Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) là gì? Nguyên nhân & cách điều trị

2022-11-12 09:05:00

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV không phải là tình trạng hiếm gặp, đặc biệt phổ biến với những người ở độ tuổi trung niên. Những người bị hiện tượng này thường cảm thấy quay cuồng, chóng mặt, choáng váng và hoa mắt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn chi tiết về định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và những lưu ý để phòng tránh chứng bệnh này.

I - Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là gì?

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo – BPPV) hay còn gọi là chóng mặt khi thay đổi tư thế, là cảm giác hoa mắt chóng mặt và quay cuồng xảy ra khi người bệnh thay đổi tư thế đầu như cúi, ngửa đầu hoặc ngồi thẳng dậy. Tên bệnh được ghép từ chính những triệu chứng, dấu hiệu mô tả bệnh:

  • Chóng mặt (Vertigo): Chính là cảm giác hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng và lâng lâng mà người bệnh sẽ cảm nhận thấy
  • Tư thế (Position): Ám chỉ bệnh sẽ bộc phát khi người bệnh có sự chuyển động từ tư thế này sang tư thế khác, vị trí này sang vị trí khác
  • Kịch phát (Paroxysmal): Ám chỉ bệnh sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, tối đa chỉ chừng một hoặc vài phút.
  • Lành tính (Benign): Cho thấy rằng bệnh tuy khá khó chịu nhưng không nguy hiểm tới sức khỏe.
Theo định nghĩa của các nhà khoa học, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chính là một biểu hiện của chứng rối loạn tiền đình. Là một sự rối loạn ở tai trong được biểu hiện qua các đợt chóng mặt ngắn lặp đi lặp lại. BPPV có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi và thường thấy nhất là ở những người trên 50 tuổi, trẻ em cũng có thể gặp hiện tượng này nhưng khá hiếm. Và có khoảng 20% những người hay bị chóng mặt được chuẩn đoán là có mắc chứng BPPV.

XEM NGAY: Chóng mặt buổi chiều tối là bệnh gì?

chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

II - Triệu chứng của bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Các triệu chứng, dấu hiệu của một đợt chóng mặt khi thay đổi tư thế thường chỉ kéo dài chưa tới một phút. Ở từng người sẽ có tần suất xuất hiện các đợt chóng mặt tư thế kịch phát lành tính khác nhau, có người sẽ gặp vài lần trong cùng 1 ngày, có người ngắt quãng trong vài tuần hoặc vài tháng. Bên cạnh cảm giác chóng mặt, hoa mắt thì người bệnh có thể xuất hiện thêm những biểu hiện sau:

  • Lâng lâng, choáng váng.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Nhìn mờ, khó nhìn.
  • Mất thăng bằng.
  • Nhãn cầu rung giật không tự chủ.
  • Ù một tai hoặc cả 2 bên.

Các triệu chứng trên có thể diễn biến xấu hơn theo tuổi tác do sự hao mòn về cấu trúc tai trong, nguyên nhân chính dẫn đến chóng mặt khi thay đổi tư thế.

THAM KHẢO: Ngồi xuống đứng lên bị chóng mặt

triệu chứng chóng mặt khi thay đổi tư thế

III - Nguyên nhân của hiện tượng chóng mặt khi thay đổi tư thế

Tới nay các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác của chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, tuy nhiên người ta đã xác định được cơ chế cơ bản gây ra chứng BPPV là do sự chuyển động của các tinh thể canxi nhỏ gọi là otoconia ở bên trong cấu trúc tai.

Ở cấu trúc tai trong là một hệ thống mê cung tiền đình chứa 3 kênh bán nguyệt đầy ắp chất lỏng. Mỗi kênh sẽ có các góc độ khác nhau để giúp não định hình phương hướng. Và mỗi khi đầu di chuyển, các chất lỏng trong các kênh này cũng sẽ di chuyển & sự dịch chuyển này tạo tín hiệu cho não biết rằng đầu đang di chuyển theo hướng nào, đi bao xa, đi nhanh hay chậm.

Các hạt tinh thể canxi cacbonat otoconia (sỏi tai) thường nằm trong các cấu trúc tai trong còn lại & được giữ cố định bởi một lớp màng. Nếu các hạt sỏi tai otoconia bị bong ra và rơi vào những kênh bán nguyệt thì chúng sẽ làm rối loạn và đảo lộn tín hiệu định hướng truyền lên não, từ đó sẽ tạo ra cảm giác chóng mặt hoa mắt.

