Cảnh giác với 9 biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout (gút)

2022-09-05 11:05:00

Gout là căn bệnh khớp mạn tính và tiến triển liên tục theo thời gian, nếu như không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, nặng nề nhất có thể dẫn tới tàn phế.

I - Bệnh Gout có nguy hiểm không?

Là một dạng viêm khớp gây ra rất nhiều triệu chứng khó chịu nhưng về cơ bản, bệnh gout không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Nếu được phát hiện, điều trị và kết hợp phòng ngừa đúng cách, người bệnh có thể cải thiện được các triệu chứng và tình trạng bệnh.

Thế nhưng trong một số trường hợp, gút có thể tiến triển và gây ra các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan khác cũng như sức khỏe tổng thể. Biến chứng thường xảy ra nhiều ở những người có bệnh nền, người mắc gout mạn tính, người già, suy giảm hệ thống miễn dịch.

Thông thường, bệnh gút sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến xương khớp. Sự dư thừa axit uric trong máu có thể tạo thành tinh thể urat và ma sát vào các khớp xương, gây ra triệu chứng đau nhức, sưng viêm các khớp. Và điều này làm cho người bệnh cử động rất khó khăn, thậm chí có thể diễn biến thành nhiều bệnh lý khác (loãng xương, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch…).

Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gout đó là do chế độ ăn uống chứa nhiều đạm, uống quá nhiều rượu bia, thừa cân, hoặc cũng có thể là do di truyền… Cũng do đó nên nam giới là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh gout cao hơn phụ nữ.

Gout có nguy hiểm không?

II - Sai lầm phổ biến gây ra biến chứng gút mà nhiều người mắc phải

Nguyên nhân mấu chốt khiến người bệnh gặp phải các biến chứng của bệnh gout đó là do không kiểm soát lượng axit uric có trong máu, tức là để cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao trong thời gian dài.

Và yếu tố làm cho nồng độ axit uric tăng cao trong máu thường do:

1. Chủ quan không điều trị hoặc điều trị sai cách

Do người bệnh chủ quan, không đến bệnh viện để chẩn đoán, điều trị, hoặc đã được bác sĩ thăm khám nhưng lại không áp dụng đúng theo phương pháp nên không thể kiểm soát được mức axit uric trong máu. Ngoài ra, một số người do phát hiện bệnh gout ở giai đoạn đã muộn, gout chuyển sang thể mạn tính nên dẫn tới không điều trị kịp thời, nguy cơ cao gây ra những biến chứng đáng lo.

2. Không kiểm soát chế độ ăn uống

Bên cạnh đó, nhiều người bệnh lại chưa điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, cũng làm cho lượng axit uric tăng cao trong máu. Những yếu tố này có thể bao gồm:

  • Ăn uống thừa đạm.
  • Rượu bia quá đà.
  • Đồ uống có đường, nước ngọt.
  • Chế độ ăn thiếu vitamin C.

Tìm hiểu thêm: Bệnh gout nên kiêng gì?

Thậm chí, nhiều người bệnh còn có lối sống sinh hoạt không lành mạnh cũng làm cho bệnh gout nghiêm trọng hơn như: hút thuốc lá, stress, thức khuya thường xuyên…

Chế độ ăn uống có thể gây ra biến chứng bệnh gout

III - Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout cần cảnh giác

Bệnh gout có thể để lại nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe nếu người bệnh không được điều trị tích cực và ăn uống không khoa học. Có thể kể đến một số biến chứng cụ thể của bệnh gout như sau:

1. Bệnh thận

Axit uric được chuyển hóa và đào thải qua thận. Nếu lượng axit uric quá nhiều có thể làm quá trình chuyển hóa bị đình trệ, lâu dần có thể gây ra các vấn đề về thận như tắc ống thận, viêm thận kẽ hoặc thậm chí là suy thận.

Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Limerick cũng đã cho thấy, người bệnh gút có nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính cao hơn 29% so với người thông thường. Không chỉ có vậy, tỷ lệ người bệnh gout có khả năng suy thận là vô cùng cao (gần 200%,) một con số rất đáng lo ngại.

