Viêm mũi vận mạch là gì? Nguyên nhân & cách điều trị

2023-12-01 10:29:18

Viêm mũi vận mạch còn được gọi là bệnh viêm mũi vô căn do đến nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Các triệu chứng viêm mũi vận mạch thường không gây nguy hiểm nhưng lại làm phiền đến cuộc sống thường ngày của người bệnh. Cùng tìm hiểu triệu chứng và cách chữa trị bệnh trong bài viết sau.

I. Viêm mũi vận mạch là gì?

Viêm mũi vận mạch là một bệnh lý thuộc đường hô hấp, mô tả các phản ứng quá mức của hệ thần kinh giao cảm trong niêm mạc mũi với các triệu chứng lâm sàng như: Chảy dịch mũi, hắt hơi, ngạt mũi… 

Viêm mũi vận mạch là bệnh lý chiếm đa số và phổ biến nhiều nhất của thể viêm mũi không dị ứng. Điều này cũng giải thích cho các phản ứng viêm mũi vận mạch xảy ra không liên quan đến tác nhân gây dị ứng, không gây nhiễm trùng và rất khó để tìm ra nguyên nhân rõ rệt. Chính vì thế mà nó còn có tên gọi khác là viêm mũi vô căn (không tìm thấy căn nguyên gây bệnh mặc dù đã thực hiện hết các xét nghiệm cần thiết).

II. Dấu hiệu nhận biết bị viêm mũi vận mạch

Các biểu hiện của bệnh viêm mũi vận mạch có xu hướng giống viêm xoang mũi dị ứng tuy nhiên tình trạng diễn ra sẽ nhẹ hơn. Cụ thể người bệnh không thấy ngứa mũi nhiều nhưng tình trạng nghẹt và chảy dịch nước mũi nhiều và rõ rệt hơn. 

Có thể giải thích cho biểu hiện này là phản ứng quá mức giao cảm và hệ thần kinh dẫn đến mất cân bằng trương lực của mạch máu, dẫn truyền thần kinh neuropeptide Y hay Norepinephrine gây rối loạn chất trung gian thấm thành mạch cùng tiết dịch nhầy mũi.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mũi vận mạch có thể kéo dài đến vài tuần. Bệnh thường trở nặng vào buổi sáng. Ở một vài trường hợp đặc biệt có thể biến chứng sang viêm mũi vận mạch bội nhiễm do không được can thiệp sớm. Các triệu chứng dần trở nên nặng hơn, không nhạy với thuốc chữa bệnh và có thể xảy ra các phản ứng phụ từ thuốc điều trị.

Viêm mũi vận mạch

Mắc viêm mũi vận mạch người bệnh không thấy ngứa mũi nhiều nhưng nghẹt và chảy dịch nước mũi nhiều và rõ rệt hơn

>>> XEM THÊM: Bị viêm mũi dị ứng có chữa khỏi được không?

III. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi vận mạch

Mặc dù chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh, nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ sau đây gây ảnh hưởng đến khả năng bùng phát bệnh: 

  • Môi trường: ô nhiễm, bụi bẩn, khói xe. 
  • Khí hậu: Thời tiết, không khí thay đổi đột ngột về nhiệt độ và áp suất, độ ẩm. 
  • Rối loạn nội tiết: Sử dụng thuốc tránh thai hoặc đang trong thời kỳ bị mất cân bằng nội tiết tố như mang thai, hormone nội tiết bất ổn do hội chứng suy giáp có nguy cơ viêm mũi bội nhiễm biểu hiện ngạt tắc mũi nhiều hơn. 
  • Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như điều trị huyết áp cao, thuốc giảm đau, thuốc về thần kinh hay lạm dụng thuốc xịt mũi có thể gây ra tình trạng tắc mũi viêm mũi vận mạch. 
  • Các yếu tố gây bệnh khác: Căng thẳng stress, khói thuốc, hương liệu, thực phẩm cay nóng,  nhiễm virus, mùi hôi, bệnh cũng có thể bùng phát khi có sự thay đổi về mặt cảm xúc: khóc, buồn phiền… 

IV. Các biến chứng của viêm mũi vận mạch

Mặc dù không quá gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tuy nhiên viêm mũi vận mạch lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, công việc và học tập. Thêm nữa nếu không được điều trị triệt để sớm để bệnh dai dẳng hoặc chuyển biến nặng hơn, bạn có thể bị chuyển sang viêm mũi vận mạch mạn tính hoặc gặp một số biến chứng đi kèm sau đây:

  • Nhức đầu, polyp mũi, ngưng thở khi ngủ.
  • Rối loạn chức năng ống eustachian.
  • Ho mạn tính. 
  • Hen suyễn. 
biến chứng của viêm mũi vận mạch

Một số biến chứng nguy hiểm của viêm mũi vận mạch như ngưng thở khi ngủ, ho mạn tính, hen suyễn...

>>> XEM THÊM: Viêm mũi họng cấp: Nguyên nhân, cách phòng tránh & điều trị

V. Chẩn đoán viêm mũi vận mạch

Để xác định được bệnh nhân có mắc bệnh viêm mũi vận mạch hay không, tùy từng trường hợp ca bệnh bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện trong các phương pháp sau:

  • Xét nghiệm kháng thể IgE.
  • Thử nghiệm kích thích vào mũi.
  • Xét nghiệm tế bào học.
  • Chụp cộng hưởng từ.
  • Chụp cắt lớp CT.
  • Các chẩn đoán đặc biệt dựa trên tiền sử bệnh, xét nghiệm dị ứng...