nguyên nhân gây chóng mặt khi thay đổi tư thế

Tuy chưa có lý do chính xác vì sao các tinh thể otoconia (sỏi tai) bị bong ra và gây ra hiện tượng BPPV, nhưng một số yếu tố đã được xác định là có thể góp phần ảnh hưởng, bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi càng cao tuổi thì tình trạng lão hóa sẽ khiến cấu trúc tai trong thay đổi, từ đó dễ gây ra hiện tượng chóng mặt khi thay đổi tư thế hơn
  • Chấn thương ở đầu: Một số tác động ngoại lực như các cú đánh vào đầu, va chạm hoặc ngã có thể khiến các hạt otoconia bong ra và di chuyển vào các kênh bán nguyệt
  • Bệnh lý về tai trong: Những chứng bệnh như viêm dây thần kinh tiền đình, viêm tai trong, bệnh Meniere, đau nửa đầu tiền đình... cũng có thể là lý do khiến các hạt sỏi tai dễ bị bung ra hơn.
  • Nằm nhiều, nằm quá lâu: Nằm trong thời gian dài sẽ tăng tỷ lệ sỏi tai bị bong do tác động của trọng lực, hạt sỏi tai tích tụ nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc BPPV
  • Ảnh hưởng phẫu thuật tai: Một vài thủ thuật để điều trị viêm tai giữa, hay cắt bỏ u tai có thể sẽ khiến sỏi tai bị bung bật.

IV - Chứng chóng mặt khi thay đổi tư thế có nguy hiểm không? Có vĩnh viễn không?

BPPV không phải là chứng bệnh gây nguy hiểm tới sức khỏe hay tính mạng, tuy nhiên nó sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Và do tính không thể dự đoán bao giờ bệnh sẽ tái phát nên thường khiến người bệnh hay ở trong trạng thái lo lắng, không dám tham gia các hoạt động như lái xe, leo trèo, thể thao cảm giác mạnh...

BPPV cũng không phải là bệnh lý mãn tính vĩnh viễn và có thể điều trị dứt điểm, quan trọng là bạn cần được điều trị một cách khoa học, đầy đủ và dứt điểm. Bởi vẫn có nhiều trường hợp không được điều trị tốt, bệnh vẫn có thể tái phát.

chóng mặt tư thế kịch phát lành tính nguy hiểm khi lái xe

V - Chuẩn đoán bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV như thế nào?

Khi tới gặp bác sĩ, chứng chóng mặt khi thay đổi tư thế (BPPV) thường được chẩn đoán thông qua sự kết hợp giữa tiền sử bệnh, khám thực tế và các xét nghiệm chẩn đoán chuyên khoa. Quá trình chẩn đoán BPPV có thể bao gồm:

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về chi tiết về triệu chứng của các cơn chóng mặt như thời gian kéo dài bao lâu, trước khi bị chóng mặt có làm gì không, có từng bị tai nạn hay va đập vào đâu không...
  • Khám sức khỏe: Bác sĩ có thể sử dụng một số bài kiểm tra như Dix-Hallpike, Roll test... để chuẩn đoán, đánh giá khả năng giữ thăng bằng, cử động mắt và khả năng phối hợp của bạn.
  • Kiểm tra chức năng tiền đình: Trong một số trường hợp, các xét nghiệm chức năng tiền đình chuyên biệt có thể được tiến hành, ví dụ như: chụp nhãn cầu bằng video (VNG), thử nghiệm trên ghế quay hoặc chụp động học trên máy vi tính.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được thực hiện để chẩn đoán BPPV trong một số trường hợp.

chuẩn đoán chứng bppv

VI - Điều trị chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thế nào?

Trong nhiều trường hợp, chứng chóng mặt khi thay đổi tư thế sẽ tự khỏi và biến mất. Các trường hợp triệu chứng của BPPV nặng và xảy ra thường xuyên thì bệnh nhân nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được chuẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị.

1. Canalith tái định vị

Thủ thuật Canalith tái định vị hay còn gọi là kỹ thuật Eplay được đặt theo tên của Tiến sĩ John Epley, người đưa ra kỹ thuật điều trị này. Bài tập này giúp các hạt otoconia được loại bỏ ra khỏi các ống bán khuyên, di chuyển đến một khu vực khác dễ hòa tan và hấp thụ bởi chất dịch trong tai. Tỷ lệ chữa thành công BPPV của thủ thuật này lên tới 80%. Kỹ thuật thực hiện như sau:

