Viêm, đau khớp nên chườm nóng hay lạnh?

2023-06-16 10:43:03

Chườm lạnh hoặc chườm nóng khi bị đau nhức xương khớp được xem là giải pháp giảm đau nhanh chóng, tiện lợi nhiều người lựa chọn. Vậy trong những trường hợp nào chúng ta nên chườm nóng, trường hơp nào thì chườm lạnh? Kỹ thuật chườm như thế nào mới là đúng chuẩn? Cùng tim hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

I - Chườm nóng, chườm lạnh giúp giảm đau khớp như thế nào?

Những cơn đau nhức xương khớp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như ảnh hưởng từ chấn thương va chạm, tình trạng viêm sưng khớp, thoái hóa... Việc sử dụng nhiệt nóng hoặc lạnh để chườm sẽ mang lại những cơ chế tác động khác nhau:

  • Chườm nóng: Nhiệt độ nóng sẽ khiến mạch máu mở rộng, tăng khả năng lưu thông máu cũng như dưỡng chất và oxy, từ đó giảm đau và đặc biệt rất tốt cho các trường hợp bị co cứng khớp.
  • Chườm lạnh: Nhiệt độ lạnh sẽ làm mạch máu co thắt lại, giảm lưu lượng máu tuần hoàn và làm gián đoạn tín hiệu của cơn đau truyền tới não, do đó sẽ giúp người bị đau nhức xương khớp cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên phương pháp này thường gây một chút khó chịu lúc mới bắt đầu chườm.
đau khớp chườm nóng hay lạnh

II - Đau khớp nên chườm nóng hay chườm lạnh?

Theo các bác sĩ, chườm lạnh nên áp dụng cho các cơn đau nhức xương khớp cấp tính, cơn đau do chấn thương, có triệu chứng viêm và sưng tấy. Còn chườm nóng nên dùng cho các cơn đau mãn tính, đau âm ỉ, khớp bị co cứng,... Ngoài ra chườm lạnh nên được thực hiện ngay khi xuất hiện cơn đau, tối đa là 2 ngày để phát huy hiệu quả tốt nhất.

1. Những trường hợp nên chườm lạnh

  • Gặp chấn thương (ngã, va chạm,..) khiến trật khớp, bong gân.
  • Cơn đau (lưng, vai, cổ, gáy, đầu gối,...) do bê đồ nặng hoặc bê vác không đúng cách.
  • Chứng viêm khớp cấp tính.
  • Cơn đau do bệnh Gout.

XEM THÊM: Nguyên nhân gây đau khớp gối khi trời lạnh

chườm lạnh giúp giảm đau khớp gối

2. Những trường hợp nên chườm nóng

  • Khớp bị co cứng.
  • Chuột rút.
  • Viêm khớp mãn tính.
  • Cơn đau khớp sau khi đã chườm lạnh 2 ngày.

Lưu ý nếu là vết thương hở, bị sưng tím thì không nên chườm nóng. Dù chườm nóng hay chườm lạnh, bạn nên thực hiện tối thiểu 2 lần mỗi ngày, riêng chườm lạnh cần áp dụng sớm trong vòng 2 ngày đầu tiên kể từ khi cơn đau xuất hiện, mỗi lần chườm từ 5 - 10 phút.

NÊN ĐỌC: Có nên xoa bóp khi bị đau khớp đầu gối không?

chườm nóng giảm đau đầu gối

III - Hướng dẫn cách chườm nóng, chườm lạnh khi bị đau khớp

Phương pháp này là dùng nhiệt trị liệu để làm nóng hay làm lạnh một vị trí trên cơ thể với mục đích hỗ trợ giảm đi tình trạng viêm, sưng đau các khớp. Biện pháp giảm đau xương khớp này tuy đơn giản nhưng cần thực hiện đúng kỹ thuật để phát huy tối đa hiệu quả.

