I - Chóng mặt buồn nôn là bệnh gì?
Chóng mặt được mô tả là cảm giác quay cuồng, choáng váng, bồng bềnh, cảm nhận không gian không thực tế. Người bệnh thường thấy cảnh vật xung quanh bị quay tròn hoặc chính bản thân đang tự quay, giống như ảo giác. Cùng với đó là giảm khả năng giữ thăng bằng, đi đứng loạng choạng không vững, rất dễ té ngã. Chóng mặt thường xuất hiện khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột.
Cơn chóng mặt có thể chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất sau vài giây đến vài phút; Cũng có thể cấp tính với mức độ triệu chứng nặng nề khiến người bệnh phải nằm liệt giường cả ngày, rất sợ âm thanh ánh sáng, ngẩng đầu lên cũng thấy buồn nôn quay cuồng; Cũng có thể dai dẳng mãn tính trong suốt thời gian dài, tái phát liên tục.
Buồn nôn là cảm giác nôn nao, đầy bụng khó chịu tại vùng thượng vị. Người bệnh thường chán ăn, sợ các loại mùi, hay bị ợ hơi, ợ chua, có thể kèm theo nôn ói. Sau khi dạ dày rỗng người bệnh sẽ có xu hướng cảm thấy dễ chịu hơn phần nào tại vùng thượng vị nhưng cơ thể, đầu óc thì lại rất mệt mỏi.
Hai triệu chứng chóng mặt và buồn nôn thường xuất hiện cùng lúc, khiến cho người bệnh vô cùng mệt mỏi, hầu như không còn sức lực làm gì. Ngoài ra, người bệnh cũng thường thấy một số các biểu hiện khác có thể xuất hiện đồng thời với hai triệu chứng trên, hoặc có thể xuất hiện riêng lẻ ở những thời điểm khác, kể đến như đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất ngủ, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay…
Người trung niên, cao tuổi chính là những đối tượng dễ mắc phải nhiều triệu chứng đồng thời, và cũng dễ gặp biến chứng hậu quả nặng hơn nếu không có phương án điều trị đúng đắn. Tuy nhiên, người trẻ cũng tuyệt đối không được chủ quan, vì triệu chứng buồn nôn chóng mặt thường rất dễ liên quan đến vấn đề tại não bộ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống của người trẻ.
II - Nguyên nhân gây chóng mặt, buồn nôn
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến những cơn buồn nôn chóng mặt khó chịu, như:
1. 90% nguyên nhân là do thiếu máu não đến hệ tiền đình
Triệu chứng chóng mặt, buồn nôn trong một số trường hợp đặc trưng sẽ rất dễ dàng xác định nguyên nhân, ví dụ như ốm nghén, ngộ độc, say xe, kỳ kinh nguyệt… Các nguyên nhân này sẽ được liệt kê ở các mục dưới đây. Tuy nhiên, nếu như tình trạng chóng mặt, buồn nôn xảy ra đột ngột, tái phát nhiều lần mà rất khó xác định được lý do thì đến 90% vấn đề nằm ở hệ tiền đình!
Hệ tiền đình là cơ quan nằm ở phía sau tai, có nhiệm vụ gửi tín hiệu tới não bộ về vị trí của đầu trong không gian, giúp não phản ứng điều chỉnh cơ thể luôn ở trạng thái thăng bằng. Nếu như hệ tiền đình gặp trục trặc thì chóng mặt, choáng váng, quay cuồng, đau đầu, buồn nôn, mất thăng bằng… chính là những biểu hiện phổ biến thường gặp nhất.
Rối loạn hệ tiền đình có thể do nhiễm trùng, viêm tai, viêm dây thần kinh tiền đình, di chứng chấn thương sọ não, u não… nhưng hơn 90% nguyên nhân gốc rễ chính là do thiếu máu não cung cấp đến hệ tiền đình.
2. Do ốm nghén
Thống kê cho thấy, có đến 90% phụ nữ trải qua cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, có thể kèm theo đau đầu, chóng mặt… trong khoảng thời gian 14 tuần đầu tiên khi mang thai. Đây chính là tình trạng ốm nghén, hầu hết là phản ứng hoàn toàn bình thường. Trong đó có số ít phụ nữ sẽ kéo dài thời gian ốm nghén lâu hơn 14 tuần, thậm chí có thể nghén đến hết thai kỳ, một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mẹ bầu và thai nhi.
