Tại sao uống rượu bia không ngủ được, ngủ không ngon giấc?

2023-10-26 09:08:10

Sau khi uống rượu bia có nhiều người cảm thấy dễ ngủ, ngủ ngon hơn và sâu giấc hơn. Tuy nhiên lại có một số trường hợp sau khi uống rượu bia người uống cảm thấy khó ngủ hay thậm chí là không ngủ được. Vậy nguyên nhân của việc này là do đâu? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I - Nguyên nhân uống rượu bia xong không ngủ được

Tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau sau khi uống rượu bia. Sẽ có những người sau khi uống rượu bia sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn nhưng có những người bị ảnh hưởng giấc ngủ một cách trầm trọng.

Vì thế có rất nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi thường uống 1 - 2 chén rượu trong bữa cơm để có thể dễ ngủ hơn. Nhưng cũng rất nhiều người cho biết, sau khi nhậu họ cảm thấy rất khó ngủ, cơ thể luôn ở trạng thái tỉnh táo, và nhiều khi phải tới gần sáng mới ngủ được. Giải thích cho hiện tượng này, các bác sĩ cho biết:

Khi rượu bia được đưa vào cơ thể sẽ gây xáo trộn các chất dẫn truyền thần kinh ở trong não, bao gồm axit gamma-aminobutyric (GABA) và glutamate. Ban đầu khi mới uống thì lượng cồn trong máu vẫn cao, rượu bia sẽ khiến hàm lượng GABA chiếm ưu thế và giảm tác dụng của glutamate. Mà GABA là chất giúp ức chế các kích thích não bộ giúp cơ thể thư giãn và dễ ngủ, trong khi đó glutamate là chất làm tăng kích thích não bộ, tăng cường sự tỉnh táo. 

Vì thế khi mới uống GABA sẽ có tác dụng như một chất an thần khiến người nhậu thường hay có cảm giác lơ mơ và buồn ngủ. Thế nhưng khi rượu bia được chuyển hóa, lượng cồn giảm xuống thì cơ thể sẽ xảy ra phản ứng phục hồi GABA (GABA Rebound - hiện tượng mà khi não bộ bị ức chế do tác động của GABA, nay GABA giảm xuống thì não bộ sẽ trở nên kích thích trở lại), lúc này sẽ khiến cơ thể người uống cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc khó ngủ.

Tương tự như vậy, glutamate ban đầu bị rượu bia ức chế cũng sẽ xảy ra hiện tượng phục hồi, khiến não bị kích thích và hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra GABA cũng có tính chất có thể tái chế thành glutamate, vì vậy lúc này hàm lượng glutamate lại chiếm ưu thế hơn và dẫn tới hiện tượng khó ngủ hoặc mất ngủ.

gaba glutamate có thể gây khó ngủ khi uống rượu

Những ảnh hưởng của rượu bia đến giấc ngủ có thể kể đến như: mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ bị gián đoạn… Do đó, không có một thước đo chính xác nào cho việc rượu bia ảnh hưởng tốt hay xấu đến giấc ngủ của người uống.

Vì thế tùy vào thể trạng của mỗi người, nếu như bạn là một người có khả năng chuyển hóa rượu bia trong cơ thể tốt, giấc ngủ của bạn sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, nếu bạn có cơ địa là một người chuyển hóa rượu bia kém, giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng, rối loạn giấc ngủ sau khi sử dụng rượu bia.

II - Rượu bia gây rối loạn giấc ngủ như thế nào?

1. Rượu bia làm gián đoạn giai đoạn ngủ sâu REM

Thông thường, có hai giai đoạn của giấc ngủ trong quy trình của một giấc ngủ, đó chính là: Giấc ngủ không chuyển động mắt (NREM) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Sau khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giai đoạn ngủ sâu.

Trong quá trình gan đang chuyển hóa rượu bia, sự chuyển hóa này sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ REM của bạn. Chúng làm đảo ngược tác dụng an thần và dần dần sẽ khiến giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng. Bạn sẽ không thể ngủ sâu hay thậm chí không thể mơ trong khi ngủ khi quá trình này đang hoạt động liên tục. Lời khuyên tốt nhất trong lúc cơ thể đang chuyển hóa rượu bia, bạn chỉ nên nghỉ ngơi một chút hoặc chợp mắt một lúc để cơ thể hoàn toàn phục hồi. Lúc này, bạn mới dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu hơn.

Thời gian chuyển hóa hoàn toàn rượu bia trong cơ thể còn phụ thuộc vào rượu bia mà bạn uống. Cũng vì thế mà giấc ngủ REM của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít hay nhiều. Vì vậy, nên kiểm soát lượng rượu bia bạn uống ngay từ đầu để tránh bị ảnh hưởng giấc ngủ quá nhiều.

2. Gây chứng ngưng thở khi ngủ

Rượu bia ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không chỉ riêng gì não bộ của bạn. Rượu bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng lưu lượng máu đến các mô da, tạo cảm giác ấm nóng hoặc thậm chí nóng nực cho người uống. Việc này sẽ khiến nhiệt bốc hơi qua da nhanh hơn bình thường, khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột.

