I - Ngón tay bị sưng phù và ngứa là dấu hiệu của bệnh gì?
1. Bệnh cước
Bệnh cước (chilblains) là căn bệnh tương đối phổ biến ở Việt Nam, xảy ra khi người bệnh để tay chân tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ lạnh. Tình trạng này khiến cho khu vực đầu ngón tay hoặc đốt ngón tay trở nên sưng tấy, chuyển đỏ kèm theo cảm giác ngứa châm chích hoặc đau. Do đó, nếu ngón chân hoặc ngón tay bị sưng phù, đỏ và ngứa sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ thấp, rất có thể nguyên nhân chính là do bệnh cước gây nên.2. Viêm khớp ngón tay
Bệnh xương khớp có thể xuất hiện ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào mặc dù chứng bệnh này thường thấy nhiều ở độ tuổi 40-60, đặc biệt là phụ nữ hoặc những người béo phì, thường xuyên hút thuốc, rượu bia. Viêm khớp ngón tay ngoài những biểu hiện như gây đau, cứng khớp thì còn khiến cho các khớp của người bệnh trở nên sưng tấy. Một số dạng viêm khớp phổ biến hiện nay bao gồm:
- Viêm xương khớp ngón tay: Viêm xương khớp (OA) là dạng phổ biến nhất được ghi nhận trong số các dạng viêm khớp. Viêm xương khớp tay có thể ảnh hưởng tới các khớp ở đầu ngón tay, khớp giữa ngón tay hoặc khớp tại gốc ngón tay cái.
- Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào mô khớp tay và các khớp khác trong cơ thể. Bệnh lý này có thể làm biến dạng khớp ở tay chân, khiến các mô xung quanh khớp bị viêm dẫn đến sưng đỏ, đau và ngứa.
- Gout: Gây ra bởi sự lắng đọng tinh thể urat tại khớp tay do dư thừa acid uric trong máu. Ngoài triệu chứng đau một cách dữ dội, đột ngột, bệnh gout còn khiến các ngón tay sưng đỏ, nóng khớp, xuất hiện các hạt tophi. Lâu dài có thể gây bong tróc da dẫn đến ngứa ngáy kèm đau nhức.
3. Bệnh thần kinh ngoại biên
Tổn thương thần kinh ngoại biên (bao gồm dây thần kinh sọ não, dây thần kinh tủy sống từ nguyên ủy) có thể biểu hiện bằng các triệu chứng trên da như:
- Tê ngón tay, ngón chân
- Giảm khả năng cử động.
- Cảm thấy đau dù chỉ chạm nhẹ trên da.
- Đau, tê bì ở tay và chân.
- Đôi khi xuất hiện cảm giác ngứa châm chích.
4. Các bệnh lý da liễu
- Bệnh chàm (eczema): Một chứng bệnh da liễu mãn tính có thể ảnh hưởng đến bàn tay và ngón tay, gây ngứa và đỏ da.
- Bệnh vẩy nến: Theo thống kê, có khoảng 12-16% người bệnh bị vảy nến ở tay hoặc chân, khiến cho các vùng da này bị khô nứt, bong tróc, ửng đỏ, đóng thành từng mảng da dày kèm theo cảm giác ngứa rát. Một số trường hợp nặng còn có thể gây sưng và đau dữ dội. Và không chỉ ở ngón tay, các triệu chứng bệnh vảy nến có thể xuất hiện trên cả bàn tay cũng như nhiều khu vực khác trên cơ thể.
- Bệnh ghẻ: Một bệnh nhiễm trùng da do các cái ghẻ cực nhỏ xâm nhập vào da tay, dẫn đến ngứa dữ dội và nổi lên các nốt sưng đỏ với kích thước nhỏ.
- Bệnh tổ đỉa: Bệnh khiến da tay chân xuất hiện nhiều nốt mụn nước ở khu vực lòng bàn chân, bàn tay hoặc kẽ của các ngón tay. Những nốt mụn nước này tương tự như khi bị ghẻ, nhưng thường chứa chất lỏng và có thể sưng to gây ngứa dữ dội không thể kiểm soát.
- Nhiễm nấm da: Mặc dù ít gặp hơn các vùng da khác, nhưng ngón tay cũng có thể bị nhiễm nấm. Tình trạng này khiến các vùng da tay xuất hiện các mảng tròn hoặc mẩn đỏ, có thể có vảy trắng kèm cảm giác sưng hoặc đau. Loại nấm da tay thường thấy nhất bao gồm T. verrucosum, Microsporum canis hoặc Nannizzia gypsea,…
Tìm hiểu thêm: Ngứa kẽ ngón tay là bệnh gì?
5. Dị ứng
Dị ứng gây nổi mề đay và có thể khiến ngón tay bị sưng to, nổi mẩn và gây ra các cơn ngứa dữ dội, có thể lan sang các vùng da lân cận. Nguyên nhân gây ra dị ứng, nổi mề đay có thể là do người bệnh để tay tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như: hóa chất tẩy rửa, bụi bẩn, phấn hoa, lông sâu bọ, hoặc do côn trùng đốt.