  • Bước 1: Bắt đầu bằng cách ngồi thẳng trên giường hoặc bàn khám, hai chân duỗi thẳng thoải mái. Nên chuẩn bị thêm gối và đặt ở vị trí sao cho khi nằm xuống, gối sẽ ở giữa 2 vai chứ không phải trên đầu.
  • Bước 2: Quay đầu 45 độ sang bên gây ra triệu chứng chóng mặt. Ví dụ, nếu bạn thường bị chóng mặt khi quay đầu sang trái, thì bạn sẽ quay mặt về phía bên trái.
  • Bước 3: Nằm ngửa nhanh chóng, giữ cho đầu của bạn quay sang một bên. Chú ý vai ở trên gối chứ không phải đầu. Giữ nguyên trong khoảng 30 giây.
  • Bước 4: Quay đầu sang phía bên đối diện 1 góc 90 độ và đảm bảo không ngẩng đầu lên. Khi này mắt của bạn sẽ nhìn chéo 1 góc 45 độ (tương tự như ở bước 2). Giữ tư thế này trong 30 giây.
  • Bước 5: Vẫn theo hướng đó, bạn tiếp tục quay đầu và cơ thể thêm sao cho có thể nhìn xuống sàn nhà. Giữ nguyên trong khoảng 30 giây.
  • Bước 6: Ngồi dậy.
tái định vị canalith chữa bppv

Sau khi thực hiện thủ thuật này bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt tạm thời, tuy nhiên các triệu chứng này sẽ nhanh chóng qua đi. Tốt nhất bạn nên thực hiện tại phòng khám trong thời gian đầu và có thể tự tập tại nhà khi đã nắm vững kỹ thuật.

Ngoài ra cũng có một số các kỹ thuật khác như Semont, Brandt-Daroff hay Foster. Kỹ thuật thực hiện và tỷ lệ điều trị thành công cũng sẽ có đôi chút khác biệt. Do đó tùy thuộc vào kênh bán nguyệt bị ảnh hưởng mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân phương pháp phù hợp nhất.

2. Sử dụng thuốc

Nhiều trường hợp có thể điều trị bằng các loại thuốc hỗ trợ giảm ức chế tiền đình theo liều lượng hợp lý để giúp giảm các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa cho người bệnh. Đối với tình trạng chóng mặt dữ dội ngay cả khi đã thực hiện ổn định tư thế nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng histamin, bổ sung thêm thuốc an thần khi bệnh nhân rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi.

Phương pháp này không được khuyến cáo sử dụng vì hiệu quả không triệt để và có thể gây ra một số triệu chứng phụ như buồn ngủ, lờ đờ, kém tỉnh táo.

ĐỌC NGAY: Bị chóng mặt uống thuốc gì?

điều trị chóng mặt khi thay đổi tư thế

3. Phẫu thuật thay thế

Trong các trường hợp mà các liệu pháp như tái định vị Canalith, phục hồi chức năng tiền đình hay sử dụng thuốc không đạt hiệu quả thì phẫu thuật sẽ là giải pháp được sử dụng. Mục đích của việc phẫu thuật chủ yếu để sửa đổi hoặc ổn định cấu trúc tai trong bị ảnh hưởng. Một số phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện bao gồm:

  • Phẫu thuật ống bán nguyệt sau: Quy trình phẫu thuật này liên quan đến việc đóng hoặc chặn ống bán nguyệt sau. Bằng cách đó, có thể ngăn ngừa chuyển động bất thường của otoconia trong ống tai, làm giảm hoặc loại bỏ các cơn chóng mặt. Phương pháp này thường được dùng cho các trường hợp BPPV nặng hoặc dai dẳng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Bịt ống tủy: Là việc đặt một nút hoặc vật liệu bịt kín trong ống bán nguyệt bị ảnh hưởng để ngăn chặn sự di chuyển của otoconia. Với mục đích là ổn định các hạt sỏi tai và ngăn chặn sự dịch chuyển của chúng. Đây là một kỹ thuật khá mới và đang được đánh giá hiệu quả thành công.

VII. Những lưu ý để hạn chế chóng mặt khi thay đổi tư thế

Để phòng ngừa tình trạng chóng mặt do thay đổi tư thế tái diễn, hãy thử áp dụng một số mẹo đơn giản sau:

  • Hạn chế các cử động ở đầu như cúi xuống, ngửa lên hoặc bật dậy đột ngột, nên thực hiện chậm rãi, từ tốn, nhắm mắt lại để giảm kích thích tiền đình.
  • Khi cảm thấy choáng váng, hãy ngồi xuống, hít thở sâu và nghỉ ngơi trong vài phút.
  • Nên ngủ với gối cao và hạn chế nằm quá lâu, quá nhiều.
  • Không làm các công việc nặng, lái xe, điều khiển máy móc hoặc di chuyển nhiều khi chóng mặt để tránh cơn kích thích nặng nề hơn.
  • Tuân theo chế độ dinh dưỡng cân đối và sinh hoạt điều độ, uống đủ nước. Không hút thuốc, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.

Hy vọng những thông tin về chứng chóng mặt khi thay đổi tư thế trong bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu và khắc phục hậu quả do tình trạng này gây ra, nhanh chóng lấy lại thể trạng sức khỏe tốt và tinh thần vui vẻ, phấn khởi mỗi ngày.

thông tin tư vấn

Lên đầu trang
Loading