Máu nhiễm mỡ độ 2: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

2024-03-25 16:33:03

Máu nhiễm mỡ là bệnh lý thường gặp phải ở độ tuổi trung niên nhưng hiện nay xu hướng đang dần trẻ hóa do ảnh hưởng từ lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. Bệnh máu nhiễm mỡ được chia thành 3 cấp độ tăng dần từ 1 đến 3. Cùng tìm hiểu máu nhiễm mỡ độ 2 có nguy hiểm không, dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị trong bài viết sau đây nhé.

I. Máu nhiễm mỡ độ 2 là gì?

Máu nhiễm mỡ hay còn gọi là tình trạng rối loạn lipid máu chỉ về các chỉ số thành phần mỡ máu như cholesterol toàn phần, cholesterol xấu (LDL) hoặc triglycerid máu có nồng độ bị tăng cao hơn mức bình thường. Theo mức độ nguy hiểm và sự tiến triển của bệnh thì máu nhiễm mỡ sẽ chia thành 3 mức độ từ 1 đến 3.

Mức độ nhẹ nhất của bệnh máu nhiễm mỡ là cấp độ 1 với những triệu chứng không rõ ràng. Nhưng khi chuyển sang máu nhiễm mỡ độ 2 thì các dấu hiệu nhận biết mắc bệnh đã rõ nét hơn. Đây là thời điểm mà các chỉ số mỡ trong máu vượt qua ngưỡng an toàn và tiến triển nhanh hơn so với máu nhiễm mỡ độ 1. Máu nhiễm mỡ độ 2 nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, dễ tiến triển sang cấp độ 3 tiềm ẩn nhiều nguy cơ hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh.

Với các chỉ số sau trong máu thì người bệnh được xác định mắc bệnh máu nhiễm mỡ: 

  • Cholesterol toàn phần vượt quá 5,2 mmol/l.
  • Chỉ số cholesterol xấu cao hơn 3,4 mmol/l.
  • Chỉ số triglycerid trong máu tăng vượt 1,7 mmol/l.

Máu nhiễm mỡ độ 2 với các chỉ số gồm có: Cholesterol toàn phần trong khoảng từ 6.2 - 7.7 mmol/L, cholesterol LDL 4.1 - 4.9 mmol/L, cholesterol HDL < 1.0 mmol/LTriglyceride khoảng trên 2.2 mmol/L.

II. Nguyên nhân dẫn đến máu nhiễm mỡ độ 2

Nguyên nhân dẫn đến máu nhiễm mỡ độ 2 một phần do người bệnh chủ quan hoặc không biết bị máu nhiễm mỡ độ 1, không có các biện pháp cải thiện kịp thời dần dần chuyển lên cấp độ 2. Theo đó, các yếu tố dưới đây là tác nhân thúc đẩy dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ độ 2:

  • Chế độ ăn uống không khoa học: Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lipid máu trong cơ thể. Chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, đồ ăn nhanh, chiên rán sẽ khiến lượng cholesterol xấu tăng quá ngưỡng an toàn dẫn đến tình trạng máu nhiễm mỡ.
  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh, ít vận động: Nhiều nghiên cứu khoa học và thực tế đã cho thấy duy trì các thói quen sinh hoạt điều độ, tập luyện thể thao đều đặn giúp tăng cường lượng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu trong máu. Ngược lại, thức khuya, hút thuốc lá, lười vận động… sẽ khiến mỡ máu xấu tích tụ ngày càng nhiều hơn. Những người ít vận động có nguy cơ bị mỡ máu cao hơn người chăm chỉ luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Một số yếu tố khác như: Một số yếu tố như di truyền, người có các bệnh nền như tiểu đường hay béo phì thừa cân, thường xuyên phải sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh mỡ máu hơn.

máu nhiễm mỡ độ 2

Không nên chủ quan khi phát hiện mắc máu nhiễm mỡ do bệnh dễ tiến triển từ mức độ thấp đến nặng hơn

>>> XEM THÊM: Bị mỡ máu cao có ăn được trứng gà không?

