Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, Dấu hiệu & Cách điều trị

2022-09-05 11:02:00

Đúng như tên gọi, thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết, từ đó gây ra nhiều triệu chứng tới toàn cơ thể, thậm chí có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm nếu để bệnh kéo dài mà không có những giải pháp khắc phục hiệu quả.

I - Thiếu máu do thiếu sắt là như thế nào?

Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng thiếu máu phổ biến nhất, xảy ra khi cơ thể bạn thiếu sắt nên không thể sản xuất ra đủ hemoglobin (một chất trong hồng cầu có vai trò mang oxy đi tới toàn cơ thể để duy trì tốt hoạt động trong cơ thể) khiến các bộ phận không nhận được đủ lượng oxy cần thiết, làm bạn gặp phải tình trạng bị khó thở, người mệt mỏi kéo dài và tăng dần theo thời gian.

Đặc biệt, thiếu máu và thiếu sắt là 2 tình trạng khác nhau, và thiếu sắt chỉ là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu. Cụ thể, thiếu máu xảy ra khi cơ thể thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin để mang oxy tới toàn cơ thể. Thiếu máu có nhiều nguyên nhân khác nhau, ngoài do thiếu sắt còn có thể do thiếu vitamin B12, thiếu axit folic, do rối loạn di truyền, do mắc bệnh về tủy xương hay do hồng cầu bị chết sớm…

Còn thiếu sắt chỉ mô tả một tình trạng khi cơ thể bị thiếu loại khoáng chất cần thiết này. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lượng sắt nạp vào cơ thể không đủ, người bệnh có khả năng hấp thụ sắt kém, bị mất máu…

Đặc biệt, thiếu sắt sẽ không gây ra thiếu máu trong trường hợp cơ thể bạn vẫn có đủ lượng hemoglobin cần thiết. Theo thời gian khi cơ thể vẫn bị thiếu sắt kéo dài, lượng sắt dự trữ cũng cạn dần khiến cơ thể bị thiếu hemoglobin, khi đó tình trạng thiếu máu mới có thể xuất hiện.

thiếu máu do thiếu sắt là như thế nào

II - Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

1. Lượng sắt hấp thụ không đủ

Khi bạn có một chế độ ăn không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể, không ăn hoặc ăn không đủ những loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau xanh lá, ngũ cốc… Những người ăn chay trường hay đang áp dụng phương pháp ăn hạn chế thường sẽ gặp phải tình trạng này.

2. Mất máu

Mất máu xảy ra trong các trường hợp như phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, bị chảy máu trong (như chảy máu đường tiêu hóa do bệnh dạ dày, trĩ hoặc ung thư), bị chấn thương, phẫu thuật… khiến cơ thể mất đi một lượng máu đáng kể, gây ra tình trạng bị thiếu sắt.

3. Không có khả năng hấp thụ sắt

Tình trạng không có hoặc giảm khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm của cơ thể thường xảy ra ở người bệnh Celiac, bệnh Crohn hoặc đã trải qua các cuộc phẫu thuật liên quan đến dạ dày, ruột (như cắt dạ dày).

4. Nhu cầu sắt tăng cao

Cụ thể, nhu cầu sắt tăng cao sẽ xuất hiện khi phụ nữ đang trong quá trình mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ để tăng thể tích máu và thai nhi được phát triển bình thường. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của trẻ em trong thời kỳ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên cũng khiến nhu cầu sắt tăng lên đáng kể. Khi đó nếu không được cung cấp đầy đủ, cơ thể sẽ gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

III - Dấu hiệu của bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt sẽ càng ngày càng tăng dần và trở nên nặng nề hơn theo thời gian nếu bệnh không được khắc phục hiệu quả như:

  • Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, da nhợt nhạt.
  • Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
  • Có cảm giác ớn lạnh hoặc tay chân lạnh.
  • Bị chóng mặt, đau đầu, giảm tập trung.
  • Cơ thể xuất hiện vết bầm tím.
  • Mắc hội chứng chân không yên.
  • Có cảm giác thèm những đồ không phải là đồ ăn như phấn, sơn, đá, đất sét…
  • Khóe miệng dễ bị nứt.
  • Lưỡi bị đau hoặc viêm.
  • Móng tay giòn, lõm như hình thìa chứ không mọc phẳng.
  • Chán ăn.

biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt

IV - Bệnh thiếu máu do thiếu sắt diễn ra như thế nào?

