Sáng ngủ dậy bị chóng mặt là bệnh gì? Nên làm gì để khắc phục?

2022-10-24 14:00:00

Sau một đêm ngủ nghỉ thì đúng ra bạn phải được tận hưởng cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn vào buổi sáng, thế nhưng rất nhiều người cảm thấy sáng ngủ dậy bị chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Có phải do bệnh lý nào không? Nên làm gì để khắc phục tình trạng này?

I - Nguyên nhân khiến sáng ngủ dậy bị chóng mặt hoa mắt, choáng váng

Có rất nhiều lý do có thể dẫn tới tình trạng sáng ngủ dậy bị chóng mặt, hoa mắt, đầu quay cuồng và choáng váng, tuy nhiên các vấn đề về tiền đình được coi là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra các vấn đề khác như chứng ngưng thở khi ngủ, mất nước, tụt huyết áp, tụt đường huyết,... cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.

1. Rối loạn tiền đình

Cảm giác khi thức dậy bị chóng mặt, choáng váng rất có thể là dấu hiệu báo hiệu đang có vấn đề liên quan tới hệ tiền đình. Bởi đây là cấu trúc có chức năng định vị không gian, giữ thăng bằng cho cơ thể. Nếu có sự cố gì đó ảnh hưởng tới cấu trúc này thì gần như sẽ khiến người bệnh cảm thấy dễ mất thăng bằng, choáng váng.

Trong đó chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính BPPV được coi là lời giải thích phù hợp nhất. Dạng bệnh này có điểm đặc trưng là người bệnh sẽ dễ cảm thấy quay cuồng, chóng mặt khi có sự thay đổi về vị trí đầu hoặc tư thế (đứng, nằm, ngồi, di chuyển).

Mà trong khi ngủ cơ thể con người ít khi nằm yên tại chỗ, nhất là phần đầu. Thông thường mọi người sẽ lật qua lật lại, nghiêng sang trái sang phải khi ngủ. Lúc đó ở người mắc chứng BPPV thì các tinh thể canxi trong tai (sỏi tiền đình) sẽ bị rớt vào các cấu trúc ở tai trong, làm xáo trộn thông tin về chuyển động của đầu được gửi tới não.

Khi não nhận thông tin từ nhiều phía và nhận thấy không khớp với nhau sẽ khiến nó bối rối và không biết đâu là thông tin chính xác, từ đó tạo ra cảm giác chóng mặt hoa mắt và quay cuồng. Và ngay sau khi bạn thức dậy, các thông tin mới được mắt tiếp nhận và gửi tới não thì các cảm giác này sẽ ngay lập tức ùa đến và đôi khi còn gây ra tình trạng đau nhức đầu.

Và điều này cũng giải thích cho cả trường hợp đang ngủ bật dậy bị choáng, sự thay đổi tư thế quá nhanh và đột ngột như vậy vừa khiến xáo trộn mạnh thông tin gửi tới não, vừa ảnh hưởng tới huyết áp, nếu không cẩn thận có thể gây ra đột quỵ.

XEM THÊM: Đang ngồi, nằm đứng lên bị chóng mặt là bệnh gì?

2. Chứng ngưng thở khi ngủ

Buổi sáng ngủ dậy bị chóng mặt cũng có thể là kết quả của chứng ngưng thở khi ngủ. Đó là khi trong lúc ngủ thì nhịp thở bị ngắt quãng trong khoảng thời gian ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, do đó lượng oxy vào cơ thể sẽ bị thiếu hụt, đồng nghĩa não cũng sẽ bị thiếu oxy. Cuối cùng sáng hôm sau khi mới thức dậy người bệnh sẽ cảm thấy đầu quay cuồng, hoa mắt, chóng mặt

chóng mặt khi ngủ dậy do chứng ngưng thở khi ngủ

3. Cơ thể mất nước

Đôi khi lý do khiến bạn ngủ dậy hay bị chóng mặt, choáng váng chỉ đơn giản là do mất nước. Bởi nước là thành phần cực kỳ quan trọng đối với máu, thiếu nước thì tổng lượng máu cũng sẽ thiếu. Mà khi máu đã thiếu thì não chắc chắn cũng khó được nhận đủ số lượng máu nó cần. Do đó có thể gây ra cảm giác hoa mắt, quay cuồng khi mới thức giấc. Việc bị thiếu nước đôi khi chỉ do trong ngày bạn uống không đủ nước, ngủ trong môi trường nóng bí, uống rượu bia trước khi ngủ,...

