I - Tá tràng là gì? Nằm ở đâu?
Tá tràng nằm ở phần đầu ruột non tiếp giáp với dạ dày, có chiều dài khoảng 25cm, đường kính khoảng 3 - 4 cm. kéo dài từ môn vị của dạ dày đến góc tá tràng - hỗng tràng. Tá tràng có hình dạng khá phức tạp, gần giống với chữ C ngược, được chia thành 4 phần khác nhau:
- Tá tràng trên (đoạn D1): là phần nối tiếp với môn vị, nằm ngang hơi chếch lên về phía bên phải. 2/3 diện tích của tá tràng có độ phình to, được gọi là hành tá tràng.
- Tá tràng xuống (đoạn D2): là phần dính liền với tụy, nơi tiếp nhận dịch mật và dịch tụy.
- Tá tràng ngang (đoạn D3): chạy ngang qua cột sống thắt lưng theo chiều từ phải sang trái, đè lên tĩnh mạch chủ dưới và động mạch chủ bụng, đằng trước là động mạch mạc treo tràng trên.
- Tá tràng lên (đoạn D4): hướng lên trên chếch về bên trái cột sống, nối với thành bụng nhờ dây chằng Treitz, tiếp giáp với hỗng tràng.
Tá tràng gồm 5 lớp, được xếp theo thứ tự từ ngoài vào trong, bao gồm:
- Lớp thanh mạc.
- Tấm dưới thanh mạc.
- Lớp cơ.
- Tấm dưới niêm mạc.
- Lớp niêm mạc.
Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa dạ dày và ruột non, tá tràng giữ nhiệm vụ vận chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột non, đồng thời trung hòa dịch axit của tụy và dịch mật trước khi đưa đến khu vực hỗng tràng và hồi tràng. Nhờ hoạt động của tá tràng, nước và một số chất dinh dưỡng thiết yếu trong thức ăn sẽ được hấp thu hiệu quả tại ruột non, đưa đến gan để lọc bỏ chất độc thông qua đường tĩnh mạch chủ và tiếp tục đẩy đến tim và bơm đi toàn bộ cơ thể.
II - Một số bệnh lý liên quan tới tá tràng thường gặp
1. Viêm loét tá tràng
Đây là chứng bệnh lý thường gặp nhất ở tá tràng. Nguyên nhân gây bệnh do sự mất cân bằng giữa dịch vị và lớp chất nhầy ở niêm mạc tá tràng, tạo nên phản ứng viêm loét ở bề mặt niêm mạc, nghiêm trọng hơn có thể làm tổn thương, phá hủy lớp cơ và làm thủng ổ loét. Tác nhân gây bệnh bao gồm: vi khuẩn HP, sử dụng một số loại thuốc chống viêm, giảm đau như NSAIDs, corticoid... liên tục trong thời gian dài, ăn nhiều đồ chua, cay, chất béo, thường xuyên tiêu thụ rượu, chè, cà phê đặc, thuốc lá, nhai không kỹ, ăn không đúng bữa, để dạ dày quá đói hoặc quá no, tâm lý lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, tiền sử gia đình có người từng mắc viêm loét tá tràng cũng là một yếu tố mang tính nguy cơ gây bệnh.
Khi bị loét tá tràng, người bệnh sẽ cả cảm thấy đau và nóng rát vùng thượng vị về bên phải, đau nhiều vào mùa lạnh hoặc lúc đói, ợ chua, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen. Viêm loét tá tràng nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết đường tiêu hóa, thủng ổ loét hoặc hẹp môn vị, gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Polyp tá tràng
Polyp tá tràng là sự xuất hiện của các khối tế bào bất thường trên bề mặt niêm mạc tá tràng. Bệnh hầu như không có triệu chứng cụ thể và tương đối lành tính, có thể can thiệp bằng hình thức phẫu thuật cắt hoặc đốt bỏ. Tỷ lệ mắc polyp đại tràng không cao.
3. Ung thư tá tràng
Ung thư tá tràng là tình trạng xuất hiện tế bào ung thư ở khu vực tá tràng, bao gồm 5 dạng khác nhau: ung thư biểu mô tuyến, sarcoma, lymphomas, u mô đệm đường tiêu hóa (GIST) và u carcinoid. Bệnh được chia thành 5 giai đoạn dựa trên kích thước của khối u và mức độ lây lan đến các hạch bạch huyết xung quanh. Triệu chứng của ung thư tá tràng không rõ ràng, thường biểu hiện ở giai đoạn sau, khi khối u đã phát triển lớn. Người bệnh có thể bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa, táo bón, cân nặng giảm đột ngột, đi ngoài ra phân lẫn máu, vàng da, mệt mỏi, khó tiêu.
Ung thư tá tràng chủ yếu do sự bất thường từ gen, kết hợp với một số yếu tố làm tăng nguy cơ như tuổi cao, di truyền từ gia đình, tiền sử bệnh lý đường ruột, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, muối, thực phẩm hun khói, hút thuốc, uống rượu bia thường xuyên, polyp tá tràng phát triển thành ung thư.
4. Hẹp tá tràng
Tình trạng bệnh lý này rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh bẩm sinh khoảng 1/5000 - 100000.
Tắc tá tràng là chứng dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa hiếm gặp, trung bình cứ 5000 - 10.000 trẻ mới có 1 trẻ mắc bệnh. Thông qua siêu âm có thể phát hiện ở tuần thứ 18 - 20 của thai kỳ, đặc biệt là ở sản phụ bị tình trạng đa ối. Điều trị tắc tá tràng được thực hiện khi trẻ được 2 - 3 ngày tuổi nhờ phương pháp phẫu thuật cắt bỏ 2 đầu ruột tắc, đặt ống thông từ miệng đến lòng ruột non và khâu nối để tạo đường lưu thông cho hệ tiêu hóa.
III - Những lưu ý để giúp tá tràng khỏe mạnh
Để giúp tá tràng luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt, hạn chế sự xuất hiện của các tình trạng bệnh lý kể trên, bạn hãy thực hiện một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo, quá cay hoặc quá chua, bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể.
- Tập thói quen ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Giữ tâm trí luôn vui vẻ, thoải mái, kiểm soát cơn stress bằng yoga hoặc ngồi thiền.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe.
- Sử dụng men vi sinh probiotic, glutamine và kẽm.
- Hạn chế dùng các loại thuốc giảm đau và thuốc khớp, chỉ sử dụng khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tá tràng, một số bệnh lý thường gặp và cách thức phòng tránh, bảo vệ tá tràng khỏi nguy cơ mắc bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến tá tràng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn phương án xử trí thích hợp nhất.
DS. Yến
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại
Link gốc: https://cuocsong.giaoducthoidai.vn/ta-trang-la-gi-nam-o-vi-tri-nao-4-benh-ly-ta-trang-thuong-gap-n20651.html