Hay bị tỉnh giấc giữa đêm là bệnh gì? Cách điều trị ra sao?

2023-07-06 09:02:55

Có rất nhiều người thường hay bị tỉnh giấc giữa đêm mà không hiểu nguyên nhân do đâu, một số người có thể tiếp tục ngủ nhưng cũng không ít người không thể ngủ lại sau đó. Cũng có người chỉ thỉnh thoảng mới gặp hiện tượng thức giấc giữa đêm, nhưng có nhiều người lại thường xuyên gặp phải. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết lý do hay bị tỉnh dậy vào nửa đêm và cách điều trị.

I - Những nguyên nhân khiến bạn tỉnh giấc giữa đêm phổ biến

Hiện tượng bị tỉnh giấc giữa đêm có thể tới từ một số yếu tố khách quan như tâm lý, môi trường, thói quen sinh hoạt... nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý mà bạn không hay biết. Vì vậy việc thăm khám bác sĩ sẽ là phương án tốt để bạn tìm ra chính xác lý do vì sao bản thân bị thức giấc vào nửa đêm. Dưới đây là một số lý do và bệnh lý phổ biến nhất:

1. Do stress, căng thẳng

Đây được xem như lý do phổ biến nhất cho vấn đề bị thức giấc lúc nửa đêm. Bởi cơ thể và tâm trí luôn được kết nối với nhau, khi tâm lý bị căng thẳng sẽ khiến cơ thể tăng cường tiết các hormone như cortisol và adrenaline để sẵn sàng cho tâm thế chiến đấu hay đối mặt. Do đó Stress, căng thẳng quá độ sẽ khiến người bệnh ngủ không sâu giấc, giấc ngủ không được trọn vẹn, lúc nào cũng trong trạng thái có thể tỉnh bất cứ lúc nào.

stress dễ gây tỉnh giấc giữa đêm

2. Chứng rối loạn giấc ngủ

Có rất nhiều kiểu rối loạn giấc ngủ với những triệu chứng và nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên bất cứ kiểu nào cũng đều có điểm chung là khiến bạn dễ bị tỉnh giấc vào giữa đêm, ví dụ:

  • Chứng mất ngủ: Đây là kiểu rối loạn giấc ngủ phổ biến hàng đầu. Những người mắc bệnh mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu và cũng khó duy trì giấc ngủ. Những người này rất hay bị thức giấc giữa đêm và thường không đi ngủ lại được sau đó hoặc rất khó để tiếp tục ngủ.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Đây là hiện tượng mà hệ thống hô hấp bị gián đoạn và ngưng hoạt động tạm thời. Khi đó não cảm nhận được lượng oxy đang bị thiếu thì sẽ kích hoạt cơ chế khiến cơ thể tỉnh giấc để có đủ oxy trở lại. Vì vậy trong một đêm người bệnh có thể bị thức giấc nhiều lần.
  • Hội chứng chân không yên: Đây là hiện tượng khiến chân cảm thấy nhức nhối, giật lên hoặc buộc chân di chuyển vô thức và thường xuất hiện trong lúc nghủ hay nghỉ ngơi. Những cảm giác hoặc chuyển động này sẽ là tác nhân đủ để bạn bị tỉnh dậy lúc nửa đêm.
  • Rối loạn vận động chân tay định kỳ: Đây cũng là chứng bệnh khiến chân tay sẽ chuyển động không tự chủ, khá tương đồng với chứng chân không yên. Tuy nhiên người bị Rối loạn vận động chân tay định kỳ sẽ không có cảm giác khó chịu, nhức nhối ở chân, họ sẽ hoàn toàn rất thoải mái. Chỉ tới khi ngủ thì chân tay mới tự vận động và khiến bị thức giấc giữa đêm.
  • Ác mộng: Tuy không được coi là một kiểu rối loạn giấc ngủ chính thức, tuy nhiên nó cũng diễn ra trong các giai đoạn của giấc ngủ. Ác mộng trong mơ thường khá chân thật và gây sợ hãi cực độ nên kích hoạt cơ chế bảo vệ của cơ thể, do đó bạn thường bị giật bắn mình và tỉnh lại trong sự sợ hãi.

XEM THÊM: Mất ngủ kéo dài bao lâu thì được coi là bất thường?

3. Chứng tiểu đêm

Đây cũng là lý do cho hiện tượng tỉnh dậy giữa đêm rất phổ biến. Người bị tiểu đêm thường do đã uống nhiều nước trước khi ngủ hoặc thận và bàng quang hoạt động không ổn định, áp lực trong đường tiết niệu gia tăng khiến cơ thể bị thôi thúc muốn đi giải, từ đó gây thức giấc vào nửa đêm.

chứng tiểu đêm làm tỉnh dậy nửa đêm

4. Các vấn đề về hô hấp

Một số bệnh lý về hô hấp sẽ có thể gây tỉnh giấc giữa đêm do gián đoạn giấc ngủ và giảm lượng oxy trong cơ thể, ví dụ: Viêm xoang, Hen suyễn, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

5. Môi trường ngủ không tốt

Không gian nơi ngủ cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới việc bạn có bị thức dậy vô thức giữa đêm không. Một số yếu tố về môi trường ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ phổ biến nhất gồm:

  • Ánh sáng: Trong phòng ngủ nếu vẫn có ánh sáng từ đèn phòng, đèn đường sẽ làm tác động tới các chu kỳ giấc ngủ và gây tỉnh giấc. Một số loại ánh sáng sẽ làm ức chế hormone melatonin, đây vốn là hormone cần thiết để điều tiết chu kỳ giấc ngủ và thức dậy.
  • Độ ồn: Những loại tạp âm như tiếng xe cộ, tiếng người nói chuyện, tiếng nước chảy... sẽ gây kích thích hệ thần kinh, tiểu não và làm gián đoạn giai đoạn giấc ngủ sâu nên sẽ rất dễ gây giật mình tỉnh giấc.
  • Nhiệt độ và độ ẩm: Nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh đều làm con người dễ bị tỉnh giấc do sự khó chịu trong cơ thể, độ ẩm không hợp lý cũng gây khô họng, mũi hoặc da và cũng làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Thậm chí nếu nhiệt độ và độ ẩm không ổn định, thay đổi nhiều cũng sẽ không tốt cho giấc ngủ, bởi cơ thể sẽ phải thích ứng lại với sự thay đổi.
  • Chất liệu giường, gối: Giường, đệm, gối sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự thoải mái của cơ thể khi ngủ. Vì thế nếu chất liệu hoặc sự thoải mái không tốt sẽ dễ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

NÊN ĐỌC: Mất ngủ 1 đêm có sao không?

môi trường phòng ngủ không tốt gây thức giấc

6. Sử dụng chất kích thích

Các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê... cũng là nguyên nhân khiến nhiều người hay bị thức giấc vào lúc nửa đêm.

  • Rượu bia: Nhiều người có thói quen làm 1 - 2 ly rượu trước khi đi ngủ, mục đích để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều này rất dễ khiến bạn tỉnh giấc vào buổi đêm, vì lúc này rượu đã hết tác dụng. 
  • Cafein: Cafein được biết đến là chất kích thích có hại cho sức khoẻ, thông thường phải mất đến 8h mới hết tác dụng. 
  • Thuốc lá: Nicotine từ thuốc lá khiến giấc ngủ của bạn không được trọn vẹn, nhiều người thức dậy sớm hơn bình thường vì cơ thể họ bắt đầu thèm 1 điếu thuốc.

7. Đảo lộn giờ sinh học liên tục

Đồng hồ sinh học cơ thể thường diễn ra theo chu trình tự nhiên cho đến khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như:

  • Yếu tố tuổi tác.
  • Say xe, say máy bay.
  • Làm ca đêm hoặc xoay ca.
  • Thói quen thức khuya, dậy muộn. Nhất là các dịp cuối tuần hoặc lễ tết được nghỉ dài ngày.
  • Thói quen sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm.
  • Thói quen chơi thể thao ban đêm.

làm việc đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ

II - Hay bị thức giấc giữa đêm phải làm sao để điều trị?

Tỉnh giấc giữa đêm là 1 vấn đề khá phổ biến, trong trường hợp này thuốc không kê đơn thường không mang đến hiệu quả lâu dài cho vấn đề này. Để khắc phục vấn đề này, giúp bạn tận hưởng trọn vẹn giấc ngủ ban đêm sau ngày dài hoạt động, bạn có thể tham khảo các tip sau:

  1. Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và nghiêm chỉnh thực hiện.
  2. Giữ thói quen ngủ trong tâm thế thư giãn, yên tĩnh: Sử dụng 1 tách trà, tắm nước ấm hoặc nghe nhạc nhẹ. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử ánh sáng xanh như máy tính, điện thoại…
  3. Thư giãn cơ thể: Tập yoga nhẹ nhàng hoặc giãn cơ để giấc ngủ ngon hơn. 
  4. Môi trường ngủ: Hạn chế ánh sáng, tiếng ồn và giữ nhiệt độ dễ chịu để sâu giấc hơn. 
  5. Đặt đồng hồ khuất tầm nhìn: Xu hướng nhìn đồng hồ khiến não bộ thấy căng thẳng và khó ngủ trở lại. 
  6. Tránh sử dụng cafein hoặc đồ có cồn. 
  7. Tập thể dụng thường xuyên: Nhưng không nên vận động quá sức gần giờ ngủ vì có thể gây phản tác dụng. 
  8. Tránh hút thuốc: Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, nicotine còn cản trở giấc ngủ của bạn. 
  9. Chỉ đi ngủ khi bạn buồn ngủ: Điều này giúp bạn dễ vào giấc hơn cũng như hạn chế tối đa tỉnh giấc giữa đêm. 
  10. Tránh ngủ nhiều vào ban ngày: Ngủ trưa quá nhiều khiến chu kỳ giấc ngủ bị ảnh hưởng, dễ bị tỉnh giấc vào ban đêm. 
  11. Nếu bạn bị tỉnh giấc và không ngủ lại trong 20 phút: Hãy đi sang phòng khác hoặc làm một vài hành động nhẹ nhàng cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Tuy nhiên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại. 

Nếu bạn tiếp tục bị tỉnh giấc giữa đêm dù đã thử nhiều cách khắc phục, hãy tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Tuỳ vào từng nguyên nhân, mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý hiệu quả, giải quyết sớm vấn đề về giấc ngủ cho bạn.

Bài viết liên quan

Lên đầu trang
Loading
SP Hữu ích Khuyến mãi
Sản phẩm
Liên hệ