TÌM HIỂU THÊM: Bị ù tai chóng mặt cảnh báo bệnh gì?

4. Hạ huyết áp

Ở những người vốn dĩ có mức huyết áp thấp sẽ càng dễ bị chóng mặt khi thức dậy, nhất là khi ngồi dậy ra khỏi giường. Bởi lúc này trọng lực cơ thể sẽ thay đổi và khiến máu dồn xuống dưới nhiều hơn. Vì thế sẽ khiến não không được nhận đủ máu và oxy. Đặc biệt nếu người bị huyết áp thấp lại thêm cả bị thiếu nước lại càng dễ gặp vấn đề choáng váng, quay cuồng khi ngủ dậy hơn.

5. Mức đường huyết thấp

Mặc dù không phải lúc nào bị chóng mặt vào buổi sáng khi ngủ dậy cũng do đường huyết thấp, tuy nhiên vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng theo cách như sau: Trong những chất não cần sử dụng để hoạt động thì cũng có glucose, mà trong khi ngủ thì cơ thể vẫn sẽ tiêu tốn glucose nên có thể khiến não bị thiếu hụt lượng glucose cần thiết.

Nếu lượng đường ở mức quá thấp sẽ khiến gây ra tình trạng ngủ dậy với cảm giác quay cuồng đầu óc, chóng mặt,... Những người bị tiểu đường là nhóm có nguy cơ bị chóng mặt khi thức dậy do hạ đường huyết nhất.

đường huyết thấp gây chóng mặt khi thức dậy

6. Suy tim

Tim đảm nhận chức năng bơm máu đi khắp cơ thể, ở những người bị suy tim thì lực bơm máu từ tim trở nên yếu hơn bình thường, do đó máu bơm tới não cũng sẽ khó khăn hơn nên dễ khiến bị chóng mặt khi ngủ dậy. Nhất là khi thức dậy và chuyển tư thế ngồi dậy ra khỏi giường thì lực bơm máu đôi khi còn yếu hơn nữa, càng làm trầm trọng tình trạng chóng mặt.

7. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc khi sử dụng có thể tác động tới hệ thần kinh, não và có thể gây chóng mặt khi thức dậy vào sáng hôm sau. Điển hình là các nhóm thuốc điều trị trực tiếp về bệnh thần kinh (thuốc chống trầm cảm, động kinh,..), các loại thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống dị ứng,...

Ngoài ra một số yếu tố nhỏ khác cũng có thể góp phần gây quay cuồng chóng mặt khi ngủ dậy như:

  • Kê gối ngủ quá cao
  • Ngủ không đủ giấc
  • Thói quen dùng điện thoại trước khi ngủ
  • Ngủ không tắt đèn

Tỷ lệ của các yếu tố này là không cao và cơn chóng mặt thường chỉ là nhất thời, do đó không quá đáng ngại.

II - Sáng ngủ dậy bị chóng mặt nên làm gì?

Nếu cảm thấy bị chóng mặt, hoa mắt quay cuồng khi thức dậy vào buổi sáng thì bạn có thể thực hiện theo những bước sau đây:

  • Bước 1: Trường hợp mới mở mắt ra đã thấy chóng mặt, quay cuồng thì tốt nhất bạn nên nằm yên tại chỗ và đợi cho tới khi cảm thấy ổn định hơn. Trường hợp bị chóng mặt khi ngồi hoặc đứng dậy thì bạn nên từ từ ngồi hoặc nằm xuống, mục đích là để đảm bảo an toàn.
  • Bước 2: Hãy tìm cách uống một chút nước (tự uống hoặc nhờ người giúp) và tiến hành hít thở sâu.
  • Bước 3: Khi đã thấy cơn chóng mặt đã thuyên giảm, hãy chậm rãi ngồi hoặc đứng dậy. Sau đó bạn cần ăn một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng để ổn định lại đường huyết, huyết áp,....

