Da bị nổi mẩn đỏ không ngứa là bệnh gì? 4 Cách khắc phục hiệu quả

2023-06-28 14:00:52

Khi trên da xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ nhưng không có triệu chứng ngứa, người bệnh không nên chủ quan bởi tình trạng này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một số bệnh lý nghiêm trọng. Vậy nổi mẩn đỏ không ngứa là do nguyên nhân gì? Có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa?

Nổi mẩn đỏ không ngứa là tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da, có thể đi kèm với các triệu chứng như sưng, viêm, nóng rát,… nhưng điều đặc biệt là không gây cảm giác ngứa. Kích thước của các nốt sần đỏ thường nhỏ li ti, cũng có thể như vết muỗi đốt hoặc rất lớn tùy vào tác nhân gây ra. Những khu vực bị mẩn đỏ có thể xuất hiện rải rác từng đốm nhỏ hoặc tập trung theo từng mảng. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như mặt, lưng, cổ, tay chân, bụng hoặc thậm chí là toàn thân… Cũng bởi không gây ngứa ngáy nên nguyên nhân gây ra tình trạng này thường rất khó để xác định chính xác.

I - Nguyên nhân khiến da bị nổi mẩn đỏ không ngứa

1. Sốt phát ban hoặc sốt siêu vi

Sốt phát bansốt siêu vi (sốt virus) đều là những tình trạng cấp tính xảy ra khi cơ thể bị nhiễm virus, gây ra triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, phát ban, đau nhức cơ,… Trong khi nhiễm bệnh, người bệnh có thể xuất hiện những nốt mẩn đỏ nhưng không ngứa tại nhiều vị trí như mặt, ngực, lưng hoặc thậm chí là toàn cơ thể. Những khu vực da bị mẩn đỏ không ngứa này thường sẽ tự hết sau vài ngày khi bệnh đã thuyên giảm.

Nổi mẩn đỏ không ngứa do sốt siêu vi và sốt phát ban thường xảy ra nhiều ở trẻ em và người già. Nốt mẩn thường ở dạng sẩn hoặc mụn nước, màu đỏ hoặc hồng với kích thước nhỏ li ti. Đối với tình trạng sốt phát ban, những nốt mẩn đỏ thường sẩn hoặc ban xuất huyết, kích thước và hình dạng không đều nhau.

2. Bệnh sởi

Bệnh sởi (measles) là chứng bệnh đường hô hấp với tỷ lệ tử vong cao do virus Paramyxovirus gây ra, xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ. Sau khoảng 1-2 tuần kể từ khi tiếp xúc với virus, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt, viêm kết mạc, đau học, ho khan, phát ban,… Những nốt mẩn đỏ không ngứa trên da này thường bị người bệnh nhầm lẫn với phát ban do sốt phát ban. Tuy nhiên, phát ban ở bệnh sởi thường có màu sắc đậm hơn, tập trung thành từng đốm lớn và có thể xuất hiện ở khắp nơi trên cơ thể. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu như không được tiêm vắc xin phòng ngừa trước đó.

Bệnh sởi gây phát ban đỏ không ngứa trên da

3. Mụn trứng cá

Mụn trứng cá được coi là vấn đề về da phổ biến nhất, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính nhưng thường xảy ra nhiều ở tuổi dậy thì. Mụn trứng cá được hình thành do dầu hoặc các tế bào da chết tích tụ, làm tắc nghẽn nang lông, khiến da xuất hiện các nốt mụn viêm hoặc mủ. Khi phản ứng viêm xảy ra, khu vực những nốt mụn (thường là lưng hoặc mặt) sẽ bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhưng ít khi gây ngứa ngáy.

Chưa kể, nếu người bệnh dùng thuốc không phù hợp, hoặc tình trạng viêm kéo dài còn có thể ảnh hưởng tới các mạch máu trên da, diễn tiến nặng sẽ gây ra mụn trứng cá đỏ (rosacea). Bệnh khiến da nổi mẩn đỏ thành từng mảng lớn, khiến da khô, nhạy cảm hơn, mụn xuất hiện nhiều hơn cũng như khiến thời gian bình phục lâu hơn.