Không những thế, rượu cũng làm các cơ bắp trong cơ thể giãn ra. Điều này gây những hậu quả nghiêm trọng trước và trong khi người uống rượu bia ngủ. Khi các cơ ở cổ họng giãn ra quá nhiều, hơi thở của bạn sẽ bị hạn chế và bó hẹp lại. Khi những cơ này giãn ra quá mức, chặn đứng hơi thở của bạn sẽ gây nên tình trạng ngừng thở khi ngủ, thiếu oxy lên não bộ.

Theo thông kê của một tổ chức uy tín thế giới, rượu bia làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ lên tới 25%. Do đó, nếu bạn đã từng gặp tình trạng khó thở sau khi sử dụng rượu bia, hãy cẩn thận trước khi uống rượu bia trước khi đi ngủ.

uống rượu bia dễ làm rối loạn giấc ngủ

3. Cơ thể bị thiếu nước

Rượu bia là một loại thức uống gây mất nước cực kỳ lớn. Rượu bia gây lợi tiểu. Điều này có nghĩa là rượu bia khiến cơ thể bạn phải hoạt động gan và thận với công xuất lớn. Do đó mỗi khi sử dụng rượu bia, bạn thường sẽ đi vệ sinh nhiều hơn bình thường. Điều đó khiến cơ thể của bạn mất đi một lượng nước lớn và cần phải bổ sung nước nhiều hơn bình thường.

Nếu như bạn không bổ sung lượng nước tương tự như lượng nước đã mất, bạn sẽ có những triệu chứng như choáng váng, đau đầu, toàn thân mệt mỏi rã rời. Điều này dễ dàng nhận thấy ở những người lớn tuổi, khi quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm lại và không thể đào thải được độc tố một cách nhanh chóng.

Với những tình trạng khó chịu như vậy, giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Khi cơ thể thiếu nước, bạn hoàn toàn không thể nào có một giấc ngủ ngon được mà phải dậy để bổ sung nước liên tục cả đêm.

4. Kích thích tiểu đêm

Như đã được đề cập ở trên, rượu bia là một loại thức uống gây mất nước và lợi tiểu. Sau khi uống rượu bia, bạn sẽ phải đào thải nhiều hơn bình thường, đồng nghĩa với việc số lần muốn đi vệ sinh của bạn tăng lên đột ngột.

Do đó, bạn sao có thể ngủ ngon được trong khi cơ thể cần phải đào thải nhiều lần trong một đêm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ngủ không sâu giấc sau khi sử dụng rượu bia.

5. Gây đổ mồ hôi đêm

Rượu bia cũng là một trong những hoạt chất có tác dụng làm giãn các mạch máu ở trong cơ thể. Điều này sẽ khiến người uống rượu bia cảm thấy cơ thể càng uống càng nóng dần lên. Đồng nghĩa với việc nhiệt độ trong cơ thể ngày một tăng lên. Khi cơ thể nóng dần lên, tuyến mồ hôi sẽ hoạt động nhiều hơn và gây đổ mồ hôi. Đây cũng là một cơ chế để cơ thể đào thải rượu bia. Điều này sẽ gây khó chịu cho người uống, đặc biệt là khi bạn đi vào giấc ngủ. Khi cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi, gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và bạn không thể ngủ ngon trong tình trạng này được.

III - Một số cách để dễ ngủ hơn sau khi uống rượu bia

Theo các chuyên gia, một giấc ngủ ngon là khi bạn có thể ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Nếu như bạn sử dụng rượu bia trước khi đi ngủ, sẽ có những cách dưới đây bạn có thể tham khảo để có thể hạn chế được ảnh hưởng của rượu bia tới giấc ngủ của bạn:

  • Bổ sung nhiều nước cho cơ thể: Trong quá trình sử dụng rượu bia, bạn hãy đồng thời bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Điều này góp phần bổ sung lượng nước mà bạn đã mất đi và làm loãng rượu bia khi đi vào cơ thể.
  • Ăn lót dạ trước khi uống rượu bia: Nên nhớ rằng không nên uống rượu bia khi bạn đang đói bụng. Hãy lót dạ trước bằng những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe để hạn chế được ảnh hưởng xấu của rượu bia đến cơ thể.
  • Không nên uống quá nhiều: Uống quá nhiều rượu bia sẽ gây nên tình trạng say xỉn, mất kiểm soát và ảnh hưởng cực kỳ xấu đến sức khỏe của người uống. Khi bạn uống rượu bia quá mức, không chỉ giấc ngủ bị ảnh hưởng mà còn nguy hiểm đến chính tính mạng của bạn.
  • Để cho cơ thể có thời gian được nghỉ ngơi: Trước khi ngủ sau khi uống rượu bia, bạn hãy để cơ thể có đủ thời gian để chuyển hóa. Điều này sẽ giảm bớt sự ảnh hưởng của rượu bia đến giấc ngủ của bạn.
  • Không nên pha trộn nhiều loại rượu bia với nhau: Việc uống nhiều loại rượu bia cùng một lúc sẽ khiến cho quá trình chuyển hóa và đào thải rượu bia trong cơ thể gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn. Vì vậy, bạn chỉ nên uống một loại bia hoặc rượu trong một bữa để tránh gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Những thông tin bên trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc tại sao uống rượu bia không ngủ được. Cùng với đó, một số cách để bạn có một giấc ngủ ngon và sâu hơn sau khi uống rượu bia được liệt kê ở trên hy vọng sẽ giúp bạn có thêm được kiến thức để áp dụng mỗi khi nhập tiệc.

Lên đầu trang
Loading