I. Máu kinh nguyệt màu nâu có sao không?
1. Màu máu kinh nguyệt
Máu kinh nguyệt thường có màu đỏ, nhưng mức độ màu đỏ đậm nhạt ở mỗi người lại khác nhau. Thậm chí máu kinh cũng có thể có màu nâu hoặc đen. Nếu bạn chảy máu kinh nhiều ngày, ban đầu máu có thể đỏ tươi, sau chuyển sang đỏ hồng về cuối kỳ kinh có thẻ chuyển sang màu nâu.
Màu sắc của máu hành kinh do một số yếu tố quyết định như nồng độ hormone sinh dục trong máu, tốc độ niêm mạc tử cung bị bong ra, số ngày hành kinh diễn ra hoặc thay đổi màu sắc máu kinh do bệnh lý phụ khoa gây ra...
Màu sắc của máu hành kinh có thể biểu đạt những điều khác nhau. Ví dụ như:
- Máu kinh màu đỏ tươi: Biểu hiện này cho thấy máu kinh chảy đều, máu ra nhiều.
- Máu kinh màu đỏ sẫm hoặc màu nâu: Biểu thị máu kinh chảy chậm, lượng máu kinh ra ít.
- Máu kinh nâu sẫm hoặc đen nhạt: Dấu hiệu này cho thấy máu kinh chảy chậm, máu thường là “máu cũ”, lượng máu ra ít.
- Máu kinh màu hồng hoặc cam: Là dạng máu kinh có hòa lẫn cùng với dịch cổ tử cung, là triệu chứng của tình trạng sự suy giảm nội tiết tố estrogen.
Màu sắc của máu kinh nguyệt có thể biểu đạt nhiều điều khác nhau
>>> XEM THÊM: Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh: Nguyên nhân & Cách điều trị
2. Máu kinh nguyệt màu nâu có là điều bất thường?
Máu kinh nguyệt màu nâu không phải lúc nào cũng là bất thường. Trường hợp máu kinh nguyệt màu nâu được coi là bình thường khi xuất hiện ở những ngày đầu hoặc cuối kỳ kinh nguyệt và không đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào khác. Bình thường máu vẫn còn trong tĩnh mạch hoặc cơ thể sẽ có màu đỏ đậm, nhưng nếu tiếp xúc với oxy thì máu sẽ thay đổi màu sắc. Máu cuối kỳ kinh có màu nâu được lý giải là do máu lâu rời khỏi cơ thể nên bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu sẫm hơn. Còn máu nâu xuất hiện đầu kỳ kinh là do "máu cũ" đọng sót lại trong tử cung (từ kỳ kinh trước) bị oxy hóa tới lần hành kinh tiếp theo khiến cho máu kinh đầu kỳ có màu nâu.
Nhiều trường hợp cũng hay bị nhầm lẫn máu kinh nguyệt có màu nâu với máu báo thai. Khi quá trình thụ tinh đã được diễn ra thành công, phôi thai bắt đầu bám vào niêm mạc tử cung và làm tổ ở đây, điều này có thể gây chảy máu màu nâu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp máu kinh nguyệt màu nâu là dấu hiệu bất thường cảnh báo sức khỏe có vấn đề, cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần tiếp theo biết thêm thông tin.
II. Khi nào kinh nguyệt màu nâu là bất thường?
Kinh nguyệt màu nâu được coi là không bình thường, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng sinh sản khi xuất hiện các biểu hiện như sau:
- Kinh nguyệt ra màu nâu kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, ra quá nhiều hoặc bị rong kinh.
- Đi kèm với dịch tiết âm đạo không bình thường: Dịch có màu vàng, xanh lá hoặc mùi hôi khó chịu, dịch đặc hoặc sủi bọt.
- Đau bụng dưới dữ dội bất thường.
- Ra kèm cục máu đông cỡ lớn.
- Thời gian bị “đèn đỏ” quá ngắn (dưới 2 ngày) hoặc diễn ra quá dài (trên 7 ngày).
- Chảy máu khi đã hết “rụng dâu” ngoài kỳ kinh hoặc sau khi sinh hoạt “gần gũi” với bạn tình.
- Xuất hiện các triệu chứng PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) trầm trọng, ví dụ như: buồn nôn, đau lưng, đau nhức đầu, thay đổi cảm xúc quá mức…
- Khoảng cách chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chẳng hạn như quá gần (dưới 21 ngày) hoặc quá xa (trên 35 ngày).
- Chu kỳ kinh nguyệt rất bất thường và không thể đoán trước.
Kinh nguyệt màu nâu có thể là dấu hiệu tiềm ẩn vấn đề sức khỏe
>>> XEM THÊM: Những cách khắc phục rối loạn kinh nguyệt bạn nên biết
III. Nguyên nhân dẫn đến máu kinh màu nâu
Ngoài hiện tượng máu kinh màu nâu bình thường do xuất hiện ở đầu hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt thì các yếu tố khác gây ra hiện tượng máu kinh màu nâu bất thường gồm có:
1. Suy giảm nội tiết tố nữ
Rối loạn nội tiết tố mà cụ thể là sự suy giảm progesterone và estrogen là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn kinh nguyệt trong đó có máu kinh nguyệt màu nâu đen. Triệu chứng đi kèm phổ biến của sự suy giảm nội tiết nữ gây máu kinh nguyệt có màu nâu đó là số ngày kinh kéo dài, số lượng máu kinh ra ít.
