I. Bệnh cảm cúm lây qua đường nào?
Cảm cúm là bệnh do vi rút cúm gây ra, mầm bệnh này gây hại trực tiếp cho niêm mạc đường hô hấp và gây ra nhiễm trùng nhiễm khuẩn. Người mắc bệnh này thường có biểu hiện: sổ mũi, đau họng, sốt, đau đầu, ho, ngạt mũi… Hầu hết các trường hợp mắc cảm cúm thường ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi được. Tuy nhiên, một số ít có thể gặp biến chứng nặng (viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim), trầm trọng hơn nữa là có thể đe dọa tới tính mạng.
Các đối tượng có nguy cơ cao chịu tác động nguy hiểm từ bệnh lý này bao gồm: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, sức đề kháng yếu…
Bệnh cảm cúm thường lây truyền qua đường hô hấp, các con đường lây truyền bệnh cụ thể đó là:
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, giao tiếp gần gũi với người mắc bệnh cảm cúm cũng có thể bị lây truyền bệnh như ngồi gần nhau và nói chuyện trong không gian phòng kín.
- Tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm bệnh, có chứa vi rút cảm cúm, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Lây truyền qua không khí, hít phải không khí có chứa dịch tiết, hạt nước bọt mang mầm bệnh do người cảm cúm ho hoặc hắt hơi.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết sự lây lan của vi rút cúm thường là do người bệnh nói chuyện gần, ho khạc, hắt hơi với mọi người xung quanh. Người bình thường có thể nhiễm bệnh kể cả khi người mang vi rút gây cảm cúm chưa có bất kỳ triệu chứng nào (giai đoạn ủ bệnh).
II. Mẹ bị cảm cúm có nên cho con bú không?
Mẹ bị cảm cúm vẫn có thể tiếp tục cho con bú được. Lý do là bởi vi rút cúm không lây truyền qua sữa mẹ nên không thể xâm nhập vào cơ thể của em bé và không gây hại cho bé nếu mẹ áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây lan.
Bên cạnh đó, nguồn dinh dưỡng tốt từ sữa mẹ giúp tăng đề kháng cho trẻ, mẹ vẫn nên cho bé bú bởi vì lượng kháng thể dồi dào có trong sữa mẹ giúp bảo vệ em bé tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh cảm cúm và nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác. Cụ thể sữa mẹ cung cấp protein, chất béo, đường và thậm chí là tế bào bạch cầu có công dụng chống lại nhiễm trùng theo nhiều cách khác nhau.
Các thành phần khác trong sữa mẹ cũng kích thích và hỗ trợ trực tiếp phản ứng miễn dịch cho trẻ như lactoferrin và interleukin-6, -8 và -10 có khả năng kháng khuẩn và truyền tín hiệu giữa các tế bào miễn dịch, kích thích và điều hòa hệ miễn dịch của trẻ giúp cơ thể bé có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, việc duy trì cho con bú đều đặn sẽ giúp kích thích cơ thể mẹ sản xuất sữa (do phản ứng tiếp xúc da kề da), từ đó có thể kiểm soát được lượng sữa ổn định cho bé bú.
Nếu khi mắc bệnh cảm cúm, mẹ cảm thấy quá mệt mỏi và yếu ớt không thể cho bé bú thì mẹ có thể hút hoặc vắt sữa ra bình sữa để cho bé uống, nhưng cần đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình này.
Mẹ bị cảm cúm có nên cho con bú không?
III. Mẹ bị cảm cúm cho con bú cần lưu ý gì?
Có thể thấy được sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ. Trường hợp mẹ bị cúm và đang trong giai đoạn cho con bú thì đặc biệt lưu ý tới những vấn đề như sau để tránh lây lan vi rút sang em bé:
- Trước khi cho bé bú thì mẹ bỉm sữa cần rửa tay bằng dung dịch hoặc xà phòng sát khuẩn.
- Hạn chế dùng tay chạm vào mắt, miệng, mũi bé.
- Lau sạch núm vú.
- Trong lúc cho em bé bú thì mẹ nên đeo khẩu trang để tránh hắt hơi, ho khạc vào bé. Hoặc mẹ nên dùng khăn giấy để che miệng mũi khi hắt hơi, ho khạc và sau đó bỏ khăn giấy đi ngay lập tức.
- Trong lúc nhiễm bệnh, có một số mẹ sẽ bị thiếu sữa hoặc ít sữa. Nếu đang gặp tình cảnh này thì mẹ nên uống nhiều nước và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì đủ số lượng sữa cho con bú. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp tăng cường đề kháng, giúp mẹ nhanh khỏi bệnh hơn.
- Nếu mẹ cần sử dụng thuốc chữa trị cảm cúm, hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ, hoặc sự phát triển của em bé.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho mẹ bỉm sữa và trẻ nhỏ từ 6 tháng trở lên: Đây là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ mẹ và bé trước nguy cơ mắc cúm. Hơn nữa, tiêm phòng cảm cúm còn giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trẻ nhỏ và phụ nữ sau sinh.
- Nếu em bé bị nhiễm cảm cúm từ người mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú để giúp bổ sung nước, dưỡng chất và kháng thể để giảm nhẹ triệu chứng cảm cúm cho bé.
Ngoài ra, nếu bé sốt cao hoặc cảm cúm kéo dài thì nên đưa bé tới ngay bệnh viện để chữa trị, không tự ý cho bé dùng thuốc.
Mong rằng với những thông tin trên đã giải đáp được thắc mắc mẹ bị cảm cúm có nên cho con bú không và những giải pháp giúp em bé không bị lây nhiễm bệnh cúm từ mẹ. Hy vọng rằng cả mẹ và em bé sẽ luôn khỏe mạnh, không còn phải lo lắng về bệnh cảm cúm.