Cảnh giác với 7+ vị trí đau đầu nguy hiểm | Kèm nguyên nhân
Tất cả chúng ta đều ít nhất 1 lần trong đời bị chứng đau đầu hành hạ, xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau. Mỗi vị trí đau sẽ phản ánh một hoặc nhiều chứng bệnh khác nhau. Dưới đây là các vị trí đau đầu nguy hiểm bạn tuyệt đối không nên chủ quan.
I - Các vị trí đau đầu nguy hiểm bạn nên cảnh giác và nguyên nhân
1. Đau trên đỉnh đầu
Đỉnh đầu là một trong các vị trí đau đầu nguy hiểm gây nên rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Cơn đau gây ra cảm giác như có vật nặng đè lên đỉnh đầu, cường độ từ trung bình đến dữ dội, đôi khi còn đi kèm với một số triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, khó thở, ngạt mũi, sụp mi mắt, nhìn mờ, đau nhức cổ, vai, gáy...
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đau đỉnh đầu có thể kể đến như:
- Thiếu máu lên não.
- Thời tiết thay đổi gây đau đầu.
- Căng thẳng thần kinh.
- Huyết áp cao.
- Viêm xoang mũi.
- Mất ngủ.
- Đau dây thần kinh chẩm do chấn thương.
- Hội chứng co mạch não có hồi phục.
- Lạm dụng thuốc giảm đau.
- Tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ lạnh.
- Tập thể dục quá sức.
- Đột quỵ.
Thông thường, các cơn đau vị trí đỉnh đầu chỉ xuất hiện thoáng qua và tự động biến mất sau vài phút. Tuy nhiên khi tình trạng đau trở nên nặng hơn, kéo dài trong nhiều ngày sẽ khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt đời thường và có thể dẫn đến những biến chứng khôn lường.
2. Đau đầu phía sau gáy
Đây là những cơn đau xuất phát ở vùng phía sau đầu, cổ và gáy, có thể lan tới đỉnh đầu và 2 bên thái dương. Người bệnh có thể cảm thấy đau dai dẳng, âm ỉ hoặc đau thành từng cơn, mức độ từ nhẹ đến dữ dội, đau như bị điện giật hoặc bó thắt, đôi lúc sẽ đi kèm với rối loạn cảm giác da đầu, cứng cổ, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, khó ngủ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cảm giác đau đầu sau gáy là do:
- Nằm hoặc ngồi sai tư thế.
- Vận động quá mức, mang vác quá nặng.
- Thường xuyên gối đầu quá cao khi ngủ, xem tivi hoặc đọc sách.
- Tâm lý căng thẳng, stress quá mức gây co cơ vùng cổ - gáy.
- Tổn thương cấu trúc vùng cổ - gáy do chấn thương từ sinh hoạt, lao động, hoạt động thể thao.
- Bệnh lý xương khớp: Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, gai đôi đốt sống cổ...
- Các bệnh lý nguy hiểm hơn: Cao huyết áp, hội chứng nhiễm siêu vi, tăng áp lực hộp sọ, viêm màng não, bệnh lý hố sau...
Đa số các trường hợp đau đầu sau gáy là lành tính, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một số bệnh lý nghiêm trọng nếu cơn đau dữ dội hoặc xảy ra quá thường xuyên.
3. Đau một nửa bên đầu
Đau nửa đầu là tình trạng đau chỉ diễn ra ở một bên đầu, có thể kèm theo buồn nôn, nôn mửa, thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ, thậm chí vài ngày. Người bệnh có thể cảm nhận được trước sự xuất hiện của những cơn đau nhờ dấu hiệu hào quang thị giác, tâm trạng thay đổi đột ngột, cơ thể mệt mỏi, uể oải, vị giác thay đổi, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Nhưng đôi khi cơn đau sẽ đến bất ngờ, không báo trước.
Có một số chứng bệnh hoặc yếu tố có thể gây nên triệu chứng đau nửa đầu như:
- Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
- Uống rượu bia, đồ uống chứa cafein.
- Căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Mất ngủ.