3. Say tàu xe
Say tàu xe là cảm giác chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, quay cuồng, nhạy cảm với các loại mùi… khi di chuyển bằng xe hơi, tàu, thuyền, xe lửa, máy bay… Say tàu xe xuất phát từ việc xung đột hoặc xáo trộn tín hiệu gửi từ mắt và hệ tiền đình đến não bộ, dẫn đến các triệu chứng như trên.
4. Đau bụng kinh
Phụ nữ vào những ngày hành kinh thường có rất nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó thường kể đến: Chóng mặt, buồn nôn, đau bụng dưới, đau lưng, đau ngực, khó thở, đau đầu, thay đổi tâm trạng… Các chuyên gia nghiên cứu ra rằng do nội mạc tử cung sản xuất ra một lượng lớn prostaglandin trong thời gian này đã gây ra hàng loạt các triệu chứng đó.
5. Tâm trạng hoảng loạn
Tâm lý sợ hãi, stress tiêu cực quá độ hoàn toàn có thể sinh ra những cơn chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, tim đập nhanh, khó thở, vã mồ hôi… Những trường hợp này cần phải được điều trị về tâm lý để ổn định tình hình.
6. Vấn đề ở đường tiêu hoá
Nếu như bị ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột… thì rất dễ sinh ra nôn mửa, tiêu chảy… dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải, gây mệt mỏi và choáng váng, chóng mặt cho người bệnh.
7. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Có khá nhiều loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa (thuốc chống trầm cảm, thuốc tăng huyết áp…). Ngay cả việc dừng thuốc đột ngột cũng có thể gây ra hiện tượng này. Các tác dụng phụ của từng loại thuốc đều được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng, hãy tuân thủ theo chỉ dẫn uống thuốc của bác sĩ.
8. Một số nguyên nhân khác
Cúm dị ứng, viêm xoang, đau nửa đầu, suy nhược cơ thể, thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu đường trong máu… cũng đều là những bệnh có thể dẫn đến triệu chứng buồn nôn và chóng mặt.
III - Chóng mặt buồn nôn điều trị như thế nào?
1. Giải pháp xử lý khi bị chóng mặt buồn nôn khẩn cấp
Nếu như gặp phải tình huống có người bị chóng mặt buồn nôn cấp tính với các triệu chứng nặng nề, hãy lưu lại một số cách sơ cứu hữu dụng dưới đây:
- Cho người bệnh uống một cốc nước ấm, uống từ từ từng ngụm nhỏ.
- Đặt người bệnh nằm xuống nơi thoáng khí, tránh ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mặt, tránh âm thanh ồn ào.
- Hạn chế thay đổi tư thế của người bệnh, hạn chế để người bệnh đi lại vì rất dễ té ngã.
- Tránh đồ ăn khó tiêu.
- Nếu có nôn ói kèm tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ thì cho người bệnh uống Oresol để bù nước.
Hãy tiếp tục theo dõi tình hình chuyển biến các triệu chứng và có thể đưa người bệnh đi khám chữa nếu không thấy thuyên giảm. Đây là các giải pháp sơ cứu mang tính tạm thời, không có nhiều tác dụng trong mục đích điều trị lâu dài.
2. Dùng thuốc Tây chữa chóng mặt buồn nôn
Tuỳ theo nguyên nhân được xác định cũng như các triệu chứng biểu hiện kèm theo mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và chỉ định liều dùng cho người bệnh. Một số nhóm thuốc Tây phổ biến thường được áp dụng điều trị chứng buồn nôn chóng mặt được kể đến như:
- Nhóm thuốc kháng sinh (amoxicillin, cefuroxim, clarithromycin…): Thường dùng với các trường hợp có nguyên nhân do viêm mê đạo hoặc viêm dây thần kinh tiền đình gây ra bởi vi khuẩn.
- Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethasone, betamethasone, clobetasol…): Thường dùng kết hợp với nhóm thuốc kháng sinh nhằm tăng hiệu quả chống viêm.