III. Máu nhiễm mỡ cấp độ 2 có nguy hiểm không?

Máu nhiễm mỡ độ 2 là cấp độ trung bình nằm giữa 2 giai đoạn mức độ 1 và 3. Giai đoạn này cần có sự quan tâm và kiểm soát tốt do bệnh có thể phát triển đến mức độ 3 rất nhanh với nhiều biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, ngay khi máu nhiễm mỡ ở cấp độ 2 cũng có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Ảnh hưởng đến tim mạch: Rối loạn chuyển hóa lipid do mỡ máu cao làm tăng cholesterol xấu gây mảng xơ vữa trong động mạch. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch cùng các triệu chứng như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
  • Gây hậu quả nghiêm trọng đến não bộ: Mỡ máu làm tắc nghẽn động mạch chủ lên não gây thiếu máu cục bộ, tăng nguy cơ bị đột quỵ.
  • Tê nhức mỏi chân tay: Cảm giác tê bì, đau nhức chân tay xuất hiện do mỡ máu tạo mảng bám, thu hẹp động mạch khiến máu lưu thông kém.
  • Tác động đến hoạt động của các cơ quan khác: Tăng cao nguy cơ các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan... Máu nhiễm mỡ cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và thận.

IV. Dấu hiệu nhận biết máu nhiễm mỡ độ 2

Máu nhiễm mỡ độ 2 thường có một số dấu hiệu nhận biết thông qua các triệu chứng sau đây:

  • Khó chịu ở vùng ngực: đau thắt, nặng nề, cảm thấy bị áp lực đè nén.
  • Người mệt mỏi, bồn chồn, khó chịu, có thể kèm theo những cơn đau đầu, xây xẩm mặt mày, buồn nôn…
  • Hay bị hồi hộp, đổ mồ hôi trộm.
  • Dễ tăng cân hơn bình thường.
  • Dưới da xuất hiện các vết phát ban vàng… 

Máu nhiễm mỡ độ 2 có nhiều dấu hiệu dễ phát hiện hơn so với mức độ 1. Tuy nhiên thì những dấu hiệu này có thể không xuất hiện đều, diễn ra lặp lại trong thời gian ngắn.

máu nhiễm mỡ độ 2

Mỡ máu cao tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

>>> XEM THÊM: Bạn có biết tác dụng của hạt muồng với bệnh mỡ máu?

V. Điều trị máu nhiễm mỡ độ 2

Để điều trị máu nhiễm mỡ độ 2 người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ kết hợp với một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như sau: 

1. Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Tùy theo thể trạng sức khỏe của mỗi người và tình trạng bệnh lý đi kèm (nếu có), bác sĩ sẽ có những chỉ định về loại thuốc sử dụng và phác đồ trị bệnh khác nhau. Thông thường, với trường hợp chỉ mắc bệnh máu nhiễm mỡ thì liệu trình điều trị bằng thuốc sẽ khoảng từ 4 đến 8 tuần. Sau khoảng thời gian điều trị này nên đi tái khám kiểm tra lại để có thể nắm được tiến triển tình trạng mỡ máu và hiệu quả điều trị.

2. Áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Người bệnh nên sử dụng những loại thực phẩm có chứa chất béo tốt cho cơ thể tác dụng làm tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu như: 

  • Thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau xanh, củ quả…
  • Các phần thịt trắng.
  • Các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa: cá, dầu thực vật, các loại hạt… 
Những thực phẩm cần tránh dùng khi bị máu nhiễm mỡ:
  • Các loại thịt đỏ.
  • Các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và hàm lượng cholesterol cao: mỡ động vật, nội tạng, đồ chiên rán, đồ ăn sẵn, đồ hộp…
  • Các loại nước có ga, đồ uống có cồn.

Ngoài ra, người bị mỡ máu cao cũng nên ăn thức ăn nhạt và uống nhiều nước hơn mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, hỗ trợ quá trình hạ mỡ máu. Ngoài ra, sức khỏe tinh thần cũng ảnh hưởng đến việc điều trị máu nhiễm mỡ độ 2. Không nên thức khuya, làm việc quá sức hay bị căng thẳng bởi đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng cholesterol xấu LDL trong cơ thể.

3. Kiểm soát tốt cân nặng

Béo phì thừa cân sẽ khiến lượng mỡ dư thừa trong cơ thể gia tăng và cũng làm tăng cao lượng cholesterol xấu. Từ đó có thể thấy việc kiểm soát tốt cân nặng sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ cùng những biến chứng nguy hiểm liên quan.

4. Duy trì tập luyện thể dục đều đặn

Như đã đề cập ở trên, việc duy trì tập luyện thể dục cũng có hiệu quả làm tăng lượng cholesterol tốt và giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Vì thế hãy dành thời gian tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn sẽ giúp hỗ trợ tốt cho việc điều trị máu nhiễm mỡ độ 2.

Trên đây là những thông tin về bệnh máu nhiễm mỡ độ 2. Hãy duy trì chế độ ăn uống khoa học, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý để phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả bạn nhé.

Lên đầu trang
Loading