- Thay đổi thời tiết.
- Vấn đề nội tiết tố.
- Chứng đau đầu chùm.
- Chứng đau nửa đầu.
- Chấn thương não.
Hiện tượng này cực kỳ phổ biến nên thường không đáng quan ngại. Tuy nhiên nếu đau ở một nửa bên đầu diễn ra dai dẳng thì có thể là do chứng đau nửa đầu đã tiến triển mãn tính. Nếu đau nửa bên đầu kèm sưng, đau ở mắt cùng bên thì có thể do chứng đau đầu chuỗi. Còn nếu cơn đau xuất hiện đột ngột với cảm giác đau, nhói hoặc buốt dữ dội, rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng nguy hiểm như tụ máu não, chấn thương đầu.
Bất kể nguyên do là gì, nếu cơn đau nửa đầu khiến bạn không thể sinh hoạt, làm việc như thông thường thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
4. Đau toàn bộ đầu
Người bệnh sẽ cảm thấy toàn bộ đầu đau nhức chứ không giới hạn ở một vị trí cụ thể. Một số người còn có cảm giác như đầu bị một dải băng siết chặt, thậm chí đau lan đến cổ và vai. Nguyên nhân thường do:
- Căng thẳng kéo dài, đặc biệt là ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
- Cơ thể đang mất nước.
- Căng cơ cổ hoặc vai gáy.
- Các bệnh đau đầu thứ phát.
Nếu tác nhân gây đau nhức toàn bộ đầu là do căng thẳng, mất nước hoặc căng cơ thì triệu chứng thường sẽ tự hết sau khi áp dụng các cách giảm đau thông thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau xuất phát từ các bệnh đau đầu thứ phát (dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não,…) thì đây chắc chắn là triệu chứng đáng lo ngại. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng đau toàn bộ đầu là dấu hiệu của cơn đột quỵ xuất huyết não hoặc thiếu máu não cục bộ.
5. Đau nhức đầu 2 bên thái dương
Đau đầu ở hai bên thái dương cũng là một trong các vị trí đau đầu nguy hiểm bạn tuyệt đối phải hết sức chú ý. Đa phần bệnh nhân thường gặp phải những cơn đau âm ỉ, buốt ở một hoặc cả hai bên thái dương theo đường động mạch vào buổi sáng, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng đau buốt có thể xảy ra, nhưng hiếm hơn.
Những nguyên nhân gây đau đầu ở 2 bên thái dương:
- Đau đầu do căng thẳng.
- Chứng đau đầu vận mạch.
- Viêm động mạch thái dương.
- Bệnh lý răng miệng.
- Chấn thương đầu.
- Khối u.
- Viêm màng não.
- Thiếu máu não.
- Viêm xoang.
6. Đau đầu phía sau tai
Đau đầu sau tai đặc trưng bởi những cơn đau nhói khu vực sau tai, vùng mang tai. Đau kèm cảm giác giật nhẹ tai ở một hoặc cả hai bên, đau khi vận động cổ, đôi khi chạm vào da đầu cũng cảm thấy đau.
Tình trạng này có thể liên quan đến những chứng bệnh như:
- Chứng viêm thần kinh chẩm.
- Viêm xương chũm.
- Rối loạn khớp thái dương hàm.
- Các vấn đề về răng miệng (đi kèm triệu chứng hôi miệng, nhai khó, đau lợi).
Việc chẩn đoán và điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau cụ thể và mức độ đau.
7. Đau đầu khu vực trán, má, mắt
Nếu người bệnh bị đau đầu vùng trán, đặc biệt là khu vực từ thái dương kéo dài đến giữa 2 cung lông mày, nguyên nhân có thể xuất phát từ các bệnh lý như:
- Rối loạn thần kinh chức năng.
- Khối u chèn ép não.
- Hội chứng giao cảm cổ.
- Bệnh mạch máu não.
- Viêm xoang trán.
- Căng thẳng thần kinh quá mức.