1. Các kỹ thuật chườm nóng

Chườm nóng là một liệu pháp tạo sức nóng lên vùng da bị tổn thương, làm giãn nở động mạch, tăng cường tuần hoàn máu, giảm sưng, thư giãn các cơ khớp. Bên cạnh đó nguồn nhiệt nóng còn giúp an thần, thư giãn hệ thần kinh nhờ đó mà mọi người cảm nhận cơn đau dễ chịu, nhẹ nhõm hơn.

Đối với kỹ thuật chườm nóng, mọi người chủ yếu dùng các vật dụng sinh nhiệt phổ biến như túi chườm nóng, túi sưởi, chai nước nóng, đai quấn nóng… chườm trực tiếp lên vùng bị đau. Những bạn làm công việc văn phòng, đi du lịch hay đi chơi xa có thể dùng khăn nóng hoặc miếng dán giữ nhiệt nhỏ gọn để xua tan đi ngay cảm giác đau nhức khi cơn đau xương khớp bùng phát.

  • Dùng khăn chườm nóng: Nhúng 1 chiếc khăn sạch vào nước nóng chừng 60 - 70 độ, ngâm khoảng 1 - 2 phút rồi lấy ra vắt khô. Dùng khăn và chườm lên vùng khớp đang bị đau nhức. Chú ý tự điều chỉnh nhiệt độ nóng vừa phải phù hợp với bản thân. Chườm nóng khoảng 10 - 15 phút là hợp lý, mỗi ngày chườm từ 3 - 5 lần.
  • Ngâm mình trong bồn nước nóng: Hoặc tắm nước nóng, tắm bùn trong khoảng 34 - 38 độ C. Việc ngâm mình trong nước ấm giúp máu huyết lưu thông đến các chi, cơ bắp tăng tốc độ phục hồi, dịu nhanh đi những cơn đau nhức xương khớp, cơ bắp.
  • Sử dụng túi chườm nóng: Dùng kiểu túi sưởi, túi chườm ấm da, trong quá trình thực hiện mọi người cần hết sức cẩn thận. Chúng ta không nên dùng hay ngồi gần khi đang cắm điện. Khi chườm nên lót một chiếc khăn tại vị trí cần chườm rồi mới đặt túi chườm lên vừa giúp túi chườm giữ được lượng nhiệt lâu hơn, vừa đỡ làm tổn thương da.

THAM KHẢO: Cách trị đau khớp gối bằng lá lốt

chườm nóng khi đau nhẹ, đau do cứng khớp

Lưu ý khi thực hiện việc chườm nóng:

  • Khi chườm tốt nhất các bạn nên dùng nhiệt độ ấm, vừa phải tránh dùng ở nhiệt độ quá nóng có thể gây bỏng rát làn da.
  • Các bạn cần lưu ý khi chườm nóng lên vị trí đau nhức, thời gian chườm hợp lý là từ 10 - 15 phút.
  • Còn khi tắm nước ấm hoặc xông hơi thì bạn có thể kéo dài thời gian từ 30 phút lên đến một, hai giờ đồng hồ.
  • Thực hiện đều đặn biện pháp chườm nóng khoảng chừng một tuần các bạn sẽ thấy những cơn đau sẽ giảm bớt.
  • Đối với những vùng tổn thương sưng, nóng, đỏ, vết thương hở, bầm tím hay sưng tấy, vùng bị mất cảm giác thì không nên chườm nóng.

2. Các kỹ thuật chườm lạnh

Đối với phương pháp chườm lạnh, nhiệt độ thấp tác động tới vùng bị đau sẽ khiến các mạch máu co lại, quá trình lưu thông máu chậm lại. Nhờ đó mà vùng bị tổn thương đỡ đi tình trạng phù nề, đau nhức. 