- Nhóm dyphenhydramin, betahistin, meclizin...: Duy trì trạng thái hoạt động ổn định của tai trong để giữ thăng bằng cơ thể.
- Nhóm thuốc kháng tiết cholin: Thường áp dụng cho các trường hợp chóng mặt buồn nôn do say tàu xe.
- Nhóm thuốc đối kháng canxi có chọn lọc (cinarizin, flunarizin…): Giãn mạch ngoại biên, tăng cường tuần hoàn máu ở tai trong.
- Nhóm thuốc tăng cường tuần hoàn não (piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba…): Tăng cường tuần hoàn máu lên não, hoạt hoá não, tăng chức năng dẫn truyền thần kinh.
- Nhóm thuốc benzodiazepin (diazepam, clonazepam, lorazepam…): Tác dụng an thần.
- Nhóm thuốc lợi tiểu (furosemid, hydrochlorothiazid…): Giúp thoát dịch ở tai trong.
Các loại thuốc Tây trong điều trị chóng mặt có ưu điểm là cắt giảm triệu chứng rất nhanh, giúp người bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định bình thường. Vậy nên đây cũng là lựa chọn của nhiều người trong nhịp sống hiện đại bận rộn ngày nay.
Tuy nhiên, sau khi cắt cơn nhanh thì về cơ bản phần nguyên nhân vẫn chưa được giải quyết triệt để, vậy nên các triệu chứng sẽ vẫn tiếp tục quay lại, thậm chí với tần suất nhiều hơn, cường độ nặng hơn do bệnh vẫn tiếp tục phát triển.
Hơn nữa, hầu như tất cả các loại thuốc Tây đều có nhiều tác dụng phụ, có thể gây ra nhiều tổn hại khác cho cơ thể như gây viêm loét dạ dày – tá tràng, bệnh trên gan, thận, tim mạch, gây buồn ngủ, ảnh hưởng huyết áp, gây phụ thuộc thuốc…
Không nên tự ý sử dụng thuốc Tây trong điều trị chóng mặt, buồn nôn, hãy tuân thủ ý kiến của bác sĩ trong quá trình điều trị.
3. Dùng Đông Y điều trị buồn nôn, chóng mặt
Khác với quan điểm của Tây y, Đông y lại thiên về tìm hiểu và xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra chứng buồn nôn chóng mặt, từ đó đưa ra giải pháp tác động từ phần gốc. Nếu nguyên nhân được loại bỏ thì các triệu chứng tất sẽ thuyên giảm theo, dù chậm hơn Tây y nhưng rất bền vững, hạn chế được tái phát, chữa bệnh mang tính chất lâu dài, ổn định.
Đối với chứng chóng mặt buồn nôn, Đông y xác định rất rõ ràng đến trên 90% nguyên nhân gây ra vấn đề là do thiếu máu lên não, cụ thể hơn là thiếu máu cung cấp đến hệ tiền đình, khiến cho hệ tiền đình suy yếu, gây ra hàng loạt các triệu chứng trong đó chóng mặt là biểu hiện thường gặp phổ biến nhất.
Phương pháp điều trị chóng mặt hiệu quả nhất theo Đông y đó là giải quyết được tận gốc nguyên nhân, phải Hoạt huyết, Bổ huyết, tức là vừa tăng cường máu cung cấp đến hệ tiền đình, vừa phải bồi bổ đầy đủ dưỡng chất trong máu để nuôi dưỡng hệ tiền đình hoạt động ổn định. Đây là phương pháp cho hiệu quả điều trị cao và ngăn tái phát tốt.
Đông y lại rất lành tính, an toàn nên người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng trong thời gian dài mà không lo về tác dụng phụ hay tình trạng phụ thuộc thuốc.
Tuy nhiên, Đông y chữa chóng mặt hiện nay có rất nhiều loại, thị trường hỗn loạn, xuất hiện nhiều sản phẩm chỉ có tác dụng hời hợt nhưng lại lợi dụng mác “Đông y” mà quảng cáo phóng đại vượt quá sự thật, bất chấp để kiếm lợi nhuận từ người bệnh. Điều này khiến cho nhiều người nảy sinh tâm lý đề phòng, cảnh giác với thuốc Đông y, vô tình sẽ bỏ qua cả những sản phẩm Đông y điều trị thực sự hiệu quả và chất lượng.