6. Chấn thương
Nguyên nhân khác khiến ngón tay bị sưng phù, đỏ và ngứa đó chính là do ngón tay gặp chấn thương, chẳng hạn như gãy xương, trật khớp ngón tay. Khi bị chấn thương tại các ngón tay sẽ làm kích thích các dây thần kinh gây ra cảm giác đau đớn, sưng phù và có thể bị ngứa nhẹ.
7. Hội chứng ống cổ tay
Theo thống kê, tỷ lệ người bệnh mắc hội chứng ống cổ tay dao động từ 1% đến 5%, thường là do dây thần kinh giữa ở cổ tay bị kích thích bởi một tác nhân nào đó. Người mắc hội chứng ống cổ tay thường có triệu chứng đau nhức ở một vài ngón tay, bàn tay hoặc cẳng tay. Ngoài ra, các ngón tay bị đau có thể sưng đỏ, tê cứng, ngứa râm ran hoặc châm chích. Tình trạng này thường gặp ở những người phải vận động tay nhiều, làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh.
8. Bệnh Raynaud
Raynaud là một bệnh tương đối hiếm gặp, xảy ra khi các mạch máu ngoại vi ở ngón tay bị co lại đột ngột do gặp lạnh hoặc căng thẳng. Bệnh khiến các ngón tay trở nên nhợt nhạt, thay đổi màu sắc. Ngoài ra khi làm ấm cho tay, ngón tay có thể bị sưng phù kèm đau đớn. Trường hợp nặng, hiện tượng này sẽ làm lở loét da thậm chí gây chết mô. Bệnh lý cũng có thể tiến triển, dẫn tới bệnh cước như đã đề cập.
9. Phù bạch huyết
Khi mạch bạch huyết gặp phải vấn đề, chất lỏng bạch huyết không thể đào thải ra ngoài, khiến nhiều khu vực trên cơ thể bắt đầu sưng phù lên do tích nước. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở chân hoặc tay, người bệnh ngoài triệu chứng sưng ngón tay thì còn bị ngứa sốt. Tuy nhiên bệnh lý này rất ít gặp, thường chỉ xuất hiện ở những người mắc chứng rối loạn phát triển hoặc ở bệnh nhân điều trị ung thư.
10. Tiền sản giật
Phụ nữ lần đầu mang thai hoặc người trên 40 tuổi mang thai thường có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Ngoài sưng phù ở tay chân và mặt, chứng tiền sản giật còn gây ra những triệu chứng khác như buồn nôn, tăng cân nhanh, đau bụng trên phía bên phải, vấn đề về thị lực,… Khi này, cần sớm tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và phòng tránh các triệu chứng nguy hiểm.
11. Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các mô dưới da. Tình trạng này có thể diễn ra khi người bệnh có vết thương hở nhưng không vệ sinh sạch sẽ, hoặc người đang bị suy yếu miễn dịch. Bệnh gây sưng tấy, đau, mẩn đỏ ở ngón tay nhưng không thường gây ngứa. Ngứa hầu như chỉ xuất hiện khi tình trạng thuyên giảm và da đang bắt đầu lành.
12. Bệnh lý về gan thận
Hoạt động của thận gặp vấn đề sẽ gây nguy cơ không thể đào thải chất lỏng dư thừa, gây tích trữ muối natri trong cơ thể, khiến chân, mắt cá chân hoặc ngón tay trở nên sưng phù. Bên cạnh đó thì khi chức năng gan suy giảm do xơ gan, viêm gan, các bộ phận như tay, chân, mặt cũng có thể bị sưng phù và ngứa ngáy do không thể đào thải độc tố.
II - Cách xử lý tình trạng ngón tay bị sưng và ngứa
Sưng phù và ngứa ngón tay cần được xử lý ngay từ sớm, nếu để kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến cử động vùng bàn tay. Dưới đây là một số cách xử lý ngón tay bị sưng phù và ngứa như sau:
- Cần thăm khám để tìm ra được nguyên nhân chính xác gây sưng phù, ngứa ở ngón tay để có thể chọn lựa cách thức điều trị phù hợp và đem lại hiệu quả cao.
- Có thể giảm nhanh cơn đau hoặc ngứa ở ngón tay bằng cách ngâm cả bàn tay vào chậu nước muối ấm. Điều này sẽ giúp làm sạch vùng ngón tay đang bị tổn thương.
- Nếu ngón tay bị sưng đỏ là do bệnh gout, nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, giảm bớt muối và tránh tiêu thụ các loại hải sản.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm không lành mạnh như: đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ… để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
- Có thể xoa bóp, massage thường xuyên ngón tay bị đau hoặc vùng bàn tay bị tổn thương.
- Bôi thuốc giảm ngứa, sưng phù hợp, chẳng hạn kem hydrocortisone 1%.
Xem ngay: Cách trị ngứa lòng bàn tay hiệu quả ngay tại nhà
Thật sự khó chịu và khổ sở khi ngón tay bị sưng đỏ, ngứa ngáy. Điều này cản trở bạn hoạt động vùng tay, ảnh hưởng đến công việc và học tập. Ngay từ bây giờ, hãy bỏ túi cho mình những kiến thức hữu ích để dễ dàng vượt qua tình trạng này nhé.
DS. Ly
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại
Link gốc: https://cuocsong.giaoducthoidai.vn/ngon-tay-bi-sung-phu-man-do-va-ngua-la-benh-gi-xu-ly-the-nao-n21894.html