I - Dấu hiệu nhận biết người bị say rượu bia
Để biết một người có bị say rượu hay không thì chủ yếu chúng ta sẽ quan sát các hành động và biểu hiện của họ. Tùy theo mức độ say nặng hay nhẹ mà biểu hiện sẽ khác nhau, thậm chí có những người dù rất say rồi nhưng vẫn biểu hiện ra ngoài như một người bình thường. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết người say xỉn:
- Nói lắp, líu lưỡi, khó phát âm rõ ràng. Tuy nhiên thường có xu hướng nói to hơn bình thường.
- Nói nhiều câu chuyện luyên thuyên, không liên quan tới buổi nhậu hoặc người nghe.
- Không tập trung, họ sẽ khó để hiểu hoặc khó để nghe rõ người khác đang nói gì, tuy nhiên họ sẽ tỏ ra là đã nghe thấy và đã hiểu.
- Mặt đỏ, mắt đỏ bừng (tùy người, có người không biểu hiện hoặc da chuyển tái).
- Các hành động trở nên bất thường hơn, ví dụ dễ rót đổ nước ra ngoài, đặt đồ xuống mạnh hơn bình thường...
- Cảm xúc của người say thường phấn khởi hoặc u sầu hơn mức bình thường họ thể hiện.
- Buồn nôn và nôn.
- Buồn ngủ.
- Hơi thở có mùi rượu bia nồng nặc.
XEM THÊM: Uống rượu bị đỏ mặt là tốt hay xấu?
II - Cách chăm sóc người say rượu bia
Đối với người chỉ say rượu bia nhẹ thì việc chăm sóc sẽ khá nhẹ nhàng hoặc đôi khi không cần thiết, nhưng với những người bị say nặng thì nhất thiết cần có người thân (bố, mẹ, vợ, chồng,...) ở bên để chăm sóc cho tới khi tỉnh. Dưới đây là những việc mà người thân quen của người say nên làm:
Giai đoạn 1: Ngăn người say uống thêm rượu bia và đưa về nơi an toàn
- Bằng mọi cách ngăn không cho người say uống thêm rượu bia, tuy nhiên cần lựa chọn phương án khéo léo bởi khi này người say rất nhạy cảm, dễ nổi nóng hoặc có hành vi khó kiểm soát.
- Bổ sung cho người say một cốc nước chanh, nước cam hoặc nước điện giải để đỡ có cảm giác buồn nôn.
- Đưa người say về nơi nghỉ ngơi an toàn, tuyệt đối không để họ đi về hoặc tự điều khiển phương tiện giao thông một mình.
- Trong quá trình di chuyển, hãy dìu họ để tránh bị vấp ngã, bởi lúc này họ sẽ không thể để ý được sự vật xung quanh và chỉ di chuyển theo bản năng.
NÊN THAM KHẢO: Những cách giải rượu bia tại nhà nhanh, hiệu quả
Giai đoạn 2: Những việc cần làm và chuẩn bị trước khi người say đi ngủ
- Tuyệt đối không cho người say rượu bia đi tắm, thay vào đó chỉ nên dùng khăn ấm lau qua người cho họ để đỡ nhớp nháp.
- Nếu người say muốn đi vệ sinh, hãy dìu họ và trông bên ngoài.
- Nên chuẩn bị sẵn chậu, thau gần nơi người say ngủ để họ nôn. Việc này giúp người say không phải di chuyển tìm chỗ nôn và thuận tiện cho việc dọn dẹp.
- Giúp người say cởi bớt những vật dụng như giày dép, thắt lưng, đồng hồ, điện thoại... nếu có thể hãy cho họ thay bộ đồ ngủ thoải mái hơn. Tuyệt đối không để họ mặc phong phanh khi ngủ.
- Điều chỉnh điều hòa ở mức trên 27 độ, không để quạt thốc vào người say rượu bia, đắp chăn mỏng cho họ.
Giai đoạn 3: Trong quá trình người say đi ngủ
- Đảm bảo người say sẽ nằm ngủ ở tư thế nghiêng, điều này sẽ tránh được rủi ro nghẹn nếu họ nôn trong lúc ngủ. Bạn có thể chẹn chăn, gối ở lưng họ & cũng nên chẹn thêm gối ở phía trước ngực để tránh họ nằm sấp.
- Trong khoảng 1 giờ đầu tiên, bạn cần liên tục đánh thức họ mỗi 10 - 15 phút, việc này để đảm bảo người say không bị ngộ độc rượu. Sau đó cứ khoảng 1 - 2 tiếng có thể kiểm tra tình trạng của họ.
- Nếu có thể hãy luôn ở bên cạnh người say rượu bia suốt đêm đó.
ĐỌC NGAY: Mẹo giảm buồn nôn cho người say rượu bia
III - Những lưu ý khi chăm sóc người say rượu bia
Chăm sóc người say rượu bia là việc không mấy dễ chịu và cũng không mấy ai muốn làm, tuy nhiên lúc say xỉn thì họ rất cần người ở bên chăm sóc, do đó bạn nên lưu ý thêm những vấn đề sau:
- Cố gắng giữ bình tĩnh, tâm thái nhẹ nhàng trong quá trình chăm sóc, bởi lúc này người say không còn nhận thức được nhiều.
- Cố gắng thức trong khoảng 3 tiếng đầu tiên kể từ khi người say đi ngủ để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho họ.
- Hãy cho người say rượu bia ăn phở, bún hoặc cháo nóng sau khi họ tỉnh dậy để hồi sức. Bạn nên tự nấu hoặc mua giúp họ.
NÊN XEM: Các món ăn giúp giải rượu bia tốt
Trong quá trình chăm sóc người say rượu bia, nếu họ xuất hiện những tình trạng sau thì bạn cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu ngay:
- Hôn mê, mất ý thức và không thể đánh thức dậy.
- Da tái xanh, chuyển lạnh. Môi tím tái hơn bình thường.
- Tốc độ hít thở quá nhanh hoặc thở khò khè, khó thở.
- Nôn mửa quá nhiều, tần suất liên tục.
- Đau bụng không dứt dù đã đi vệ sinh, bụng phình to, căng cứng.
- Có dấu hiệu bị co giật.
Với những hướng dẫn về cách chăm sóc người say rượu bia mà chúng tôi đã chia sẻ, hi vọng sẽ giúp ích được nhiều cho bạn. Vui lòng gọi tới tổng đài của chúng tôi để được tư vấn, giải đáp các vấn đề còn thắc mắc.
DS. Nhi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại
Link gốc: https://cuocsong.giaoducthoidai.vn/huong-dan-cach-cham-soc-nguoi-say-ruou-khoa-hoc-chi-tiet-n18930.html