Tác hại của rượu bia với sức khỏe và đời sống xã hội xung quanh

2024-02-28 13:08:18

Tác hại của rượu bia là không hề nhỏ không chỉ với sức khỏe mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng cả tới đời sống xã hội. Từ những nguy cơ về sức khỏe cá nhân cho đến những hậu quả xã hội rộng lớn, vấn đề về tác hại của rượu bia đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong xã hội ngày nay. Hãy cùng đi sâu vào khám phá những ảnh hưởng không lường trước mà rượu bia mang lại cho cá nhân và cộng đồng.

I - Những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người

Rượu bia không chỉ gây ra những tác động tiêu cực ngay lập tức mà còn tạo ra những hậu quả kéo dài đối với sức khỏe con người. Dưới đây chính là các tác hại mà rượu bia có thể gây ra đối với sức khỏe con người:

1. Gây hại cho gan

Gan là cơ quan vô cùng quan trọng, gan bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi rượu bia sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống.

Gan là bộ phận lọc và giải độc cho cơ thể. Vậy nên uống nhiều rượu bia có thể khiến cho gan bị làm việc quá tải dẫn đến chức năng gan giảm sút và có thể gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, uống nhiều bia rượu cũng có là nguyên nhân của bệnh xơ gan. Các sẹo xơ trong gan hình thành khi uống rượu bia. Càng uống nhiều rượu bia càng hình thành nhiều sẹo xơ và cuối cùng dẫn đến xơ gan. Người bị xơ gan lâu ngày sẽ dẫn đến chức năng gan bị mất hoàn toàn. Xơ gan cũng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng như ung thư gan, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, suy thận…

2. Tác động tới hệ thần kinh

Rượu là một chất ức chế, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và khiến người uống trở nên bất cẩn, lờ đờ và mất kiểm soát. Đối với những người thường xuyên tiêu thụ rượu nhiều, có thể dẫn đến suy giảm và rối loạn chức năng não bộ, bao gồm mất trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn cảm xúc và tư duy, cũng như rối loạn hành vi.

Trong trường hợp của bệnh nhân loạn thần do rượu, họ có thể trải qua các biểu hiện như hoang tưởng, rối loạn cảm giác và cảm xúc, cũng như biểu hiện của hưng cảm hoặc trầm cảm, thường đi kèm với sự bất ổn và hung dữ. Có đến gần 1/3 tổng số ca tự tử trên thế giới có liên quan đến bia rượu và các chất có cồn.

XEM THÊM: Say rượu bị nôn liên tục

rượu bia gây tác hại cho hệ thần kinh

3. Ảnh hưởng tới chức năng sinh sản

Đối với nam giới, việc tiêu thụ rượu bia có thể gây ra một loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đầu tiên, rượu làm giảm lượng testosterone có trong cơ thể nam giới, từ đó chất lượng cùng với số lượng tinh trùng bị giảm rõ rệt. Hơn nữa, chất cồn cũng có thể gây ra rối loạn chức năng cương dương và giảm ham muốn tình dục ở nam giới, đồng thời tăng nguy cơ vô sinh.

Đối với phụ nữ, rượu bia có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và giảm chất lượng trứng, tăng nguy cơ sảy thai và thai nhi dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, uống rượu bia trong thai kỳ cũng có thể gây ra suy dinh dưỡng thai nhi và tăng nguy cơ sinh non.

4. Tăng tỷ lệ mắc ung thư

Uống rượu bia được xem là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư, và chất cồn trong rượu bia có thể làm tổn thương DNA, dẫn đến đột biến gen và sự hình thành tế bào ung thư.

Cơ chế tác động của chất cồn bao gồm việc chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất độc hại có khả năng gây tổn thương DNA. Điều này có thể dẫn đến đột biến gen và tạo điều kiện cho sự phát triển của tế bào ung thư.

Ngoài ra, chất cồn cũng có thể làm làm tăng sản xuất estrogen làm tăng nguy cơ gây ung thư vú, suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư gan, ung thư vòm họng và các loại ung thư liên quan tăng cao.

5. Gây vấn đề cho hệ tim mạch

Bệnh tim mạch là một vấn đề đáng lo ngại khi là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gây tử vong cao nhất. Cồn được biết đến là một chất độc và gây ảnh hưởng và có những tác động trực tiếp đến cơ tim. Khi tiêu thụ rượu, các tế bào cơ tim bị tổn thương và thay thế bằng mô xơ không co bóp, làm cho tim trở nên yếu và không thể đảm bảo việc bơm máu hiệu quả.

Ngoài ra, uống rượu quá mức có thể dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, tổn thương cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và tăng nguy cơ đột quỵ. Các vấn đề này có thể là kết quả của việc rượu làm giãn nở các mạch máu, làm cho tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, và làm suy yếu hệ thống tim mạch.

Ngoài ra, uống rượu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và chính điều có cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

tác hại của rượu bia với hệ tim mạch

6. Tăng tốc độ lão hóa da

Các đồ uống chứa cồn có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nếp nhăn và tăng tốc độ lão hóa da. Rượu làm tăng quá trình lợi tiểu, dẫn đến mất nước trong cơ thể và làn da. Theo thời gian, điều này có thể khiến nếp nhăn hình thành nhanh chóng và trở nên rõ ràng hơn.

Cồn không chỉ là nguyên nhân làm giảm vitamin A và C trong cơ thể mà uống quá nhiều rượu bia còn làm lượng sắt cũng giảm theo. Từ đó làn da sẽ kém đàn hồi, trở nên xanh xao hơn, khó chống lại các tác nhân lão hóa từ môi trường hơn cũng như khiến cho tóc rụng nhiều hơn.

