Máu kinh ra nhiều ồ ạt là do đâu? Xử lý như thế nào?

2022-09-05 11:02:00

Máu kinh ra nhiều ồ ạt là hiện tượng bất thường, gây nên nhiều phiền toái và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Do vậy, chị em cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra biểu hiện kinh nguyệt bất thường này để đảm bảo duy trì ổn định chức năng cơ quan sinh sản và sức khỏe tổng thể của cơ thể.

I. Dấu hiệu nhận biết kinh nguyệt ra nhiều

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý diễn ra mỗi tháng trong cuộc sống của người phụ nữ. Trong giai đoạn hành kinh này, rất nhiều người gặp phải tình trạng máu kinh nguyệt chảy ra với lượng tương đối lớn - đây cũng là dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt

Kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt thường chỉ đến tình trạng trong một kỳ kinh nguyệt lượng máu chảy ra nhiều liên tục có thể lên đến trên 80ml hoặc máu kinh chảy kéo dài hơn 7 ngày, với những dấu hiệu như sau:

  • Máu kinh ra nhiều đến nỗi phải thường xuyên thay băng vệ sinh (chưa đầy 1 tiếng hoặc 2-3 tiếng đã phải thay băng, máu kinh thấm đẫm băng vệ sinh).
  • Kinh nguyệt kéo dài liên tục hơn 7 ngày và lượng máu ra không giảm.
  • Vào ban đêm cũng phải thay băng vệ sinh nhiều lần.
  • Xuất hiện nhiều cục máu đông lớn.
  • Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức nhiều hơn thông thường.
Máu kinh ra nhiều ồ ạt
Máu kinh ra nhiều ồ ạt bất thường có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau

II. Nguyên nhân dẫn đến máu kinh ra nhiều ồ ạt

Một số trường hợp phụ nữ bị máu kinh ra nhiều ngay khi bắt đầu có hành kinh, tuy nhiên thì lại có những trường hợp máu kinh chảy nặng ở những thời điểm nhất định như sau khi sinh con, sau khi sử dụng các biện pháp tránh thai, giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh... Có nhiều “thủ phạm” gây ra hiện tượng máu kinh ra nhiều ồ ạt, cụ thể như:

1. Không phải do bệnh lý

  • Căng thẳng quá mức: Stress diễn ra trong thời gian dài có thể tác động lớn đến nội tiết tố và kinh nguyệt ở phái nữ, có thể dẫn đến ra nhiều máu kinh nguyệt. 
  • Tác dụng phụ của thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai có thể gây ra tác dụng phụ máu kinh ra nhiều ồ ạt, nhất là khi mới bắt đầu dùng thuốc hoặc thay đổi thuốc. Ngoài ra, thuốc tránh thai có thể làm rối loạn kinh nguyệt, hoặc ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu dinh dưỡng: Ăn uống không đủ chất, hoặc không đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các chất dinh dưỡng có thể làm “đảo lộn” chu kỳ kinh nguyệt khiến lượng máu kinh ra nhiều bất thường.
  • Tiền mãn kinh: Nội tiết tố thay đổi trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể là nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt.
  • Sinh hoạt không điều độ: Thói quen sinh hoạt không khoa học (thức khuya, hút thuốc lá, ít vận động, thiếu thời gian nghỉ ngơi) có thể làm thay đổi các quá trình sinh hóa trong cơ thể người phụ nữ và điều này khiến máu kinh chảy nhiều ồ ạt. 
  • Vận động quá nhiều, hoạt động thể chất quá mức: Lao động nặng hoặc tập luyện vận động nhiều có thể ảnh hưởng đến nội tiết, nhịp sinh học của cơ thể. Và gây ra hậu quả là làm cho tăng số lượng máu kinh khi “rụng dâu”.

2. Nguyên nhân do bệnh lý gây ra

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Nếu tỷ lệ về nồng độ các hormone sinh dục trong cơ thể phái nữ không cân bằng có thể gây ra hiện tượng rối loạn nội tiết, kích thích làm niêm mạc tử cung dày hơn, bong ra và gây chảy máu kinh nhiều.
  • Rối loạn đông máu: Nếu mắc phải các rối loạn liên quan đến đông máu (điển hình như Von Willebrand), hoặc bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc chống đông máu thì nữ giới cũng có nguy cơ ra nhiều máu hành kinh.
  • Polyp tử cung: Đây là tình trạng xuất hiện nhiều khối u “ngự trị” lên vùng niêm mạc tử cung. Các khối u này gây chèn ép và làm tổn thương tới lớp niêm mạc của bộ phận này. Và gây ra hiện tượng ra nhiều máu kinh và các vấn đề khác (viêm nhiễm phụ khoa, xuất hiện các cơn đau).
  • U xơ tử cung: Thường ở dạng lành tính, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, và làm tổn thương niêm mạc tử cung. Do vậy, nhiều trường hợp mắc u xơ tử cung có lượng máu kinh tăng cao.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt và ảnh hưởng đến nội tiết tố ở nữ giới, dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều và không đều.
  • Sử dụng dụng cụ tử cung (IUD): Một số dụng cụ IUD có thể khiến chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn
  • Bệnh lý về tuyến giáp: Cường giáp và suy giáp đều có thể làm cho kinh nguyệt thay đổi thất thường, và một trong số các biểu hiện của tình trạng này là ra nhiều máu kinh.
  • Một số bệnh lý khác: Những bệnh như viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung... cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến máu kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt.
Máu kinh ra nhiều ồ ạt
Kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt gây tràn BVS phải thay thường xuyên

