I - Sảng rượu là gì?
Sảng rượu (Delirium tremens - DTs) là biểu hiện nghiêm trọng nhất của hội chứng cai rượu. Người bị sảng rượu có thể xuất hiện các triệu chứng như run rẩy, toát mồ hôi, rùng mình, nhịp tim nhanh chậm bất thường, co giật, ảo giác... Hiện tượng này thường xảy ra với những người có tiền sử uống nhiều rượu & uống liên tục trong thời gian dài (từ 1 tháng trở lên) rồi đột ngột ngừng uống rượu.
Theo các nhà khoa học, cơ chế gây ra sảng rượu được hiểu qua sự cân bằng giữa 2 thụ thể là GABA và NMDA. GABA (Gamma-Aminobutyric Acid) có chức năng tạo cảm giác thư giãn và giảm sự hưng phấn. Trong khi đó NMDA (N-Methyl-D-Aspartate) có chức năng tăng sự kích thích của não, tăng hưng phấn. Ở trạng thái bình thường, 2 thụ thể này luôn đối lập và tự cân bằng nhau để duy trì chức năng bình thường của não.
Ethanol có trong cồn khi đi vào cơ thể sẽ làm ức chế thụ thể GABA, do đó để chống lại vấn đề này thì cơ thể sẽ tăng cường sản sinh GABA. Còn với thụ thể NMDA, do ethanol sẽ gây độc thông qua thụ thể này nên cơ thể sẽ tiết giảm số lượng NMDA.
Nhưng ở những người nghiện rượu, uống nhiều rượu thì cơ thể sẽ lại dần giảm bớt số lượng thụ thể GABA để tránh bị ức chế quá mức, tuy nhiên việc này sẽ lại khiến các chất gây ức chế trong cơ thể hoạt động mạnh hơn, dẫn tới người nghiện rượu khó thư giãn hơn và cần uống nhiều rượu hơn để đạt được cảm giác thư giãn. Bên cạnh đó, lượng NMDA lại cũng dần được sản sinh nhiều hơn để bù lại cho khả năng học tập, ghi nhớ.
Chính vì vậy khi đột nhiên ngừng uống rượu sẽ làm mất cân bằng nghiêm trọng thụ thể GABA và NMDA. GABA vốn đã tăng mạnh hoạt động trong thời gian dài do ethanol nay sẽ giảm hoạt động đáng kể, và NMDA vốn đã giảm hoạt động mạnh khi có ethanol nay cũng sẽ tăng hoạt động mạnh trở lại. Tất cả sự mất cân bằng này đều gây ra sự tăng lo âu, kích thích quá mức, kích động...
Từ cơ chế này việc có xuất hiện tình trạng sảng rượu hay không sẽ phụ thuộc thêm vào một số yếu tố khác như:
- Uống rượu nồng độ nặng trong nhiều năm (càng nhiều năm tỷ lệ mắc càng cao).
- Người cao tuổi.
- Người mắc bệnh tim mạch, thận, gan.
- Sử dụng nhiều chất kích thích khác như cà phê, thuốc lá...
II - Sảng rượu kéo dài bao lâu? Có những giai đoạn nào?
Triệu chứng sảng rượu thường xuất hiện trong khoảng từ 1 - 4 ngày sau khi ngừng uống rượu hoặc giảm lượng rượu tiêu thụ đột ngột. Sảng rượu có thể diễn biến theo 2 giai đoạn đó là giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn khởi phát:
Giai đoạn này thường xuất hiện trong khoảng từ 1 - 2 ngày kể từ khi bắt đầu cai rượu. Bệnh nhân có biểu hiện đặc trưng nhất trong giai đoạn này là run rẩy. Đi kèm với đó là cảm giác lo âu, bứt rứt, tăng tiết mồ hôi và nhịp tim, mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn thần kinh thực vật… đôi khi còn xảy ra hiện tượng co giật, co cơ.
Giai đoạn toàn phát:
Thường xuất hiện sau khoảng 3 - 5 ngày kể từ khi bắt đầu cai rượu với những biểu hiện trầm trọng hơn như:
- Mê sảng với trạng thái tâm thần như bị kích động và hoảng sợ.
- Lú lẫn, rối loạn không gian và thời gian, ý thức không còn tỉnh táo.
- Không kiểm soát được hành vi, phản ứng với những thứ tưởng tượng, không có thật một cách dữ dội.
- Trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng và triệu chứng rối loạn tri giác.
- Tình trạng co giật toàn thân trở nên trầm trọng hơn.
- Có thể bị trụy mạch, dẫn đến tử vong.
III - Sảng rượu có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện kịp thời cũng như có phương pháp chữa trị đúng cách, sảng rượu có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong lên đến 33%). Vì vậy, tình trạng này vô cùng nguy hiểm, cẩn cấp cứu khẩn cấp ngay khi tình trạng sảng rượu xảy ra.
Nguy hiểm nhất chính là những tình trạng bệnh nhân sảng rượu bị rối loạn điện giải, hạ đường huyết, co giật… nếu không được điều trị cẩn thận thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Các triệu chứng của sảng rượu vô cùng khó chịu, có nguy cơ rối loạn tâm thần cấp tính, hậu quả vô cùng nặng nề như các hành vi bất thường, không kiểm soát được hành vi, có thể tự gây hại cho chính bản thân và những người xung quanh, tính cách cũng trở nên bất thường, nóng tính và hung dữ hơn.
Người bị sảng rượu nếu tiếp tục ngừng tiêu thụ rượu sẽ khiến bản thân uể oải, mệt mỏi, run tay chân, thậm chí là co giật. Tuy nhiên nếu tiếp tục uống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gia tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan.
Ngay cả khi những cơn sảng rượu bộc phát và được kiểm soát, khả năng hồi phục của bệnh nhân rất thấp. Những bệnh nhân dù vượt qua cơn sảng rượu nhưng trí tuệ vẫn sẽ bị sa sút, trở nên chậm chạp và giảm trí tuệ.
IV - Điều trị chứng sảng rượu thế nào?
Người bị sảng rượu cần được điều trị nội trú, tại phòng cấp cứu khoa tâm thần với đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết để tiện theo dõi và có những phương án xử trí kịp thời khi có những biến chứng xảy ra.
Khi cơn sảng rượu phát tác, bác sĩ cùng các nhân viên y tế sẽ có những biện pháp điều trị như sau:
- Bệnh nhân bị sảng rượu, nhất là những bệnh nhân bị co giật hay có những hành vi mất kiểm soát cần được cố định tại giường.
- Xem xét tình hình bệnh nhân và cho bệnh nhân hút đờm và thở oxy nếu cần.
- Xét nghiệm cho người bệnh, đặc biệt là xét nghiệm máu để nắm rõ tình hình bệnh nhân.
- Tùy vào tình trạng của bệnh nhân sảng rượu, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp: bệnh nhân co giật sử dụng thuốc chẹn beta Benzodiazepine, các triệu chứng thần kinh khác dùng Clonidine, truyền Glucose hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân hạ đường huyết hoặc rối loạn điện giải…
Sau khi xử trí những biểu hiện cấp tính của sảng rượu, các bác sĩ bắt đầu tập trung điều trị, khắc phục những triệu chứng khác của người nghiện rượu mãn tính, tầm soát các nguy cơ về gan, tim mạch và thần kinh để có phương án chữa trị kịp thời.
Sảng rượu là triệu chứng nguy hiểm cần được chú ý trong quá trình cai rượu bởi tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách. Nên đưa người thân đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trong quá trình cai rượu có những biểu hiện bất thường. Mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn sảng rượu và những nguy hiểm mà triệu chứng này mang tới.