2. Chức năng buồng trứng hoặc tuyến giáp suy giảm
Tuyến giáp và buồng trứng là hai bộ phận có nhiệm vụ sản sinh và điều hòa hormone sinh dục nữ, quyết định đến khả năng sinh sản và sinh lý ở nữ giới. Khi chức năng của một trong hai cơ quan này không được tốt có thể dẫn đến kinh nguyệt bất thường, từ đó có thể gây ra hiện tượng máu kinh màu nâu, số lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn so với bình thường.
3. Do sử dụng thuốc tránh thai nội tiết
Nếu sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố thì có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Đây là phương pháp mà cơ thể sẽ được nạp thêm loại hợp chất tổng hợp có tác dụng tương tự với hormone sinh dục nữ (estrogen, progesterone). Các loại hợp chất này có thể làm cho niêm mạc tử cung dày lên để chặn đứng trứng rụng hay quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng.
Tuy nhiên, tác dụng phụ của các loại thuốc tránh thai nội tiết tố là có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, điều này khiến cho máu kinh có màu nâu hoặc gây ra nhiều vấn đề khác (chảy máu đột ngột, tăng nguy cơ đột quỵ, tim mạch).
Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết có thể khiến máu kinh nguyệt màu nâu cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác
4. Bệnh phụ khoa
Các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt là viêm nhiễm phụ khoa có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, và dẫn đến máu hành kinh có màu nâu đen. Không chỉ có vậy, các bệnh lý phụ khoa còn khiến cho vùng kín tiết nhiều dịch hôi, khiến cho phụ nữ cảm thấy ngứa ngáy, đau rát khi quan hệ, xuất hiện nhiều khí hư…
5. Polyp, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc u xơ tử cung
Khi thấy máu kinh màu nâu xuất hiện ở giữa chu kỳ kinh nguyệt thì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn sau:
- Polyp tử cung và u xơ tử cung: Các tình trạng này có thể tạo khiến cho máu từ tử cung đến vùng âm đạo bị ứ đọng, tắc nghẽn. Từ đó khiến cho máu kinh chuyển sang màu nâu. Không chỉ có vậy, người mắc bệnh polyp tử cung và u xơ tử cung còn có các biểu hiện như đau bụng dưới dữ dội, rối loạn kinh nguyệt, ra nhiều máu trong những ngày hành kinh, rối loạn cảm xúc và tâm trạng…
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Máu kinh nguyệt màu nâu có thể xuất hiện ở những trường hợp buồng trứng đa năng. Những người gặp phải tình trạng này thường có nồng độ testosterone trong cơ thể ở mức cao, từ đó làm cho buồng trứng hoạt động mạnh mẽ và có kích thước lớn.Hội chứng này có thể khiến cho trứng khó rụng, mặc dù niêm mạc tử cung đã có thể được làm dày lên để sẵn sàng bong ra để chuẩn bị cho hành kinh, máu chảy giữa kỳ kinh lẫn với máu cũ nên có màu nâu, đôi khi lẫn cả dịch tiết ra.
6. Kinh nguyệt màu nâu do biến chứng nạo phá thai
Nạo phá thai luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính bản thân người phụ nữ, làm giảm khả năng thụ thai và ảnh hưởng đến quá trình sinh sản. Và một trong số những biến chứng của nạo phá thai phải kể đến đó là kinh nguyệt màu nâu.
Bên cạnh triệu chứng kinh nguyệt màu nâu, nạo phá thai còn ảnh hưởng đến kinh nguyệt thông qua các dấu hiệu như: lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, rong kinh, kinh nguyệt không diễn ra đều đặn hàng tháng. Chị em phá thai ở những cơ sở không đảm bảo an toàn còn đối mặt với nguy cơ tắc vòi trứng, dính buồng trứng… có thể dẫn đến mất khả năng làm mẹ, hoặc nhiều bệnh lý nguy hiểm về sản phụ khoa.
Mong rằng với những thông tin về máu kinh nguyệt màu nâu đã giúp bạn nhận biết khi nào đây là hiện tượng bình thường và khi nào liên quan đến rối loạn sức khỏe hoặc bệnh lý. Khi thấy tình trạng máu kinh nguyệt màu nâu đi kèm với các triệu chứng bất thường, bạn nên thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán cũng như có các biện pháp can thiệp chữa trị kịp thời. Song hành với đó bạn cũng nên duy trì một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng khoa học, cân bằng tâm lý, vệ sinh vùng kín đúng cách và thực hiện khám phụ khoa cũng như sức khỏe định kỳ.