4. Bệnh lupus ban đỏ

Đây là một chứng bệnh tự miễn vô cùng phức tạp cũng như gây nhiều khó khăn trong việc điều trị. Khi mắc chứng lupus ban đỏ, trên da của người bệnh có thể xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ sần và không gây ngứa, có thể hội tụ như hình cánh bướm hoặc chiếc đĩa trên mặt. Chưa kể người bệnh còn gặp phải nhiều triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, đau khớp, đau đầu,…Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh còn ảnh hưởng khá nhiều đến các cơ quan khác như tim, thận, phổi…

Da bị nổi mẩn đỏ không ngứa do bệnh lupus ban đỏ

5. Zona thần kinh

Các vết zona thần kinh thường có màu đỏ nhẹ hoặc màu hồng, khu vực sưng có mủ, dễ lan ra các vùng khác nếu không được điều trị sớm. Những nốt mẩn đỏ ở người mắc zona thần kinh không gây ngứa mà thường sẽ đau rát. Nếu để bệnh kéo dài, vùng da có thể bị nhiễm trùng, viêm loét, thậm chí ảnh hưởng tới các dây thần kinh dưới da.

Bệnh Zona thần kinh gây nổi mẩn đỏ, đau rát nhưng không ngứa

6. Suy giảm tiểu cầu

Nếu người bệnh xuất hiện những nốt mẩn đỏ không ngứa ở chân, rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo chứng suy giảm tiểu cầu. Bệnh xảy ra ở những người có mức tiểu cầu giảm xuống dưới 150.000/micro lít máu. Khi này trên da người bệnh thường xuất hiện các nốt chấm màu đỏ tím do xuất huyết mao mạch. Các nốt mẩn li li này thường xuất hiện nhiều ở chân, hầu như không gây ngứa.

7. Bệnh về mao mạch

  • Viêm mao mạch dị ứng: Triệu chứng điển hình của viêm mao mạch dị ứng là các vết mẩn đỏ ở trên da, các nốt này không gây ngứa nhưng lại đem cảm giác khó chịu về mặt thẩm mỹ. Ngoài các vết mẩn đỏ, bệnh còn có thể kèm theo cơn đau khớp, buồn nôn hay rối loạn tiêu hoá… rất dễ gặp ở người trẻ hoặc trẻ con. Khi chuyển sang giai đoạn nặng, viêm mao mạch dị ứng có thể gây phù da và gây tổn thương nghiêm trọng ở da, thận, khớp… trong cơ thể. Vì vậy cần điều trị sớm để hạn chế các tổn hại về mặt sức khoẻ.
  • Giãn mao mạch: Tình trạng này không gây ra các vết mẩn đỏ mà thay vào đó, trên da sẽ xuất hiện những đường lằn mạch máu màu đỏ, xanh lam hoặc tím.

Nổi đốm đỏ không ngứa trên da do viêm mao mạch

8. Bệnh Lyme

Bệnh lyme khởi phát do côn trùng, bọ chét cắn, khiến xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi thâm nhập vào da thông qua vết cắn. Sau thời gian ủ bệnh, tại vết cắn có thể xuất hiện triệu chứng sưng, sờ vào sẽ thấy hơi ấm. Vùng trung tâm và bao quanh vết cắn thường sẽ bị mẩn đỏ nhưng ít khi gây ngứa hoặc đau. Ngoài ra, bệnh còn gây sốt, đau đầu và mệt mỏi, nếu không điều trị kịp thời còn có nguy cơ khiến vết nhiễm trùng xâm nhập vào khớp, tim và hệ thần kinh.

9. Hồng ban nút

Hồng ban nút là một tình trạng da xảy ra khi người bệnh mắc phải một số chứng bệnh như nhiễm liên cầu khuẩn, bệnh viêm ruột, ung thư hoặc do dùng thuốc. Bệnh gây ra các nốt mẩn đỏ với kích thước lớn, không gây ngứa mà sẽ đau và sưng tấy. Các nốt này thường xuất hiện ở cẳng chân, cẳng tay, đầu gối hoặc bàn chân, đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi và đau khớp.

10. Ung thư da

Theo CDC Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị ung thư da đang ngày một gia tăng tại nước này. Ước tính có khoảng 9.500 người ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư da mỗi ngày. Bệnh thường rất khó phát hiện do biểu hiện gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, tuy nhiên thường thấy sẽ là những đốm đỏ hoặc các nốt bầm tím không gây ngứa. Bệnh nếu không được người bệnh phát hiện sớm có thể dẫn tới những biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.

II - Nổi đốm mẩn đỏ không ngứa trên da có phải dấu hiệu nguy hiểm?

Nổi mẩn đỏ không ngứa trên da đa phần không phải là vấn đề nguy hiểm và thường sẽ tự biến mất (nếu như nguyên nhân là những bệnh lý lành tính, ít tái phát, dễ đáp ứng điều trị). Mặc dù vậy, những nốt ban đỏ này có thể sẽ gây mất thẩm mỹ cho da, ảnh hưởng tới sự tự tin và tinh thần của người bệnh. Trong một số trường hợp có thể bị lở loét, viêm nhiễm và gây thâm sẹo cho da sau đó.