Phương pháp điều trị viêm mũi vận mạch

1. Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc là biện pháp thường được áp dụng nhiều nhất khi bệnh vẫn còn đáp ứng điều trị nội khoa: 

Vệ sinh bằng nước muối sinh lý

Do bệnh phát tác khiến mũi chảy nhiều dịch, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây sưng viêm tại niêm mạc mũi. Vì vậy cần sử dụng nước muối sinh lý để loại bỏ dịch nhầy, đào thải chất bẩn và ổ viêm nhiễm sâu trong khoang mũi, từ đó làm dịu sưng viêm tại mạch máu. 

Tuy nhiên không  nên lạm dụng nước muối sinh lý vì có thể khiến khả năng lọc bụi của mũi bị thay đổi, niêm mạc khô và dễ bùng phát bệnh hơn. 

Thuốc kháng histamin

Với bệnh lý viêm mũi vận mạch, bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng kháng histamin đường uống vì có thể gây tác dụng toàn thân. Loại thuốc này có ích lợi giảm triệu chứng ngứa và hắt xì hơi, thường được dùng dạng xịt trực tiếp vào mũi, để các dược chất thấm sâu qua niêm mạc, từ đó giảm sưng viêm mạch máu và cũng hạn chế tối đa tác dụng phụ lên cơ thể. 

Thuốc Corticosteroid 

Với các trường hợp viêm mũi vận mạch có diễn biến phức tạp, bác sĩ sẽ đánh giá lâm sàng và kiểm tra cụ thể, sau đó cho sử dụng thuốc tác động tại chỗ. 

Corticosteroid mang lại tác dụng mạnh nhưng cũng đi kèm nhiều tác dụng phụ: Khô rát mũi, chảy máu mũi, tác động xấu lên họng…

Vì vậy nhóm thuốc này luôn nằm trong top kê đơn, được chỉ định cụ thể và có sự theo dõi từ bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng. 

Thuốc thông mũi 

Loại thuốc thông mũi phổ biến nhất là thuốc chứa Sudafed, chúng có tác dụng co mạch ở các vị trí mạch máu bị giãn nở, từ đó giảm đi tình trạng nghẹt do dịch nhầy ứ đọng. 

Thuốc thông mũi cũng mang lại rất nhiều tác dụng phụ như: Tăng huyết áp, hồi hộp, đánh trống ngực… Vì vậy cần có sự kê đơn và theo dõi nghiêm ngặt từ bác sĩ chuyên khoa. 

Thuốc xịt mũi Cholinergic 

Thuốc xịt mũi Cholinergic cho tác dụng rất tốt trong việc làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên mặt trái của loại thuốc này là có thể gây chảy máu cam, khô mũi…

điều trị viêm mũi vận mạch bằng thuốc

Điều trị viêm mũi vận mạch bằng thuốc

2. Điều trị bằng phẫu thuật

Điều trị ngoại khoa, sử dụng phẫu thuật được chỉ định khi bệnh viêm mũi vận mạch không còn đáp ứng với thuốc điều trị: 

Phẫu thuật thu nhỏ cuốn dưới bảo tồn niêm mạc 

Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi, tắc mũi và có thể phối hợp song song với các liệu pháp y khoa khác. Cụ thể, sau khi làm phẫu thuật người bệnh sẽ cảm thấy đường thở được cải thiện đáng kể, giảm kích ứng và phù nề tại niêm mạc, từ đó giảm các triệu chứng viêm mũi vận mạch. 

Phương pháp này còn giúp người bệnh bảo vệ được chức năng cuốn mũi, tạo điều kiện cho các nhóm thuốc tác động sâu hơn. 

Cắt dây thần kinh vidien 

Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến được khuyến khích sử dụng cho người bệnh viêm mũi vận mạch. Kỹ thuật này nhằm phá vỡ dây thần kinh tự động tại khoang mũi, từ đó cắt giảm đi nguồn dịch tiết. 

Kỹ thuật này lần đầu xuất hiện vào năm 1961 nhưng thời đó phương pháp này có thể gây biến chứng tê mặt, chảy máu hậu phẫu, chấn thương mặt. Tuy nhiên ngày nay với sự tiến bộ y học hiện đại, tỷ lệ thành công và mức độ hài lòng của người bệnh đã đạt mức 91%. 

Hầu hết các biến chứng sau phẫu thuật chỉ là tạm thời, điển hình như khô mắt sẽ hết sau 1 - 6 tháng.

VI. Phòng ngừa viêm mũi vận mạch

Do chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh, nên điều mà các chuyên gia khuyến cáo thực hiện thường liên quan đến việc hạn chế các yếu tố nguy cơ. Những việc bạn nên làm dưới đây giúp phòng ngừa bệnh viêm mũi vận mạch:

  • Giữ ấm mũi và cổ đặc biệt khi giao mùa. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. 
  • Khi trời lạnh, nên tắm nước ấm, hạn chế tiếp xúc với gió lạnh và lau khô cơ thể trước khi mặc quần áo. 
  • Tránh tối đa tiếp xúc với ô nhiễm môi trường, bụi bẩn, khói tàu xe…
  • Trong quá trình sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc thần kinh… nếu gặp phản ứng phụ cần báo ngay cho bác sĩ điều trị. 
  • Hạn chế tình trạng căng thẳng, lo âu trong thời gian dài. 
  • Vệ sinh khu vực sống, loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc, đảm bảo không gian luôn được thoáng đãng. 
  • Rửa tay giúp cơ thể hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn, bỏ thói quen cạy gỉ mũi bằng tay...
  • Thực hiện áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh khoa học, duy trì luyện tập thể thao đều đặn để đẩy mạnh sức đề kháng. 

Viêm mũi vận mạch tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân và có thể tiến triển thành các biến chứng nặng. Vì vậy khi có dấu hiệu mắc bệnh hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Lên đầu trang
Loading