Cường kinh là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả

2022-09-05 11:02:00

Trong các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, cường kinh cũng là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ. Cường kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân và đôi khi nó là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nguy hiểm. Cùng tìm hiểu cường kinh là gì, nguyên nhân và cách chữa trị như thế nào trong phần dưới đây.

Có những kỳ kinh nguyệt, phụ nữ cảm thấy lượng máu ra nhiều hơn bình thường. Hiện tượng này thường được gọi là cường kinh. Cũng giống như rong kinh, thống kinh, kinh thưa, bế kinh… thì cường kinh cũng là một dạng của chứng rối loạn kinh nguyệt.

I. Cường kinh là gì?

Cường kinh (menorrhagia) là hiện tượng ra quá nhiều máu hành kinh cụ thể là nhiều hơn 80ml trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, máu kinh thường thấm đẫm băng vệ sinh và cần phải thay băng vệ sinh liên tục (khoảng 1-2 giờ/lần thay băng). Máu ra nhiều bất thường, thậm chí ra ồ ạt, liên tục trong suốt những ngày hành kinh, dễ khiến cơ thể mất máu, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi.

Khái niệm cường kinh thường bị nhiều người nhầm lẫn với khái niệm rong kinh (metrorrhagia). Rong kinh chỉ tình trạng chảy máu kinh kéo dài so với bình thường, số ngày ra máu hành kinh kéo dài trên 1 tuần dù lượng máu ra ít hay nhiều. Lý do là bởi thực tế trong những đợt bị cường kinh cũng hay có xuất hiện kèm với rong kinh, khiến lượng máu mất đi vừa nhiều lại vừa kéo dài. Cường kinh hay gặp ở phụ nữ trẻ (kinh nguyệt chưa kèm rụng trứng) và phụ nữ tiền mãn kinh.

cuong-kinh-la-gi
Cường kinh có thể gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe chị em phụ nữ

Cường kinh có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân gây ra. Nhưng đừng chủ quan trước bất kỳ rối loạn nào của kinh nguyệt nói riêng và sức khỏe sinh sản nói chung.

II. Dấu hiệu nhận biết cường kinh 

Nữ giới gặp vấn đề cường kinh thường có biểu hiện như sau:

  • Trong thời gian hành kinh, lượng máu ra rất nhiều một cách bất thường (so với những lần hành kinh bình thường trước đó). Nếu có thể đo (bằng cốc nguyệt san) thì lượng máu kinh có thể vượt qua 100 - 200ml (trong khi bình thường cơ thể chỉ mất khoảng 50-80ml mỗi chu kỳ).
  • Máu ra nhiều và liên tục đến nỗi phụ nữ phải thay băng vệ sinh theo giờ, cứ cách 1-2 giờ là đã phải cần thay băng vệ sinh. Nếu dùng cốc nguyệt san có thể bị tràn vì không tính toán được thời gian chính xác cần đổ.
  • Tỉnh dậy nhiều lần để thay băng vệ sinh vào ban đêm.
  • Máu có nhiều cục đông đường kính có thể lên đến trên 2cm, kèm theo những cơn đau bụng kinh có thể từ âm ỉ đến dữ dội, cơ thể mệt mỏi xanh xao, buồn nôn, chóng mặt… do mất số lượng máu lớn.
  • Cường kinh cũng có thể kèm theo rong kinh nếu tình trạng hành kinh vừa ra nhiều vừa kéo dài quá 7 ngày. Nếu xảy ra cả 2 triệu chứng trên vừa cường kinh vừa rong kinh, thì mức độ rối loạn sẽ nặng hơn.
  • Vận động, sinh hoạt thường gặp nhiều hạn chế do mất quá nhiều máu.
ra-mau-nhieu
Máu ra nhiều là một trong những dấu hiệu nhận biết của cường kinh

III. Nguyên nhân gây ra cường kinh ở phụ nữ

Cường kinh nếu chỉ xảy ra trong 1-2 chu kỳ rồi kết thúc, kinh nguyệt trở lại bình thường thì không quá đáng lo. Tuy nhiên, trong bất cứ kỳ kinh nào có xuất hiện cường kinh, phụ nữ cũng không được chủ quan, cần phải theo dõi sự thay đổi của cơ thể trong suốt chu kỳ để nhận biết các dấu hiệu kèm theo xem mức độ nặng nhẹ đến đâu và có phương án can thiệp kịp thời.

