã làm vào đêm trước, không nhớ gì về việc họ đã ra khỏi giường và ăn uống. Tình trạng này xảy ra thường xuyên, 3 - 4 lần/tuần thậm chí là vào mỗi đêm hoặc xảy ra nhiều lần trong 1 đêm.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do tác dụng phụ của thuốc điều trị (như thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm…) hoặc do mắc các loại rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng chân không yên, mộng du, bệnh ngủ rũ... Bên cạnh đó, các đợt rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra nhiều hơn khi người bệnh không ngủ đủ giấc, bị ngáy ngủ, ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu…
Đặc biệt, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ có thể gây ra nhiều rủi ro và nguy hiểm vì người bệnh khi họ có thể bị thương trong quá trình ăn hoặc nấu ăn, hay ăn phải những chất độc hại không phải là thực phẩm như thuốc tẩy, mẩu thuốc lá, ăn phải những loại đồ ăn vẫn còn sống hoặc đông lạnh.
Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ cũng có thể gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe như gây béo phì, trầm cảm, suy nhược cơ thể…
Trong quá trình điều trị bệnh, tùy thuộc vào từng nguyên nhân sẽ có những phương pháp tương ứng. Nếu do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh sẽ được yêu cầu dừng uống loại thuốc đó và thay thế bằng những loại thuốc khác. Nếu do bệnh lý, người bệnh sẽ được bác sĩ điều trị triệt để, song song với việc xây dựng một lối sống lành mạnh hơn.
IV - Cách cải thiện giấc ngủ cho người rối loạn ăn uống
Việc điều trị chứng rối loạn ăn uống thường phải dưới sự hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ để có được phương pháp điều trị phù hợp nhất, bao gồm việc tư vấn kỹ càng, áp dụng các liệu pháp hành vi nhận thức, sử dụng các loại thuốc kê đơn để khắc phục các triệu chứng gây rối loạn sức khỏe tâm thần của bệnh, thuốc giảm trầm cảm… Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, động viên từ các thành viên trong gia đình cũng có vai trò không nhỏ trong quá trình cải thiện bệnh.
Ngoài ra, để cải thiện giấc ngủ cho người rối loạn ăn uống, người bệnh nên:
- Thiết lập thói quen, đặt lịch đi ngủ và thức dậy cố định, đều đặn mỗi ngày.
- Tránh các hoạt động mạnh hoặc gây kích thích trước khi đi ngủ như tập thể dục cường độ cao, xem phim kinh dị… Thay vào đó, người bệnh nên lựa chọn các hoạt động nhẹ nhàng giúp thư giãn như đọc sách, thiền định, tập thở sâu, kéo giãn nhẹ nhàng, tắm nước ấm…
- Không dùng các loại thiết bị điện tử ít nhất khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ.
- Tạo cho bản thân một môi trường ngủ thật thoải mái với một phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ, một bộ giường nệm gối thật thư giãn.
Có thể thấy, rối loạn ăn uống chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, bằng cách điều trị tích cực, xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học với những thói quen tốt, người bệnh có thể khắc phục được hoàn toàn tình trạng này để có thể sớm tìm lại được một giấc ngủ ngon, ngủ sâu trọn vẹn.