Khi hấp thụ được sắt từ nguồn thực phẩm từ bên ngoài vào, cơ thể bạn sẽ có cơ chế dự trữ lượng sắt dư thừa để có thể dùng tới khi sản xuất hemoglobin. Nhưng khi lượng sắt bạn nạp vào cơ thể bị ít đi khiến cơ thể bạn phải dùng lượng sắt dự trữ nhanh và nhiều hơn lượng sắt được nạp vào, gây ra tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Cụ thể, bệnh diễn ra qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Lượng sắt dự trữ bị cạn dần, quá trình tạo ra hemoglobin cũng vì đó mà giảm dần nhưng chưa làm ảnh hưởng tới hồng cầu.
  • Giai đoạn 2: Quá trình sản xuất ra hồng cầu bắt đầu bị ảnh hưởng, việc thiếu sắt khiến cơ thể tạo ra hồng cầu thiếu sắt, hồng cầu không có đủ hemoglobin.
  • Giai đoạn 3: Bệnh tiến triển vì không có đủ lượng sắt để sản xuất ra hemoglobin cho hồng cầu, nồng độ hemoglobin bị giảm mạnh, người bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của việc thiếu máu do thiếu sắt.

V - Những đối tượng dễ bị thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Đặc biệt là ở những đối tượng như:

  • Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Trẻ sơ sinh từ 6 tháng cho tới khoảng 2 tuổi.
  • Thanh thiếu niên.
  • Người già từ 65 tuổi trở lên.
  • Người bệnh bị rối loạn tủy xương, rối loạn tự miễn dịch.
  • Người mắc các bệnh lý nền mạn tính.

VI - Xét nghiệm, chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt

Bệnh được chẩn đoán bằng quá trình xét nghiệm máu với các bước cụ thể bao gồm:

  • Kiểm tra hồng cầu qua kính hiển vi.
  • Đo hàm lượng sắt trong máu.
  • Đo lượng protein vận chuyển sắt trong máu.
  • Đo lượng protein dự trữ sắt trong máu.

Ngoài ra, để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này, người bệnh có thể được chỉ định việc nội soi đại tràng hoặc một vài xét nghiệm khác.

chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt

VII - Thiếu máu do thiếu sắt có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của tình trạng này sẽ phụ thuộc vào hàm lượng sắt và hemoglobin trong cơ thể. Đặc biệt, nếu bệnh càng để kéo dài và không sớm có những giải pháp khắc phục hiệu quả sẽ càng khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như:

  • Giảm cung cấp oxy cho mô: Thiếu máu do thiếu sắt sẽ làm giảm giảm lượng oxy cần thiết cho các mô và cơ quan trong cơ thể, khiến người bệnh bị mệt mỏi, yếu ớt, khó thở… Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới cuộc sống mà theo thời gian sẽ làm suy giảm các chức năng của từng bộ phận, đặc biệt là tim và não.
  • Các vấn đề về tim: Tạo áp lực cho tim, khiến tim phải hoạt động bơm máu nhiều hơn để bù đắp lượng oxy giảm, gây ra tình trạng nhịp tim nhanh hoặc những bệnh lý về tim như suy tim, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
  • Biến chứng khi mang thai: Phụ nữ đang mang thai gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt sẽ có thể dẫn tới bị sinh non, không đảm bảo được cân nặng, bị trầm cảm sau sinh, thai nhi cũng kém phát triển hơn bình thường.
  • Các vấn đề phát triển ở trẻ em: Trẻ sơ sinh và trẻ em khi bị thiếu máu do thiếu sắt cũng sẽ rất dễ gặp phải tình trạng bị suy giảm khả năng nhận thức, làm chậm quá trình phát triển của não bộ, giảm tăng trưởng thể chất, ảnh hưởng lớn tới quá trình học tập và rèn luyện của con.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người bị thiếu sắt thường có nguy cơ bị nhiễm trùng và mắc bệnh nhiều hơn, khi mắc bệnh cũng sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn, khiến sức khỏe bị suy giảm.
  • Mệt mỏi và suy giảm khả năng thể chất: Khiến người bệnh trở nên yếu ớt, mệt mỏi hơn, làm giảm sức mạnh thể chất, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày.
  • Tác động đến nhận thức và sức khỏe tinh thần: Có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng bị suy nhược thần kinh, gây ra sự căng thẳng, lo âu, suy giảm trí nhớ và sự tập trung, lâu lần có thể dẫn tới nguy cơ trầm cảm.
  • Biến chứng trong phẫu thuật: Người bị thiếu máu do thiếu sắt khi phải thực hiện phẫu thuật sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng nhiều hơn. Bên cạnh đó, thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng sẽ trở nên lâu và phức tạp hơn.