2. Hạt Tophi

Hạt tophi là những khối tinh thể urat kết tụ lại, thường thấy xung quanh khớp. Theo thống kê có khoảng ⅓ số người mắc bệnh gout bị nhiễm hạt tophi. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân mắc gout lâu năm không khỏi, hoặc do tình trạng bệnh không được cải thiện tốt.

Hạt tophi thường có kích thước lớn, có thể dễ dàng sờ vào được. Các hạt tophi có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như gót chân, bàn chân, mũi, tai, cổ tay… và làm cho người bệnh cảm thấy đau. Loại hạt thường nổi cục và căng phồng dưới da.

Khi các hạt tophi lớn dần lên và phát triển ngày một nhiều, chúng có thể làm bào mòn các khớp và gây tổn thương cho vùng da, mô xung quanh, thậm chí có thể gây hỏng khớp, biến dạng khớp.

Một số trường hợp xuất hiện tình trạng hạt tophi bị vỡ, gây nhiễm trùng nhiều bộ phận, nhưng thường hay gặp là nhiễm trùng khớp. Khi đó, người bệnh cần được sử dụng kháng sinh, hoặc phải phẫu thuật cắt bỏ ổ viêm để tránh lây lan rộng.

Hạt tophi - biến chứng lâu dài của bệnh gút

3. Sỏi thận

Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout đó là làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Theo số liệu thống kê, có khoảng 20% số người mắc bệnh gout bị sỏi thận, điều này là do tinh thể axit uric tích tụ và tồn tại trong đường tiết niệu, hình thành nên sỏi thận.

Sỏi thận có thể được nhận biết qua các triệu chứng phổ biến như: đau rát khi đi tiểu, đau dọc sống lưng hoặc đau hai bên thắt lưng, cơn đau có thể lan ra xuống phần háng hoặc bụng dưới, nước tiểu có màu đỏ nâu hoặc màu hồng. Thậm chí, nhiều người bệnh gout còn mô tả cơn đau bụng dưới do sỏi thận gây ra tương đương với mức độ đau khi sinh nở ở phụ nữ.

Để ngăn chặn biến chứng sỏi thận ở người bệnh gout, các bác sĩ thường cho người bệnh sử dụng thuốc axit uric đó là allopurinol, loại thuốc này có giúp kiểm soát ổn định lượng axit uric có trong nước tiểu và trong khớp. Thêm một lợi ích khác mà loại thuốc này đem lại đó là có thể làm giảm kích thước sỏi canxi uric.

Biến chứng sỏi thận ở người bệnh gout

4. Tiểu đường

Axit uric cao cũng kéo theo sự gia tăng của nồng độ insulin trong máu (tình trạng kháng insulin), không chỉ khiến gout trở nặng, mà còn tăng nguy cơ khiến người bệnh mắc bệnh tiểu đường. Biến chứng này thường gặp ở những người thừa cân béo phì, uống nhiều bia rượu, đặc biệt nhiều hơn ở nhóm đối tượng là phụ nữ. Ngược lại, người bị tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gout, đặc biệt là trong giai đoạn tiểu đường tuýp II nếu như không được điều trị đúng cách.

5. Loãng xương

Thêm mối nguy hại khác đến từ bệnh gout đó là làm suy giảm mật độ xương, gây ra tình trạng loãng xương. Theo đó, tỷ lệ gặp phải tình trạng loãng xương ở người bệnh gout cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường.

Khi mới mắc bệnh loãng xương, các dấu hiệu còn khá mờ nhạt nên hầu như người bệnh chưa thể phát hiện được bệnh. Do đó, người bệnh gout và đang có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh loãng xương (tuổi trên 65 tuổi, chiều cao thấp dần đi, chế độ ăn uống thiếu canxi…) thì nên đến các bệnh viện để đo mật độ xương.