IV - Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Chóng mặt, buồn nôn, quay cuồng… trong nhiều trường hợp tuyệt đối không được chủ quan, chờ bệnh tự hết. Hãy đi gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị nếu có xuất hiện kèm theo các triệu chứng dưới đây:
- Chóng mặt xuất hiện đột ngột kèm đau đầu dữ dội.
- Sốt cao.
- Nôn dữ dội, nôn liên tục, ăn vào là nôn, nôn hoặc đi ngoài ra máu.
- Tức ngực, khó thở.
- Ngất xỉu.
- Tê hoặc yếu hoặc liệt một bên cánh tay/chân.
- Tê mặt.
- Mắt mờ, nhìn không rõ.
- Ù tai, không nghe rõ.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Khó khăn khi nói chuyện, hay nhầm lẫn.
- Loạng choạng, đi đứng không vững, té ngã.
- Động kinh.
- Triệu chứng chóng mặt buồn nôn xuất hiện sau một chấn thương ở vùng đầu.
Người bệnh cần đến khám tại chuyên khoa Nội thần kinh hoặc chuyên khoa Tai – Mũi – Họng của các bệnh viện, cơ sở y tế lớn. Một số kiểm tra và xét nghiệm phổ biến thường áp dụng đó là xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI)… Từ đó, bác sĩ sẽ xác định được rõ ràng vấn đề và có hướng điều trị cũng như đưa lời khuyên thích hợp với tình trạng của mỗi người bệnh.
V - Lưu ý để phòng tránh, hạn chế chóng mặt buồn nôn
Chóng mặt buồn nôn vẫn còn là nỗi lo lắng, ám ảnh của rất nhiều người, nhất là những người bị mạn tính, thường xuyên tái phát. Cùng điểm qua một số lưu ý về cách phòng tránh dưới đây để hạn chế tình trạng buồn nôn, chóng mặt, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Tập luyện thường xuyên
Các bài tập tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe; các bài tập yoga, ngồi thiền đều là những cách hay, hiệu quả tốt cho người bị rối loạn tiền đình, ngừa hiệu quả chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, hằng ngày nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đầy đủ các bữa ăn chính trong ngày, cân bằng giữa các nhóm chất. Nên ưu tiên lựa chọn đồ ăn giàu sắt, kẽm, vitamin C (cam, quýt, bưởi...). Hạn chế đồ ăn cay, nóng, bia rượu cũng như các chất kích thích khác.
Ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc
Nhất là những người thường xuyên gặp phải tình trạng chóng mặt buồn nôn cần hết sức lưu ý. Tránh làm việc quá sức, thức khuya muộn. Một ngày cần đảm bảo ngủ đủ từ 6,5 - 8 tiếng đối với người trưởng thành. Trẻ nhỏ cần ngủ nhiều hơn thế. Không chỉ ngủ đủ giờ mà giấc ngủ cũng cần sâu, chất lượng thì khi thức dậy cơ thể mới cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo.
Tránh căng thẳng, stress
Những căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực không tốt cho não bộ một chút nào. Nếu kéo dài khiến cho tuần hoàn máu lưu thông kém dẫn đến chóng mặt buồn nôn. Do đó chúng ta cần nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
Giữ gìn vùng đầu cẩn thận:
Khi đi làm hay tham gia giao thông trên đường chúng ta nên cẩn thận, dùng đồ bảo hộ hay đội mũ bảo hiểm để hạn chế những chấn thương có thể xảy ra ở vùng đầu, giúp bạn phòng tránh cơn chóng mặt, đau đầu hiệu quả.
Không thay đổi tư thế đột ngột:
Khi ngồi xuống đứng lên hay đang nằm liền ngồi dậy chúng ta không nên thực hiện một cách nhanh chóng, đột ngột mà cần từ từ làm một cách chậm rãi, nhẹ nhàng.
Chóng mặt buồn nôn cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Quan trọng người bệnh cũng cần có tâm lý thoải mái, để ý đến chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng để bệnh không nặng thêm.
DS. Hoàng Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại
Link gốc: https://cuocsong.giaoducthoidai.vn/chong-mat-buon-non-la-benh-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-n18015.html