Choáng váng là gì? Khác gì với chóng mặt? Điều trị ra sao?

2022-12-27 08:43:39

Choáng váng là triệu chứng phổ biến cảnh báo tình trạng sức khỏe bất thường, cần được theo dõi, chẩn đoán bài bản và chữa trị kịp thời để tránh những ảnh hưởng xấu đến cơ thể về sau. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng này và cách thức điều trị, phòng ngừa hiệu quả qua bài viết dưới đây.

I - Choáng váng là gì? Khác gì với chóng mặt

Rất nhiều người lầm tưởng rằng, choáng váng và chóng mặt là tên gọi cho cùng một trạng thái bệnh lý. Trên thực tế, đây là 2 triệu chứng hoàn toàn khác nhau và cảnh báo cho những tình trạng bệnh lý khác biệt.

Chóng mặt là cảm giác mọi thứ xung quanh như đang chuyển động xoay tròn trong không gian hoặc quanh bản thân người bệnh. Mức độ chóng mặt sẽ tăng lên khi người bệnh quay đầu cổ về một hướng nhất định, kèm theo nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, giật nhãn cầu, ù tai.

Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn tiền đình, chấn thương đầu, viêm dây thần kinh tiền đình, ứ nước nội dịch vô căn hoặc các vấn đề về não như u não, đột quỵ. Những cơn chóng mặt có thể xảy ra bất ngờ, kéo dài từ vài phút đến vài giờ đồng hồ, tự động biến mất mà không cần can thiệp điều trị.

choáng váng là như thế nào

Choáng váng là cảm giác lâng lâng, quay cuồng, mất khả năng giữ thăng bằng, đứng không vững, mắt mờ, dễ té xỉu. Người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể trở nên nặng nề hơn, sức lực suy yếu, khó di chuyển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do thiếu máu, hạ huyết áp, hạ đường huyết, rối loạn nhịp tim, mất nước, giảm tuần hoàn máu lên não, thiếu oxy não, suy nhược thần kinh...

Việc phân biệt rõ ràng giữa 2 loại triệu chứng này sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, phù hợp với từng thể trạng bệnh khác nhau.

II - Choáng váng có nguy hiểm không? Có cần cấp cứu không?

Như đã đề cập ở trên, choáng váng là biểu hiện cho nhiều tình trạng bệnh lý riêng biệt từ nhẹ tới nặng. Đối với những trường hợp choáng nhẹ thường gặp ở người trẻ tuổi do suy nhược cơ thể trong thời gian dài, ức chế thần kinh, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, sợ hãi, kích động hoặc đói, không kèm theo các hiện tượng khác như buồn nôn, nôn mửa nặng ngực thì không cần thiết phải can thiệp cấp cứu khẩn cấp.

Các trường hợp choáng váng cần cấp cứu ngay lập tức bao gồm:

  • Chấn thương sọ não hoặc tai nạn gây tổn thương đến các bộ phận trong cơ thể.
  • Hít phải hơi độc, ngộ độc thức ăn hoặc thuốc.
  • Tiền sử bệnh lý liên quan đến tim, não.
  • Bị tiểu đường và đã sử dụng thuốc chứa insulin.
  • Nghi ngờ chửa ngoài dạ con.
choáng váng có nguy hiểm không

III - Điều trị khẩn cấp cho người bị choáng váng như thế nào?

Để khắc phục kịp thời tình trạng choáng váng cho các bệnh nhân, cần loại bỏ trực tiếp nguyên nhân gây ra triệu chứng. Cho bệnh nhân nằm nghỉ trong vài phút, tháo bớt khuy áo, nới rộng cà vạt và những chỗ quần áo bó chặt vào người. Giữ cho môi trường xung quanh được thoáng khí, duy trì nhiệt độ vừa phải, tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu choáng váng do đói, có thể cho bệnh nhân ăn thức ăn có đường uống nước đường, nước điện giải hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.

Với trường hợp nặng cần nhập viện để thực hiện các xét nghiệm về thần kinh, tim mạch, xét nghiệm máu và làm điện tâm đồ để chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây bệnh.

điều trị choáng váng khẩn cấp thế nào

IV - Lưu ý để hạn chế tình trạng choáng váng

Để phòng ngừa và giảm thiểu tần suất xuất hiện hiện tượng choáng váng, bạn hãy thực hiện một số điều sau:

  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, tập thói quen đứng lên ngồi xuống và di chuyển chậm rãi. Khi có cảm giác lâng lâng khó chịu, hãy lập tức ngồi hoặc nằm xuống, nhắm mắt lại.
  • Tuyệt đối không lái xe hoặc vận hành máy móc khi cảm thấy cơ thể không được khỏe.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, không tiêu thụ thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, nhiều đường, muối.
  • Ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc. Không thức khuya sau 11h.
  • Tránh lao động, làm việc quá mức, giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, tránh kích động, căng thẳng, lo âu quá độ.
  • Uống đủ 8 ly nước mỗi ngày.
  • Thường xuyên tập thể dục và vận động thể chất, duy trì đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, tránh xa các loại quần áo bó sát gây ảnh hưởng đến lưu thông máu.
  • Khám sức khỏe định kỳ (đặc biệt là đối với phụ nữ)

Choáng váng là hiện tượng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và thể trạng sức khỏe khác nhau. Nếu hiện tượng choáng váng diễn ra liên tục, thời gian choáng váng kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc thậm chí còn xuất hiện thêm các triệu chứng như đau đầu, nặng ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn thì hãy ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

thông tin tư vấn

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