I - Lý do ăn uống đồ ngọt bị chóng mặt, mệt mỏi
Cảm giác chóng mặt, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi khó chịu sau khi ăn uống đồ ngọt thường là do ảnh hưởng của lượng đường tăng cao đột biến và cơ thể chưa kịp xử lý, người ta thường hay gọi là say đường. Ngoài ra cũng có thể là do một số tình trạng như thiếu máu não, ảnh hưởng từ thuốc, hoặc mắc Chứng Chóng mặt BPPV.
1. Say đường
Khi bạn ăn uống thực phẩm thì cơ thể sẽ chuyển hóa các chất thành glucose khiến lượng đường trong máu sẽ tăng cao, đặc biệt khi ăn uống những loại thực phẩm có hàm lượng đường lớn như nước ngọt hay bánh ngọt thì lượng đường trong máu sẽ càng cao hơn.
Thông thường cơ thể luôn có cơ chế để điều chỉnh lượng đường trong máu tăng đột biến như vậy, thế nhưng khi lượng đường trong máu đạt một mức nhất định mà cơ thể chưa thể xử lý kịp thì sẽ gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, mờ mắt, chóng mặt, đau nhức đầu, buồn nôn, khát nước... Nhiều người ví hiện tượng này giống như say rượu nên gọi là say đường.
2. Hạ đường huyết
Hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi khó chịu sau khi ăn uống đồ ngọt cũng có thể là dấu hiệu của chứng hạ đường huyết.
Đó là do khi ăn đồ ngọt, lượng đường trong máu bị tăng lên đột ngột, khiến tuyến tụy phải tiết thêm một lượng lớn insulin để ổn định lại đường huyết. Trong quá trình này có thể xảy ra tình trạng cơ thể điều tiết quá mức khiến lượng đường huyết bị giảm xuống sâu, gây hiện tượng hạ đường huyết. Thậm chí nếu đường huyết giảm quá nhiều có thể gây nguy hiểm.
Tình trạng này thường xảy ra ở những người bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hoặc ở những người từng phẫu thuật cắt một phần dạ dày. Trong trường hợp này, chúng ta nên khắc phục tình trạng ăn đồ ngọt bị chóng mặt bằng cách chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn một lúc quá nhiều đồ ngọt trong bữa ăn.
3. Thiếu máu não
Trên thực tế, có tới hơn 90% các trường hợp bị chóng mặt có nguyên nhân là do thiếu máu lên não, thiếu máu đến hệ tiền đình gây rối loạn tiền đình. Một khi đã rối loạn tiền đình thì việc ăn uống, sinh hoạt sẽ chỉ là yếu tố nguy cơ kích thích khiến cho cơn chóng mặt dễ xảy ra hơn so với những người bình thường. Ví dụ, những người bị rối loạn tiền đình rất dễ chóng mặt khi ăn uống thực phẩm không phù hợp với cơ thể tại thời điểm đó, hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột, hoặc những khi mệt mỏi, thiếu ngủ, thiếu chất, thậm chí không có yếu tố tác động cụ thể...
Cơn chóng mặt có thể kèm theo buồn nôn, đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất ngủ, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay, nhất là với người trung, cao tuổi.
Trong trường hợp này, người bệnh cần khắc phục bằng cách điều trị hiệu quả chứng thiếu máu não, sử dụng các sản phẩm giúp bổ huyết, hoạt huyết, tăng cường mạnh mẽ máu lên não, hệ thống tiền đình làm hết rối loạn tiền đình, chóng mặt.
ĐỌC NGAY: Bị đau nhức đầu sau khi ăn
4. Huyết áp thấp
Bị giảm huyết áp đột ngột sau ăn cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt khi ăn đồ ngọt.
Người lớn tuổi, người mắc bệnh Parkinson, rối loạn hệ thần kinh, đặc biệt là người bệnh huyết áp cao là những người có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này, nguyên nhân là do những người bệnh này thường mắc chứng thiểu năng tuần hoàn não, lưu lượng máu lên não và đến hệ tiền đình bị kém gây ra chóng mặt.
Trong trường hợp này, ngoài việc điều trị các bệnh lý trên, việc chia nhỏ bữa ăn và uống nhiều nước trước bữa ăn cũng có thể phần nào giúp khắc phục được chứng chóng mặt.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị Tây y (như thuốc trị tiểu đường) khi dùng có thể dẫn tới tình trạng hạ đường huyết, gây ra chóng mặt, nhất là ở những người bệnh phải uống thuốc ngay trước bữa ăn.
Chính vì vậy, ở những người đang phải dùng thuốc Tây điều trị bị chóng mặt, người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về việc thay đổi thuốc hoặc thay đổi lịch ăn để giúp khắc phục tình trạng.
6. Ảnh hưởng của thực phẩm
Bị nhạy cảm với một nhóm thực phẩm nào đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bị chóng mặt sau ăn kèm cảm giác buồn nôn, choáng váng. Bên cạnh đó, các loại đồ uống dùng trong bữa ăn như rượu, cà phê cũng có thể gây ra tình trạng chóng mặt.