Nếu cơn đau đầu xuất hiện ở trong, sau hoặc xung quanh mắt, lan đến má và các khu vực khác trên khuôn mặt, đi kèm với hào quang thị giác hoặc buồn nôn giống như đau nửa đầu thì rất có thể bạn đã bị chứng đau đầu chuỗi (đau đầu cụm). Chứng đau đầu này thường có cường độ dữ dội, xảy ra vào giữa đêm, mỗi cơn đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ, kết thúc đột ngột và khiến người bệnh kiệt sức vì đau đớn. Tuy tỷ lệ mắc đau đầu cụm rất thấp và không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng không thể coi thường bệnh lý này.
II - Khi nào cần can thiệp y tế nếu bị đau đầu ở các vị trí nguy hiểm?
Việc sử dụng các biện pháp y tế để xử lý tình trạng đau nhức ở các vị trí đau đầu nguy hiểm là vô cùng cần thiết và cấp bách. Tùy theo vị trí cụ thể, mức độ đau và các dấu hiệu đi kèm mà các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và chỉ định cách thức điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau để đối phó với cơn đau.
Các trường hợp đau đầu cần can thiệp y tế càng sớm càng tốt:
- Đau nhức dữ dội, đột ngột, tái phát nhiều lần.
- Đau kèm sốt cao, co giật, cứng cổ.
- Cảm thấy yếu một bên người.
- Mất cảm giác ở chân tay.
- Giảm hoặc mất thị lực.
- Khó nói.
- Rối loạn hoặc mất ý thức.
- Đi lại khó khăn.
- Đột nhiên đau đầu kèm chảy máu cam.
- Sau chấn thương bị đau đầu ở các vị trí nêu trên.
III - Nên làm gì để hạn chế đau đầu ở các vị trí nguy hiểm?
- Tránh môi trường kích ứng đau đầu: Nếu có thể thì bạn nên tránh những khu vực có ánh sáng chói thường xuyên, hoặc có tiếng ồn lớn vì chúng có thể gây kích thích hệ thần kinh, dẫn tới đau đầu.
- Đảm bảo ánh sáng phù hợp: Nếu ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu đều có thể gây đau đầu, nhất là đau nửa đầu và đau đầu hai bên thái dương và mắt. Do đó bạn hãy đảm bảo rằng nơi làm việc có đủ ánh sáng cần cho mắt quan sát. Sử dụng rèm cửa, bức bình phong hoặc kính râm để giảm tác động của ánh sáng mạnh tới mắt.
- Uống nước thường xuyên: Khi thiếu nước, chúng ta không chỉ đau đầu mà còn xuất hiện thêm nhiều biểu hiện khác trên cơ thể như chóng mặt, buồn nôn. Do đó cần nạp khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra cũng nên tránh dùng quá nhiều cafein và rượu, vì chúng có thể gây ra sự mất nước và tăng nguy cơ đau đầu.
- Thư giãn và nghỉ ngơi khi đau đầu: Bạn nên thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi hoặc xuất hiện dấu hiệu đau nhức trong đầu. Hãy dừng công việc và nghỉ ngơi trong một môi trường yên tĩnh, thực hiện các bài tập thư giãn và hít thở sâu để giảm căng thẳng.
- Đảm bảo giấc ngủ chất lượng: Một giấc ngủ đủ và chất lượng sẽ khiến cho cơ thể và tinh thần bạn khỏe mạnh, tránh căng thẳng rất tốt. Vì thế hãy đảm bảo bạn có giấc ngủ sâu hàng đêm và duy trì một môi trường ngủ thoải mái và yên tĩnh.
- Vận động cơ thể mỗi ngày: Người bị đau đầu ngoài áp dụng các phương pháp phòng ngừa trên thì đặc biệt nên tham gia các hoạt động thể chất như yoga, tập thể dục, hoặc massage để hạn chế đau đầu.
Các vị trí đau đầu nguy hiểm có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề bất thường của sức khỏe, cần xử lý nhanh chóng và đúng cách để tránh hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn đang bị tình trạng đau nhức ở một trong các vị trí trên, cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