Dưới đây là những cách được mọi người áp dụng phổ biến nhất:

  • Lấy một chiếc khăn mềm, sạch sẽ sau đó giặt qua với nước lạnh rồi chườm lên vị trí đau nhức. Sau đó để nguyên như vậy cho tới khi chiếc khăn hết đi độ lạnh thì thôi.
  • Có thể dùng túi gel lạnh, túi chườm lạnh đắp lên vùng bị đau khoảng từ 4 - 5 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng từ 15 - 20 phút giúp giảm đi cơn đau nhức, phù nề.
  • Dùng đá lạnh bỏ vào túi nilon hoặc đắp một chiếc khăn mỏng mềm lăn qua lăn lại theo chuyển động tròn từ 6 - 7 phút, lặp lại 3 - 4 lần mỗi ngày.
  • Khi bị đau nhức ở bàn tay, bàn chân thì cách tốt nhất là các bạn nên ngâm chúng vào cả chậu nước lớn. Khi đó nhiệt lạnh tác động được đến các khớp nhỏ bị sưng đau, cứng khớp.

Nói chung tùy vào tình trạng mức độ đau, điều kiện khác nhau mà mình sẽ chọn ra cách thức chườm lạnh phù hợp, thông dụng và dễ dàng nhất.

chườm lạnh khi gặp cơn đau cấp tính

Một số điều cần lưu ý khi thực hiện chườm lạnh:

  • Việc chườm lạnh không nên để quá lâu bởi như vậy da sẽ bị tê cóng, gần như mất cảm giác, các mô mềm bị tổn thương không nhận được dưỡng chất, oxy để phục hồi trở lại.
  • Thứ hai là chúng ta không nên dùng đá viên để chườm trực tiếp lên da mà nhất thiết cần phải dùng khăn mềm, túi hoặc tấm vải sạch bọc vào rồi mới chườm.
  • Mỗi lần chườm chỉ cần thực hiện từ 20 - 25 phút, mỗi lần chườm được khoảng từ 5 - 10 phút nên dừng chườm và kiểm tra màu da. Nếu da đỏ ứng hay có dấu hiệu bị tổn thương thì nên ngừng lại. Trong vòng 48 giờ đồng hồ kể từ khi chườm lạnh, cảm giác đau nhức sẽ dần dần thuyên giảm đi.
  • Việc chườm lạnh không nên thực hiện tại những vùng da bị phồng rộp, tê bì mất cảm giác hay có những vết thương hở.
  • Chườm lạnh mang lại hiệu quả tốt nhưng riêng đối với những người có các vấn đề về mạch máu, dễ bị tê cóng khi gặp nhiệt độ lạnh, có vấn đề về hệ thần kinh giao cảm thì nên thận trọng khi thực hiện phương pháp này.

IV - Chườm nóng, chườm lạnh có chữa đau nhức xương khớp triệt để không?

Chườm nóng, chườm lạnh thông dụng và dễ thực hiện giúp giảm đau nhức xương khớp. Song biện pháp hỗ trợ này chỉ mang lại tác dụng tạm thời, giảm nhẹ đi cơn đau nhức trong khoảng thời gian ngắn khiến người bệnh dễ chịu hơn chứ không thể chữa khỏi dứt điểm.

Khi chườm nóng hoặc chườm lạnh mà cảm thấy các triệu chứng nặng hơn thì nên ngừng lại phương pháp này mà hãy xem xét chuyển sang thực hiện phương pháp khác. Ngoài ra nếu áp dụng đơn thuần mà không kết hợp thêm các liệu pháp điều trị hay các sản phẩm giảm đau khác thì công dụng giảm đau tức thời cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.

Đau nhức xương khớp nên chườm lạnh hay chườm nóng sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể để áp dụng, mỗi cách thức sẽ mang lại những hiệu quả khác biệt giúp giảm nhẹ cơn đau. Song để chữa trị hiệu quả cần đi thăm khám sớm để xác định chính xác cơn đau khớp bắt nguồn từ nguyên nhân nào, từ đó có phương pháp điều trị tương ứng.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