Khi người bệnh gout phát hiện ra tình trạng loãng xương thì nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc thường được dùng cho người suy giảm mật độ xương đó là: risedronate, ibandronate, alendronate, axit zoledronic…

Gút làm tăng nguy cơ loãng xương

6. Hàng loạt các vấn đề về giấc ngủ

Các cơn đau do gout gây ra thường diễn ra vào ban đêm khiến người bệnh phải tỉnh giấc vào giữa đêm, hoặc ngủ chập chờn và thậm chí là mất ngủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm mà còn làm suy giảm sức khỏe của người bệnh trong ngày hôm sau. Không chỉ có vậy, việc thiếu ngủ hoặc mất ngủ ở người bệnh gout còn dẫn đến sự thay đổi tính cách thất thường, và hàng loạt vấn đề sức khỏe khác.

Theo một nghiên cứu, bệnh gout cũng là thủ phạm gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngược lại, những người bị ngưng thở khi ngủ cũng có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn so với người bình thường.

Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có biểu hiện như khó tập trung, người mệt mỏi, ngáy, buồn ngủ.

Gout ảnh hưởng tới giấc ngủ

7. Trầm cảm và các vấn đề tâm thần

Ở những người mắc gout mạn tính, cơn đau buốt cứ liên tục lặp lại ngày qua ngày. Lâu dần dễ sinh căng thẳng, lo lắng, thậm chí người bệnh còn có thể gặp phải tình trạng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

8. Bệnh tim

Một trong nhiều biến chứng có thể coi là nguy hiểm của bệnh gout đó là làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch như đau tim, đột quỵ, suy tim. Tình trạng viêm quá mức không chỉ làm tích tụ tinh thể axit uric tại khớp xương mà còn đi vào trong máu, hình thành các cục máu đông và gián tiếp gây ra các vấn đề tim mạch nêu trên.

Để phòng ngừa biến chứng liên quan đến các bệnh về tim mạch ở người bệnh gout, các bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thường xuyên kiểm tra các chỉ số liên quan đến tim mạch như huyết áp, nhịp tim, hoặc xét nghiệm máu.

9. Ảnh hưởng tới mắt

Biến chứng liên quan đến mắt ở những người bệnh gout thường không gặp phổ biến, tuy nhiên vẫn có một số lượng nhỏ người mắc bệnh gout có sự ảnh hưởng đến thị giác. Theo các chuyên gia, các tinh thể axit uric có thể gây ra một số tác động đáng kể lên mống mắt, mí mắt, giác mạc và làm suy giảm thị lực ở người bệnh.

IV - Nên làm gì để hạn chế các biến chứng của bệnh gút?

Biến chứng của bệnh gout có thể đe dọa tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị, và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Để phòng tránh bệnh gout, người bệnh nên áp dụng các biện pháp như sau:

  • Cố gắng tránh xa những loại thực phẩm giàu purine, vì chúng có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Đồng thời bạn cũng nên ngừng uống rượu bia, hoặc sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất kích thích (cà phê, bánh ngọt, các loại đồ uống quá ngọt, nước trái cây đóng hộp).
  • Hàng ngày, người bệnh cần được bổ sung đầy đủ nước uống để tăng cường quá trình đào thải axit uric trong máu.
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý, không để xảy ra tình trạng thừa cân béo phì.
  • Tăng cường vận động, thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, tăng cường trao đổi chất và giảm nồng độ axit uric dư thừa trong cơ thể.
  • Người bệnh cần định kỳ đến các cơ sở y tế để theo dõi các chỉ số của máu, kiểm tra huyết áp, mật độ xương và chức năng thận để biết được tình trạng sức khỏe.

Cách phòng ngừa biến chứng gút

Như vậy có thể thấy rằng, bệnh gout có thể đưa tới vô vàn hệ lụy cho sức khỏe mà có thể người bệnh và người thân còn chủ quan. Mong rằng, bạn đã hiểu rõ hơn về các biến chứng bệnh gout để từ đó ngăn chặn sớm mối nguy hại này. Chúc bạn và người thân sẽ luôn khỏe mạnh, sớm điều chỉnh để đưa chỉ số axit uric về mức bình thường.

Lên đầu trang
Loading