Bên cạnh đó, tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như lupus ban đỏ, suy giảm tiểu cầu, ung thư da,… Về lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những bệnh lý này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề khác về sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp tới xương khớp, hô hấp hoặc thần kinh.

Đáng nói, nếu như tình trạng phát ban đỏ không ngứa trên da không thuyên giảm những nốt mẩn đỏ xuất hiện ngày càng nhiều hoặc kèm thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt cao, sưng, viêm loét,… thì người bệnh nên sớm tìm gặp bác sĩ và thăm khám. Tùy vào nguyên nhân cụ thể để có được phác đồ điều trị bệnh lý một cách phù hợp nhất.

Da phát ban đỏ không ngứa có nguy hiểm không?

III - Cách điều trị tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa

1. Thăm khám, chẩn đoán để xác định chính xác nguyên nhân

Thay vì tự tìm cách khắc phục tại nhà trong khi chưa hiểu rõ căn nguyên gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ không ngứa, người bệnh tốt hơn nên đến thăm khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng hoặc thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân chính xác. Từ đó mới có thể đưa ra các phương án điều trị đúng cách và kịp thời.

2. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn

Dựa theo nguyên nhân khiến da bị nổi mẩn đỏ không ngứa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp để làm giảm các triệu chứng của bệnh.

  • Thuốc làm giảm triệu chứng: Chẳng hạn như một số loại thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin, clorpheniramin, fexofenadin,…). Mặc dù thường được dùng nhiều trong các trường hợp có xuất hiện ngứa (chẳng hạn như khi bị dị ứng, nổi mề đay), nhưng thuốc kháng histamin cũng có thể giúp giảm hiện tượng mẩn đỏ, sưng tấy trên da. Tuy nhiên thuốc kháng histamin sẽ không thể giúp điều trị nguyên nhân thật sự của hiện tượng mẩn đỏ không ngứa, mà chỉ có thể được xem như giải pháp để da giảm bớt phát ban, mẩn đỏ.
  • Thuốc điều trị căn nguyên bệnh lý: Tùy theo bệnh lý mà bạn đang gặp phải, một số thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
    • Thuốc kháng sinh.
    • Thuốc chống viêm không steroid.
    • Thuốc ức chế miễn dịch.
    • Thuốc giảm đau.
    • Thuốc corticoid.

Dùng thuốc chữa đốm đỏ trên da không ngứa

3. Thử các mẹo dân gian chữa nổi mẩn đỏ

Nếu tình trạng các vết mẩn đỏ không quá nghiêm trọng thì người bệnh có thể thử một số mẹo dân gian để tạm thời làm giảm nổi mẩn trên da, chẳng hạn như:

  • Tắm hoặc đắp lá thuốc nam: Chẳng hạn như lá khế, lá trầu không, lá trà xanh, lá đơn đỏ,…
  • Thoa gel nha đam hoặc thoa nước giấm táo lên vùng da bị nổi mẩn đỏ không ngứa.
  • Chườm hoặc lau người bằng khăn ấm hoặc khăn lạnh.

4. Áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà

  • Tránh chà xát da: Massage da nhẹ nhàng, tránh chà xát quá mạnh sẽ khiến các vết mẩn lan rộng và nặng hơn. Đặc biệt các vết mẩn thường xuất hiện trên làn da mỏng, bị tổn thương, vì vậy việc chà xát quá mạnh sẽ khiến làn da chảy máu, xuất hiện viêm loét.
  • Vệ sinh da sạch sẽ: Lựa chọn các sản phẩm sữa tắm, xà bông hay dầu gội lành tính, chứa ít chất hoá học hoặc các chất dễ gây kích ứng. Đảm bảo cho da của bạn luôn được bảo vệ tốt nhất có thể.
  • Tạm ngưng sử dụng mỹ phẩm: Các vết mẩn đỏ đang biểu thị da bạn đang bị tổn thương, vì vậy hạn chế bôi mỹ phẩm lên các vùng da đó là cách tốt nhận giảm tải kích ứng cũng như gánh nặng cho da bạn nhé.
  • Lau da bằng nước ấm: Nước ấm ngoài tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông, còn giúp các vết mẩn đỏ giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó cũng ngăn cản tốc độ lây lan sang các vùng da lân cận.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Những bộ đồ rộng rãi giúp giảm thiểu tối đa ma sát lên da, tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí, ánh nắng, hạn chế kích ứng khiến các nốt sần lan rộng.

Trên đây là những bệnh lý có thể gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa trên da, cũng như một số cách trị giảm mẩn đỏ ngay tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tới thăm khám để chẩn đoán chính xác nhất, cũng như có được biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