7. Thay đổi tư thế đột ngột
Đôi khi, các trường hợp bị chóng mặt sau khi ăn, uống đồ ngọt bắt nguồn không phải từ thức ăn mà là từ sự thay đổi tư thế đột ngột, từ ngồi sang đứng của người bệnh.
Nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột có thể kể đến như do hạ đường huyết, mất nước, mắc chứng rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não, có vấn đề về tim khiến tim không bơm đủ máu, huyết áp cao, tiểu đường, bị chảy máu ở đâu đó trong cơ thể, đang mang thai.
II - Ăn uống đồ ngọt bị chóng mặt, mệt mỏi có phải dấu hiệu sức khỏe nguy hiểm không?
Nếu là các trường hợp chỉ bị chóng mặt duy nhất một vài lần sau khi ăn, không để lại hệ quả gì lâu dài, thì hầu hết sẽ không phải quá lo lắng. Đây đơn giản là phản ứng tạm thời của cơ thể. Những trường hợp này hầu như không nguy hiểm và cũng không cần can thiệp điều trị nhiều, chỉ cần chú ý hơn về ăn uống, sinh hoạt.
Tuy nhiên nếu bạn cứ ăn uống đồ ngọt vào là bị chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi,.. thì lại có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, nhất là chứng tiểu đường. Bởi trong quá trình xử lý đường dư thừa trong máu, cơ thể sẽ tiết ra insulin để chuyển glucose thành năng lượng, thế nhưng nếu cứ ăn uống quá nhiều đồ ngọt khiến cơ thể liên tục tiết insulin thì có thể gây tình trạng kháng insulin và dẫn tới bệnh tiểu đường.
Đối với trường hợp phụ nữ đang mang thai bị chóng mặt sau bị ăn đồ ngọt, tình trạng này cũng có thể giảm bớt sau khi sinh, trừ các trường hợp chóng mặt kéo dài, dữ dội thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Đối với trường hợp người bệnh tiểu đường bị chóng mặt sau bị ăn đồ ngọt, nên điều chỉnh lại thuốc cũng như lịch trình ăn uống của mình, kiêng khem nghiêm ngặt và điều trị tích cực cho bệnh gốc.
Nếu tình trạng chóng mặt xảy ra thường xuyên, không chỉ bị ảnh hưởng sau khi ăn uống mà còn nhiều tình huống khác, thậm chí không rõ nguyên nhân, thì người bệnh nên nghiêm túc kiểm tra hệ tiền đình cũng như có biện pháp phục hồi sự khoẻ mạnh của hệ tiền đình, tránh để vấn đề xảy ra kéo dài, trở thành mạn tính.
NÊN XEM: Bị chóng mặt nên uống gì?
III - Ăn uống đồ ngọt bị mệt mỏi, chóng mặt phải làm sao?
Khi ăn uống thực phẩm ngọt bị chóng mặt, khó chịu, buồn nôn, mệt mỏi (say đường) thì bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để nhanh chóng dứt cơn và hạn chế triệu chứng:
- Uống thêm nước lọc, trong quá trình chuyển hóa đường thì cơ thể sẽ cần sử dụng tới nước, do đó bổ sung nước sẽ là phương pháp hữu hiệu.
- Nghỉ ngơi và hít thở sâu: Khi đang chóng mặt thì quan trọng nhất bạn cần đảm bảo an toàn cho cơ thể, do đó ngồi im và hít thở sâu sẽ tốt hơn. Nếu chỉ cảm thấy mệt mỏi khó chịu, buồn nôn, đau nhức đầu mà không chóng mặt thì có thể vận động nhẹ nhàng 1 chút.
Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý tới một số vấn đề sau để hạn chế bị chóng mặt, mệt mỏi khi ăn uống đồ ngọt
- Hạn chế sử dụng đồ ngọt tối đa có thể, bởi bản chất đồ ngọt thường không tốt cho sức khỏe.
- Có thể chia nhỏ các bữa ăn, ăn 2 - 3 giờ một lần.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh lại các loại thuốc điều trị như huyết áp, tiểu đường.
- Kiểm soát tốt tình trạng bệnh khi mắc các bệnh lý mạn tính như thiếu máu não, rối loạn tiền đình, huyết áp, tiểu đường…
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý.
ĐỌC THÊM: Ăn chay bị chóng mặt
Bị chóng mặt trong thời gian ngắn có thể sẽ không gây nguy hiểm và không cần thăm khám bác sĩ. Tuy nhiên, khi bị chóng mặt thường xuyên khi ăn đồ ngọt, người bệnh nên đi thăm khám bác sĩ. Vì không thể chẩn đoán được nguyên nhân cũng như tìm ra được đây chính xác là dấu hiệu của bệnh gì khi chỉ dựa vào triệu chứng chóng mặt này. Chỉ khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ mới có thể tìm ra được đúng nguyên nhân và từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
DS. Yến
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại
Link gốc: https://cuocsong.giaoducthoidai.vn/vi-sao-an-uong-do-ngot-bi-chong-mat-dieu-tri-nhu-the-nao-n17297.html