8 Biến chứng của bệnh Gout & Cách điều trị

2022-09-05 11:05:00

Bệnh gout là “sát thủ” giấu mặt đối với sức khỏe, nếu không điều trị đúng cách thì bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nguy hiểm. Dưới đây là các biến chứng của bệnh gout và cách khắc phục bạn cần biết.

I - Hạt Tophi

Hạt tophi được hình thành bởi sự kết tụ của nhiều tinh thể urat, chúng “trú ẩn” nhiều trong các khớp và các bộ phận xung quanh khớp. Hạt tophi có thể là “thủ phạm” gây sưng tại các bộ phận như: bàn tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân, tai, khuỷu tay, mắt các chân.

Người bệnh xuất hiện tình trạng các hạt tophi có nghĩa là bệnh gout đã tiến triển đến giai đoạn mạn tính. Mặc dù hạt tophi không gây ra cơn đau khớp nghiêm trọng nhưng có thể làm biến dạng khớp, vì vậy mà hoạt động vùng khớp không được “trơn tru” như bình thường. Nếu không được can thiệp sớm thì tình trạng các hạt tophi có thể kéo theo các hệ lụy khác, có thể kể đến như nhiễm trùng khớp, tổn thương dây thần kinh xung quanh khớp.

Để giảm số lượng và kích thích hạt tophi thì cần phải giảm nồng độ axit uric. Và việc điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc có thể hạn chế được sự tiến triển, lan rộng của các hạt tophi. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi đã được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc.

Hạt tophi - biến chứng lâu dài của bệnh gút

II - Tổn thương khớp

Tổn thương khớp cũng là một biến chứng bệnh gout mà người bệnh không thể chủ quan. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người mắc bệnh gout mạn tính, khi đó các khớp thường xuyên bị sưng viêm và diễn ra liên tục trong suốt thời gian dài. Tổn thương khớp ở bệnh nhân gout có thể là biến dạng cấu trúc khớp, cứng khớp, nhiễm trùng khớp…

Tùy theo từng loại tổn thương khớp mà có những cách điều trị khác nhau, người bệnh nên đến thăm khám ở các bệnh viện, phòng khám uy tín để xác định chính xác mức độ tổn thương và nguyên nhân gây ra. Người bệnh có thể được bác sĩ cho sử dụng các loại thuốc giảm viêm, và giảm đau như: colchicine, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), corticosteroid…

Ngoài ra, người bị tổn thương khớp do bệnh gout có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để giảm triệu chứng như: uống nhiều nước, chườm lạnh vào khớp. Ngoài ra, cũng cần tránh sử dụng các loại đồ ăn thức uống có thể làm cho tổn thương khớp nặng hơn như: rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas...

Gout có nguy hiểm không?

III - Gãy xương

Gãy xương là hậu quả nghiêm trọng ở những người mắc bệnh gout. Theo các nghiên cứu, người mắc bệnh gout có nguy cơ bị gãy xương cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân có thể là do sự xuất hiện của các hạt tophi gây chèn ép, làm mòn đầu xương, từ đó làm biến dạng cấu trúc xương. Từ đó làm cho sức khỏe của xương kém đi rất nhiều, lâu dần có thể dẫn đến gãy xương. 

Do vậy, mà cách ngăn ngừa gãy xương triệt để nhất là cần duy trì ổn định nồng độ axit uric, hạn chế sự hình thành của hạt tophi. Và như vậy, người bệnh cần được điều trị tích cực từ sớm theo sự chỉ định của bác sĩ để hạn chế biến chứng bệnh gout.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng các loại thuốc giúp phòng ngừa tình trạng mất xương như: risedronate, alendronate, zoledronic acid, ibandronate…

IV - Gây sỏi thận

Sỏi thận cũng là mối nguy hiểm tiềm ẩn ở những người bệnh gout. Lý do dẫn đến tình trạng sỏi thận ở người bệnh gout có thể là do sự gia tăng nồng độ axit uric, từ đó hình thành nên tinh thể urat lắng đọng ở nhiều bộ phận, trong đó có đường niệu và thận. Và hệ lụy đó là có thể dẫn đến sỏi thận.

Bệnh nhân gout bị sỏi thận sẽ có biểu hiện như: 

  • Nước tiểu màu hồng, đỏ, hoặc màu nâu.
  • Đau nghiêm trọng ở dưới xương sườn, bụng dưới, háng, lưng mỗi khi đi tiểu.

Để khắc phục tình trạng trên, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc để giảm kích thước của sỏi (chất kiềm hóa) và thuốc điều trị bệnh gout.