Đặc biệt nếu cường kinh nếu xuất hiện liên tục trong nhiều chu kỳ liên tiếp thì rất đáng lo ngại, đó hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm. “Thủ phạm” gây cường kinh có thể xuất phát từ một trong những nguyên nhân sau:

Rối loạn nội tiết tố

Cường kinh có thể đến từ việc mất cân bằng nội tiết tố và điều này thường xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh do sự suy giảm estrogen. Có thể cải thiện tình trạng này bằng cách dùng một số loại thuốc để ổn định nội tiết tố, giảm chảy máu kinh nguyệt quá nhiều.

Polyp cổ tử cung

Thường tồn tại ở dạng u nhỏ, phân bố rải rác theo suốt chiều dọc niêm mạc của cổ tử cung. Polyp cổ tử cung có thể làm “đảo lộn” chu kỳ kinh nguyệt, chèn ép tới vùng niêm mạc cổ tử cung và gây ra cường kinh. Polyp cổ tử cung được hình thành do sự tăng cao estrogen, nhiễm trùng, viêm sưng mạch máu tại bộ phận này. Đối tượng dễ gặp phải tình trạng polyp cổ tử cung bao gồm: chị em đã từng sinh nở, tuổi tác trên 20. 

U xơ tử cung

Loại khối u này thường ở dạng lành tính, nguyên nhân hình thành u xơ tử cung có thể là do rối loạn hormone estrogen. Khối u xơ có thể làm tổn thương niêm mạc tử cung, làm gia tăng lượng máu kinh nguyệt một cách bất thường. Nhóm người thường gặp phải u xơ tử cung thường là nữ giới trên 30 tuổi.

Polyp phát triển từ lớp nội mạc tử cung

Người mắc bệnh lý này có thể có biểu hiện cường kinh. Các khối polyp phát triển từ lớp nội mạc tử cung thường ở dạng lành tính, nhưng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Tác nhân gây ra loại polyp này có thể là do tăng cao nồng độ estrogen liên quan đến sử dụng thuốc bổ sung nội tiết tố, hoặc u buồng trứng. 

Ung thư cổ tử cung

U ác tính ở vùng cổ tử cung có thể gây hại cho lớp niêm mạc cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thể làm “đảo lộn” kinh nguyệt nghiêm trọng, và cường kinh. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được “thủ phạm” phổ biến gây ung thư cổ tử cung đó là nhiễm virus HPV. 

Lupus

Cường kinh có thể triệu chứng phổ biến của bệnh lupus và có liên quan đến sự rối loạn của hệ thống miễn dịch. Không chỉ tác động tới kinh nguyệt, căn bệnh lupus còn gây tổn thương tới thận, khớp, da, máu…

Bệnh viêm tiểu khung

Đây là trạng thái nhiễm trùng ở một trong các bộ phận trong tiểu khung như cổ tử cung, vòi trứng, tử cung… Bệnh lý này có thể làm rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, và dẫn đến cường kinh. Nguyên nhân gây ra viêm tiểu khung có thể là phẫu thuật các bộ phận sinh sản, sảy thai, quan hệ tình dục không an toàn… 

Ung thư nội mạc tử cung

Tế bào ung thư ác tính ở vùng nội mạc tử cung có thể gây ra rối loạn chức năng cho bộ phận này. Khi chúng ngày càng phát triển thì có thể khiến cho kinh nguyệt bất thường, tăng nguy cơ cường kinh.

Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân như đã trình bày ở trên, cường kinh còn liên quan đến một số yếu tố khác như dùng dụng cụ tránh thai, mắc bệnh rối loạn đông máu

polyp-co-tu-cung
Cường kinh có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm

IV. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Ra máu kinh nguyệt nhiều thường không đe dọa đến tính mạng, nhưng có thể nguy hiểm nếu cường kinh khiến bạn mất quá nhiều máu. Trong trường hợp sau đây, cường kinh có thể gây nguy hiểm và bạn cần đi khám bác sĩ ngay: 

  • Lượng máu chảy ra quá nhiều dẫn đến thiếu máu hay gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng. Lượng máu ra quá nhiều, có thể đến mức ướt đẫm 2-3 băng vệ sinh cùng một lúc, liên tục trong 1-2 giờ.
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • Chảy máu âm đạo sau thời kỳ mãn kinh.

V. Các phương pháp điều trị cường kinh

Sau khi thăm khám và thực hiện các biện pháp chẩn đoán, xác định nguyên nhân và tùy theo mức độ cường kinh bác sĩ có thể sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau đây:

4.1. Điều trị cường kinh theo nội khoa

dieu-tri-noi-khoa-cuong-kinh
Điều trị nội khoa áp dụng với trường hợp nhẹ, có tác dụng kiểm soát lượng máu kinh

Việc điều trị nội khoa là ưu tiên hàng đầu đối với nữ giới cường kinh, thường áp dụng cho chị em có triệu chứng nhẹ hoặc mới bị cường kinh. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc điều trị như:

  • Thuốc cầm máu: Loại thuốc được dùng cho trường hợp phụ nữ ra quá nhiều máu kinh nguyệt do quá trình đông máu bị rối loạn. Ví dụ như desmopressin, axit tranexamic.
  • Thuốc tránh thai: Nhóm thuốc này có công dụng ổn định chu kỳ kinh nguyệt, giảm cường kinh. Ngoài ra, nữ giới cũng có thể kết hợp thêm với đặt vòng âm đạo để hạn chế máu kinh nguyệt chảy nhiều.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng để dự phòng và chữa trị viêm nhiễm vùng kín do chảy máu kinh nguyệt quá nhiều gây ra. 
  • Thuốc Ulipristal acetate: Được sử dụng cho phụ nữ bị u xơ tử cung và rối loạn kinh nguyệt, hay cường kinh. Ulipristal acetate sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển u xơ tử cung, nhờ vậy mà giảm cường kinh.

4.2. Điều trị cường kinh theo ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật, được áp dụng cho trường hợp dùng thuốc nhưng không cải thiện. 

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây cường kinh mà có thể lựa chọn các hình thức phẫu thuật như sau:

- Bóc tách hoặc phẫu thuật nội soi, hoặc thuyên tắc động mạch: Được tiến hành trong trường hợp polyp cổ tử cung, u xơ tử cung.

- Đốt nội mạc tử cung: Biện pháp can thiệp này giúp loại bỏ lớp nội mạc tử cung, “chặn đứng” lượng máu chảy quá nhiều và có thể dẫn đến tắt kinh tạm thời. Tuy nhiên, cơ hội mang thai ở những phụ nữ đã đốt nội mạc tử cung là rất thấp, nhưng vẫn giữ được cấu trúc tử cung.

- Nội soi lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm: Được thực hiện với chị em mắc cường kinh do polyp từ lớp nội mạc tử cung.

- Cắt bỏ tử cung: Nếu cường kinh quá nghiêm trọng, và người bệnh không có nhu cầu sinh nở thì có thể tiến hành cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị cuối cùng, khi mà những can thiệp khác không hiệu quả.

Trên đây là những thông tin về cường kinh mà chị em phụ nữ cần biết để phòng tránh cũng như có được phương pháp chữa trị hiệu quả. Nếu như cường kinh liên tục kéo dài kèm theo những triệu chứng khác lạ, nhất định phụ nữ cần phải chú ý, không được chủ quan.

Rối loạn kinh nguyệt gây ra những biến chứng không tốt về mặt tâm lý, tinh thần, nhan sắc và sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Vì thế, cần sớm tìm ra một giải pháp tốt, an toàn, hiệu quả để điều hòa kinh nguyệt cũng như duy trì được sức khỏe tổng thể tốt.

thông tin tư vấn

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