Đây chỉ là cách xử lý tạm thời khi bỗng bị chóng mặt khi ngủ dậy để đảm bảo an toàn, về lâu dài bạn vẫn cần tìm phương án để điều trị chuyên sâu hơn.

ngủ dậy bị chóng mặt nên uống thêm nước

Do có rất nhiều lý do có thể dẫn tới việc bị chóng mặt, choáng váng, quay cuồng khi thức dậy nên cách điều trị cho mỗi trường hợp cũng khác nhau. Bạn cần được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác nguyên nhân trước. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến mà bác sĩ có thể sẽ đề xuất cho bạn:

1. Với chứng rối loạn tiền đình

Do rối loạn tiền đình là vấn đề xuất phát từ các hệ thống cấu trúc tai trong và liên quan cả tới não, vì vậy việc điều trị sẽ tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian. Sau khi xác định chính xác người bệnh đang gặp vấn đề gi về tiền đình, bác sĩ sẽ đề xuất các phương án phù hợp nhất.

Ví dụ ở những người thức dậy bị chóng mặt rất dễ liên quan tới chứng BPPV, do đó bác sĩ có thể khuyến cáo người bệnh thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Các động tác như nghiệm pháp Epley, bài tập Semont,.. sẽ giúp ổn định lại sỏi tai, dòng chảy nội dịch. Ngoài ra khi luyện tập đều đặn cũng sẽ giúp hệ tiền đình khỏe mạnh hơn, giảm thiểu tình trạng chóng mặt khi ngủ dậy.

Bên cạnh đó bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị, có thể là thuốc tây y hoặc đông y.

2. Chứng ngưng thở khi ngủ

Với người hay bị ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ đề xuất bệnh nhân thực hiện theo một số phương pháp sau:

  • Ngủ nằm nghiêng về một bên
  • Sử dụng các loại gối hỗ trợ tránh ngưng thở khi ngủ
  • Dùng các công cụ hỗ trợ cố định hàm, lưỡi

3. Các vấn đề về đường huyết, máu

Những người có vấn đề về đường huyết và máu sẽ cần theo dõi các chỉ số này thường xuyên. Có thể cần bổ sung một chút đường trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy (ví dụ một cốc nước cam) hoặc sử dụng một số loại thuốc tốt cho việc bổ sung máu, tuần hoàn máu.

4. Chứng suy tim

Các vấn đề về tim luôn không hề dễ điều trị, cách tốt nhất nếu bị chóng mặt khi tỉnh dậy do yếu tố về tim thì bạn nên cố gắng ngồi dậy một cách chậm rãi, tránh thay đổi thế quá nhanh khiến tim khó bơm được đủ máu lên não.

III - Những lưu ý để hạn chế tình trạng ngủ dậy bị chóng mặt

Chủ động phòng ngừa cũng chính là một trong các cách để khắc phục tình trạng thức dậy bị chóng mặt, choáng váng. Để làm được điều này, bạn nên lưu ý tới một số vấn đề sau:

  • Bổ sung nước: Uống đủ nước mỗi ngày, tối thiểu từ 1 - 2 lít tùy từng người.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nên cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt cần chú ý bổ sung thêm vitamin C, vitamin B6.
  • Đảm bảo ngủ đủ tiếng mỗi ngày, từ 7 - 8 tiếng
  • Khi ngủ hạn chế kê gối quá cao
  • Loại bỏ/ hạn chế những thức uống không tốt cho sức khỏe như: bia rượu, cà phê, thuốc lá để có giấc ngủ chất lượng.
  • Tránh dùng nhiều điện thoại, laptop… trước khi đi ngủ.
  • Nên tắt hết đèn khi ngủ

NÊN ĐỌC: Những loại đồ uống người bị chóng mặt nên uống & nên tránh

Chóng mặt khi ngủ dậy nếu xuất hiện với tần suất dày đặc thì tuyệt đối không nên chủ quan. Đây chính là các dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có những dấu hiệu bất thường cần lưu ý. Vì vậy bất cứ lúc nào cũng cần lắng nghe cơ thể mình để có cách khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Lên đầu trang
Loading
Trang chủ Hữu ích
Sản phẩm
Liên hệ