Biến chứng sỏi thận ở người bệnh gout

V - Suy thận

Thận là cơ quan có tác dụng đào thải các chất dư thừa trong cơ thể, trong đó có axit uric. Khi lượng axit uric ở mức cao do bệnh gout, thận buộc phải “gồng mình” để cố gắng loại bỏ hợp chất này để duy trì trạng thái cơ thể ổn định. Nhưng nếu hiện tượng này kéo dài, thận phải làm việc “kiệt sức” dẫn đến suy giảm chức năng hoặc gây ra các vấn đề bất thường khác ở thận.

Suy thận ở giai đoạn đầu có thể làm cho người bệnh uể oải, đuối sức, không có đủ năng lượng để hoạt động. Và khi bệnh kéo dài có thể gây ra các triệu chứng như: buồn nôn, chán ăn, sưng phù tại các khớp…

Để hạn chế suy thận, trước hết cần phải chữa trị triệt để bệnh gout thông qua các biện pháp như:

  • Dùng thuốc kiểm soát ổn định hàm lượng axit uric, ví dụ như probenecid, allopurinol.
  • Tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng tốt.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế bổ sung vitamin B3 (niacin).
  • Giảm thiểu việc tiêu thụ thực phẩm giàu purine, chẳng hạn như nội tạng động vật, hoặc các loại động vật có vỏ.
  • Duy trì đường huyết và huyết áp ở mức bình thường.

VI - Các vấn đề về mắt

Người mắc bệnh gout cần thận trọng với những biến chứng bệnh gout liên quan đến mắt, mặc dù điều này ít khi xảy ra. Theo các chuyên gia, sự tích tụ của tinh thể urat hay các hạt tophi có thể tác động xấu tới cấu trúc, hoặc chức năng của các bộ phận ở mắt (giác mạc, mí mắt, mống mắt).

Cách ngăn chặn và điều trị biến chứng về mắt thì cần phải đưa nồng axit uric trong máu về ngưỡng giới hạn cho phép. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được cải thiện tình trạng viêm bằng cách sử dụng các loại thuốc chống viêm (NSAIDs hoặc corticosteroid).

VII - Bệnh tim mạch

Thêm một mối đe dọa đối với người mắc bệnh gout đó chính là có thể gặp biến chứng liên quan đến tim mạch. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân gout có khả năng mắc tai biến mạch máu não và và bệnh về tim mạch (nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim) cao gấp đôi so với người không mắc gout. Điều này là do sự xuất hiện của các tinh thể urat trong cơ thể người bệnh gây ra cục máu đông, làm hẹp mạch máu và gây ra các biến cố liên quan tim mạch. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy tim, hoặc nghiêm trọng hơn nữa là ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của người bệnh. 

Tùy thuộc vào bệnh lý tim mạch mà người bệnh gout đang mắc phải thì bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chữa trị phù hợp. Chẳng hạn như nếu người bệnh bị xơ vữa động mạch thì có thể sử dụng các loại thuốc phá tan cục máu đông, hoặc người bệnh bị nhồi máu cơ tim có thể sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc có chứa nitrat giúp làm giảm đau thắt ngực…

VIII - Rối loạn giấc ngủ

Người mắc bệnh có thể gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ như trằn trọc khó ngủ, hay thức giấc vào giữa đêm, tỉnh dậy sớm, ngủ ngáy, ngủ gà ngủ gật… Điều này có thể là do cơn đau gout xảy ra vào ban đêm nên làm cho người bệnh bị rối loạn giấc ngủ.

Gout ảnh hưởng tới giấc ngủ

Nếu cơn đau thường xuyên xuất hiện vào ban đêm có thể khiến cho người bệnh bị kiệt sức, giảm sức đề kháng và kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe. 

Để nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bệnh gout thì cần cải thiện triệu chứng đau khớp (có thể sử dụng thuốc giảm đau), đưa chỉ số axit uric trong ngưỡng giới hạn bình thường theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp vệ sinh giấc ngủ như:

  • Tránh dùng chất kích thích, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
  • Rèn luyện thể chất hàng ngày.
  • Đọc sách báo trước khi đi ngủ.
  • Chỉ nên ngủ vào ban ngày khoảng 20-30 phút, điều này giúp tránh khó ngủ vào ban đêm.
  • Phòng ngủ cần được dọn dẹp thoáng mát, nhiệt độ trong phòng vừa phải để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu.

Bệnh gout không chỉ gây đau đớn cho người bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Việc nhận thức rõ về các biến chứng bệnh gout là vô cùng quan trọng giúp chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Mong rằng những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp ích được cho bạn. Chúc bạn sẽ sớm thoát khỏi bệnh gout và có cuộc sống vui khỏe, hạnh phúc!

Lên đầu trang
Loading
Trang chủ Hữu ích
Sản phẩm
Liên hệ