7. Gây loãng xương

Uống rượu thường xuyên có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe xương. Cồn trong rượu bia làm giảm khả năng tân tạo của xương, dẫn đến sự mất cân bằng giữa việc hủy xương và tạo xương mới. Theo thời gian, điều này dẫn đến mật độ xương bị giảm đi, gây nên tình loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Những người thường xuyên uống rượu thường có chế độ dinh dưỡng không cân đối, có thể dẫn đến tình trạng yếu xương và dễ vỡ. Rượu cũng gây rối loạn trong quá trình hấp thụ canxi và vitamin D, cần thiết cho sức khỏe xương.

8. Dễ mắc bệnh Gout

Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy uống nhiều rượu bia có thể tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Gout là tình trạng thừa axit uric tích tụ ở các cơ, gây ra các triệu chứng như sưng tấy và đau đớn ở các khớp.

Do rượu bia chứa nhiều purin, khi được chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra axit uric, dẫn đến tăng axit uric trong máu. Ngoài ra, rượu bia cũng làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận, gây mất nước và tăng nguy cơ béo phì, một yếu tố nguy cơ chính cho bệnh gout.

Lạm dụng rượu bia có thể gây hại cho gan và thận, làm giảm khả năng loại bỏ độc tố và chất độc hại từ cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Dừng uống rượu bia có thể giúp bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ bị tấn công bệnh gout.

9. Ảnh hưởng tới tuyến tụy

Uống nhiều rượu bia có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến tụy. Rượu bia kích thích sản xuất quá nhiều enzyme tiêu hóa trong tuyến tụy gây viêm tụy. Viêm tụy có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến suy tạng và tử vong.

Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài cũng có thể gây ra viêm tụy mãn, là tình trạng tổn thương tuyến tụy không hồi phục, dẫn đến suy giảm chức năng của tuyến tụy và tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

II - Những tác hại của rượu bia với đời sống, xã hội xung quanh

1. Gây áp lực lên hệ thống y tế

Sử dụng rượu bia quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như viêm gan, xơ gan, tiểu đường, và nhiều bệnh khác. Điều này tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế do cần phải điều trị và chăm sóc cho những người mắc các vấn đề này.

2. Tăng tỷ lệ tai nạn giao thông

Người uống rượu bia thường mất kiểm soát về khả năng lái xe, dẫn đến tăng tỷ lệ tai nạn giao thông do trạng thái say rượu. Những tai nạn này có thể gây tổn thương nặng nề hoặc thậm chí gây tử vong cho người tham gia giao thông.

XEM THÊM: Những tác hại của rượu bia với nam giới

uống rượu bia dễ gây tai nạn giao thông

3. Dễ gây xích mích, rối loạn trật tự

Rượu bia có thể làm tăng cảm giác tự tin, giảm kiểm soát bản thân và làm suy giảm khả năng đánh giá. Điều này có thể dẫn đến hành vi xích mích, gây rối loạn trật tự, và thậm chí gây ra các vụ xô xát, hỗn loạn trong xã hội.

4. Ảnh hưởng tới hôn nhân & gia đình

Sử dụng rượu bia quá mức có thể gây ra các vấn đề trong hôn nhân và gia đình, bao gồm cả cãi vã, bạo lực gia đình, và việc không thể thực hiện được các trách nhiệm gia đình.

Những tác hại này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân sử dụng rượu bia mà còn lan rộng ra xã hội và cộng đồng xung quanh. Do đó, việc tăng cường giáo dục và quản lý về sử dụng rượu bia là rất quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực này.

III - Làm sao để phòng tránh những tác hại của rượu bia

Để phòng tránh những tác hại của rượu bia, đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội khi uống rượu bia, cần chú ý:

  • Điều đầu tiên là kiểm soát lượng rượu bản thân tiêu thụ: chỉ nên uống không quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới, còn đối với nữ giới thì chỉ uống tối đa 1 đơn vị cồn mỗi ngày (1 đơn vị cồn tính bằng 10g cồn nguyên chất và sẽ có lượng tương đương với 30ml rượu 40 độ).
  • Cách uống rượu để đảm bảo an toàn: uống từ từ, chậm rãi để giảm tác động đột ngột từ rượu đến cơ thể.
  • Khi đói thì không nên uống rượu, nhất là rượu mạnh.
  • Trước khi uống rượu nên ăn những thực phẩm protein để giảm khả năng thẩm thấu của rượu hoặc uống nước lọc, nước ép hay ăn chút súp để làm loãng nồng độ rượu khi cơ thể hấp thu.
  • Đồ có ga giúp cơ thể hấp thụ rượu nhanh hơn. Vì thế nên hạn chế hết mức có thể việc uống rượu cùng những loại thức uống có ga.
  • Không nên uống rượu khi đang uống thuốc aspirin bởi có thể làm tăng khả năng bị xuất huyết tiêu hóa. Nếu muốn uống rượu trong quá trình uống aspirin thì nên uống cách xa nhau.
  • Uống rượu xong không nên uống cà phê bởi caffein có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp gây ảnh hưởng đến tim, mạch máu…

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tuân thủ các quy định và luật pháp liên quan đến việc sử dụng rượu bia đồng thời thúc đẩy lối sống lành mạnh như tập thể dục và duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và toàn xã hội.

Rượu bia không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội. Chúng ta cần ý thức được những tác hại này của rượu bia để thực hiện các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia không chỉ với những người xung quanh mà còn trong cả cộng đồng.

Lên đầu trang
Loading