III. Máu kinh ra nhiều ồ ạt có nguy hiểm không?

Máu kinh ra nhiều với số lượng quá lớn có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe, điển hình nhất là gây thiếu máu. Mức độ thiếu máu còn phụ thuộc vào từng trường hợp, ra càng nhiều máu hành kinh thì tình trạng thiếu máu càng nặng. Phụ nữ bị thiếu máu do chảy máu ồ ạt khi “tới tháng” thường có các dấu hiệu: da xanh xao, mệt mỏi, ngất xỉu, hoa mắt, chóng mặt. 

Không chỉ có vậy, ra nhiều máu hành kinh còn gây bất tiện trong cuộc sống thường ngày. Nữ giới cũng cần phải thường xuyên thay băng vệ sinh, một số trường hợp máu kinh ra nhiều ồ ạt có thể kèm theo đau bụng kinh vô cùng khó chịu. 

Máu kinh ra nhiều ồ ạt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm như: rối loạn đông máu, polyp tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung... Do vậy, nữ giới khi bị tình trạng máu kinh ra nhiều ồ ạt kéo dài cần được thăm khám để phát hiện ra các vấn đề của sức khỏe, và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Một số ảnh hưởng về lâu dài bao gồm:

  • Chảy máu liên tục làm cơ thể bị thiếu máu nghiêm trọng, gây ra khó thở, mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
  • Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng.
  • Nguy cơ bệnh lý phát triển nặng, tiến triển xấu thành ung thư.

IV. Cách khắc phục tình trạng kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt

Khi phát hiện thấy máu kinh nguyệt ra nhiều bất thường, chị em nên đến ngay các bệnh viện có chuyên khoa sản phụ khoa để được xử lý đúng cách. Trước tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu, các biện pháp có thể thực hiện bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống đông máu: Thường dùng nhất là transamin, loại thuốc này giúp điều trị chảy máu bất thường, có thể sử dụng cho trường hợp ra máu kinh nguyệt nhiều quá mức.
  • Dùng thuốc co tử cung như: ergometrin, oxytocin... các loại thuốc này dùng để giảm chảy máu âm đạo cho phụ nữ sau sinh, giúp tử cung co hồi về vị trí ban đầu tốt hơn.
  • Dùng kháng sinh: tác dụng phòng ngừa hoặc làm giảm viêm nhiễm và chống nhiễm trùng. Ra nhiều máu kinh nguyệt có thể tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh xâm nhập, tăng nguy cơ nhiễm trùng vùng kín. Tuy nhiên nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc vì có thể gây kháng thuốc kháng sinh.
  • Dùng thuốc chứa hormone: Chẳng hạn như thuốc chứa progesterone để hạn chế sự phát triển của lớp niêm mạc tử cung nếu chảy máu kinh nhiều xuất phát từ nguyên nhân này. Việc dùng thuốc cũng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nạo buồng tử cung cầm máu: Đây là phương pháp giúp lấy nhanh lớp niêm mạc tử cung, để hạn chế chảy máu âm đạo quá nhiều. Thường được áp dụng khi bị rong kinh hoặc chảy máu bất thường.

Sau khi đã cầm được máu cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bệnh lý là nguyên nhân gây ra tình trạng máu kinh nguyệt ra nhiều ồ ạt. Cụ thể là: 

  • Lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung: Phẫu thuật loại bỏ khối u, hoặc dùng thủ thuật để “chặn đứng” dòng máu đi nuôi khối u.
  • Polyp cổ tử cung: Dùng phương pháp sinh thiết để chẩn đoán tế bào lành tính hoặc ác tính, trường hợp lành tính thì đốt khối polyp
  • Polyp buồng tử cung: Có thể dùng biện pháp cắt polyp bằng nội soi.
  • Rối loạn nội tiết: Dùng thuốc giúp điều hòa nội tiết tố để hạn chế lượng máu kinh ra nhiều trong những lần hành kinh tiếp theo.
  • Ung thư cổ tử cung: Tùy theo từng giai đoạn và mức độ ung thư cổ tử cung mà có thể áp dụng biện pháp như sử dụng thuốc, xạ trị, hóa trị, hoặc phẫu thuật.

Hy vọng với những thông tin về máu kinh ra nhiều ồ ạt như đã trình bày ở trên đã giúp các chị em có thêm các kiến thức hữu ích, có được biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Nên thực hiện thăm khám phụ khoa cũng như sức khỏe tổng thể định kỳ 6 tháng - 1 năm/ lần để có thể sớm phát hiện các yếu tố sức khỏe bất thường và có các biện pháp can thiệp kịp thời để nếu có bệnh lý thì có thể điều trị bệnh trong giai đoạn sớm nhất.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