VIII - Điều trị và phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt

1. Điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Việc điều trị thiếu máu do thiếu sắt là quá trình giúp cung cấp đầy đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể thông qua các phương pháp như:

  • Xây dựng chế độ ăn giàu sắt: Cụ thể, người bệnh nên ăn bổ sung các nguồn động vật có hàm lượng sắt cao (Như thịt đỏ, thịt gà, các loại cá béo, gan…) và thực vật (Như các loại rau lá xanh, các loại đậu, ngũ cốc, các loại hạt…). Ngoài ra, người bệnh cũng nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C có tác dụng giúp làm tăng khả năng hấp thụ sắt như trái cây họ cam quýt, cà chua, ớt chuông… Lưu ý cũng nên tránh các loại thực phẩm làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể như trà, cà phê…
  • Dùng thuốc bổ sung sắt: Thường được sử dụng trong các trường hợp người bệnh bị thiếu sắt từ trung bình đến nặng, giúp tăng lượng sắt trong máu thông qua đường uống sắt nguyên tố như sắt sulfat, sắt gluconat, sắt fumarat… với liều dùng được chỉ định, thông thường sẽ rơi vào khoảng từ 150 đến 200 mg/ngày, thời gian sử dụng sẽ lên tới khoảng vài tháng. Đặc biệt, người bệnh cần lưu ý vì trong quá trình bổ sung sắt có thể gây ra một vài tác dụng phụ như đi ngoài phân đen, buồn nôn, táo bón…
  • Sắt tiêm tĩnh mạch: Đây là giải pháp dành cho người bệnh thiếu sắt nhưng lại không thể hấp thụ hoặc hấp thụ rất kém sắt thông qua đường ăn uống, người bệnh thiếu sắt nặng. Việc tiêm sắt qua tĩnh mạch giúp đem lại hiệu quả nhanh hơn nhưng có thể gây ra tình trạng bị phản ứng dị ứng.
  • Truyền máu: Với những người bệnh bị thiếu sắt trầm trọng, nồng độ hemoglobin bị giảm nhiều tới mức có thể gây nguy hiểm, người bệnh sẽ được chỉ định khẩn cấp phương pháp truyền máu để nhanh chóng phục hồi lại lượng hồng cầu. Đây cũng là phương pháp được thực hiện khi các phương pháp khác không đem lại hiệu quả.
  • Điều trị tới đúng nguyên nhân gây bệnh: Với những người bệnh bị thiếu máu thiếu sắt do bị mất máu vì kinh nguyệt ra nhiều, bị chảy máu đường tiêu hóa… cần khắc phục hiệu quả các tình trạng trên. Ngoài ra, với người bệnh bị thiếu máu thiếu sắt do mắc các bệnh lý gây suy giảm khả năng hấp thụ sắt như bệnh Celiac, bệnh Crohn… cũng cần điều trị triệt để các bệnh lý này.

điều trị thiếu máu do thiếu sắt

2. Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt

  • Xây dựng một chế độ ăn cân bằng, giàu chất sắt: Bạn nên bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm giàu sắt, bao gồm cả động vật và thực vật, kèm theo đó là các loại thực phẩm có khả năng giúp tăng cường hấp thụ sắt như thực phẩm giàu vitamin C.
  • Dùng thuốc bổ sung sắt cho người có nguy cơ mắc bệnh hoặc có nhu cầu cần bổ sung sắt cao hơn thông thường: Bao gồm các đối tượng như phụ nữ đang mang thai (nên uống thêm sắt, vitamin tổng hợp để có thể đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi), trẻ sơ sinh và trẻ em (dùng sắt dạng nước hoặc sữa có chứa thành phần sắt), người ăn chay, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt…
  • Tránh hoặc hạn chế các chất ức chế hấp thụ sắt: Như các loại thực phẩm giàu canxi, chế phẩm từ sữa, đồ uống chứa caffein… Bạn khi hạn chế sử dụng hoăc nếu dùng thì nên lưu ý dùng cách xa thời gian ăn những loại thực phẩm giàu sắt.
  • Lưu ý đến những nhu cầu đặc biệt: Như vận động viên, người thường xuyên hiến máu… những người có nguy cơ mất sắt nhiều hơn thông thường nên lưu ý bổ sung sắt nhiều hơn.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Vì khi xét nghiệm máu định kỳ, bạn có thể phát hiện sớm nếu gặp phải tình trạng bị thiếu sắt, trước khi nó gây ra thiếu máu, từ đó có các giải pháp khắc phục sớm và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, người bệnh cần sớm tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, khi xuất hiện những triệu chứng điển hình của việc bị thiếu máu do thiếu sắt.

Có thể thấy, bệnh thiếu máu thiếu sắt là tình trạng hoàn toàn có thể được kiểm soát và khắc phục hoàn toàn nếu người bệnh được điều trị kịp thời, hiệu quả. Phương pháp điều trị sẽ thường bao gồm việc xây dựng một chế độ ăn giàu sắt, bổ sung thuốc sắt hoặc can thiệp y tế trong các trường hợp bệnh nặng.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